Nhà thơ Lê Thị Mây: Nỗi buồn như con cọp rình mồi tháng chạp
Như con cọp rình mồi tháng chạp
Ngủ yêu trong lau sậy lòng tôi"
Tôi muốn bắt đầu bức chân dung nữ thi sỹ Lê Thị Mây, bằng bài thơ “Nỗi buồn” chị viết lúc hơn 20 tuổi. Bài thơ như một bức chân dung chị tự vẽ về mình, vẽ bằng những linh cảm mơ hồ của một trái tim thiếu nữ biết linh đoán trước cuộc đời và số phận.
Ngay từ thuở ấu thơ, khi còn là đứa trẻ tóc cháy nắng, ngón chân thô sần bởi suốt ngày thọc sâu trên cát bỏng theo trẻ con chơi chắt chơi chuyền, thì chị đã không giống những đứa trẻ lấm lem muối cát khác. Những trưa nắng cháy, chị đã thì thầm cho lũ bạn cùng trang lứa nghe những câu chuyện cổ tích từ sự mơ mộng và khát vọng của mình.
Chị thì thầm với lũ bạn: rằng ngày xưa họ hàng tao con quan giàu nhất xứ Quảng, sau một trận bão cát, cả sản nghiệp và cơ ngơi của dòng họ bị vùi xuống cát. Chỗ ni chính là nơi gia tộc nhà tao đã cất dựng nên. Dưới cát chỗ ni là nhà kho nơi cất giấu của cải.
Cứ thế hằng trưa. Lũ trẻ con mọc ra trên cồn cát Bảo Ninh nghèo khổ và khắc nghiệt ấy há hốc mồm cùng mơ những giấc mơ ban trưa của chị. Rồi cùng hè nhau đào cát tìm vàng, bởi đêm qua tao đã mơ thấy cụ nội về dắt tay chỉ dưới gốc dứa dại này 5 hũ vàng của gia tộc vẫn còn chôn sâu dưới đó.
Cả bọn hì hục đào dưới nắng cháy, giấc mơ vẫn nằm sâu thẳm đâu đó trong lòng đất cát, mà những đứa trẻ lắm khát vọng không nguôi hy vọng. Mơ bắt được vàng, tìm được vàng để trở thành những công chúa hoàng tử như trong những câu chuyện cổ tích của ông bà đã kể để xua đi cái nghèo đói, cái rét mướt hằng đêm là giấc mơ da diết nhất, cuồng nhiệt nhất của tất cả những đứa trẻ nông thôn lầm lũi sinh ra từ nghèo khó.
Suốt tuổi ấu thơ, không lúc nào tôi không mơ bắt được vàng, để có thể biến ngôi nhà tranh vách đất dột nát và tối tăm thành một lâu đài xinh đẹp, để những bộ quần áo rực rỡ thay cho những chiếc áo vá chằng chịt những mảnh tích kê thời bao cấp. Nghèo đói và khổ, nên mơ cả khi ngủ hay đang thức, mơ triền miên một phép nhiệm mầu để nhà mình thoát khỏi cảnh nghèo.
Và có lẽ, những ai định mệnh đã bắt làm thi sỹ, văn sỹ thì cái khát vọng, hoài bão và niềm mơ mộng không bao giờ ngừng tắt trong tâm hồn đã bộc lộ từ ấu thơ. Như là sự dẫn dắt kỳ lạ của số phận. Cho dù Lê Thị Mây bắt đầu đời mình bằng những nghề nghiệp khác nhau không liên quan đến con đường thi sỹ nổi tiếng của chị sau này.
Và không ai có thể biết trước được người con gái trong mịt mù xứ cát ấy, trong lửa đạn chiến trường khắc nghiệt ấy, và trong cái công việc bình thường nhất làm tạp vụ ở một cơ quan văn nghệ ấy sau này đã trở thành một nhà thơ khá nổi tiếng với một giọng thơ rất đặc biệt trong số những nhà thơ nữ Việt Nam.
Lê Thị Mây đã chiếm lĩnh bạn đọc một thời gian dài bởi những bài thơ xuất thần, tài hoa và sâu sắc khi nói về tình yêu, về thân phận của những người đàn bà đi qua chiến tranh. "Ruộng người cuốc bẫm cày sâu/ Một đôi đon mạ thắt bầu lưng ong/ Ruộng em lo cưới chửa xong/ Một bồ thóc giống một nong con tằm/ Trai làng áo lính về thăm/ Cây rơm treo một khuôn rằm cầu hôn". "Anh khoác ba lô về/ đất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày".
Tôi đọc và yêu thơ Lê Thị Mây rất nhiều năm trước khi tôi biết chị. Biết chị rồi cũng khó gặp chị bởi lâu nay, sau khi lập gia đình, chị như sống ẩn mình. Tôi ví chị như một tảng đá nằm sâu trong núi cao, một tảng đá với những vỉa quặng quý báu. Một cái cây chắc chắn giữa đại ngàn, cây mang trong mình thứ gỗ quý tỏa hương.
Tôi tìm được chị muộn, níu chị ghé chân trên cái quãng đường chị đang chạy "việt dã" vì công việc. Một thoáng trò chuyện thôi để tôi tóm lấy người đàn bà thơ trong chị rõ hơn, người thi sỹ như con cá đuôi vàng trong đêm sinh nở, con nai vàng ngơ ngác tìm ăn cỏ, và con cọp tháng chạp đang rình mồi giấu trong lòng sâu thẳm hang yêu, giấu trong lòng bao nhiêu lau sậy và sương giá.
Chị là "một người đàn bà làm thơ trong nén sâu và im lặng. Mỗi chữ là lệ của hạnh phúc, khổ đau". Không hiểu sao, tôi thích nhìn chị ở cái hình ảnh chị đã vẽ rất chính xác về cái bóng của mình: "Con cọp đang rình mồi tháng chạp".
Chị nói mỗi lần chị bước ra khỏi nhà, chị đi, chị thở và chị sống cái đời sống riêng của chị, thì chị thuộc về con cọp. Một con cọp quyết liệt, một mãnh hổ thu mình chờ đợi một sự bùng nổ từ chính mình.
Thơ Lê Thị Mây khác với cuộc đời thực của chị, khác đến mức tôi cứ tưởng tượng như người phụ nữ ngồi trước mặt mình chưa từng là người đàn bà trong thơ. Nhưng ngẫm cho sâu, cho kỹ thì đúng thật, người đàn bà thơ trong bồn bộn tác phẩm, bồn bộn trang viết ấy phải là chị chứ không thể là ai khác.
Một tâm hồn mãnh liệt và đa mang ấy, phải là của chị. Một tâm hồn đầy rung cảm, sâu thẳm đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng phải là chị chứ không thể là của ai khác. "Nửa vầng trăng / Lang thang/ Trôi giữa rạng ngày xanh tái/ Ôi giấc mơ/ Bị cắt hết máu/ Giấc mơ/ Của người thiếu phụ chờ chồng”.
Bao nhiêu sự duyên dáng, xinh đẹp và gợi cảm chị chắt chiu, dành dụm và trút hết vào thơ, dành cho thơ. Bên ngoài chị là một người đàn bà giản đơn, không quan tâm nhan sắc như muôn ngàn người đàn bà khác.
Chị dành tất cả cho con đường thơ, và khi đó, con cọp trong chị dường như đang bước ra từ phiên bản chị để lao động cật lực, để đạt bằng được cái đích chị đã vạch sẵn. Phải là một tâm hồn vô cùng mẫn cảm trước cái đẹp, hạnh phúc và nỗi đau.
Biết chịu đựng, và biết hát ca trong im lặng, biết dồn nén đầy chật trong thâm sâu của cõi lòng thì chị mới bật viết những câu thơ giàu hình ảnh, những câu thơ phát sáng và xuyên thấu hồn người như thế: "Con sông đói quặn khúc bờ đau thắt", "Hỡi vầng trăng mất ngủ thâm quầng", "Con rô đập bùn như một trái tim non", "Lá lúa ơi đừng quăng cái đuôi thon/ Không trổ được cái đòng non đừng đắng"...--PageBreak--
Mở những trang thơ của chị, những câu thơ chị viết một mình, trong im lặng, trong miên man của ký ức, trong dòng chạy ạt ào của tâm tưởng, tôi bước vào thế giới tình cảm của chị vừa đi, vừa mê hút. Có một người đàn bà khác trong Lê Thị Mây rạng rỡ và lộng lẫy trong niềm đau và hạnh phúc.
Người đàn bà đó hiện lên rõ ràng lắm, bằng xương bằng thịt, phả ra hơi thở nóng hổi của hạnh phúc, nghe rõ tiếng thở dài, cả những giọt nước mắt đau buốt trong cõi riêng của mình. Đó mới thực là Lê Thị Mây, mới thực là chị với đầy đặn yêu thương và khao khát.
Những câu thơ của một tâm hồn nữ tính, đầy rung động và gợi cảm nhưng lại mạnh mẽ quyết liệt hơn ai hết: "Gió quả phụ/ Rời khỏi vòng của bình minh và cỏ/ Căng nhịp thở/ Sau nhiều ân ái đêm". "Ta chơi với cỏ chiều nay/ Khóc đàn châu chấu vội bay về trời/ Buồn đem ra ngõ ta phơi/ Cho người nhìn thấy đôi lời đã quên".
Có ai biết ẩn giấu sau sự thô mộc xù xì kia là một tâm hồn yêu mãnh liệt. Chị đã đi từ nỗi đau chỉ riêng mình biết: "Nỡ nào bứt ngọn cỏ xanh/ Đau em chợt trút cho thành đau cây". Đến sự quyết liệt một cách ngạo mạn và cay đắng: "Nửa ly rượu mạnh/ Ngấm lửa không tàn/ Em dốc cạn/ Cuộc đời anh/ Và uống/ Cũng không hết khát một mình/ Cũng không sao đỏ được má mùa xuân".
Và hờn ghen một cách khủng khiếp: "Nếu em xé - tâm hồn anh rách nát/ Ném xuống ao hồ - tâm hồn anh sẽ bùn đất nhuốc nhơ/ Nhờ lửa đốt - tâm hồn anh sẽ giá băng độc địa/ Ôi những mẩu giấy hẹn hò tờ lịch đỏ và cả vị ngọt ngào trên môi buộc em phải làm ngơ/ Buộc em phải để chúng yên bên trái bài ca/... Lấy bốn mùa em phủ định từ nay/ đêm rụng tóc lặng im thay cho máu chảy thay cho cái chết/ Em gõ cửa trái tim anh cầm trong tay số phận mình ngơ ngác/ Rồi quay lưng với tất cả, em uống đầy ngực, đầy mắt hơi thở anh chưa tan, ánh sáng của phút giây anh buồn/ Em buộc phải để yên quá khứ, để yên bên trái bài ca".
Sau những yêu thương, hoài bão, khát vọng và cả những đổ vỡ, người đàn bà khắt khe với chính mình một cách nghiệt ngã, cầu toàn với chính mình một cách cực đoan, cuối cùng Lê Thị Mây cũng tìm ra người đàn ông cho bến đỗ đời mình.
Hạnh phúc đến với chị muộn mằn khi chị đã gần 50 tuổi. "Anh người đến sau cùng/ Chỉ huy dàn hợp xướng/ Những nốt tình tàn phai/ Trong tim em giao hưởng". "Tôi tha mãi cọng rơm chiều chưa xây tổ/ Mái tóc liệm trái tim chưa ngừng đập/ Tôi yêu người đến thuở ấy bơ vơ". "Không ai yêu như tôi yêu nhiều đến thế/ Tuổi tình yêu dài trọn cuộc đời/ Không mệt mỏi trái tim nồng bốc lửa/ Chợt đến kia, người sau chót đến rồi".
Chị nói nhiều cho tôi nghe về tình yêu đích thực của đời chị, cái hạnh phúc mà chị cầm nắm được trên tay bằng xương bằng thịt với tất cả những yêu thương, ấm áp của một trái tim biết đón nhận và biết chịu đựng. Chị nói, giá như chị gặp anh sớm hơn, chị sẽ nhận được ở cuộc đời nhiều hạnh phúc hơn thế. Để không phải chạnh lòng những cái tết hao khuyết đầy vơi: "Pháo nổ giật mình mở trang lệ/ Nhà bên hàng xóm ríu rít con/ Vú em yếm hồng câu đối đỏ".
Nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó trong đôi mắt đong đầy khát vọng và hoài bão của một con cọp đang rình mồi tháng chạp trong chị. Con cọp thức giấc và trở dậy trút bỏ chiếc vỏ bọc nhẫn nhịn, trầm tĩnh. Đêm đêm thức giấc ngồi một mình trong bóng đêm và để cho những câu thơ mặn chát chảy tràn trên giấy trắng. Trong bóng đêm thăm thẳm ấy, chỉ mình chị với những câu thơ còn thức. Chỉ mình chị trong miên man những cuộc lang thang bất tận.
Chị từng thổ lộ với tôi, chị mơ ước một sự xê dịch, một sự dịch chuyển miên man trong đời sống này. Đi, đến và đi là hơi thở, là hạnh phúc là cuộc sống mà chị khát. Nhưng có phải bao giờ cũng thỏa mãn được khát vọng. Tình yêu của người đàn ông sau cuối mà có lúc bạn bè chị vẫn gọi đùa là sự "cầm tù dịu dàng nhất" đã bao bọc lấy chị, bủa vây chị.
Có những lúc chị nổi loạn với trái tim mình: "Em đã không dịu dàng em to tiếng/ để đánh thức mình đứa trẻ ngủ mê/ để báo tiếng chuông trái tim em nhận biết/ Chẳng bao giờ em mặc áo búp bê".
Thi sỹ như chị không cần những chăm sóc về mặt vật chất, bởi vật chất có nghĩa gì đâu, nếu một ngày chị không được tự do với trang viết của mình, không được lang thang với bạn bè, tiêu pha thời gian cho những đam mê phụ nữ.
Trái tim chị hiểu rằng chị đang được yêu thương, được chăm sóc, được chiều chuộng, nhưng với một thi sỹ như chị, có lẽ tất cả những thứ đó vừa quan trọng, cũng vừa không quan trọng bằng việc chị được sống, tự do sáng tác và yêu thương theo cách của mình. "Khoảng cách tình yêu báo tiếng chuông vĩnh biệt/ Anh đừng tin em chết đuối trên bờ/ Hồn em bơi trong mắt anh nghìn con sóng/ Chẳng dịu dàng càng dữ dội bơ vơ".
Chị thở dài, đôi mắt cười chan chứa. Đó cũng là số mệnh mà chị tự nguyện đón nhận. Mong rằng rồi đây trên con đường chị đã vạch sẵn những tiêu chí để đi tới đích, chị sẽ hạnh phúc hơn, ấm lòng hơn vì có anh để nương tựa