Nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ: Một chứng nhân lịch sử

Thứ Hai, 16/06/2008, 08:45
Lần đầu gặp ông, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước mắt tôi là một ông già vóc người nhỏ bé, giọng nói từ từ, chậm rãi. Dường như chẳng có gì ăn nhập giữa ông già này với những trọng trách công việc từng đảm nhận. Cuộc đời ông gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Ông cũng là người có may mắn được quen biết và làm việc cùng với nhiều yếu nhân...

Mỗi khi được trò chuyện cùng ông, tôi lại nhớ đến câu thơ của E. Eptusencô: Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ. Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?

Tuy là lớp con cháu, nhưng tôi được gặp gỡ và quen biết nhà báo lão thành, nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ từ mấy chục năm trước đây.

Dạo đó tôi mới về Viện Văn học, cùng làm việc ở Ban Văn học Việt Nam hiện đại với chị Bích Thu - con gái ông. Một buổi chiều muộn, sau giờ làm việc, chị Thu rủ tôi đến thăm ông. Hai chị em đạp xe đến khu tập thể Kim Liên. Hôm đó ông bị ốm. Chúng tôi chờ mãi ông mới ra mở cửa, bước chân chậm rãi và chiếc khăn quàng to sụ quấn quanh cổ. Thấy chúng tôi đến, ông vui lắm. S

au một hồi trò chuyện, ông có vẻ nhanh nhẹn và đỡ mệt hơn. Cách nói chuyện của ông rất giản dị và gần gũi. Mọi sự rụt rè e ngại của tôi nhanh chóng bị xua tan. Sau lần đó, thỉnh thoảng tôi lại cùng chị Thu đến thăm ông. Lâu lâu chị Thu lại nói với tôi: ông Vỹ hỏi thăm em đấy.

Thời gian sau này, khi chị Bích Thu đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tôi lại đến gặp ông nhiều lần nữa vì công việc. Tôi đến để ghi lại những tư liệu về Thái Dương Văn Đoàn - nhóm văn học được thành lập ở Quy Nhơn năm 1937, mà ông là một thành viên sáng lập với những thi sĩ rất nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, Phú Sơn, Hoàng Diệp…

Những trang đời ông chứa nhiều giông bão ngay từ thuở thiếu thời và gắn liền với nhiều mốc lịch sử của dân tộc.

Nguyễn Minh Vỹ tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914 trong một gia đình quan lại Hoàng tộc thuộc triều đình Huế. Năm 1927, cậu bé Tôn Thất Vỹ 13 tuổi đã được vào học ở Trường Quốc học Vinh - ngôi trường vốn nổi tiếng vì có nhiều thầy giáo và học sinh giỏi, có tư tưởng tiến bộ. Vì thế nên cậu học sinh này có ý thức đến với cách mạng từ rất sớm.

Học đến năm thứ hai, Tôn Thất Vỹ bị đuổi học vì tham gia bãi khoá. Được gia đình chuyển về Trường Quốc học Quy Nhơn. Ở đây chàng thanh niên Hoàng tộc lại tiếp tục liên hệ với "tổ chức", chẳng những được vào "Sinh hội đỏ" mà còn được vào Thanh niên Cộng sản Đoàn.

Vào Thanh niên thuở đó là phải có quá trình thử thách, rèn luyện, có hai người giới thiệu, làm lễ kết nạp như vào Đảng vậy. Hoạt động cách mạng bị địch phát hiện, Tôn Thất Vỹ bị bắt giam. Năm 1931 bị Toà án Nam triều tỉnh Bình Định tuyên án bảy năm tù khổ sai. Kèm theo án tù là một án phụ đối với những người thuộc Hoàng phái là không được ở trong hàng ngũ Hoàng tộc nữa, phải đổi theo họ mẹ "Tước Tôn tịch cải tùng mẫu tánh". Tôn Thất Vỹ phải đổi theo họ mẹ thành Trương Vỹ. Từ đây, Hoàng tộc mất một thành viên và trong hàng ngũ cách mạng có thêm một người con ưu tú!

Khi nghe Toà tuyên án, nhà cách mạng liền ứng khẩu một bài thơ: Nghe án tuyên xong bỗng nực cười. Tội gì mà xử bảy năm trời. Công lao cách mạng chưa tròn vẹn. Thân thể hoàng gia đã tả tơi. Đập đá lâu năm lòng vẫn vững. Ở tù lắm bạn dạ càng vui. Cải tùng mẫu tánh thì cho cải. Tôn Thất hay Trương cũng một người.

Khi ở trong tù cũng như sau này đi hoạt động, việc đổi họ lại là điều có lợi cho tuyên truyền cách mạng. Mỗi khi giải đáp cho ai đó hỏi: "Nghe nói anh là Tôn Thất kia mà, sao lại xưng là Trương?" là ông lại có dịp để nói về quá trình tham gia cách mạng và bị án do đế quốc phong kiến xử.

Sau này dưới chính thể mới, theo quy định của pháp luật, ông xin đổi lại họ, nhưng không trở lại họ Tôn Thất nữa mà quyết định theo suy nghĩ của mình, lấy họ Nguyễn theo huyết thống tự nhiên, đồng thời lấy chữ Minh trong tên Bác là chữ lót để ngụ ý theo dòng cách mạng của Đảng, của Bác, lấy điều đó truyền cho con cháu. Do đó, năm 1954, Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ đã ra Nghị định số 527MN- TOC:

   "Nay cho ông Tôn Thất Vỹ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà, hiện công tác ở Liên Việt Liên khu V được đổi họ như sau:

Tôn Thất Vỹ đổi thành Nguyễn Minh Vỹ.

Miền Nam, ngày 1 tháng 10 năm 1954

KT/CHỦ TỊCH HÀNH CHÍNH MNTB

                                Ủy viên

                                 Phạm Ngọc Quế"

Là người con của xứ Huế, nhưng cuộc đời Nguyễn Minh Vỹ gắn bó sâu nặng với Nha Trang (Khánh Hoà). Ông coi đây là quê hương thứ hai của mình và đã dành cho mảnh đất này bao tình thương mến: Nha Trang ơi! Khánh Hoà ơi! Mỗi tên đất, mỗi tên người. Là bao hình ảnh, bao lời mến thương! Sau khi ra tù, ông về hoạt động ở Quy Nhơn, tham gia Tỉnh ủy lâm thời. Vừa hoạt động chính trị, ông vừa tham gia hoạt động văn học trong nhóm Thái Dương Văn Đoàn. Nhóm này lúc đó gồm toàn các nhà thơ trẻ 15, 16 tuổi, người nhiều nhất cũng chỉ mới ngoài 20.

Tập "Nắng xuân" đã in những bài thơ văn đầu tiên của cả nhóm, trong đó có những bài thơ Chàm đầu tiên của Chế Lan Viên, những bài thơ tươi sáng của Hàn Mặc Tử trong thời kỳ chưa phát bệnh. Ngay từ thời đó một tình bạn tri âm tri kỷ đã nảy sinh giữa Nguyễn Minh Vỹ và Chế Lan Viên. Kỷ niệm về thời gian sống ở thành Bình Định cổ kính với những câu chuyện về lịch sử, về văn chương, về cách mạng… mà Nguyễn Minh Vỹ đã "rót" vào tâm hồn Chế Lan Viên ngày ấy có một ý nghĩa thật lớn.

Những năm sau này, ít có điều kiện gặp nhau vì cách xa về địa lý nhưng hai người vẫn trao đổi thư từ, vẫn nhớ đến nhau trong các bài báo, trang viết. Khi gửi tặng Nguyễn Minh Vỹ số báo Văn nghệ có bài ký Bước đầu của tôi, Chế Lan Viên đã viết thật cảm động: "Kính tặng anh Nguyễn Minh Vỹ, người đã đưa tôi vào con đường văn học" (1-7-1986).

Mỗi khi nhắc đến Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Vỹ thường âu yếm gọi là "cậu Hoan". Trong một bài viết của ông có đoạn: "…Anh nhớ lại lần chúng ta cùng đi công tác với nhau, tham gia cuộc gặp gỡ những người trí thức "Vì Việt Nam" ở Pari năm 1968, với GS Hoàng Minh Giám là trưởng đoàn. Năm ấy cậu còn trẻ lắm, còn "xinh trai" lắm tuy đã suýt soát tuổi 50 và tiếng tăm thơ văn của cậu, Hoan ạ, cậu đã là "vedette" của cuộc họp…".

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Minh Vỹ được cử làm Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà. Khi có lệnh tập kết, ông là người phụ trách Hội đồng tập kết Liên khu V, đồng thời phụ trách Quân cảng Quy Nhơn. Ấn tượng sâu đậm của những ngày tháng đặc biệt đó đã được ông thể hiện trong bài bút ký "Quy Nhơn, giờ tạm biệt", ghi lại trên chuyến tàu tập kết cuối cùng ngày 16/5/1955.

Ra miền Bắc, ông lại được giao nhiệm vụ mới, trực tiếp tham gia tuyên truyền cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Ông đã từng là Vụ trưởng Vụ Quan hệ Bắc Nam, Chủ nhiệm báo Thống nhất, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà từ khoá I năm 1946.

Do tình hình đất nước chia cắt nên ông vẫn giữ trọng trách đó cho đến kỳ Tổng tuyển cử Quốc hội khoá II trong cả nước năm 1976. Kỳ họp Quốc hội giữa năm 1962 diễn ra đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ chuẩn bị đưa quân ồ ạt vào miền Nam và lập Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại đây. Là thành viên Tiểu ban miền Nam của Quốc hội, Nguyễn Minh Vỹ được giao nhiệm vụ soạn bản dự thảo tuyên bố của Quốc hội.

Bác trực tiếp nhắc ông một cách ngắn gọn: "Mỹ họ nghiên cứu kỹ đấy". Theo lời Bác dặn, ông đã cân nhắc từng chữ một, sao cho vừa có ý nghĩa pháp lý, tố cáo mạnh mẽ hành động của kẻ địch, vừa có tác động cổ vũ đấu tranh, kích thích dư luận tiến bộ ủng hộ ta. Ông đã cố gắng hết sức mình với sự tham gia của nhiều vị đại biểu, nhất là đại biểu miền Nam để có một bản dự thảo tương đối chặt chẽ trình Bác duyệt.

Bác đã đồng ý cơ bản về nội dung, chỉ sửa một vài ý nhỏ. Bác đích thân sửa từng chữ, từng dấu phẩy, từng gạch nối, đảo ngược từ này, cắt bớt từ kia… rồi ghi chuyển cho đồng chí Trường Chinh lúc đó là Trưởng ban Thường trực Quốc hội và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem thêm.

Văn kiện cuối cùng sau đã được phiên họp toàn thể của Quốc hội thông qua. Đó là một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời "dân biểu" của ông. Sau này ông đã tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bản dự thảo Tuyên bố có bút tích sửa chữa của Người với mong muốn để đồng bào cả nước có dịp hiểu thêm về tấm lòng của Bác đối với cách mạng miền Nam, hiểu thêm câu nói: "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi" của vị Cha già dân tộc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Nguyễn Minh Vỹ có nhiều sự kiện đáng nhớ, nhưng quãng thời gian tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam đã để lại trong ông những hồi ức sâu đậm.

Đoàn đại biểu của Chính phủ ta do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, Nguyễn Minh Vỹ làm Phó trưởng đoàn. Hội nghị tiến hành từ năm 1968 đến 1973, theo ghi chép chi tiết của ông là kéo dài 4 năm 8 tháng 20 ngày (từ ngày khai mạc 7/5/1968 đến ngày ký chính thức 27/1/1973 lúc 11h sáng, giờ Pari). Điều đáng chú ý là thành phần lãnh đạo của Đoàn ta vẫn giữ nguyên trong suốt thời gian Hội nghị, trong khi đó phía Mỹ thay đổi nhân sự đến 5 lần.

Là một nhân chứng, một người trong cuộc, Nguyễn Minh Vỹ đã ghi lại những sự việc, những con người, những bước đi… của Hội nghị qua một số bài hồi ký có giá trị tư liệu lịch sử khá sâu sắc. Cùng với các thành viên trong Đoàn, hai vị lãnh đạo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó.

Các ông hoạt động ngoại giao theo phương thức "hai địa chỉ". Không chỉ là ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ, không phải chỉ là ngoại giao trên bàn Hội nghị, bàn cãi, "mặc cả" với nhau, đóng kín trong phòng họp, mà còn kết hợp với ngoại giao nhân dân, công khai vận động quần chúng, lấy nhân dân làm hậu thuẫn, thường xuyên tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, với báo chí, kể cả báo chí đối lập, đó là những yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần vào thắng lợi ngoại giao của ta.

Các thành viên trong Đoàn thường nhắc nhở với nhau lời dạy của Bác trước khi Đoàn lên đường, thông qua Bộ trưởng Xuân Thuỷ: "Các chú sang Pháp lần này sướng hơn Bác sang Pháp năm 1946 nhiều. Ở nhà ta chiến thắng, thế giới ngày càng hiểu ta, ủng hộ ta. Ngồi ở Pari mà tố đế quốc Mỹ thì sướng lắm! Nhưng luôn nhớ Mỹ là nước lớn, nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý cũng như trước đây ta hay nói Tây có hai thứ Tây: Tây thực dân và Tây nhân dân, cho nên phải nói năng cho khôn khéo".

Sau những năm tháng hoạt động sôi nổi và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, năm 1980, ông về hưu, sống thanh bạch, giản dị cùng con cháu. Lúc này có thời gian rảnh rỗi, máu viết lách trong người ông được hâm nóng trở lại. Ông viết báo, ghi hồi ký, làm thơ tặng con cháu, bạn bè và trang trải lòng mình qua những con chữ.

Một cuộc đời dù sôi động đến mấy cũng không thoát ra được vòng luân hồi của lẽ tử sinh. Thời gian cuối đời, ông cũng phải trải qua sự giày vò của gánh nặng tuổi tác và bệnh tật hiểm nghèo. Ông mất năm 2002, thọ 88 tuổi.

Lúc sinh thời, ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý cho các hoạt động trên nhiều lĩnh vực của mình. Trong đó quan trọng nhất là Huân chương Độc lập hạng nhất. Mới đây, đầu năm 2008, nhà báo, nhà hoạt động ngoại giao, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ lại được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh

.
.