Người Việt hiện đại có cần phải học Hán Nôm hay không?

Thứ Ba, 20/09/2016, 05:54
Việc sử dụng tiếng Việt hiện nay có nhiều vấn đề cần báo động nhưng không phải vì lý do người Việt hiện đại không học Hán Nôm mà là do những yếu kém trong nền giáo dục Việt Nam hiện đại mà thôi. 


Ông Tô Thành Vỹ, TP Huế: Thưa nhà báo, thời gian này, các nhà nghiên cứu Hán Nôm, các nhà giáo dục và những người quan tâm đến văn hóa dân tộc và giáo dục đang luận bàn về việc có nên đưa Hán Nôm vào là môn học bắt buộc đối với học sinh hay không? 

Có những nhà nghiên cứu Hán Nôm cho rằng phải học Hán Nôm mới giữ được sự trong sáng của tiếng Việt và văn hóa Việt. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng việc đó không hẳn là như vậy. Lại có ý kiến cho rằng nếu học sinh bây giờ chú trọng môn Hán Nôm thì có nguy cơ làm chậm lại sự phát triển của xã hội. Cá nhân tôi muốn biết ý kiến của nhà báo trong việc này như thế nào?

Nhà báo Minh Đức: Thưa ông Tô Thành Vỹ, câu hỏi của ông đã đưa ra những điểm cơ bản nhất trong cuộc tranh luận hiện nay về việc học sinh có bắt buộc phải học Hán Nôm hay không? Tôi thấy, đây là một vấn đề cần phải bàn luận một cách hết sức kỹ lưỡng và nghiêm túc trên tinh thần khoa học một cách thuần túy. Có ý kiến đề cập đến vấn đề tâm lý đối với việc học Hán Nôm của học sinh nói riêng và người Việt nói chung hiện nay. 

Theo cách nhìn của tôi, vấn đề tâm lý đó là vấn đề liên quan đến Trung Quốc, một quốc gia đang gây ra nhiều phản ứng trong việc hành xử với vấn đề biển Đông đối với một số nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam hiện nay. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề tâm lý này không nên đặt ra vì nếu chúng ta cứ có vấn đề với một quốc gia nào đó mà không học ngôn ngữ của họ hay liên quan đến ngôn ngữ của họ là một sai lầm. 

Trong quá khứ, chúng ta đã mắc những sai lầm như thế. Nhưng hiện nay chúng ta cũng đã nhận ra sai lầm ấu trĩ ấy. Bởi ngôn ngữ là khoa học, là văn hóa và cũng là nghệ thuật của nhân loại cho dù ngôn ngữ đó là của một cộng đồng nhỏ và có thể không có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển nói chung của nhân loại.

Minh họa: Lê Phương.

Chúng ta đều biết, vị trí của Hán Nôm trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Nhưng phải nói rằng: khi chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của người Việt Nam và chắc chắn là mãi mãi sau này thì nó đã mang đến một sự thay đổi vô cùng lớn lao và quan trọng cho Việt Nam. Hán Nôm là một trong những yếu tố làm nên văn hóa Việt nhưng không phải là tất cả. 

Có nhiều yếu tố làm nên văn hóa Việt nhưng bây giờ chỉ có thể coi là di sản. Văn hóa của mỗi đất nước luôn là sự kế thừa và bổ sung chứ không bao giờ là một sự bất biến. Người Việt Nam hiện đại đã và đang bổ sung vào văn hóa dân tộc những yếu tố mới mẻ và riêng biệt. 

Chúng ta thay đổi kiến trúc, thay đổi y phục, thay đổi ẩm thực... một cách cơ bản so với kiến trúc, y phục hay ẩm thực của người Việt Nam trước kia. Nhưng chúng ta vẫn làm nên một nước Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đại. Ý kiến về việc học sinh cần phải học Hán Nôm trong các trường phổ thông phải được xem xét thật thấu đáo. 

Trên thế giới, không ít các dân tộc đã không sử dụng chữ viết của tổ tiên họ trong đời sống hiện nay nhưng họ vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Rất nhiều người Việt Nam hiện nay đặc biệt là tầng lớp trí thức và văn nghệ sỹ không có khả năng viết hay nói Hán Nôm nhưng họ vẫn là những người trong sử dụng ngôn ngữ và trong sáng tạo giữ được những tinh hoa văn hóa dân tộc. 

Việc sử dụng tiếng Việt hiện nay có nhiều vấn đề cần báo động nhưng không phải vì lý do người Việt hiện đại không học Hán Nôm mà là do những yếu kém trong nền giáo dục Việt Nam hiện đại mà thôi. Nhưng tôi cũng hoàn toàn đồng ý nếu chúng ta có thể đưa Hán Nôm thành một bộ môn trong các trường học. 

Có những người nước ngoài học và nghiên cứu một số ngôn ngữ cổ của các tộc người không thuộc quốc gia họ. Họ học để nghiên cứu hoặc học để hiểu thêm nhân loại. Vì thế việc học Hán Nôm ở Việt Nam cũng nên coi như học nhiều bộ môn khác khi thấy phù hợp. 

Đó là môn học để người Việt Nam hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của dân tộc mình chứ không phải là môn học sống còn đối với đất nước. Vấn đề là chúng ta dạy môn học này với cách nhìn thế nào. Ngay môn Lịch sử là một môn học thực sự quan trọng mà chúng ta đã có nhiều hạn chế và cả sai lầm trong dạy môn học này. 

Nếu bây giờ tôi là một học sinh, tôi cũng đồng ý với việc học môn Hán Nôm để được hiểu biết thêm một ngôn ngữ mà ông cha ta đã sử dụng trong một thời gian dài trong lịch sử văn hóa nước nhà. 

Nhưng Hán Nôm cũng có thể không cần được dạy như một bộ môn riêng biệt mà nó là một phần trong môn Ngữ văn của học sinh ở các cấp phổ thông trung học. Bởi trong chữ quốc ngữ, số lượng các từ Hán - Việt chiếm một phần không nhỏ. Nếu các giáo viên dạy Ngữ văn biết Hán Nôm thì việc dạy Ngữ văn hiện nay sẽ sống động và sâu sắc hơn. Khi đó, một số tiết học Hán Nôm sẽ được lồng trong chương trình của môn Ngữ văn. 

Phần học Hán Nôm sẽ liên quan trực tiếp đến kiến thức chung của môn Ngữ văn và trong các bài thi cũng có những câu hỏi cho phần Hán Nôm. Còn đối với sinh viên ở các trường đại học thì nội dung của phần học Hán Nôm sẽ chuyên sâu hơn. Cách dạy và học như thế tôi nghĩ có thể mang lại hiệu quả cho môn học này.

Có một số người quan niệm học Hán Nôm là làm chậm sự phát triển của đất nước. Đấy là cách nhìn có phần cực đoan. Cũng như quan niệm nếu không học Hán Nôm là nguy cơ làm cho tiếng Việt trở nên không trong sáng hay đánh mất bản sắc dân tộc. 

Chúng ta đừng coi việc học Hán Nôm là có tính quyết định tới tiếng Việt hiện nay hay làm mất bản sắc dân tộc mà cũng không nên coi đó là một ngôn ngữ đã chết. Vấn đề là chúng ta hiểu nó là gì và giữ gìn nó như thế nào trong di sản văn hóa Việt. Cũng như chúng ta không thể coi lễ hội dân gian như là sinh hoạt thường ngày mà chỉ coi đó là di sản. 

Từ những di sản ấy, người Việt Nam hiểu rõ hơn lịch sử và văn hóa Việt và phát huy những yếu tố có tính phi thời gian cho việc xây dựng một đời sống văn hóa Việt trong một thế giới phẳng và hội nhập toàn phần như hiện nay.

Một môn học mà tôi thấy cần phải học như một môn bắt buộc là tiếng Anh. Mới đây, Chính phủ cũng đã kêu gọi đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo để có thể lúc nào đó coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của người Việt. 

Bởi cho đến bây giờ, sự cần thiết của tiếng Anh trong giao lưu, nghiên cứu và phát triển xã hội là vô cùng cần thiết. Hầu hết các nước trên thế giới đã coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. 

Rất nhiều các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines, Malaysia, Thái Lan... người dân của họ nói và viết tiếng Anh khá thông thạo. Trong khi đó, các nước này lại là những nước giữ gìn tốt nhất bản sắc dân tộc họ. Trong khi chúng ta tiếng Anh cũng không phổ cập và tiếng Việt cũng đang có nhiều nỗi lo.

Điều mà tôi thấy các chuyên gia và các nhà giáo dục lên tiếng và đặt vấn đề học Hán Nôm đã cho chúng ta nhận ra một điều hệ trọng là: chúng ta phải ứng xử lại với các di sản văn hóa truyền thống hay lịch sử của đất nước. Hán Nôm là một trong những di sản vô giá của người Việt Nam. 

Nhưng những di sản ấy được nhìn nhận, được gìn giữ và truyền bá như thế nào để những di sản ấy trở thành động lực cho việc xây dựng một nền văn hóa mới của người Việt Nam là một câu hỏi mà chúng ta phải trả lời.

Minh Đức
.
.