Ngoại giao kinh tế thay ngoại giao thuốc súng

Thứ Bảy, 16/03/2019, 08:55
Kể từ khi trở thành tổng thống, ông Trump luôn trong cảnh “tứ bề thọ địch” ở trong nước. Trong trường hợp này, ông đã chọn chiến lược ứng phó với những rắc rối bên trong bằng việc tìm kiếm những kết quả tích cực đối ngoại.


- PV: Thưa ông, trong tư cách của một nhà nghiên cứu - quan sát xã hội, ông nhận xét như thế nào về việc Việt Nam chúng ta đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

- NNC Huỳnh Thế Du: Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội hiếm hoi này. Cho dù phải làm 3 việc với khối lượng công việc khổng lồ cùng một lúc gồm: Chuẩn bị cho việc gặp gỡ của hai bên, đón tiếp phía Mỹ và đón tiếp phía Triều Tiên nhưng mọi thứ gần như hoàn hảo.

Đối với Hoa Kỳ, cái tweet của ông Trump trên đường trở về Mỹ đã nói lên tất cả: “Cảm ơn những chủ nhà hào phòng của chúng tôi ở Hà Nội tuần này: Chủ tịch Trọng, Thủ tướng Phúc và nhân dân Việt Nam tuyệt vời!”.

Donald Trump là người của thái cực (hoặc khen hoặc chê/chỉ trích hết cỡ) và rất hay xã giao. Tuy nhiên, cái tweet rõ ràng là cảm kích thực sự của ông.

Đối với Triều Tiên, việc đón tiếp một cách nồng hậu ông Kim Jong-un là bước đi mang tính chiến lược của Việt Nam.

Tất cả mọi hành động đã được tính toán rất kỹ với các bước đi biết người biết ta, dựa trên lợi ích và quan tâm của từng bên chứ không phải là một sự khoa trương hay thế này thế kia. Do vậy, bên ngoài nhìn vào, khó có thể đánh giá không tích cực về lựa chọn và cách hành xử của Việt Nam - cách đón tiếp các nguyên thủ quốc gia với cái nhìn hướng về phía trước chứ không phải cá nhân ông Trump hay ông Kim hay những chính sách ở mỗi quốc gia vì đó là chuyện nội bộ của họ.

Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

- Trước Việt Nam, Singapore cũng là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông có thấy điều gì giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Singapore trong vị thế của những người tổ chức hội nghị này hay không?

- Không phải ngẫu nhiên mà Singapore và Việt Nam đã được chọn.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Triều Tiên và Singapore giống nhau ở chỗ là chế độ cha truyền con nối trong sự lãnh đạo của một đảng. Tuy nhiên có sự khác nhau cơ bản.

Lý Quang Diệu đã tạo ra tính chính danh cho đảng và gia đình mình bằng việc đưa đất nước đi đến thịnh vượng. Ông cùng các đồng sự của mình đã tạo áp lực cạnh tranh trong chính đảng của mình.

Nguyên tắc người thổi sáo hay nhất được trao cây sáo tốt nhất mà Aristotle đã đề cập trong Chính trị luận cách đây hơn 2.400 năm đã được áp dụng tại Singapore. Một chế độ quả đầu tốt - chế độ do thiểu số tinh hoa lãnh đạo đã được tạo ra.

Tính chính danh của gia đình ông Kim và Đảng Lao động Triều Tiên là giành được độc lập và quyền cai trị. Tuy nhiên, chính sách cai trị khiến Triều Tiên bị cô lập. Ông Kim ắt hẳn hiểu điều này nên rất muốn tìm hướng đi mới.

Tham khảo những hình mẫu hợp với mình là lựa chọn hợp lý. Singapore cũng như Việt Nam là những nơi như vậy. Không phương án nào để đến những nơi này cho ông Kim tốt hơn như cách đã được chọn.

Mỹ (đặc biệt là ông Trump và các đồng sự của mình) hiểu lợi ích hay mong muốn cốt lõi của ông Kim và đưa ra những tính toán và lựa chọn của mình.

Chọn Sing để ngụ ý cho ông Kim rằng có cách tốt hơn để duy trì chế độ cha truyền con nối gắn với chế độ một đảng cầm quyền. Chọn Việt Nam để cho ông Kim thấy chơi với Mỹ thì có thể tốt lên mà vẫn giữ được sự lãnh đạo của đảng.

Mục tiêu của Singapore và Việt Nam là như nhau. Cả hai đều muốn thể hiện vai trò dàn xếp của mình và chú ý đặc biệt vào sự hài lòng của bên có vai trò quyết định hay có quyền định đoạt cao hơn, gắn với lợi ích của Việt Nam hay Singapore.

- Vậy thì nhìn một cách tổng thể, ông thấy ngoại giao Việt Nam đã “ghi điểm” như thế nào? Ý nghĩa mà nó có thể đem lại cho chúng ta là gì, thưa ông?

- Một nỗ lực và đạt được kết quả đáng kinh ngạc. Một thành công vang dội của Việt Nam về mặt ngoại giao. Cách thức tìm kiếm lợi ích của mình trên cơ sở tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Với những gì mà Việt Nam đã làm thì việc hai bên có đạt được thỏa thuận hay không đạt được thỏa thuận không quan trọng. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực chất vấn đề thì những nhà phân tích chính trị hàng đầu thế giới đã đánh giá rất cao sự kiện này.

Graham Allison đã nhận định: “Lịch sử sẽ nhớ Thượng đỉnh Hà Nội như một bước đi có ý nghĩa trên con đường phi hạt nhân hóa ở Bán đảo Triều Tiên”.

- Ông từng đề cập đến “ngoại giao thuốc súng” và “ngoại giao kinh tế”, ông có thể nói rõ hơn về đặc thù của hai kiểu ngoại giao này được không?

- Một cách hình tượng, ngoại giao thuốc súng giống như tìm kiếm cây gậy (trừng phạt) và ngoại giao kinh tế giống như tìm kiếm củ cà rốt (lợi ích) vậy.

Ngoại giao kinh tế được dựa trên các lợi ích dài hạn của các bên nhìn theo hướng để mỗi bên có thể trở nên tốt hơn, phát triển hơn. Tất cả các bên đều có thể cùng thắng. Các nước không có vị thế lớn không phải chọn bên mà có thể ở vị trí trung dung và có thể có những vai trò hết sức tích cực mà Singapore là một điển hình.

Ngoại giao thuốc súng là dùng vũ lực để gây sức ép hoặc trừng phạt. Mạnh được yếu thua, bên này được thì bên kia mất. Do vậy, các nước có vị trí bất lợi buộc phải chọn bên hoặc theo đuôi các nước lớn.

- Cần phải có những điều kiện, những phẩm chất gì để có thể chuyển từ “ngoại giao thuốc súng” sang “ngoại giao kinh tế”, thưa ông?

- Lúc chiến tranh thì các nước ở vị trí bất lợi buộc phải chọn bên hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống lại nước lớn/mạnh hơn đang đe dọa mình. Do vậy, điều kiện tốt nhất để có thể chuyển từ ngoại giao thuốc súng sang ngoại giao kinh tế là hòa bình. Tuy nhiên, nhìn nhận về trạng thái hòa bình hay chiến tranh tùy thuộc vào chính quyền của mỗi nước. Nói về phẩm chất thì đó là lựa chọn và “căn tính” của một nước là thích hòa bình xây dựng đất nước hoặc thích chiến tranh gây hấn.

Có thể phân tích ở nhiều góc độ khác nhau nhưng sự tương phản của Triều Tiên và Hàn Quốc trong vấn đề này là rất thú vị. Triều Tiên tập trung vào phát triển tiềm lực quân sự, luôn tạo ra căng thẳng và tình trạng chiến tranh; trong khi Hàn Quốc tiếp cận theo cách tháo ngòi nổ và vào phát triển kinh tế. Kết quả như thế nào có thể thấy rất rõ.

Việt Nam cũng trải qua hai tình trạng này từ thập niên 1980 trở về trước và từ khi đổi mới đến nay. Rõ ràng, việc tháo ngòi nổ và tập trung vào phát triển kinh tế, mở rộng giao thương là tốt hơn rất nhiều. Rõ ràng, “căn tính” của chúng đang theo chiều hướng tích cực.

- Theo đánh giá của ông, liệu Việt Nam có thể rút ra những bài học gì từ thái độ - cách thức ngoại giao trong quá khứ của mình, hay không?

- Ở đây có hai vấn đề gồm cách lựa chọn chiến lược ngoại giao và cấu trúc các cơ quan làm công tác ngoại giao.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1945 đến nay, trong một thời gian rất dài, ngoại giao thuốc súng luôn có vị trí chính yếu ở nước ta. Điều kiện lịch sử triền miên trong chiến tranh và đe dọa nên Việt Nam phải lựa chọn cách tiếp cận này. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói trong trường hợp này còn do “căn tính” và lựa chọn của chúng ta chứ không phải hoàn toàn từ bên ngoài.

Các lựa chọn ngoại giao không dựa trên việc tính toán lợi ích cốt lõi của quốc gia mà còn bị chi phối bới các yếu tố khác từ bên ngoài và tính cách của một số cá nhân thường để lại hậu quả rất tai hại.

- Chúng ta sẽ tiếp tục phải làm gì để có thể thực hiện kiểu “ngoại giao kinh tế” - “ngoại giao đa phương” một cách tốt hơn, hiệu quả hơn?

- Hội nghị thượng đỉnh vừa rồi cho thấy sự trưởng thành của nền ngoại giao nước nhà, nhất là Bộ Ngoại giao. Đây là bài học hay kinh nghiệm rất quý cho Việt Nam.

Giờ đây, tốt nhất đối với Việt Nam là sự trung dung trên cơ sở tính toán lợi ích của mình. Điều đáng mừng là xu hướng này dường như đang xảy ra và không có gì ngạc nhiên nó được thể hiện đậm nét hơn ở Bộ Ngoại giao, nơi đội ngũ nhân lực có trình độ, biết nghề và được tôi luyện trong thời kỳ ngoại giao kinh tế ngày nay.

- Khi quan sát những vận động nói chung của đời sống kinh tế - chính trị trên thế giới - một thế giới mà có vẻ như ngày càng phức tạp và khó lường, ông có thấy những ấn tượng nào, cả ấn tượng tốt đẹp lẫn những ấn tượng chưa tốt đẹp trong các hoạt động ngoại giao của các nguyên thủ, chính trị gia?

- Mọi chuyện thường rất phức tạp, nhưng nếu nhìn từ khía cạnh lợi ích (nhất là lợi ích của từng cá nhân và tổ chức) thì có thể thấy mọi vấn đề hết sức tường minh cho dù sự thật nhiều khi rất phũ phàng.

Kể từ khi trở thành tổng thống, ông Trump luôn trong cảnh “tứ bề thọ địch” ở trong nước. Trong trường hợp này, ông đã chọn chiến lược ứng phó với những rắc rối bên trong bằng việc tìm kiếm những kết quả tích cực đối ngoại.

Kết thúc buổi họp báo ở Hà Nội, ông Trump nói rằng ông phải ra sân bay để trở về thủ đô tươi đẹp của ông với nụ cười bí hiểm trên môi. Ông đã trở về nước Mỹ và chiến đấu cho mục tiêu của mình làm sao để không bị phế truất và tạo các cơ hội để thắng cử cho nhiệm kỳ 2020. Nước Mỹ có vĩ đại trở lại hay không, thực chất không phải là quan tâm quan trọng nhất của ông Trump. Đó là phương tiện để ông đạt được mục tiêu của mình.

Đảng Dân chủ, đương nhiên, bị ông Trump chỉ mặt và đổ lỗi cho thất bại của cuộc đàm phán nhưng có sao đâu vì đảng Dân chủ đã đạt được mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, rất may cho nước Mỹ là các thể chế được thiết lập mà trong nhiều trường hợp lợi ích của cá nhân, của đảng và của quốc gia cùng hướng với nhau nên họ cứ thế mà tiến lên. Thiết lập các thể chế như vậy là điều mà các quốc gia nên nhắm tới vì bản chất của con người là duy lợi và vì mình. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” mà.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thế Du

Ông Huỳnh Thế Du là giảng viên tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Những thảo luận về đối ngoại và địa chính trị của ông được đặt trong bối cảnh so sánh các lựa chọn và đường hướng phát triển các nước trong khu vực Đông và Đông Nam Á, đặc biệt là các nội dung trong môn học Chính sách công so sánh quốc tế mà ông đang dạy. Ông có bằng thạc sĩ về quản lý công và bằng tiến sĩ về chính sách công và đô thị học tại Đại học Harvard.


Mỹ Linh (thực hiện)
.
.