Nghĩa tình thuở ấy

Thứ Sáu, 01/02/2019, 15:40
Kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay, vì là năm lẻ nên từ Trung ương tới địa phương không tổ chức mít tinh trọng thể. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của hội viên, các đơn vị cơ sở vẫn tổ chức gặp mặt. 


Tác giả bài viết này nằm trong diện đó, dẫu rằng dời quân ngũ, chuyển ngành trên bốn mươi năm. Nhưng nỗi lòng của một cựu sĩ quan đoàn tình báo chiến lược có bí số J22 thuộc Bộ Tham mưu B2, vẫn đau đáu nhớ về đồng đội cũ, chiến trường xưa, hằng năm vẫn ngong ngóng đợi chờ.

Ngày 29-11-2018, tôi được Trần Minh Tâm, cựu cán bộ của đơn vị chúng tôi - Cụm tình báo chiến lược H67 - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, thuộc J22, thông báo qua điện thoại: “Ban Liên lạc cựu chiến binh J22 tổ chức họp mặt truyền thống vào 9h sáng ngày 1-12-2018 tại thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh cố gắng vào vì anh chị em trong này mong lắm. Đã có giấy mời do trưởng ban liên lạc, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) ký, gửi bằng đường bưu điện. Sợ trục trặc thời gian nên em thông báo trước đặng anh sắp xếp vô với bà con quê dừa nghen”.

Quả là gấp gáp quá. Tin vui đến mà lại bần thần. Nếu đi, ngày hôm sau phải xuất hành mới kịp. Đã 6 giờ tối rồi, đào đâu ra vé máy bay?

Thật không ngờ, qua một cú điện thoại mà chưa đầy 1 giờ sau, tôi nhận được tin nhắn với đầy đủ chi tiết: Số hiệu chuyến bay, giờ bay, thời gian hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất. 

Từ phải qua, hàng đầu: Năm Tuyến, tác giả, Anh hùng Tư Cang; hàng sau: Năm Phương, Hai Vân trong buổi họp mặt truyền thống.

Thật là mừng như mở cờ trong bụng. Cả đêm hôm đó chẳng tài nào ngủ được. Cứ thắc thỏm mong chờ trời mau sáng. Đã hơn bốn chục năm rồi còn gì. Đó cũng là thời gian mà không ít người tôi chưa từng gặp lại. 

Thời đang làm việc, thi thoảng có đi công tác vào trong đó, gặp được một số anh chị em chứ làm sao gặp hết được. Trắng đêm không ngủ là phải. Bởi bao đồng đội cũ; bao cơ sở bí mật mà thời đó do nguyên tắc nghiệp vụ tôi chưa từng được gặp; bao bà con cô bác ở những miền quê mà đơn vị chúng tôi xây dựng căn cứ bám trụ để giữ liên lạc với các lưới điệp báo nội thành. 

Những người đã giúp đỡ, bảo vệ, cưu mang chúng tôi giữa thời máu lửa. Tất cả quyện vào nhau như một cuốn phim về nghĩa tình thuở ấy cứ lần lượt trôi về trong tâm tưởng.

Rất may, nhờ anh em ở Báo Công an nhân dân (bộ phận thường trực phía Nam) giúp đỡ, 3 giờ 30 chiều 30/11, anh em đã đón tại sân bay đưa về nghỉ tại nhà khách của Bộ Công an để sáng hôm sau về Bến Tre.

Thật không ngờ, xuất phát lúc 6 giờ, còn đi ăn sáng, vậy mà 8 rưỡi chúng tôi đã về tới thủ phủ huyện Châu Thành. Quả là cuộc hội ngộ đầy xúc động với những cái ôm nghẹn ngào không nói nên lời, những cái siết tay như không muốn rời nhau. 

Đến bây giờ tôi mới giải đáp được thắc mắc của mình khi mới nhận tin. Thì ra mấy chục lần gặp mặt trước đây hầu hết được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Năm nay, theo sáng kiến của ban liên lạc, sẽ tổ chức tại huyện Châu Thành, Bến Tre - địa bàn bám trụ của đơn vị Anh hùng là H67 của chúng tôi. Với sự tham dự của tất cả các cụm trong kháng chiến hoạt động ở địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau lời giới thiệu chương trình của ban tổ chức và giới thiệu đại biểu, tôi mới biết có cả Phó Bí thư huyện ủy và Phó Chủ tịch huyện Châu Thành tham dự. 

Phần phát biểu khai mạc và tóm tắt truyền thống của J22 do trưởng ban liên lạc, Đại tá Anh hùng Tư Cang trình bày. Đây là nhân vật đặc biệt đã xuất hiện nhiều trên vô tuyến trong các chương trình phim tư liệu về Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Đại tá Lê Hữu Thúy, bởi ông là người chỉ huy trực tiếp lưới điệp báo này.

Ở tuổi 91 mà vẫn có phong độ bừng bừng khí thế thì quả là rất hiếm. Nhất là khi nói về tình đoàn kết quân dân với minh họa bằng một bài hát trong kháng chiến nói về mối quan hệ này làm cả hội trường vang dậy pháo tay.

Phần tiếp theo là đồng chí Tư Gấu (thường trực ban Liên lạc) trình bày tóm tắt thành tích của H67. Rất tiếc, giá như nội dung này được hai cụm phó H7 Năm Tuyến hoặc Năm Phương phát biểu chắc chắn sẽ sâu hơn. 

Song, có lẽ vì lý do sức khỏe của hai anh và cũng có thể ban tổ chức muốn dành thời gian ưu ái cho tôi, người duy nhất từ miền Bắc vào phát biểu chăng!

Với thời gian chỉ nửa giờ, tôi không thể phát biểu gì nhiều mà chỉ mang tính chất bổ sung thêm cho phần giới thiệu của ban tổ chức về đơn vị mình.

Trước hết, tôi nhắc tới một nhân vật đặc biệt, trong một gia đình đặc biệt, có tới 5 người là cán bộ của đơn vị, đều đã từng hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Đó là gia đình ông bà Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), vợ chồng người em ruột là Cụm phó Tám Thanh và con gái ông Sáu Trí là Thu Nguyệt. 

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Sáu Trí “chui” vào được Tổng nha cảnh sát quốc gia. Năm 1962 thành lập cụm A20 (H67), ông được rút về căn cứ làm Cụm trưởng, ít năm sau được bổ nhiệm Đoàn trưởng J22. Gia đình ông Tám Thanh là địa chỉ bí mật an toàn của đơn vị.

Có thể nói vợ chồng ông là linh hồn của 2 đài liên lạc “Sài Gòn I” và “Sài Gòn II” phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Còn Thu Nguyệt, bám trụ Sài Gòn đầu năm 1970 mới rút về căn cứ.

Những năm tháng hoạt động trong lòng địch, ông Sáu Trí đã tạo dựng một “gia tài đồ sộ” cho cụm - đó là mạng lưới điệp viên có giá trị cao về chất lượng thông tin và một mạng lưới cơ sở bí mật tuyệt đối an toàn giữa Sài Gòn với lực lượng mật vụ của đối phương dày đặc.

Vì nằm ngay trong “tổng hành dinh” của cảnh sát quốc gia, nên ngoài việc trực tiếp thu thập tin tức, ông còn xây dựng được cơ sở bí mật ở nhiều bộ phận quan trọng mà trong đó có người đã leo tới trưởng ty cảnh sát của 2 tỉnh. 

Rồi leo cao hơn nữa là đắc cử nghị viện Sài Gòn niên khóa 1967-1972. Đó là điệp viên mang bí số (H3, H9...) và làm việc tại mục tiêu cực kỳ quan trọng là Ủy ban an ninh quốc phòng Hạ viện. 

Ông là ông Ba Lễ (Nguyễn Văn Lễ), nhà ở quận 10 trở thành địa chỉ “bất khả xâm phạm”, nên Cụm trưởng H67 Bảy Vĩnh và ông Năm Truyện (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5) của ta, từ căn cứ vô Sài Gòn, tạm trú tại đây để điều nghiên một số mục tiêu quan trọng phục vụ chiến dịch Mậu Thân. Họ đi điều nghiên bằng xe hơi của ông nghị “H9”. 

Một phương tiện giao thông tuyệt đối an toàn. Rất tiếc là chỉ có Thu Nguyệt về dự, còn ông bà Sáu Trí và Tám Thanh vì tuổi cao, sức yếu nên vắng mặt.

Nhân vật thứ hai tôi nhắc tới là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh). Ông được giao trách nhiệm Cụm phó, rồi lên Cụm trưởng cho tới ngày giải phóng miền Nam. Ông là trụ cột, tạo nên H67 Anh hùng, cụm dẫn đầu của J22 về thành tích chống càn quét của địch, bảo vệ an toàn căn cứ. 

Hơn 10 năm đã tiêu diệt trên 200 lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn; bắn cháy và phá hủy trên 20 xe tăng và xe bọc thép, thu nhiều vũ khí đạn dược đáp ứng khẩu hiệu “lấy súng địch đánh địch”. Tiếc rằng, ông đã từ biệt chúng tôi hơn chục năm nay.

Những nhân vật tiếp theo cần nhắc tới vì đều có mặt tại hội trường, đó là: Cụm phó Năm Tuyến - trụ cột của lực lượng ở căn cứ; Năm Phương - trụ cột của lực lượng giao thông; vợ chồng Hiệp + Bé (chồng trinh sát, vợ giao thông viên), vợ chồng Lĩnh + Hoa thuộc bộ phận điện đài cơ công; y sĩ Tư Lợi, cán bộ vô tuyến điện Tư Cần, chị em giao thông viên Sáu Sóc + Bảy Nhen, gia đình cơ sở bí mật Chín Thêm... 

Tác giả (đứng giữa) và Trần Minh Tâm (bìa trái), Trương Giang Long (bìa phải) trong ngày gặp mặt truyền thống (1-12-2018).

Còn một gia đình đặc biệt nữa, nhà ở số 19 phố Trương Vĩnh Ký, thành phố Mỹ Tho, cả 3 cha con đều là cơ sở bí mật của Cụm, đó là thầy Tám và 2 người con gái: Hàng Thu Thảo và Hàng Thu Thủy.

Xin nêu thêm 2 nhân vật nữa mà thời đó thuộc loại trẻ nhất, nhì đơn vị. Đó là Trần Minh Trí, Sáu Tâm hiện là thành viên ban liên lạc. Trước năm 1970 tham gia Biệt động Sài Gòn, bị lộ, địch truy nã, vào căn cứ công tác tại H67 với nhiệm vụ theo dõi hoạt động của địch tại địa bàn Bến Tre. 

Với chiếc máy PRC25, trước 12h đêm hằng ngày, Tâm có thể biết được ngày hôm sau địch sẽ càn quét ở đâu để đơn vị có kế hoạch ứng phó. Sau ngày giải phóng, được điều sang lực lượng chiến đấu, đã từng tham gia mặt trận 479 tại chiến trường Campuchia chống tập đoàn phản động diệt chủng Pol Pot - Ieng Xari, với quân hàm Trung tá - Trung đoàn trưởng.

Còn một người nữa đã gây bất ngờ cho tôi, phải định thần giây lát mới khẳng định đó là nhân vật trong một bài thơ của tôi ghi lại cảm xúc khi về xây dựng căn cứ tại An Phước. Bài thơ được in trên Văn nghệ Đồ Chiểu tỉnh Bến Tre và Văn nghệ Khu 8 năm 1971. 

Với mấy câu mở đầu như sau: “Nhớ buổi gặp em/ Giữa mùa dâu chín/ Đưa tôi chùm dâu em cười bẽn lẽn/ Ăn đi anh chùm dâu ngọt quê nghèo/ Tôi mải ngóng trông theo/ Khi gánh dừa mươi đôi kẽo kẹt theo em về xóm nhỏ/ Rừng dừa reo trong gió/ Gợi lòng người nỗi niềm mong nhớ/ Hương thơm vị ngọt chùm dâu chắc chưa bằng lời mời em gái...”. 

Sau này soạn giả Minh Quân đã chuyển thể sang vọng cổ và trở thành “địa phương ca” của xứ dừa. Khi nghe tôi giới thiệu: “Xin thông báo để các đồng chí và bà con biết, về dự gặp mặt hôm nay có cả nhân vật trong bản cổ nhạc Chuyện mùa dâu chín, người đã từng gắn bó với đơn vị chúng tôi. Xin mời cô Hai Vân. Tiếng pháo tay nổi lên, nhiều người đứng dậy, ngoái nhìn để tỏ mặt nhân vật trong bài ca của xứ mình.

Lời cuối cùng, tôi xin thay mặt cựu chiến binh của các cụm tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ hoạt động tại địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, cảm ơn sự có mặt của các đại biểu cùng bà con cô bác một thời đã cưu mang, giúp đỡ, chở che để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó.

Đối với tôi, đó là cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa, cho tôi được trở về với bao nghĩa tình thuở ấy, nó trở thành kỷ niệm sâu sắc trong quãng đời chinh chiến của tôi.

Bến Tre, tháng 12/2018
Hà Nội, Tết Kỷ Hợi

Ký của Khổng Minh Dụ
.
.