Ngày tàn của "tên đồ tể Prague"

Thứ Năm, 17/01/2019, 17:34
Mùa hè năm 1942, bất chấp những tổn thất nặng nề trước sức chống trả kiên cường của Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Đông (Chiến tranh Thế giới thứ hai), nước Đức Quốc xã vẫn tập trung lực lượng, hòng tiếp tục thực hiện những đòn đánh mới vào cánh phía Nam của địch thủ. 


Tuy nhiên, ngay trong lúc đó, một vụ ám sát chấn động ngay tại thành Prague cổ kính (thủ đô Czcech hiện tại) đã trở thành tín hiệu bất ổn đầy hăm dọa gióng lên ngay tại khu vực nằm sâu trong hậu phương quân Đức, ngay cạnh đất Đức.

Tên bạo chúa của miền đất đau thương

Kẻ bị hành thích hôm đó, 27-5-1942, mang một cái tên rất dài: Reinhard Tristan Eugen Heydrich. Nhưng, sau này, người ta chỉ thường gọi hắn ngắn gọn là Heydrich, đi kèm biệt danh "Tên đồ tể thành Prague".

Heydrich, lúc chết, mới 38 tuổi. Song, khi ấy, y đã là nhân vật quyền lực thứ tư trong bộ máy chính quyền Đức Quốc xã, sau Adolf Hitler, Himmler và Hermann Goering, uy phong át cả những nhân vật lừng lẫy, những "khai quốc công thần" như Rudolf Hess, Alfred Rosenberg hay Paul Joseph Goebbels.

Là cả một chặng đường dài, vừa đẫm máu vừa điểm xuyết phong vị lãng mạn phong tình, để Heydrich có được vị thế ấy. Năm 1931, Heydrich bị đuổi khỏi Hải quân Đức vì "có hành vi không chính đáng". 

Người yêu cũ của y, con một tài phiệt quen thân với Đô đốc Raeder, tức giận khi nghe tin Heydrich đính hôn với người khác - Lina von Osten, đã tác động đến cha mình để hạ nhục y. Heydrich thậm chí còn bị đẩy ra Tòa án danh dự sĩ quan, nhưng nhất quyết không đổi chí. Chấp nhận bị buộc giải ngũ, sống lang thang vạ vật ở Hamburg, cậu công tử từng cãi cha, từ chối thiên hướng âm nhạc để khoác áo nhà binh, dần trở nên tuyệt vọng.

Chiếc xe định mệnh, tên bạo chúa và hai người anh hùng Kubis - Gabcil.

Song, Heydrich đã được đền đáp bởi chính tấm chân tình của mình. Lina von Osten thuyết phục và giới thiệu vị hôn phu đến gặp một người - bậc thầy khát máu của y về sau: Heinrich Himmler, người lúc ấy đang bắt đầu xây dựng lực lượng SS.

Trong vòng 20 phút, Heydrich cung cấp cho Himmler hàng loạt những ý tưởng cần thiết, và được Himmler đưa thẳng vào trung tâm quyền lực. 

Cặp đôi thầy trò ấy tiếp tục song hành cùng nhau sau khi Hitler đã trở thành nhà độc tài của Đức Quốc xã, để không chỉ kiện toàn SS, không chỉ tạo lập nên cơ quan tình báo siêu quyền lực Gestapo, mà còn nhúng tay vào tất cả những vấn đề quan trọng nhất của chế độ.

Mới hơn 30 tuổi, Heydrich đã có mặt trong hàng ngũ "đệ nhất công thần". Đổi lại, là máu và sinh mạng của không biết bao nhiêu người vô tội. Heydrich, nắm cả Gestapo lẫn SS, sẵn sàng ra lệnh hành quyết bất cứ ai: người Do Thái, những phần tử đối lập, thậm chí cả những kẻ cùng hàng ngũ nhưng có thể đe dọa đến tiền đồ của hắn. 

Lừa gạt, mua chuộc, bắt bớ, tra tấn, mưu sát… mọi phương thức thực hiện tội ác đều được Heydrich chú ý sử dụng. Hợp lý như một kỹ sư và sáng tạo như một nghệ sĩ.

Tháng 8-1938, thầy trò Himmler - Heydrich được Hitler tin tưởng giao nhiệm vụ "tạo cớ" đổ lỗi cho Ba Lan, để tiến quân vào đất nước ấy. Là "đạo diễn" chính, Heydrich tạo nên một "tuyệt tác" kinh khủng. 12 tử tù bị bắn chết, và xác họ (mặc quần áo Ba Lan) bị vận chuyển "đóng hộp" đông lạnh đến một trạm biên phòng Đức trên biên giới Đức - Ba Lan. Một bản thông điệp sặc mùi chống Đức được đọc từ điện đài của trạm. 

Đã có một cái cớ, để Hitler tiếp tục làm dấy lên những cơn sóng cực đoan điên khùng trong xã hội Đức. 1-9-1939, quân Đức vượt biên giới, và chỉ mất hai tuần để chiếm xong Warsawa. 

Vấn đề là, ngoại trừ người chỉ huy - thiếu tá Alfred Naujocks, mọi binh sĩ Đức tham gia điệp vụ "ngậm máu phun người" kia đều bị hạ sát theo lệnh của Heydrich, để bảo toàn bí mật.

Sau khi Ba Lan đầu hàng, Cục An ninh trung ương đế chế được thành lập, bao gồm tất cả mọi cơ quan phản gián, mật vụ, cảnh sát…, mà người chỉ huy tối cao, không ai khác, chính là Heydrich. Và chính y cũng là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất guồng máy "giải quyết triệt để" người Do Thái, ở những vùng lãnh thổ mới bị chiếm đóng.

Tiệp Khắc (cũ) là một vùng đất như thế. Trước khi tấn công Ba Lan, Tiệp Khắc, bởi Anh và Pháp không dám "động thủ" với Đức mà chỉ muốn "hòa bình bằng mọi giá", đã trở thành vật tế thần một cách oan uổng. Đất nước ấy bị xé thành từng mảnh. 40 sư đoàn sơn cước thiện chiến của họ chưa được giao chiến một lần đã buộc phải xếp giáp quy hàng, dưới sức ép của các cường quốc phương Tây. 

Có một phần tự trị, bao gồm kinh thành Prague, được gọi là nước bảo hộ Bohemia - Moravia. Và đó là nơi Heydrich thèm khát, như "lãnh địa" của riêng mình.

Đầu tiên, y lên kế hoạch vu khống, để thống đốc Konstantin von Neurath hiện lên trước mắt Hitler như một kẻ bất tài vô dụng, và quyến định bổ nhiệm Heydrich làm "Quyền Bảo hộ công" (Deputy Protector) thay thế. 

Kế đó, đến Prague (ngày 27-9-1941), Heydrich ngay lập tức cho thành lập một trại tập trung mang cái tên mỹ miều: "Khu tạm trú kiểu mẫu chăm sóc sức khỏe cho người Do Thái". 

Bị gom vào đó rồi, những người Do Thái mới biết rằng họ sẽ bị chuyển tiếp tới "địa ngục trần gian" Auschwitz (Ba Lan), để được "giải quyết triệt để".

Song song, Heydrich trấn áp không khoan dung mọi phong trào chống đối ở Bohemia - Moravia. Tuy nhiên, y cũng "mở đường" cho các tầng lớp công nhân có thể có ích khi phục vụ ngành công nghiệp quân sự, rằng họ "chỉ cần trung thành tuyệt đối với Đệ tam đế chế là được". Nhưng, đó chỉ là thiểu số. Dưới tay Heydrich, Gestapo có quyền bố ráp, tống giam, hạ sát bất cứ ai, bất cứ khi nào.  

Điều đáng sợ là cũng như Nguyên thủ (Fuhreer) của mình, Heydrich khá xuất sắc trong việc thu hút và dẫn dắt tâm trạng xã hội. Không ít người dân Tiệp Khắc đã bị thuyết phục bởi y.

Cái chết được báo trước

Heydrich phải chết, đó là sự nhất trí của cả Chính phủ lưu vong Tiệp Khắc trên đất Anh, lẫn Cục Hành động Đặc biệt (SOE) của Anh. Ngày 28 và 29-12-1941, lần lượt Jan Kubis và Jozef Gabcil - hai đặc công Tiệp Khắc, được huấn luyện kỹ càng các kỹ năng ám sát - nhảy dù xuống quê hương. Họ nhanh chóng móc nối được với các lực lượng kháng chiến, và bắt đầu nghiên cứu quy luật sinh hoạt của Heydrich.

Kế hoạch có vẻ khá khả quan, đầu tiên là bởi vì trên đỉnh cao danh vọng, Heydrich đã bắt đầu tỏ ra vô cùng kiêu căng. Y không nghĩ rằng có thể có mối đe dọa nào dành cho mình, và thoải mái đến độ thường xuyên đi thưởng ngoạn phong cảnh. 

Song, cũng thường xuyên, y chỉ mang theo duy nhất một lái xe - vệ sĩ  thân tín mang tên Klein, và chẳng buồn mặc áo chống đạn. Từ Berlin, một quan chức cao cấp Đức là Albert Speer đã từng lo lắng cảnh báo rằng "hành động ám sát có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà "sự kiêu ngạo và tự phụ có thể khiến Heydrich trả giá đắt", nhưng Heydrich vẫn chẳng buồn quan tâm.

Heydrich, đẹp trai, hào hoa, lịch lãm và khát máu.

Dù sao, cái chết của tên bạo chúa cũng đầy kịch tính, như chính cách y leo lên đỉnh quyền lực. 10h30’ sáng 27-5-1942, xe của Heydrich giảm ga ở góc cua gần cầu Troja và đường Dresden. Một tiếng trước, Kubis, Gabcil và hai tay súng kháng chiến nữa đã phục sẵn. Họ may mắn nắm được lịch trình chi tiết ấy nhờ Heydrich bị… hỏng đồng hồ treo tường, mà người thợ sửa đồng hồ lại là một điệp viên kháng chiến, đã lấy được tờ giấy ghi lịch trình.

Kubis hô "Bắn!". Gabcil bóp cò tiểu liên. Nhưng, súng lại kẹt đạn. Có điều, đáng lẽ phải tăng ga tẩu thoát, Heydrich lại ra lệnh cho Klein dừng lại. Kubis chẳng mong gì hơn, rút chốt, tung một quả lựu đạn vào thùng xe. Heydrich và Klein tông cửa xe lao ra. Gabcil, đã chỉnh lại súng, bắn một tràng rồi cả đội rút lui an toàn.

Heydrich được đưa vào bệnh viện kịp thời. Vết thương do mảnh lựu đạn không đủ để lấy mạng y. Tuy nhiên, trong quả lựu đạn đó, các chuyên gia khoa học quân sự Anh và Canada đã cấy thêm những độc tố trực khuẩn "tất sát". 

Điều này, đến tận năm 1995, hồ sơ mới được Cục Lưu trữ Quốc gia Anh giải mật. Trước đó, không mấy ai hiểu được rõ vì sao vết thương nhẹ ấy lại có thể làm Heydrich chết vì nhiễm trùng máu (ngày 4-6-1942), mà tất cả chỉ là phỏng đoán.

Cái chết ấy là một đòn khiêu khích giáng thẳng vào thể diện chế độ Quốc xã, và Hitler điên cuồng trả thù. Chỉ riêng ở Prague, Gestapo đã bắt giam hơn 10.000 người, trong số đó ít nhất 1.300 người bị xử tử. Hàng nghìn phụ nữ "may mắn" được kéo dài cuộc sống trong trại tập trung, hoặc bị sử dụng như "thí nghiệm y học". 

Bohemia - Moravia không còn là vùng đất "ngoan ngoãn, dễ bảo" của Đệ tam đế chế Đức nữa. Những ngọn lửa phản kháng bùng lên, đúng như toan tính của Chính phủ lưu vong và SOE.

Và thời điểm đó, quân đội Đức đã bắt đầu thực sự kiệt sức trước Hồng quân Liên Xô, trong khi các mặt trận mới đã sẵn sàng được mở bởi Mỹ - Anh… 

* Sau khi ám sát thành công, Gabcil và Kubis ẩn náu trong Nhà thờ Thánh Cyril và Thánh Methodious ở trung tâm Prague, cùng một số kháng chiến quân. Song, ngày 18-6-1942, họ bị phát hiện bởi một kẻ phản bội. Họ đã chiến đấu liên tục trong 6 tiếng, diệt 14 lính Đức và làm bị thương 21 người, trước khi dành những viên đạn cuối cùng cho mình. Cư dân ngôi làng mà họ trú ẩn khi nhảy dù, Lidice, bị thảm sát toàn bộ.

* Từ năm 1933 tới cuối năm 1941, "thành tích" mà chính Heydrich báo cáo với Hitler là: 537.000 người Do Thái phải di cư (nghĩa là bị đuổi khỏi nhà mình). Ở Baltic, Belarus và Ukraina, đã có hơn 500.000 người Do Thái được "giải quyết triệt để" (nghĩa là bị tàn sát).

Phi Hồ
.
.