Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc Israel: "Món quà nguy hiểm"

Thứ Bảy, 13/04/2019, 09:01
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan. Động thái của người đứng đầu Nhà Trắng, dù vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, được cho là tạo lợi thế trước thềm bầu cử cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ngoài ra, nó còn ẩn chứa nhiều ý đồ chiến lược của Tổng thống Donald Trump, tương tự quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành phố thánh địa này cách đây hơn một năm. Giới quan sát cho rằng động thái Golan có thể mang đến những hậu quả khó lường khi đổ thêm dầu vào “chảo lửa” Trung Đông vốn chưa bao giờ nguội.

Ưu ái đồng minh

Bằng tuyên bố “Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”, Tổng thống Donald Trump đã ra một tín hiệu rõ ràng hướng đến ủng hộ chính quyền Benjamin Netanyahu. 

Động thái này đã trao cho Thủ tướng Israel một chiến thắng ngoại giao, trong bối cảnh cáo buộc tham nhũng lạm quyền bủa vây và thời gian cho cuộc bầu cử quyết định số phận của ông đang đến rất gần.

Tổng thống Donald Trump cùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu khoe bản tuyên bố Mỹ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan.

Trên thực tế, trước diễn biến ác liệt tại khu vực Dải Gaza, tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim Thủ tướng Israel đang sụt giảm mạnh, trong khi nhiều quan chức nội các đã đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Netanyahu.

“Món quà” của ông Trump đến không thể đúng lúc hơn nhằm xóa nhòa những suy nghĩ tiêu cực, khiến ông Netanyahu như vớ được phao để khỏi chết chìm. Tín nhiệm của Tổng thống Trump ở Israel là khá cao và bất cứ tuyên bố ủng hộ nào dành cho Israel được cho là có thể tác động đến kết quả bầu cử ở Israel, theo hướng có lợi cho ông Netanyahu.

Từ trước đến nay, cộng đồng quốc tế đã không còn xa lạ với những chính sách ủng hộ Israel của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, điều này ngày càng được thể hiện rõ nét với nhiều ưu ái, thông qua việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để phản đối những chỉ trích về Israel, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sau đó dời Đại sứ quán tại Israel về Jerusalem.

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ được xem là quốc gia “bảo kê” của Israel khi 2/3 số lần bỏ phiếu phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an là để bảo vệ Israel khỏi các chỉ trích, cùng nghị quyết lên án. Việc công nhận Cao nguyên Golan như một phần lãnh thổ Israel là cách Washington tiếp tục thể hiện chính sách bảo vệ đồng minh truyền thống Tel Aviv.

Trước khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với Israel. Những tuyên bố của ông Trump không giữ màu sắc trung gian mà nghiêng hẳn sang Israel, theo kiểu “không thể tiếp tục để Israel bị đối xử một cách thiếu tôn trọng”.

Nếu như trước đây, chính quyền cựu Tổng thống Obama coi sự tồn tại độc lập của một nhà nước Palestine bên cạnh Israel là “chìa khóa” đảm bảo cho hòa bình Trung Đông và luôn tìm mọi cách thúc đẩy thỏa thuận “hai nhà nước” thì nay ông Trump lại có những bước đi hoàn toàn khác. 

Ngoài ra, cả ông Trump và ông Netanyahu tỏ ra rất đồng lòng với mục tiêu lên án các hành động vi phạm thỏa thuận quốc tế của Iran và ngăn chặn việc Iran phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Toan tính cá nhân

Rõ ràng, Donald Trump đang có nhiều động thái để “cài đặt lại” quan hệ giữa Mỹ và Israel sau nhiều năm căng thẳng và nguội lạnh dưới thời ông Barack Obama. Một số lý giải cho rằng ông Trump - vì muốn giữ lời hứa và xây dựng hình ảnh một tổng thống dám nói dám làm - nên đã đưa ra mọi quyết định trái với người tiền nhiệm.

Đương kim lãnh đạo Mỹ đã cho thấy ông là người có truyền thống “lật đổ và xây lại” những gì đã có từ chính quyền Obama, bất chấp những phản ứng quốc tế gay gắt và rủi ro tiềm ẩn. 

Làm mới quan hệ với Israel thể hiện mong muốn của Washington được làm việc với người mà họ đã hiểu và quen thuộc, triển khai những chiến lược của Washington tại Trung Đông, trong đó có hạn chế tối đa ảnh hưởng của Iran và tạo thế đối đầu với liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vừa mới hình thành sau vấn đề Syria.

Tất nhiên, Tổng thống Trump biện minh quyết định về Golan không liên quan đến cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 9-4 ở Israel. Giới quan sát cho rằng, động thái “bênh bạn” của ông Trump thực chất núp bóng toan tính gia tăng cơ hội tái đắc cử cho chính ông trong cuộc bầu cử năm 2020 - một trong những mục tiêu chính trị hàng đầu của ông ở thời điểm hiện tại.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trump chọn ngày 25-3 để ký kết quyết định công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel. Đây chính là thời điểm diễn ra chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và phiên họp thường niên của Ủy ban Công vụ Israel - Mỹ (AIPAC), đơn vị vận động hành lang cho các chính sách của Israel tại Mỹ. 

Gia tăng ủng hộ với Israel, ông Trump đứng trước cơ hội mở rộng lượng cử tri, không đơn thuần chỉ là người Mỹ gốc Do Thái mà còn là những người theo đạo Tin Lành, chiếm tới 25% dân số Mỹ. Rất nhiều người trong số này đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 và đang hiện diện dày đặc trong chính quyền của ông, từ Ngoại trưởng Pompeo đến Phó Tổng thống Mike Pence.

Ngoài ra, ông Trump không đơn độc khi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa trong vấn đề ủng hộ Israel. Khảo sát năm 2017 cho thấy hơn 80% thành viên Cộng hòa ủng hộ việc dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem và con số này nhiều khả năng được duy trì sau quyết định mới nhất của ông Trump liên quan tới Golan.

Cộng đồng quốc tế không còn xa lạ với những chính sách của Washington nhằm ủng hộ đồng minh truyền thống Tel Aviv dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Châm ngòi khủng hoảng

Trong lịch sử, Golan là một cao nguyên chiến lược nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan. Israel chiếm Golan từ Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không công nhận việc Israel sáp nhập Golan năm 1981, chỉ xem cao nguyên này là vùng lãnh thổ chiếm đóng và các khu định cư của Israel tại đây là vi phạm luật quốc tế.

Sau tuyên bố của ông Trump với Cao nguyên Golan, Chính phủ Syria nêu rõ sẽ kiên quyết giành lại mảnh đất Golan “bằng mọi biện pháp khả thi”. Trong khi đó, Iran coi động thái của Washington là bất hợp pháp và không thể chấp nhận. Danh sách những nước phản đối quyết định của Mỹ còn kéo dài.

Giới quan sát tin rằng, sự xuất hiện của Mỹ đã khiến Golan trở thành điểm nóng mới nhất ở Trung Đông, khơi lại vết thương cũ của Syria. Động thái này có nguy cơ gây ra một “cuộc khủng hoảng mới”, khiến tình hình Trung Đông vốn luôn căng thẳng nay lại càng trở nên phức tạp hơn.

Dường như, ông Trump đã không bảo vệ đồng minh mà trái lại, khiến Israel tiếp tục lún sâu vào tình trạng chiến tranh vĩnh viễn với các nước láng giềng Ảrập trong nhiều thập niên tới. Thực chất, Mỹ cần Golan để phục vụ chiến lược Trung Đông mới và dành bất hạnh cho đồng minh khi Washington của ông Donald Trump không hề quan tâm nhiều đến lợi ích của họ mà chỉ đang theo đuổi tham vọng “nước Mỹ trên hết”.

Một số chuyên gia cảnh báo, động thái Golan tạo ra sự hậu thuẫn về mặt chính trị, có thể giúp Israel táo bạo hơn trong các hoạt động quân sự mà không phải lo lắng đến phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Hiểm họa sẽ đến từ chính bên trong Israel khi cánh hữu ở quốc gia này sẽ lợi dụng việc Mỹ công nhận Golan để đẩy mạnh xây dựng các khu định cư Bờ Tây Palestine trước khi kiểm soát hoàn toàn nó.

Với thế giới Ảrập, hình ảnh ông Netanyahu cùng ông Trump khoe bản tuyên bố có chữ ký của Tổng thống Mỹ ngày 25-3 đã hủy hoại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong khu vực, dập tắt mọi hi vọng rằng một ngày nào đó hòa bình sẽ được thiết lập giữa Israel và Palestine.

Quan trọng hơn, động thái của ông Trump có thể mở đường cho các cường quốc đơn phương tiến hành nhiều động thái tác động lên chủ quyền quốc gia của các nước nhỏ hơn, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trong trường hợp kịch bản này diễn ra, các bên liên quan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời hiệu quả của hệ thống tổ chức sẽ bị xói mòn và luật pháp quốc tế có nguy cơ bị phá vỡ. Khi ấy, “món quà” Golan Mỹ tặng cho Israel, dù “sưởi ấm” quan hệ song phương nhưng sẽ trở thành ác mộng đối với cộng đồng quốc tế...

Việt Dũng
.
.