Một ẩn sĩ giữa lòng Hà Nội

Thứ Hai, 09/08/2010, 10:30
Tôi phải lần tìm đến con ngõ thứ 4 trên đường Giảng Võ, rồi lại leo lên trên tầng 4 chung cư cũ của Bộ Giáo dục bằng cầu thang bộ mới đến được với căn phòng bé nhỏ của ông, gặp và trò chuyện với ông trong một buổi chiều dường như bất tận.

Theo đúng phong tục người Bố Y, ông tiếp tôi bằng rượu, rượu ngâm phấn hoa sóng sánh mùi mật ong đựng trong một chiếc bình 5 lít, và cả một chai Grant to dốc đến giọt cuối cùng để rồi những câu chuyện về cuộc đời ông như một cuốn phim dần dần được quay chậm lại trong ký ức của một lão nhân sắp bước sang tuổi bát thập, và người lắng nghe là tôi, một nhà báo thuộc thế hệ 8x sinh sau ông gần nửa thế kỷ.

Người biết nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất Việt Nam

Phan Thanh sinh năm 1932 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và văn hóa tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cha ông là Phan Triều Thần (1909-1971), một cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên đầu tiên của xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và đã từng giữ những trọng trách như Chủ tịch mặt trận Hoàng Su Phì những năm 1951-1963.

Ông được cha dạy tiếng Hán, chữ Hán từ khi còn bé. Tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của ông đã có vô số những người bạn thuộc các cộng đồng dân tộc khác nhau vốn cùng sinh sống xen kẽ trên địa bàn của Quản Bạ, Hà Giang. Vì thế, bốn ngôn ngữ Mèo, Dao, Tày, Nùng đã được ông tiếp xúc, nắm bắt và sử dụng từ thuở ấu thơ.

Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công, ông nhanh chóng trở thành một liên lạc viên tích cực trên địa bàn huyện, tỉnh và đã có thể cùng lúc sử dụng tới 6 thứ tiếng Bố Y, Kinh, Mèo, Dao, Tày, Nùng và hai  phương ngữ của tiếng Trung là Quan Hỏa và Quan thoại (tiếng của vùng Quảng Đông, Quảng Tây).

Ông đi theo cách mạng lên Chiến khu Việt Bắc, là thành viên của Khu 10. Sau đó, Khu 10 và Khu 1 đã sáp nhập thành Khu Việt Bắc năm 1949, ông nắm giữ vai trò quan trọng trong bộ phận Phòng Quốc dân miền núi và đã có thời gian công tác cùng những nhân vật tên tuổi trong lịch sử Cách mạng Việt Nam như Nguyễn Khang, Nguyễn Công Thành (anh em ruột với nhà văn Nguyễn Công Hoan và Lê Văn Lương, tức Nguyễn Công Miễu).

Ông Phan Thanh.

Cuối năm 1949, Phan Thanh quay trở lại Hà Giang, phụ trách Phòng Mật mã của Tỉnh ủy. Tháng 10/1951, ông thuộc thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam lứa đầu tiên được cử sang Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) để học tập trong vòng 3 năm. Đây chính là khoảng thời gian lí tưởng để ông củng cố và phát triển tiếng Trung, đồng thời cũng đến thời điểm này, ông sử dụng thêm được ba ngôn ngữ khác là La Chí, Phù Lá và Thu Lao.

Trở về nước và thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao trong 42 năm

Tốt nghiệp khóa Sư phạm cấp 1 tại Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh, ông về Việt Nam năm 1954 và nhận nhiệm vụ công tác mới tại Ty Giáo dục Hà Giang. Vừa về Ty Giáo dục, ông đã làm được một việc hết sức ý nghĩa là cử đoàn cán bộ đầu tiên của tỉnh Hà Giang đi học lớp Sư phạm miền núi Trung ương, trong đoàn cán bộ này có nhà thơ Hoàng Đình Quý, người dân tộc Tày.

Tháng 10 năm 1954, Bác Hồ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Huyên đến để chỉ thị một nhiệm vụ quan trọng. Đó là xây dựng một vài thứ chữ cho người dân tộc thiểu số ở phía Bắc, nhanh chóng thành lập Phòng Chữ dân tộc thiểu số thuộc Bộ Giáo dục với 3 nhiệm vụ cụ thể trước mắt là: xây dựng chữ Mèo, cải tiến chữ Thái và xây dựng chữ Tày Nùng.

Tháng 10 năm 1955, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ra quyết định điều đồng chí Phan Thanh từ Hà Giang về Bộ Giáo dục phụ trách việc xây dựng chữ Mèo. Ngày 10/ 2/1955, tổ chữ Mông của Bộ Giáo dục được thành lập với 2 thành viên trụ cột là Phan Thanh và Nguyễn Văn Chỉnh.

Trải qua 4 năm làm việc miệt mài, tới năm 1959, cuộc khởi thảo và thực nghiệm chữ Mèo đã hoàn thành, năm 1960 được Quốc hội thông qua và tới ngày 27/11/1961, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành chữ Mèo Việt Nam với công sức đóng góp lớn lao của hai vị "khai ngữ công thần" là Phan Thanh và Nguyễn Văn Chỉnh.

Từ sau năm 1961 cho đến năm về hưu 1997, Phan Thanh trung thành với một nhiệm vụ duy nhất là phát triển chữ Mông cũng như có nhiều đóng góp quan trọng khác cho các dự án, đề tài liên quan đến những ngôn ngữ dân tộc mà ông am hiểu. Ông là đồng biên soạn nhiều cuốn từ điển quan trọng như Từ điển Mông Việt, Từ điển Việt Mông v.v…--PageBreak--

Những cuộc tình duyên ba đào trong đời Phan Thanh

Là một lãng tử hào hoa, đẹp trai, có khả năng sử dụng tới 12 thứ tiếng, trong đó có 3 phương ngữ Trung Quốc và 9 ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam, ông được biết bao người phụ nữ mến mộ song câu chuyện hôn nhân của ông thì lại chưa hẳn như những gì ông mong muốn. Năm 1955, Phan Thanh kết hôn lần đầu với một người đẹp Bố Y, là người cùng xã với ông.

Đây là cuộc hôn nhân theo sự sắp đặt của gia đình mà ông nói vui với tôi là; cụ Phan Triều Thần đã đem ông ra để làm một cuộc khảo nghiệm trong phạm trù triết học phương Đông. Có với người bạn đời đầu tiên một trai, một gái nhưng rồi cuộc hôn nhân đầu tiên ấy chỉ kéo dài được 10 năm. Năm 1965, ông chia tay với người vợ đầu và giờ đây nói với tôi một câu tiếu ngạo: Đó là một cuộc lướt sóng trên phạm trù nhận thức.

Cuộc đổ vỡ này để lại một vết nứt trong tâm hồn ông và kéo dài cho tới 9 năm sau. Mãi đến năm 1974, ông mới xây dựng cuộc hôn nhân thứ hai với một phụ nữ người Mông nhưng hai người cũng chỉ gắn bó với nhau được 3 năm và không có mặt con nào. Bến đỗ tình duyên của đời ông chỉ thực sự dừng lại khi ông gặp bà Trần Thị Phất, cô gái ga Gôi, Vụ Bản, người chung sống cùng ông từ năm 1978 cho tới bây giờ và đã sinh cho ông hai người con, một gái một trai.

Hai người con của ông tới nay đã phương trưởng, cô con gái đã lập gia đình, còn con trai ông đã ra trường từ 8 năm nay và có một công việc ổn định. Ông thanh thản bảo tôi: bây giờ không phải nuôi đứa nào nữa rồi, lương hưu hơn 3 triệu, thế cũng là đủ sống. Bà nhà tôi là công nhân nghỉ hưu, cũng có lương (tất nhiên là ít hơn tôi). Thế là ổn với cuộc sống của hai vợ chồng già, tôi mong từ giờ đến cuối đời cuộc sống cứ diễn ra bình thường thế thôi…

Và những câu chuyện khác…

Cho đến lúc này, Phan Thanh là trí thức người Bố Y duy nhất đã từng công tác tại Thủ đô, là một cán bộ cấp Trung ương. Nhiều học giả, tiến sĩ trong ngành khoa học xã hội nói chung và ngôn ngữ học nói riêng bảo tôi: Ông Phan Thanh xứng đáng được coi là tài nguyên của quốc gia, tiếc thay, những người trẻ bây giờ chẳng có mấy ai chịu học các ngôn ngữ mà Phan Thanh thành thạo, mặc dù ông sẵn sàng chỉ dạy.

Trong vòng mấy chục năm qua, những người đến thọ giáo ngôn ngữ của Phan Thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng kể nhất là Nguyễn Văn Hiệu (Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), lúc đó mới chỉ là Thạc sĩ Ngôn ngữ, đã đến tìm Phan Thanh đến xin được học tiếng Mông, phục vụ cho luận án tiến sĩ của mình.

Nguyễn Văn Hiệu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về tiếng Mông năm 2004 và trở thành phó giáo sư trẻ nhất của ngành khoa học xã hội nói chung và ngôn ngữ học tại Việt Nam nói riêng vào năm 2009. Tôi hỏi Phan Thanh về kinh nghiệm học ngôn ngữ của ông, làm thế nào để có thể giỏi nhiều thứ tiếng như thế.

Ông nói: Những phương pháp cụ thể thì mỗi người một cách, song phải nhớ điều này: Ngôn ngữ là một thứ không dễ học, phi khổ luyện khó thành công. Những năm đã nghỉ hưu, Phan Thanh vẫn làm việc không ngừng, Ông được các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên mời đi để cùng làm những chương trình, dự án về tiếng dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho cán bộ.

Hiện ông đang bắt tay vào công trình sưu tập thành ngữ dân tộc Mông. Ông đọc cho tôi một câu thành ngữ ông rất thích bằng tiếng Mông mà người Hán cũng có câu tương tự, tôi chỉ xin viết ra đây âm Hán Việt: Nhật nhật đãi nhân bất bần, dạ dạ thâu nhân bất phú (Ngày ngày rộng lòng với người thì không bao giờ nghèo, đêm đêm trộm cắp của người thì không bao giờ giàu).

Tôi hiểu vì sao ông sống bình dị và giản đơn đến thế suốt bao nhiêu năm qua, dù đã là một chuyên viên cao cấp của Bộ. Lặng lẽ và khiêm nhường trong căn hộ hơn 30m2, mặc kệ ngoài kia thiên hạ đua nhau nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới. Những tháng năm tuổi già, ông tìm về đọc nhiều triết học phương Đông, nghĩ suy về những thăng trầm buồn vui đã qua. Ông nói với tôi: Ngày xưa cụ Nguyễn Du viết: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Thế còn những điều ta không trông thấy thì nó như thế nào, có đau đớn lắm không.

Cuộc đời phải chăng là bài toán của những ẩn số có nghiệm và không nghiệm. Tôi trầm ngâm không biết nói sao. Ông cười khà, rót nốt ly rượu cuối cùng trong buổi chiều nhạt nắng. Tạm biệt căn phòng bé nhỏ của ông, tôi hẹn sẽ quay lại một ngày không xa, với bài báo trên tay viết về ông, một bậc tiền bối mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.

                                    Tháng 7/2010

Đỗ Anh Vũ
.
.