Miền Đông gian lao mà anh dũng

Thứ Bảy, 02/05/2015, 17:09
(Viết về an ninh Khu Đông Nam Bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử)

Miền Đông Nam Bộ là một địa bàn chiến lược nối liền với Nam Tây Nguyên, cũng nối thông với đồng bằng Nam Bộ. Ngay từ đầu chống Pháp, miền Đông Nam Bộ đã trở thành một căn cứ chống Pháp nổi danh với truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Những năm chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục, Cơ quan chỉ đạo cách mạng ở miền Nam đã bám chắc ở miền Đông, lực lượng vũ trang của cách mạng miền Nam từ nhỏ đến khi hình thành các sư đoàn, quân đoàn đều đã đứng chân trên đất miền Đông. Miền Đông được tổ chức thành 2 căn cứ lớn: vùng Đông Bắc gồm chiến khu D mở rộng tới Tây Nguyên và biên giới Campuchia, nối xuống vùng biển Vũng Tàu được gọi là chiến khu A; vùng căn cứ Tây Bắc gồm chiến khu Dương Minh Châu cũ, vùng rừng núi Tây Ninh giáp với Campuchia nối liền xuống Long An được gọi là chiến khu B; trở thành một thế trận bao vây uy hiếp Sài Gòn, trung tâm đầu não của Mỹ Ngụy.

Đánh giá vị trí miền Đông Nam Bộ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một bức thư gửi vào Nam đã viết: “…Vùng giải phóng Đông Nam Bộ nối liền với rừng núi khu 6 hình thành một căn cứ chiến lược thường xuyên uy hiếp Sài Gòn; từ căn cứ này quân chủ lực ta sẽ tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây và trên chiến trường Nam Bộ. Như vậy miền Đông Nam Bộ và khu 6 đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp…” (Thư vào Nam - Nhà xuất bản Sự Thật - Trang 346).

Ngày 25/10/1967, Trung ương Cục quyết định giải thể khu miền Đông Nam Bộ để lập ra 5 phân khu, an ninh khu Đông Nam Bộ đã phân tán xuống hết các phân khu bao quanh Sài Gòn làm nhiệm vụ tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã góp phần làm nên sự kiện “Tết Mậu Thân” gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc choáng váng vì chiến tranh Việt Nam đã lan vào trong lòng nước Mỹ (Theo các báo Mỹ).

Tháng 1/1972, khu Đông Nam Bộ được tái lập, Ban An ninh Trung ương Cục đã chuyển một phần lớn cán bộ xuống để lập lại ban an ninh miền Đông Nam Bộ, trên cơ sở tuyển chọn cán bộ tại chỗ và tiếp nhận một tiểu đoàn Thanh niên xung phong để chọn lọc và tổ chức huấn luyện thành các cán bộ nghiệp vụ của an ninh đảm bảo nhiệm vụ đấu tranh với các loại đối tượng của ngành trước tình thế ta sẽ kí hiệp định Pari đồng thời cũng chuẩn bị từ việc tạo dựng căn cứ, hành lang, bàn đạp để thực hiện yêu cầu tạo thế tạo lực theo hướng khu Đông Nam Bộ trở thành thế trận bao vây, sẵn sàng tấn công Sài Gòn khi có thời cơ.

Quán triệt nhiệm vụ chính trị của miền Đông, an ninh khu và các tỉnh đã tung hết lực lượng bám trụ các địa bàn trọng điểm kết hợp với lực lượng vũ trang tấn công các đối tượng của ngành, giành lại các xã ấp đã bị địch lấn chiếm, nên sau hiệp định Pari ta đã uy hiếp các xã ấp trên các tuyến quốc lộ 1, 13, 14, 15, 20, 22 dẫn về Sài Gòn và làm chủ các vùng ven Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ, Chơn Thành, Bình Dương, Long Khánh (Biên Hòa), Bà Rịa Vũng Tàu.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975.

Đầu năm 1975, bám sát hoạt động vũ trang của miền Đông an ninh đã tham gia chiến dịch giải phóng Phước Long, Đồng Xoài, đồng loạt tấn công làm chủ các tuyến đường 13, 14, 20, 22, kết hợp với chiến dịch Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã hoàn toàn giải phóng 2 tỉnh Bình Long, Phước Long, một vùng Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Củ Chi, Long Khánh. An ninh khu tỉnh miền Đông đã tấn công, diệt ác, phá kìm, bóc gỡ các mạng lưới chỉ điểm của tình báo và cảnh sát, làm trong sạch các địa bàn xung quanh Sài Gòn, sẵn sàng đón các quân đoàn tiến về tấn công Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, an ninh các tỉnh miền Đông vừa có nhiệm vụ kết hợp các mũi tấn công vũ trang để tấn công vào các đối tượng của ngành, thu hồi mọi tài liệu ở các tỉnh và huyện của địch, đồng thời phục vụ các mũi tiến công của 5 quân đoàn trên 5 hướng tấn công vào Sài Gòn. Trong khi đó trên địa bàn miền Đông có 2 lực lượng an ninh (An ninh Trung ương Cục và An ninh miền Đông Nam Bộ). 

An ninh Trung ương Cục do đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó ban An ninh Trung ương Cục trực tiếp chỉ huy lực lượng an ninh tiền phương của Trung ương Cục, kết hợp với 2 quân đoàn 1 và đoàn 232 từ phía bắc và tây nam tiến vào Sài Gòn. An ninh khu Đông Nam Bộ tổ chức 2 đoàn, một đoàn theo quân đoàn 2 tấn công Bà Rịa Vũng Tàu, Long Thành; một đoàn kết hợp quân đoàn 4 tấn công vào Biên Hòa và theo xa lộ vào Sài Gòn.

Hai đoàn an ninh của khu đều do 2 đồng chí trong ban lãnh đạo an ninh khu trực tiếp chỉ huy có nhiệm vụ tấn công truy quét đối tượng của ngành và tiếp quản các trọng điểm Vũng Tàu, Biên Hòa, nơi tập trung nhiều đối tượng thuộc quân đoàn 3 và trung ương của địch. Đồng chí Huỳnh Việt Thắng, thường vụ khu ủy, trưởng ban an ninh khu đã trực tiếp tham gia cùng bộ chỉ huy quân đoàn thọc sâu vào Biên Hòa.

Tất cả các lực lượng an ninh, từ Trung ương Cục, khu Đông Nam Bộ và các tỉnh đều đã nỗ lực hết mình trên địa bàn miền Đông tham gia góp phần vào chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong hồi kí, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch đã viết:  “…Đặc biệt các lực lượng an ninh vũ trang trên nhiều hướng đã cùng quân đội, lực lượng an ninh địa phương làm tốt việc trừ gian, bảo vệ trật tự trị an, trấn áp những nhóm ngoan cố còn sót lại, đã không những bảo đảm cuộc sống yên lành cho nhân dân mà còn tạo điều kiện chuẩn bị sẵn người dẫn đường cho các lực lượng vũ trang an toàn tiến vào giải phóng Sài Gòn…” (Đại thắng mùa xuân - Trang 239, 281).

Nhà của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Trung ương Cục Miền Nam.

Ngay sau ngày giải phóng, an ninh miền Đông đã tổ chức đăng ký, trình diện cho hàng ngàn sĩ quan tình báo, cảnh sát, đã khẩn trương lập 5 trại cải tạo trên 3 tỉnh Bình Long, Thủ Dầu Một, Biên Hòa để kịp thời tổ chức cải tạo các đối tượng cần phải tập trung. Và cũng ngay trong những ngày đầu mới giải phóng còn ngổn ngang bao kẻ địch đang lẩn trốn, an ninh khu Đông Nam Bộ đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm chiến trường miền Đông, thăm khu công nghiệp Biên Hòa, thành phố Vũng Tàu và tiếp xúc với nhân dân.

Ngày 7/5/1975, đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Công an do đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn dẫn đầu đã đến thăm khu Đông Nam Bộ, đồng chí đã họp mặt cán bộ miền Đông, và có những ý kiến đánh giá “sự hi sinh gian khổ của các chiến sĩ an ninh miền Đông trong suốt thời kì kháng chiến chống Mỹ đã kiên cường bám trụ trên đất miền Đông, lập nhiều thành tích làm rạng rỡ thêm truyền thống của miền Đông gian lao mà anh dũng. Đặc biệt biểu dương lực lượng an ninh miền Đông đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình trong chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975”.

Sau 40 năm, nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt cùng với nhân dân và quân đội, biết bao lực lượng an ninh miền Nam và cả miền Bắc chi viện đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất miền Đông Nam Bộ, nay không thể ghi nhớ hết được. Biết bao người đã không còn nữa, có người đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt; cả một thế hệ đã chiến đấu quên mình vì giải phóng miền Nam ruột thịt; mọi người chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ dù có phải hi sinh cũng không băn khoăn vì những quyền lợi cá nhân.

Cả một thế hệ anh hùng đã đi theo lý tưởng cao quý mà Bác Hồ đã nêu gương: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó cũng là điều quý báu nhất mà thế hệ đi trước đã để lại cho hôm nay và mai sau với kì vọng: Hãy vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội mà vượt qua mọi cám dỗ cá nhân, để phát huy truyền thống dân tộc anh hùng, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.


Thiếu tướng Lê Tiền - Nguyên Ủy viên Ban lãnh đạo An ninh Khu miền Đông.
.
.