Luật sư – thân chủ: Những nguyên tắc cốt lõi

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:33
Nghĩa vụ buộc luật sư tố giác thân chủ được đề xuất trong Dự thảo BLHS 2015 mà đang được Quốc hội kỳ này bàn thảo tại nghị trường, các chuyên gia và cả những người dân quan tâm đều lo ngại rằng nó sẽ phá vỡ một loạt các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp.

Trước hết, nó vi phạm nguyên tắc đầu tiên trong Tố tụng hình sự luôn đề cao hàng đầu, đó là "Nguyên tắc suy đoán vô tội".

Điều 31.1 Hiến pháp 2013 đã quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc này lại tiếp tục được nêu tại Điều 13 BLTTHS 2015.

Quy định trên phù hợp với Điều 14.2 "Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ năm 1966", mà Việt Nam gia nhập làm thành viên của Công ước này năm 1982. 

Theo quy định đó thì, một người được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật và việc kết tội đó được chứng minh (thông qua một loạt các chứng cứ) bằng một trình tự hợp pháp. Và do đó, anh ta sẽ được hưởng đầy đủ và tối thiểu sự bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của một con người theo quy định của pháp luật cho đến khi bị kết tội hoàn toàn.

Luật sư - vốn chỉ là một người tham gia tố tụng thông thường - một chế định để vừa giám sát, phản biện, vừa thực hiện gỡ tội trong quá trình tố tụng. Vậy thì, tố giác thân chủ mình trong mối tương quan quan hệ pháp lý "thân chủ - người bào chữa", là tước bỏ đi cơ hội được bảo vệ và quyền được hưởng quyền suy đoán vô tội cho những người đang bị cáo buộc trong mọi hoàn cảnh.

Thứ hai, nó phá vỡ nguyên tắc về "Nghĩa vụ chứng minh và chứng cứ".

Trong một chu trình kết tội, thì việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cuối cùng là đến Tòa án xét xử để tuyên án về thân phận pháp lý một con người.

Đây là nguyên tắc quy định tại Điều 15 BLTTHS 2015: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 98.2 BLTTHS 2015 quy định: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Những quy định này cũng phù hợp với các quy định về "quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu" tại Điều 14.3.g của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ năm 1966.

Về vấn đề chứng cứ trong vụ án hình sự, được định nghĩa và xác định bởi Điều 86 và Điều 87 BLTTHS 2015. Chỉ được coi là chứng cứ khi có đủ 3 thuộc tính: tính khách quan (có thật), tính liên quan (tính chứng minh) và tính hợp pháp (đảm bảo pháp lý) - và chúng được thu thập từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau, qua một quá trình tố tụng để đánh giá thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đi đến kết luận về vụ án. Đó là một chu trình và các hoạt động tố tụng nghiêm ngặt, khắt khe bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ trong mọi trường hợp.

Bởi vậy, luật sư không thể và cũng không có nghĩa vụ để chứng minh tội phạm cùng các cơ quan tiến hành tố tụng. Họ là chế định gỡ tội dành cho người bị cáo buộc.

Thứ ba, nó xâm hại và có xu hướng tước bỏ "Quyền được bào chữa, quyền được bảo vệ bởi luật pháp của công dân" - một quyền Hiến định cơ bản của con người.

Điều 31.4 Hiến pháp 2013 đã quy định một sự đảm bảo về quyền được bảo vệ: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Điều 60 BLTTHS 2015 đã quy định, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa.

Nguyên tắc này lại tiếp tục được ấn định tại Điều 16 BLTTHS 2015 về "đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo".

Đảm bảo quyền bào chữa của những người bị cáo buộc nhằm mục đích gì?

Đó là đảm bảo việc người bị cáo buộc sẽ được hưởng sự bảo vệ tối thiểu mà pháp luật dành cho anh ta khi đứng trước các lực lượng hùng hậu, có quyền lực và hiểu biết pháp luật đang cáo buộc anh ta về mặt pháp lý. 

Vậy thì, chế định luật sư nhằm đảm bảo cho mỗi công dân đều có quyền được hưởng như nhau về phương diện được luật pháp bảo vệ, nhằm tránh sự cáo buộc có tính định kiến, sự lạm quyền hoặc những hành vi xâm phạm vào "trình tự hợp pháp" mà luật tố tụng đã quy định bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo. Nó buộc một trình tự tố tụng phải diễn ra hợp pháp và từ đó dẫn đến việc tránh oan sai.

Vậy khi luật sư tham gia bào chữa là để bảo vệ quyền hợp pháp của người bị cáo buộc, rõ ràng luật sư phải trung thành với quyền được bảo vệ đó của người bị cáo buộc. Nghĩa vụ trung thành với quyền lợi của khách hàng phù hợp với Điều 15 “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990" của LHQ.

Chúng ta lại đối chiếu thêm với các điều khoản sau:

(i) Điều 74 BLTTHS 2015 đã quy định đối với các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia thì luật sư được tham gia từ khi kết thúc điều tra vụ án. Với căn cứ nêu trên, thì rõ ràng rằng việc luật sư bào chữa cho những cá nhân bị cáo buộc các tội liên quan đến xâm hại an ninh quốc gia là đã bị hạn chế. Và điều đó về mặt luật pháp và quyền được đảm bảo về quyền bào chữa đối với người bị cáo buộc vốn đã bị xâm phạm và tước bỏ. Hơn nữa, các tội danh này là các tội có cấu thành hình thức, tức không cần hậu quả đã hoàn thành tội phạm, vậy về mặt khoa học pháp lý và thực tiễn là đã không đạt được.

(ii) Điều 76 BLTTHS 2015 quy định phải có luật sư bào chữa nếu rơi vào trường hợp khung hình phạt cao nhất từ 20 năm tù trở lên (là tội đặc biệt nghiêm trọng) hoặc người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hay thể chất. Chiểu theo quy định này thì Điều 19.3 Dự thảo BLHS 2015 một lần nữa xâm phạm không chỉ vào quyền được bảo đảm về quyền bào chữa mà còn tước bỏ quyền được bảo vệ và xét xử công bằng đối với người chưa thành niên, người bị nhược điểm về tâm thần hay thể chất.

Mặt khác, các tội đặc biệt nghiêm trọng là các tội có khung hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên. Như vậy là hầu hết các tội danh trong Dự thảo BLHS 2015 sẽ chịu sự điều chỉnh của điều khoản này.

Nhận thấy rằng, không chỉ các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, mà sẽ bao gồm cả những tội danh có mức hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên, thì các luật sư sẽ buộc phải lựa chọn: hoặc trở thành kẻ tố giác chính thân chủ của mình - và sẽ đối mặt với tội vu khống nếu việc tố giác này sau đó được chứng minh là không có thật, kể cả đối với các tội đã, đang và có thể sẽ xảy ra; hoặc sẽ phải vào tù vì bị cáo buộc "không tố giác tội phạm" từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư có thể bị gài bẫy để đưa vào vòng tù tội bởi một (nhóm) người có quyền lực nhưng bất minh. Luật sư và cả những người bị cáo buộc sẽ trở thành nạn nhân của điều luật kinh hoàng và phản khoa học pháp lý, đi ngược lại văn minh của nhân loại đã đạt được từ hàng trăm năm trước.

Tiếp nữa, nguyên tắc về đảm bảo quyền bào chữa này hoàn toàn phù hợp với Điều 14 Công ước Quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của LHQ - quy định về quyền được xét xử công bằng, trong đó đảm bảo quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Nó cũng tương đồng với các quy định trong "Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990" từ Điều 16 đến 22.

Và thử hỏi tại sao, chỉ có người bào chữa (tức trong lĩnh vực hình sự) thì luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, vậy còn những hoạt động pháp luật khác của luật sư mà luật sư phát hiện tội phạm của khách hàng thì lại không nằm trong quy định này?

Thứ tư, nó vi phạm vào và phá vỡ nguyên tắc "bí mật của luật sư" - một nguyên tắc được bảo vệ gần như tuyệt đối trong hệ thống luật pháp hầu hết các quốc gia.

Điều 9.1.c Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) đã quy định: Nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

Điều 25 Luật Luật sư cũng lại một lần nữa quy định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin đối với luật sư.

Về nghĩa vụ của người bào chữa, Điều 73.2.g của BLTTHS 2015 lại ấn định, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin. Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 22 trong "Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990" của LHQ: Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

Như vậy, luật sư phải có nghĩa vụ trung thành với quyền lợi của thân chủ và không được phép sử dụng các thông tin có được do hành nghề để chống lại quyền lợi của chính thân chủ mình.

Cuối cùng, nó phá vỡ nền tảng đạo đức quốc gia - vì luật pháp là đạo đức tối thiểu.

Không những chỉ tước bỏ đi các quy định mang tính nguyên tắc tối cao về luật pháp mà nó còn làm đảo lộn giá trị đạo đức của chính luật sư đối với trọng trách được luật pháp giao cho là "bảo vệ luật pháp và công lý". Những quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp đã có một Bộ quy tắc dành riêng cho luật sư (năm 2011).

Chúng ta có thể tham khảo thêm các quy tắc ứng xử đạo đức, nghề nghiệp luật sư của Hoa Kỳ, châu Âu, Canada để hiểu rõ "quyền giữ bí mật của luật sư" được đảm bảo như thế nào. Và chỉ rất ít các trường hợp mà kèm theo đó là với các điều kiện hết sức nghiêm ngặt, luật sư mới được quyền tiết lộ thông tin đối với sự việc mình biết được cho các cơ quan công quyền - nhưng là trên sự cân nhắc, lựa chọn, sau khi trao đổi và thuyết phục, cảnh báo đối với khách hàng mà không có tác dụng đối với các hành vi có thể sẽ xảy ra.

Nếu luật sư phải tố giác thân chủ/khách hàng của mình thì không còn một ai trong xã hội sẽ đặt niềm tin vào luật sư, không còn ai tin rằng mình sẽ được bảo vệ bằng luật pháp. Và họ sẽ coi luật sư là những người cần phải cảnh giác, có thể là một cái bẫy, họ sẽ không dám chia sẻ hay cảm thấy được an toàn. 

Trong khi, mối quan hệ pháp lý của thân chủ và luật sư chỉ được khởi phát khi các bên đã ký kết với nhau một hợp đồng bảo vệ. Nên mọi thông tin được thân chủ chia sẻ chỉ sau khi đã có mối quan hệ với luật sư (mà trong hợp đồng luôn có điều kiện bảo mật và các cam kết không gây bất lợi cho họ), là nhằm mục đích rằng họ tin tưởng chắc chắn mình sẽ được bảo vệ, chứ không phải để bị tố cáo một lần nữa (bị phản bội) khi đã giao niềm tin vào luật sư. 

Đạo đức sẽ bị hủy hoại và nền tảng công lý đã bị phá hủy ngay từ chính quy định tại Điều 19.3 này rõ ràng đến mức không cần phải bàn cãi thêm nữa.

Bởi lẽ, nếu phủ nhận vai trò của luật sư hoặc bỏ trống quyền được bảo vệ của con người thì sẽ chỉ còn lại toàn là tội ác. Và hơn thế, nếu con người không được đảm bảo bằng luật pháp, thì mọi sự an ninh đều trở nên vô nghĩa.

Lê Luân
.
.