Lỗi hẹn thiết chế “trảm” tài sản bất minh
- Hà Nội triển khai kê khai tài sản, thu nhập năm 2018
- Không kiểm soát được kê khai tài sản thì tham nhũng tiếp tục kéo dài tràn lan 1
- Kiểm soát tài sản công chức qua kê khai tài sản
- Ai kê khai tài sản sai thì phải mất chức1
- Sẽ sửa đổi quy định về kê khai tài sản để bịt lỗ hổng như vụ ông Phạm Sỹ Quý
Với sự kỳ công như vậy, những tưởng phương án khả thi được “chốt” để tạo ra bước đột phá mới nhưng do ý kiến đại biểu Quốc hội chưa thống nhất nên rốt cuộc, đành lỗi hẹn…
1. Hằng năm, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và ở một số vị trí “nhạy cảm về tài chính” thuộc diện phải kê khai tài sản tăng thêm, bao gồm đất đai, nhà cửa, tiền gửi hoặc giá trị tài sản mỗi loại có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên... đều thuộc diện phải “niêm yết” trong bản kê khai.
Tuy nhiên, thực tế, các bản kê khai, kê khai bổ sung thường sơ sài và khối tài sản lọt danh sách kê khai không thể kiểm soát. Con số 50 triệu với mỗi tài sản tăng thêm với nhiều người là lớn nhưng với xu thế xã hội hiện nay, nhiều quan chức sở hữu khối tài sản gấp trăm, gấp ngàn lần như vậy vẫn lọt lưới kê khai hoặc các bất động sản, tài sản kê khai nhưng đứng tên người khác.
Trong khi đó, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, đặc biệt là đối với những cá nhân có cổ phiếu ưu đãi và những cá nhân có giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Trong luật hiện hành chưa có cơ chế về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý, thiếu quy định mang tính bắt buộc về thời hạn đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập thực hiện nghĩa vụ kê khai hoặc giải trình về tài sản, thu nhập của mình.
Còn thực tế, cơ quan quản lý, kiểm soát kê khai nắm và xử lý sai phạm đến đâu? Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2018 là 1.136.902 người (đạt tỷ lệ 99,8%). Có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập tại các đơn vị Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái.
Chỉ với 43,09% đại biểu đồng ý xử lý tài sản tăng thêm mà không kê khai tại tòa án, Quốc hội chưa đưa nội dung này vào Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do phản ánh của dư luận, của nhân dân và báo chí.
Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.
Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP. Hà Nội. Có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị hơn 451,5 triệu đồng.
Những thông số trên cho thấy sai phạm bị phát hiện và xử lý do kê khai tài sản không trung thực chỉ diễn ra rất... khiêm tốn và nhẹ nhàng!
Có trên 1,1 triệu người kê khai nhưng chỉ phát hiện có 6 người kê khai không trung thực, còn lại không có vấn đề gì. Nếu số vi phạm bé xíu như vậy thì tại sao Quốc hội, cơ quan soạn thảo, thẩm tra luật phải vất vả rà đi, sửa lại tới 3 kỳ họp mà rốt cuộc vẫn không xong vì ý kiến còn rất phân tán.
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật là Thanh tra Chính phủ đã phải kỳ công nghiên cứu thực tiễn luật pháp về phòng, chống tham nhũng ở các nước, trong đó đúc rút ưu điểm, kinh nghiệm về quy định và xử lý tài sản bất minh để có thể học hỏi, vận dụng.
Các cuộc tham vấn, rà soát tại các tỉnh thành, bộ ngành cũng được tiến hành rất bài bản. Thực tiễn cuộc sống, dư luận nhân dân, dư luận báo chí luôn tỏ ra bức xúc trước tình trạng quan chức sở hữu khối tài sản lớn, tài sản khổng lồ nhưng giấu giếm việc kê khai hoặc lập lờ đánh lận, tẩu tán, sang tên muôn hình vạn trạng.
Điều đó cho thấy, việc quy định luật pháp đã đành nhưng quan trọng hơn là áp dụng thực tiễn bởi nếu có quy định mà chỉ “ngủ” trên giấy, hiếm khi được xử lý thì cũng rất khó để làm chuyển biến điều gì.
2. Các nhà làm luật đã “soi” khá nhiều quy định luật pháp các nước để có thể vận dụng. Tại Pháp, đối tượng kê khai là cán bộ công chức do dân bầu. Các đối tượng thuộc diện phải kê khai theo quy định mà không thực hiện các nghĩa vụ kê khai, không kê khai phần lớn tài sản hoặc lợi ích của mình, khai gian tài sản sẽ bị phạt tù 3 năm và phạt tiền 45.000 euro.
Các tài sản phải kê khai là kê khai chính xác tài sản mình sở hữu như: bất động sản nhà đất, các khoản đầu tư, tài khoản ngân hàng, các khoản vay nợ, cổ phiểu, thành viên hội đồng quản trị công ty, hoạt động tình nguyện, hoạt động nghề nghiệp.
Pháp luật Trung Quốc quy định: cán bộ khi rời chức vụ lãnh đạo hoặc nghỉ hưu thì trong vòng 3 năm sau đó, không được kinh doanh ở những lĩnh vực có liên quan đến công việc trước đây mình phụ trách; vợ (hoặc chồng), con cán bộ lãnh đạo không được kinh doanh ở các lĩnh vực do chồng (hoặc vợ), cha mẹ mình quản lý.
Từ năm 1997, Trung Quốc đã giải tán các cơ sở kinh doanh trong công an, quân đội, hải quan nhằm tránh lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Tất cả công chức ở mọi vị trí đều phải kê khai tài sản của mình mỗi năm 2 lần. Tất cả nguồn thu nhập từ các nguồn khác nhau phải được kê khai đầy đủ. Cán bộ lãnh đạo phải kê khai rõ các khoản như: tiền tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, đồ dùng có giá trị trên 10.000 nhân dân tệ (khoảng 19 - 20 triệu đồng Việt Nam), ô tô, nhà riêng, đất đai, tranh cổ quý hiếm...
Bộ Giám sát của Chính phủ theo dõi, giám sát việc kê khai và xem xét, xử lý những trường hợp có tài sản bất minh. Công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình thì bị coi là tham ô.
Điều 395 Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định: “Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức đó không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu”.
Đặc biệt, do người tố cáo còn bị đe dọa, vì vậy cho phép người tố cáo được giấu tên và chấp nhận thư nặc danh. (60% đơn thư tố cáo là thư nặc danh và có rất nhiều thông tin chính xác về tham nhũng).
Với chúng ta, 3 phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực được các nhà làm luật gói lại, gồm: đánh thuế thu nhập, xử phạt hành chính và giải quyết tại tòa. Đương nhiên, 3 phương án này không áp dụng với khối tài sản được chứng minh là phạm pháp, do tham nhũng mà có bởi trong trường hợp đó hiển nhiên bị thu hồi. Phương án giải quyết tại tòa án nhận được sự quan tâm lớn hơn.
Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại việc đưa ra tòa khiến phát sinh phức tạp mà người bị tố giác phải theo đuổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Kết quả, 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 32,16% tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
“Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật”- bà Nga cho hay.
Có thể thấy, việc phân tán ý kiến cho thấy sự lưỡng lự, chưa tập trung vào một phương án cụ thể của đại biểu Quốc hội do mỗi phương án có ưu, hạn chế riêng. Nhưng, cũng phải thấy rằng, việc đưa ra tới 3 phương án, rồi còn phương án “giữ như hiện tại” nữa thành 4. Bỏ phiếu cho 4 phương án thì quá khó để một phương án nào đó vượt lên quá bán nên việc tất cả đều dưới bán cũng là dễ hiểu.
Có ý kiến cho rằng, lẽ ra chỉ nên gút lại 2 phương án để đảm bảo tính tập trung hoặc nếu lấy tất cả các phương án thì thực tế phương án xử lý tại tòa dù chưa quá bán nhưng đã chiếm phần đa ý kiến (43,09%) thì cũng coi là ưu thế để có thể chọn lựa. Đòi hỏi quá bán trong trường hợp này là quá khó.
Vậy là, qua 3 kỳ họp với chuỗi thời gian nghiên cứu, khảo sát, rốt cuộc đạo luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi chưa thể gút lại được thiết chế mới mà người dân trông đợi. Nghĩa là, chúng ta còn phải chờ đợi thêm khi “điều kiện chín muồi” đến.