Làm sao để tự do tài chính, nghỉ hưu sớm ở tuổi 30?
Đó là thời điểm liên tục trong 14 tháng cô làm việc từ 9 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm với hàng chục cuộc họp, email, tin nhắn mỗi ngày để giải quyết dự án với các văn phòng toàn cầu cho đến một ngày, cô ngã gục trước cửa phòng họp vì kiệt sức và chảy máu dạ dày.
Công việc cho Giang mức thu nhập 50 triệu/1 tháng nhưng hầu như không có ngày nghỉ và mất cảm giác ngon miệng cũng như liên tục mất ngủ. Sau kỳ nghỉ hè tại Singapore với đồng nghiệp quốc tế, Giang quyết định triển khai kế hoạch: "Tự do tài chính - nghỉ hưu sớm ở tuổi 30" theo đó, cô sẽ dành 10 năm để tiết kiệm 50 đến 70% thu nhập và sau đó, Giang sẽ thực sự sống với cuộc đời mà cô mơ ước.
"Tự do tài chính - nghỉ hưu sớm ở tuổi 30" (gọi tắt FIRE) là một trào lưu sống thịnh hành ở phương Tây và các nước Đông Á trong vài năm gần đây. Bằng cách tiết kiệm và đầu tư 50% đến 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Nếu mỗi năm bạn rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo.
Ví dụ, mức tiêu dùng của gia đình Giang là 20 triệu đồng/1 tháng (240 triệu/ 1 năm) x 25 năm = 6 tỷ VND thì đây là con số đánh dấu cô đã đạt tự do hoàn toàn về tài chính. Khi đó, cô có thể nghỉ việc và thực hiện những điều mình yêu thích như đi du lịch, trồng hoa, viết sách… mà không phải tất bật họp hành, đấu đá với đồng nghiệp xấu tính, mệt mỏi vì sự khó ở của ông chủ.
Nhờ có tiếng Anh, Giang gia nhập vào cộng đồng FIRE toàn cầu để học hỏi các kinh nghiệm làm sao có thể cắt giảm 50% - 70% tiêu dùng để tiết kiệm và đầu tư cho đạt ngưỡng FIRE cần thiết. Sau đó, con số này tiếp tục được gửi gắm vào chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn kinh doanh làm sao để sản sinh dòng tiền mỗi tháng cho chủ nhân.
"Tự do tài chính - nghỉ hưu sớm ở tuổi 30" được coi như một cuộc cách mạng trong văn hoá làm việc phương Tây - nơi đang chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi lợi nhuận và làn sóng toàn cầu hoá.
Ở thung lũng công nghệ Silicon Valley hay trung tâm tài chính phố Wall, người Mỹ không những phải "đấu đá" với nhau mà còn "mài da xóc thịt" bởi những nhân viên xuất sắc nhất thế giới đang tề tựu về đây. Làn sóng chuyển dịch nguồn lực giá rẻ đến các nước thứ ba hoặc sự bùng nổ của robot, trí tuệ nhân tạo cũng là nguy cơ rình rập hàng triệu lao động có thể mất việc trong tương lai. "Làm việc đến chết" như một cơn hạch dịch tiếp tục đẩy nhiều người vào vòng xoáy căng thẳng, lo âu, stress vì miếng cơm manh áo.
Trong làn sóng đó, có những người như Jason Long - một dược sĩ có mức lương 150 nghìn USD/1 năm nhưng hàng ngày phải chứng kiến giá thuốc tăng vọt, các công ty dược phẩm như những con cá mập khổng lồ hút máu người bệnh, bệnh nhân phải chiến đấu từng xu với công ty bảo hiểm… hay Jackson Dell - một kỹ sư công nghệ vùi mặt 14 tiếng đồng hồ một ngày sau màn hình máy tính chứng kiến những màn đấu đá xấu xa của đồng nghiệp đã quyết định sẽ sống một cuộc đời khổ hạnh trong 10 năm để đi theo con đường độc lập tài chính - nghỉ hưu sớm vào tuổi 40.
Một vài người khác như Anne - nhà bảo vệ môi trường ở Canada gia nhập vào làn sóng FIRE vì cô muốn bảo vệ trái đất bằng cách cắt giảm hầu hết các nhu cầu tiêu dùng. Hoặc như cặp vợ chồng chủ nhân kỹ sư công nghệ Shen và Leung, đã tuyên ngôn trên trang cá nhân: "Ngừng làm việc và Sống thực sự" - Đối với họ, cuộc sống thật ngắn ngủi và mỗi người chỉ được sống một lần, vì vậy, đừng lãng phí một phút giây vào vòng quay kiếm tiền - trả nợ - hưởng thụ rồi lặp lại. "Độc lập tài chính là con đường dẫn chúng tôi đến sự TỰ DO được sống theo cách mình mong muốn" - Leung chia sẻ.
Làm thế nào để đạt được tự do tài chính là một bài toán hóc búa thách thức nhiều người trẻ xuất thân bình thường, không có khoản thừa kế kếch xù từ bố mẹ hoặc không có tài năng xuất chúng để khởi nghiệp như tỷ phú Bill Gates hay Steve Jobs. Kiều Anh - hiện đang là nhân viên phân tích số liệu cho một công ty tài chính tại Washington (Hoa Kỳ) - đã ghi lại nhật ký tiêu dùng hàng ngày trên blog "Người châu Á giản dị".
Theo đó, mỗi tháng cô chỉ dành tối đa 500 USD cho tiêu dùng thực phẩm phục vụ gia đình hai vợ chồng và hai con nhỏ, một con số khiêm tốn cho cuộc sống đắt đỏ tại thủ đô nước Mỹ. Mỗi tuần, cô lên kế hoạch ăn uống cho 7 ngày và chỉ đi siêu thị một lần mua thực phẩm phục vụ cho kế hoạch đó. Thịt, cá là đồ đông lạnh để được giảm giá tối đa và rau, củ, quả mua theo mùa với những loại rẻ nhất như chuối, cam, dâu tây.
Hầu hết các bữa ăn được nấu tại nhà và nếu có ăn ngoài thì vượt không quá 5 USD cho một người. Hai vợ chồng cô đi làm bằng phương tiện công cộng hoặc đi bộ, còn quần áo, đồ chơi cho con nhỏ thì đi xin ở các quỹ từ thiện hoặc mua đồ cũ trên mạng. Trước đây, Kiều Anh đã gửi con trai 2 tuổi về Trung Quốc cho bố mẹ chồng nuôi vì gia đình cô không kham nổi chi phí gửi trẻ.
Cắt giảm chi phí cho ba khoản "ngốn" nhiều tiền nhất như nhà ở, giao thông, thực phẩm là công thức chung cho tín đồ tự do tài chính.
Như Karen, nhân viên ngân hàng HSBC Hong Kong chia sẻ:" Đầu tiên, bạn phải trả hết mọi khoản nợ mua nhà, xe, tiêu dùng… Sau đó, bạn cắt giảm hầu hết các chi tiêu hàng ngày, như thay vì sống ở trung tâm Causeway Bay với giá thuê nhà là 20 nghìn USD/ 1 tháng, tôi đã chuyển về sống tại một hòn đảo nhỏ với giá thuê 8000 USD/1 tháng và di chuyển vào nơi làm việc bằng phà, xe bus chỉ 2 USD/ 1 lượt. Chúng tôi tự nấu ăn, tự cắt tóc và tự sửa chữa nếu đồ đạc trong nhà bị hư hỏng. Các hoạt động giải trí hầu như miễn phí hoàn toàn như đi leo núi, tắm biển, tiệc nướng trong công viên, mượn sách thư viện. Cuối cùng, bạn tìm các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hoặc góp vốn kinh doanh để "tiền đẻ ra tiền".
Sau 5 năm sống tằn tiện, Karen và chồng đã tiết kiệm và đầu tư được khối tài 700 nghìn USD và cô chỉ còn thiếu 800 nghìn USD nữa là hoàn thành giấc mơ độc lập tài chính cho gia đình.
Nhiều người Mỹ chọn cách sống cực đoan là cắt đứt mọi mối giao lưu bạn bè, xã hội hoặc sống qua loa, tạm bợ qua ngày để nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính cho mình.
Peter - một người nổi tiếng trong cộng đồng FIRE - đã "ép" ba đứa con tuổi từ 16 đi làm thêm ở tiệm thức ăn nhanh và siêu thị để kiếm tiền cho học phí đại học: "Tôi cảm thấy mình không có nghĩa vụ phải lo tiền học cho con cái, đó là việc chúng phải tự gánh vác. Tôi chỉ vạch ra con đường cho ba đứa con đi, đó là theo học cao đẳng hoặc đại học công lập, sống ghép phòng với bạn bè, xoay xở làm thêm hoặc vay nợ để trang trải học phí. Nếu phải gánh thêm ngân sách giáo dục cho con thì vợ chồng tôi không thể cán đích tự do tài chính vào tuổi 40 như mục tiêu".
Với những người đã chạm đích nghỉ hưu vào tuổi 40, thì cuộc sống mới bắt đầu theo ý nghĩa trọn vẹn của nó. Như vợ chồng kỹ sư Canada Shen và Leung dành hầu hết thời gian du lịch năm châu bốn bể. Ở mỗi địa điểm, họ thuê nhà và sống vài tháng để trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Thời gian rảnh rỗi, cặp vợ chồng viết blog chia sẻ về các món ăn ngon, con người thú vị hoặc các bí quyết đầu tư, tài chính. Nhờ sự năng động và nhạy bén, cặp vợ chồng kiếm thêm hàng nghìn USD mỗi tháng nhờ quảng cáo trên blog cá nhân có 3,4 triệu lượt truy cập, tiền bán sách hoặc học phí từ các lớp học làm giàu online mà họ trực tiếp giảng dạy.
Với Thu Giang, sau khi đã có 20 triệu mỗi tháng đều đặn trích ra từ tiền thuê hai căn hộ chung cư và đầu tư chứng khoán, cô đã có thể thảnh thơi đưa đón con đi học, đi bơi, học vẽ, đọc sách. Thời gian rảnh rỗi, cô tập yoga, thiền và học chuyên sâu về tư vấn tâm lý để thực hiện ước mơ trở thành người gỡ rối tâm lý cho những phụ nữ đang phải đối mặt với những tình huống trớ trêu. Giang còn ấp ủ viết sách làm sao hướng dẫn cho phụ nữ Việt Nam sống mạnh mẽ, độc lập và là chính mình hơn.
"Tự do tài chính là con đường giúp tôi được sống như chính con người mình mong muốn, đó thực sự là một đặc ân không phải ai cũng có được" - Giang tiết lộ.