Kinh tế châu Á: Xuôi ngược trên dấu mốc 10 năm

Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:54
10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, lần đầu tiên, nền kinh tế châu Á có những dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng. Chu kỳ 10 năm cho một cuộc khủng hoảng liệu có lặp lại, hay lần này châu Á đã rút ra được kinh nghiệm của mình?


Những gam màu xám

Không khó để dự đoán 2019 và các năm tiếp theo kinh tế của khu vực châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại. Sau thời kỳ tăng trưởng thần tốc khi nâng GDP lên hơn 250 lần trong vòng 40 năm qua, cuối cùng thì Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - đã có dấu hiệu chậm lại. Dù vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018 là 6,6% nhưng đó là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 28 năm qua.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại này như: cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, sự chuyển dịch trong nền kinh tế Trung Quốc, sự gia tăng của giá nhân công làm mất lợi thế, các rào cản và nhiều nguyên nhân khác... Song, vấn đề cốt lõi vẫn là do nền kinh tế Trung Quốc bây giờ đã quá lớn để có thể tiếp tục tăng trưởng “như lên đồng”.

Sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dĩ nhiên kéo theo các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nó. Singapore, nền kinh tế dựa nhiều vào thương mại khu vực sẽ không thể tăng trưởng cao, khi những tàu hàng đến và đi của Trung Quốc đã chở theo ít hàng hóa hơn. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, cũng đã giảm tốc.

Một thị trường chung ASEAN là niềm hy vọng mới cho động lực tăng trưởng khu vực trong thời gian tới.

Đài Loan cũng không còn đứng ngoài ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục được nữa, khi mà phần lớn các hoạt động đầu tư lớn nhất của vùng lãnh thổ này đều nằm ở Trung Quốc.

Sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm đến 1/3 động lực tăng trưởng toàn cầu, Trung Quốc vừa là đối tác nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất khu vực, đồng thời là nhà cung cấp lớn nhất. Khi Trung Quốc hắt hơi, các nước lân cận không thể không cảm thấy nghẹt mũi.

Ngay cả Hong Kong, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều để lại những số liệu u ám về xuất khẩu trong năm 2018 và những tháng đầu 2019. Phần lớn các nền kinh tế châu Á đều phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và khi chính sách bảo hộ của Mỹ bắt đầu được lan rộng ra ở cả châu Âu, các nền kinh tế này đều bị ảnh hưởng.

Sự giảm tốc này cũng đến từ việc sau nhiều năm, những nền kinh tế lớn từng tạo nên điều thần kỳ châu Á đã đạt đến mức bão hòa. Một Nhật Bản già nua về dân số đang bắt đầu quá trình giảm phát hết sức nguy hiểm mà các gói hỗ trợ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng không thể cứu vãn.

Việc bắt buộc phải tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào đầu năm nay (và là lần thứ 2 trong 5 năm qua) cho thấy ngân sách đã không còn chống đỡ nổi gánh nặng phúc lợi quá lớn. Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, những con hổ tiếp theo sau một giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt nhờ thương mại và phát triển công nghệ cũng đã chậm lại.

Đây là lý do khiến ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng của năm 2019 cho khu vực châu Á chỉ còn là 5,8% so với 6% của năm 2018. Một con số đi lùi phản ánh những nhìn nhận bi quan về tình hình chung của kinh tế khu vực.

Những hy vọng mới

Nguồn động lực cũ đã mất đi sức mạnh và đây là lúc cần tìm những động lực mới. Ở một khu vực dân cư tập trung đông nhất thế giới như châu Á, với nhiều quốc gia vẫn còn ở trình độ phát triển thấp, việc tìm ra những niềm hy vọng mới cũng không quá khó.

ASEAN sẽ là khu vực được lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kết luận này đã được nhiều nhà kinh tế khẳng định. Phần lớn các nền kinh tế ASEAN vẫn còn đang trong quá trình phát triển. Những nền kinh tế mới nổi như Lào, Campuchia, Myanmar giờ mới tham gia vào tiến trình ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tăng trưởng khu vực. Cả 3 nền kinh tế này đều được dự báo sẽ tăng trưởng gần 7% trong năm 2019.

Trong khi đó, Philippines và Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ chính sách chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận. Những kết nối nội khối trong thị trường chung ASEAN thời gian tới đang được đẩy mạnh sẽ giúp kinh tế khu vực có thêm những động lực để tăng trưởng.

Thay vì phụ thuộc vào các cường quốc đang ngày càng gia tăng những biện pháp bảo hộ, hoạt động kinh tế nội khối của ASEAN sẽ bù đắp cho những thị trường đang trở nên khó xâm nhập hơn.

Tầm nhìn 2020 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với mục đích hội nhập kinh tế khu vực đang có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan và 2020 của Việt Nam, AEC sẽ đi những bước cuối cùng để thực sự kết nối hòng tạo nên một thị trường chung với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển tự do. Một AEC thành hình sẽ tạo cho khu vực mối quan hệ gắn kết hơn, tạo nên niềm tin lớn vào khả năng tăng trưởng của kinh tế khu vực trong thời gian tới.

Trong khi Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại thì một gã khổng lồ khác đến từ phương Nam đã tìm thấy cơ hội của mình. Với quy mô dân số 1,3 tỷ người và là nền kinh tế rất giàu tiềm năng, không khó để thấy Ấn Độ sẽ sớm trở thành “ngôi sao mới” trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng khu vực châu Á. 

Nhờ có nền tảng khoa học kỹ thuật cao (đặc biệt là công nghệ thông tin), sự bùng nổ dân số kéo theo bức tranh kinh tế rất sáng sủa cho Ấn Độ trong thời gian qua.

Năm 2017, nền kinh tế này đã vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và được dự báo sẽ vượt qua Anh ngay trong năm 2019 này. Mức tăng trưởng ấn tượng 7,7% trong thời gian qua khiến Ấn Độ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2018. Những khoản đầu tư lớn của Chính phủ Ấn Độ cho hạ tầng giao thông thời gian qua sẽ tiếp tục giúp kinh tế Ấn Độ cất cánh.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang có những căng thẳng thương mại thì mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ và các nước phương Tây nói chung là ít nghi ngại hơn. Một cánh cửa mở ra từ Ấn Độ sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn của phương Tây đang muốn tìm một thị trường mới đủ lớn để thay thế Trung Quốc là cực kỳ hấp dẫn.

Trong khi đó, cùng với những nỗ lực tăng trưởng, chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đã tìm cách kết nối với những nền kinh tế khu vực gần gũi, đặc biệt là ASEAN. Sự kết hợp này sẽ tạo ra cú hích đủ mạnh đối với kinh tế châu lục.

Thêm vào đó, gã khổng lồ Trung Quốc dù có chậm lại tốc độ tăng trưởng thì vẫn đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những động thái cải cách của họ, nhắm vào chính thị trường nội địa khổng lồ của mình ở phía Tây đất nước, sẽ mở ra cơ hội mới cho chính Trung Quốc.

Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc trong một thập niên qua là lớn nhất thế giới và nó đang thu được những kết quả đáng khâm phục. Những cái tên như Xiaomi, Huawei hay Alibaba đang “đánh chiếm” các thị trường không chỉ ở châu Á mà còn khắp Âu, Mỹ. Gã khổng lồ vẫn đang bước tới.

Kinh tế châu Á đang đứng trước ngưỡng của sự thay đổi.

Và những kẻ đồng hành

Dù là một phần của châu Á nhưng khu vực Trung Á và Tây Á chưa bao giờ thực sự được coi là một phần của châu lục này. Các quốc gia Tây Á, bao lâu nay, khá tách biệt với quá trình phát triển chung của kinh tế châu Á. Nhưng, sự kết nối đang ngày một lớn hơn. Khi Trung Quốc, ASEAN và cả Ấn Độ đều đang lớn mạnh, những ông chủ Ảrập không thể đứng ngoài cuộc chơi. Tăng trưởng dựa vào dầu mỏ cũng không còn là con đường duy nhất.

Những chuyển biến của các quốc gia như Saudi Arabia, Qatar sang phát triển thương mại dịch vụ cũng thu được nhiều kết quả đáng ngưỡng mộ.

Trung Á với các quốc gia vốn thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan... từ lâu vẫn được coi là sân sau của Nga. Nhưng, việc thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải gắn kết các quốc gia này khăng khít hơn với nền kinh tế Trung Quốc.

Ngay cả Nga, sau khi vấp phải những vấn đề với Mỹ và phương Tây từ sau sự kiện sáp nhập Crimea, cũng đã quay sang phía Đông để tìm những mối quan hệ làm ăn mới. Với nguồn tài nguyên phong phú, họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Trung Quốc tiếp tục phát triển và góp phần vào sự đi lên chung của cả nền kinh tế khu vực.

Sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh và dựa nhiều vào xuất khẩu, đặc điểm chung của các nền kinh tế châu Á trong thời gian tới sẽ là hướng đến thị trường nội địa và nội khối. Sự ảnh hưởng của những thị trường phát triển đã và sẽ còn tiếp tục giảm bớt.

Mối quan hệ gắn kết với những động lực chính là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN sẽ kéo nền kinh tế cả châu lục tiếp tục đi lên. Một thế kỷ của châu Á sẽ không phải là viễn cảnh xa vời nếu nhìn vào thị trường lên tới 4,5 tỷ người, chiếm gần 60% dân số thế giới này.

Dĩ nhiên, bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu sáng đó vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đặc biệt là về khả năng tranh thủ thời cơ tăng tốc. Bởi nếu không đi nhanh hơn, cũng có nghĩa là đang chậm lại rồi...

Tử Uyên
.
.