Khi nhân loại gò cương bên miệng vực

Thứ Tư, 21/11/2018, 10:22
Đe dọa rút khỏi INF (Hiệp ước các lực lượng hạt nhân), nước Mỹ đang không chỉ gợi lại mỗi lúc một rõ hơn những ký ức u tối của thời Chiến tranh Lạnh, mà còn nhắc cho nhân loại nhớ rằng: Đã từng có lúc, nguy cơ tự hủy diệt đến gần với thế giới này như thế nào. 

Và bởi vậy, sau đó, sau những giờ phút nghẹt thở của điều được gọi là "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" năm 1962 ấy, một hiệp ước giải trừ quân bị trở thành nhu cầu bức thiết đến đâu.

Không thể khoan nhượng

Không có gì quá lời, khi rất nhiều chuyên gia bình luận - phân tích quốc tế xem "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" là sự kiện kịch tính nhất trong suốt hơn bốn thập kỷ Chiến tranh Lạnh. 

Trước đó và sau đó, quân đội của hai siêu cường hàng đầu thế giới chưa từng đứng đối diện nhau ở khoảng cách gần như thế, với những thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất sẵn sàng được kích hoạt như thế.

Tháng 1-1961, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba. Tổng thống Mỹ khi ấy, John F.Kennedy khẳng định rằng ông sẽ không để Cuba trở thành căn cứ quân sự của Liên Xô ở vùng biển Caribbea - điều rõ ràng là mục tiêu hết sức được ưu tiên của Tổng bí thư Liên Xô, Nikita Khruschev.

Chẳng cường quốc nào muốn có người mang súng đến kê vào cửa sổ phòng ngủ của mình, đó là điều tất yếu. Và đó cũng là lý do vì sao nước Nga bây giờ phản ứng mạnh mẽ đến như vậy, trước sự bành trướng không ngừng về phía Đông của NATO (Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương).

Washington đã cố gắng làm mọi cách để lật đổ chính quyền La Habana, mà đỉnh điểm là Sự kiện Vịnh Con Lợn (Bay of pigs, hay còn gọi là bãi biển Giron) - kế hoạch tấn công liên hoàn trong ba ngày (từ 15-4 đến 17-4-1961), với sự tham gia của hơn 1.200 phần tử lưu vong Cuba được trang bị hỏa lực mạnh, cùng cả ba máy bay B-26 sơn cờ hiệu Cuba oanh tạc một số sân bay quanh La Habana. Bị đánh tan tác và thất bại thảm hại, cuộc đổ bộ này chính thức đưa Cuba trở thành một "điểm nóng" toàn cầu, với những sự tập trung lực lượng ồ ạt từ cả hai phía.

18-4-1961, Liên Xô ra tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh dũng cảm giành độc lập, tự do của nhân dân Cuba, yêu cầu Mỹ ngừng mọi hành động xâm lược.

Tổng bí thư Nikita Khruschev sau này hé lộ: "Sau khi Fidel giành thắng lợi quyết định trước các phần tử phản cách mạng, chúng ta đã tăng cường viện trợ quân sự cho Cuba. Quân đội Cuba có thể tiếp nhận bao nhiêu vũ khí, chúng ta cung cấp bấy nhiêu".

Và đó là tiền đề để những giàn tên lửa chĩa vào nhau trên biển Caribbea, một năm sau.

Tầm bao quát của các tên lửa Liên Xô phóng từ Cuba.

Cả thế giới nín thở

Thực ra, có những giai đoạn ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lãnh đạo Xô - Mỹ đã có những bước đi mang tính hòa hoãn, và thậm chí từng thực sự tiến hành giải trừ quân bị ở quy mô nhỏ. Song, đó là khi họ phải tập trung cho các mục tiêu tái thiết hậu chiến, chưa thể tính đến chuyện đẩy cao mức độ căng thẳng trong các mâu thuẫn.

Khi giai đoạn "ấm áp" này kết thúc chóng vánh, quân đội Mỹ và NATO tăng cường hiện diện ở Tây Đức, Áo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ…, hình thành một vòng vây quanh khối các nước XHCN Đông Âu. Các cuộc tập trận của họ đều lấy Liên Xô và Đông Âu làm kẻ địch giả tưởng.

Theo ước tính, tên lửa Mỹ bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất khoảng 5-6 phút là vươn tới được Moskva. Trong khi đó, nếu muốn tập kích lãnh thổ Mỹ, tên lửa Liên Xô phải mất chừng 20-30 phút hành trình.

Thật dễ hiểu, vì sao Nikita Khruschev không chỉ muốn cung cấp cho Cuba những loại vũ khí thông thường. Ông sẵn sàng bố trí tên lửa hạt nhân, nhằm mục tiêu tạo thế cân bằng chiến lược giữa Moskva với Washington.

Tiến trình ấy, dĩ nhiên, được thực hiện bí mật nhất có thể. Song, những chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ qua không phận Cuba đã sớm vén lên được những tấm màn che phủ. 14-10-1962, các chuyên gia của CIA bàng hoàng phát hiện dấu vết về một căn cứ tên lửa tầm trung của Liên Xô ở San Crsitobal, qua không ảnh. 

Và theo tính toán sơ bộ, chỉ sau hai tuần nữa, những bãi phóng của Liên Xô ở Cuba sẽ sẵn sàng tham chiến, đặt toàn bộ các thành phố lớn ở bờ Đông nước Mỹ cũng như các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong tầm ngắm.

Ngày 16-10, Tổng thống Kennedy triệu tập khẩn cấp hai cuộc họp bí mật. Phái "diều hâu" trong Lầu Năm Góc đưa ra hai phương án phản ứng: Quân đội Mỹ trực tiếp tấn công Cuba, bằng cả đường không lẫn đổ bộ; hoặc huy động 500 máy bay ném bom rải thảm, đánh vào các bãi phóng. 

Tính chất gay gắt và mức độ mạo hiểm của hai phương án này khiến phái ôn hòa phản đối, và chính Kennedy cũng e ngại. Bởi vì, điều đó có nghĩa là chiến tranh thế giới.

18-10, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô - Andrei Andreyevich Gromyko sang Mỹ, và khẳng định: "Nếu Mỹ lựa chọn hành động thù địch với Cuba, Liên Xô sẽ không đứng nhìn". 

Ông cũng làm rõ lập trường của Liên Xô: "Một khi Mỹ có thể xây dựng căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italy, Anh…thì lẽ nào Liên Xô không có quyền ký hiệp ước quân sự với các quốc gia khác? Lẽ nào Liên Xô không được phép giúp Cuba phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng?".

Sự cứng rắn được đáp trả bằng cứng rắn. Ủy ban An ninh quốc gia Hoa Kỳ đồng thuận cao trong việc thiết lập một vành đai phong tỏa, ngăn chặn Liên Xô đưa vũ khí hạt nhân vào Cuba.

18h ngày 22-10, Đại sứ Liên Xô Dobrynin được triệu kiến, để Ngoại trưởng Mỹ Rusk trao bức thư Tổng thống Mỹ Kennedy gửi Tổng bí thư Liên Xô Khruschev, cũng như tuyên bố đặt nước Mỹ trong tình trạng khẩn cấp (chuẩn bị được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Trong bức thư, Kennedy viết: "Ở Cuba đã xuất hiện căn cứ tên lửa và hệ thống vũ khí tấn công của Liên Xô. Do đó, nước Mỹ quyết định phải loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này". 19h, Kennedy phát biểu trên truyền hình: "Mỹ quyết không để Liên Xô làm điều họ muốn".

Ngay sau đó, quân đội Mỹ được lệnh sẵn sàng chiến đấu. 23-10, Mỹ thông báo: Từ 14h (giờ GMY) ngày 24-10, Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba. Hải quân, không quân, tàu ngầm… được tập trung về Caribbea với số lượng khổng lồ.  

Điện Kremlin trả lời bằng việc xem động thái phong tỏa vùng biển xung quanh Cuba là "hành vi cướp biển chưa từng có trong lịch sử". 

Đêm 23-10, tàu hàng Liên Xô vẫn ào ạt rẽ sóng vào vùng cách ly. Nhưng rạng sáng 24-10, trước lằn ranh hải quân Mỹ, các tàu Liên Xô (chở vũ khí hạt nhân) quay đầu trở lại. Vẫn "tuốt kiếm giương cung", nhưng hai siêu cường cũng vẫn ưu tiên thực hiện những nỗ lực ngoại giao cùng những ngón đòn "tâm lý chiến".

Đó là điều thật sự may mắn đối với toàn thế giới.

Hải quân Mỹ tập hợp quanh biển Caribbea.

Xua tan mùi thuốc súng

Trong chuỗi những bức thư qua lại với Kennedy, Khruschev có viết: "Nếu chúng ta càng kéo, cái nút chiến tranh sẽ càng thắt chặt. Đến một lúc nào đó, nó sẽ chặt đến mức chẳng ai tháo được, và chỉ còn cách chặt đứt sợi dây. Điều đó có nghĩa là gì, chắc ngài cũng hiểu".

Quả vậy, một trò chơi mạo hiểm đã được kích hoạt, để rồi người chơi phải loay hoay tìm cách kết thúc nó, theo hướng có lợi nhất cho mình. Trách nhiệm "xả van" được dồn sang U Thant - Tổng thư ký Liên hợp quốc khi ấy, trong khi tàu hàng Liên Xô (có hải quân hộ tống) vẫn tiến về hướng Cuba, việc xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba vẫn được đẩy mạnh, và quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tập trung lực lượng.

Rút cục, nhờ U Thant đứng ra làm trung gian, Nhà Trắng đồng ý rằng chỉ cần tàu Liên Xô không đi vào khu vực ngăn chặn, các chiến hạm Mỹ sẽ tìm mọi cách tránh đối mặt. Tương tự, Kremli cũng ra lệnh cho các tàu của mình rời xa những khu vực đó. Hiểm họa chiến tranh hạt nhân đã khiến các nhà lãnh đạo chùn lại.

27-10, Khruschev viết thư gửi Kennedy, mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán, với những điều kiện tương đối sòng phẳng: Liên Xô rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba, Mỹ cũng rút tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. 

Liên Xô không can thiệp vào công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, và Mỹ cũng bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền của Cuba. Rất nhanh, Kennedy phát tín hiệu xuống thang.

Đoạn tiếp theo của câu chuyện, cho đến thời điểm chính thức kết thúc (ngày 20-11-1962), là một chuỗi những cuộc đàm phán về các chi tiết, và cả những nỗ lực thuyết phục Fidel Castro từ Nikita Khruschev. Fidel vô cùng cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền của Cuba, và đòi hỏi những biện pháp bảo đảm chặt chẽ hơn.

Nhưng, Khruschev khuyên: "Đương nhiên, tấn công hạt nhân sẽ khiến Mỹ chịu tổn thất rất lớn. Song, Liên Xô và cả phe XHCN cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Đặc biệt, tổn thất của nhân dân Cuba lại càng không thể tưởng tượng được".

Xét cho cùng, điều đó đúng với toàn nhân loại. Khi những nút bấm kích hoạt tên lửa hạt nhân đầu tiên được sử dụng, người ta sẽ không thể dừng lại được nữa.

25 năm sau, giữa Liên Xô và Mỹ mới thực sự bắt đầu lại một tiến trình giải trừ quân bị, giảm tốc độ một cuộc chạy đua vũ trang điên khùng. Nhưng bây giờ, INF lại đang bị đe dọa, bởi tổng thống Mỹ Donald Trump.  

* Trên Đại Tây Dương, tuyến phong tỏa của Hải quân Mỹ bao gồm 16 tàu khu trục, 3 tuần dương hạm, một tàu sân bay chống ngầm, 6 tàu cung cấp và 150 tàu dự bị.

* Oanh tạc cơ Il-28 mang được bom nguyên tử cũng là một trong những loại vũ khí tấn công có khả năng tác chiến tầm xa mà Mỹ đòi hỏi Liên Xô phải triệt thoái hết khỏi lãnh thổ Cuba. Cuối cùng, Khruschev cũng phải chấp nhận yêu cầu này.

Đông Thiên
.
.