Khi người trẻ kích hoạt “con người phi thường” bên trong mình

Thứ Tư, 31/03/2021, 09:56
Tin rằng có một con người khác trong chính mình và “phiên bản khác” ấy có thể làm được những điều kỳ diệu hơn một khi được kích hoạt, nhiều bạn trẻ đã đi tìm…


“Chiến binh” sụp đổ trước… bầy chuột

Tôi gặp Đặng Thị Bảo Trâm tại quán cà phê quen thuộc cạnh Hồ Con Rùa. Doanh nhân trẻ quê gốc Lâm Đồng này luôn rất đúng hẹn. Tự nhận mình mang dòng máu “chiến binh”, giải thích thêm về “tính trội” của dòng máu này, Trâm bảo “gọi là ngang tàng cho dễ hiểu”. “Ba tôi nói tôi đầu thai lộn kiếp. Đúng thế, tôi lì lợm từ nhỏ, không giống tụi cùng lứa. Không thích đi giày cao gót, váy áo thướt tha, chơi trò cô và mẹ, tôi suốt ngày đẽo kiếm, vót chông, rủ bọn con trai đánh trận. Đứa nào thua phải nghe tôi sai bảo”, Trâm nhớ lại.

Tuổi thơ ăn cơm thì ít, ăn đòn thì nhiều. Lớn lên một chút, Trâm còn thêm thói ghen tị. “Một lần, má tôi vì ôm mãi con chó, gọi con và xưng mẹ mà không để ý đến tôi. Thế là đến giờ ăn, tôi lén mang con chó ra quăng xuống ao cho bỏ tức, dù rất thương nó”, Trâm nhớ lại. Lớn thêm chút nữa, Trâm lại cứ hay ngồi lì một mình, chưa từ bỏ bản chất ngang tàng. “Tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, chả thiếu thốn điều gì. Tôi luôn hãnh diện, thậm chí có lúc sống ngông cuồng, ỷ lại”, Trâm tự bạch.

Một số bạn trẻ tham gia khóa huấn luyện để tìm phiên bản “con người phi thường trong mình”.

Thế nhưng, điều đó chỉ đúng khi đến một ngày. “Hôm đó, chúng tôi bị bịt mặt, đưa lên xe. Họ không cho tôi hỏi và lái xe cũng không hề hé răng nửa lời rằng anh ta chở chúng tôi đi đâu. Khoảng hơn 1 giờ sau, tôi được đưa đến một địa điểm lạ hoắc, tôi đoán chắc phải cách Hà Nội ít nhất 50 cây số. Không ai được sử dụng điện thoại và thiết bị gì khác, kể cả máy ghi hình, đồng hồ thông minh. Một người yêu cầu, tất cả phải chấp hành theo một kỷ luật sắt. Nếu không, sẽ bị trả về trước hạn”, Trâm kể chuyện mình tham gia một khóa huấn luyện “kỳ lạ”.

“Bị bịt mắt nhưng chúng tôi phải vượt rừng lúc nửa đêm. Để khỏi lạc, người nọ phải buộc dây vào người kia. Trên đường đi, lúc vượt qua giao thông hào, lúc chui dưới hàng rào dây thép gai, lúc thò tay lấy thẻ bài trong những chiếc thùng đựng đầy cua...”, Trâm kể thêm.

Sợ nhất là lúc vượt đầm cá sấu, đặt chân vào lối đi duy nhất là những bục cạn lúc nhúc chuột. Vừa đặt chân vào, lũ chuột bẩn thỉu, ướt mèm, lạnh co ro, xúm xít vào nhau run rẩy lập tức đeo bám vào chân, bò lên người. Không như hồi nhỏ, hôm đó Trâm sợ, chân tay co quắp lại rồi... khóc. “Khóc vì kí ức được khơi dậy”, nữ doanh nhân 8X chia sẻ.

“Đó là hình ảnh mưa bão ngập nước ở quê, lũ chuột bò lên đòn gánh chen chúc nhau tìm nơi bấu víu. Tất cả lũ chuột nheo nhóc, đói rét, giành nhau từng chỗ đứng, tranh nhau quyền được sống. Tôi lại nhớ cảnh bọn trẻ con nheo nhóc bị thấm mưa lạnh run rẩy, tím tái, chạy trốn mỗi khi bị phát hiện ăn cắp đồ. Đứa nào cũng nhễ nhại, bẩn thỉu, ăn cũng không có lấy đâu mà mập mạp. Tôi nhớ và sợ cái khổ cực, bần cùng của người dân quê tôi trên mảnh đất quanh năm khô cằn sỏi đá, những năm tôi còn nhỏ. Vừa sợ nhưng vừa thương... Lại nhớ lần bản tính độc ác trong tầng sâu vô thức bị trỗi dậy khi tôi đánh chết lũ chuột... diệt đi niềm khát khao được sống của chúng”, Trâm kể trong niềm xúc động cao độ.

Nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

“Con chuột chỉ là vật thể tượng trưng, nó là thứ neo lại cảm xúc tồi tệ trong những con người như tôi”, Trâm kể và cho biết đã học được thứ lâu nay bản thân từng đụng chạm nhưng ít để ý tới, đó là cách chấp nhận sự thật xung quanh, trong đó có những thứ chưa từng gặp phải, trải qua như một điều hiển nhiên. “Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy sức mạnh của sự đoàn kết - trách nhiệm - quyết đoán. Lần đầu tiên, tôi chịu nhường vị trí thủ lĩnh cho người xứng đáng hơn. Lần đầu tiên tôi hiểu luật chơi trong một môi trường công bằng - ai cũng như ai. Tôi cũng cảm thấy yêu thương đồng đội mình hơn”, Trâm kể thêm.

Bảo Trâm trong tình huống của khóa huấn luyện được đưa vào quan tài đem chôn.

Thật ra, không dễ để làm thay đổi những thứ tưởng rằng đã định hình trong con người ta. “Thế nhưng thật lạ, chưa đầy một tuần, chúng tôi tự thấy mình quyết đoán, mạnh mẽ hơn”, “ông chủ” trẻ của chuỗi hệ thống rửa xe tự động 5S (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Trương Tuyến bộc bạch với chúng tôi sau khi dự khóa huấn luyện tựa khóa Bảo Trâm đã dự.

Một bạn trẻ khác, sau khóa huấn luyện “kỳ lạ” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cuối năm ngoái, đã mượn câu danh ngôn chia sẻ trạng thái trên Facebook, như đánh dấu sự thay đổi quan điểm sống của chính mình: “Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp. Và hãy nhìn xuống thấp để biết mình chưa cao”.

Trâm kể thêm cho tôi về tình huống đặc biệt nhất được cơ cấu vào chương trình khóa huấn luyện “kỳ lạ”. “Cái cảm giác sợ hãi đến lạnh cả sống lưng và rất khó tả khi bỗng bị người ta quấn tấm vải trắng lên khắp người, sau đó đặt vào quan tài, điếu văn được đọc lên”, Trâm nhớ lại.

“Mình phải tự viết điếu văn cho mình. Cắn bút nhớ lại những điểm đáng nhắc nhất của đời mình. Khi nắp hòm đóng lại, khi tiếng đất đá phủ xuống, khi nhạc hồn sĩ tử vang lên, khi tiếng tụng kinh thay lời từ biệt, khi âm dương dần cách biệt, khi mùi nhang đèn dần biến mất, khi mùi đất cát, mùi ẩm ướt ám lấy cơ thể mình, khi một nửa linh hồn vùi vào lòng đất, một nửa còn lại theo làn khói bay lên... cái cảm giác lạnh lẽo và cô độc như chầu chực đâu bỗng tràn ngập. Rồi nỗi sợ sệt bắt đầu lớn dần nhất là khi cảm giác về tiếng chân của những người đi chôn mình dần xa... Đó là lúc tôi đối diện với chính mình, với quá khứ, với hiện tại và với tương lai. Tất cả tựa một cuốn phim mà tôi vừa là đạo diễn, là diễn viên, vừa là khán giả”.

Bỗng nghĩ đến chuyện những người chôn mình không quay lại, tim cô gái đập loạn nhịp. Rồi đầu óc bỗng như quay cuồng giữa tỉnh và mê. Hàng loạt câu hỏi hình thành trong đầu: Là trò chơi hay mình đã chết thật? Có thể gia đình đã đem mình đi chôn và giờ mình bỗng may mắn sống lại? Nếu thế thì làm sao mình rời khỏi đây? Mình sẽ hết không khí để thở? “Không, tôi không thể chết vào lúc này”, Trâm la lên trong vô vọng.

“Tôi khẳng định đây đã là thật rồi. Rồi tôi tự hỏi trong sự hỗn loạn của nhịp tim: Ba má mày đâu? Gia đình mày đâu? Sự nghiệp mày đâu? Cuộc sống ở đâu? Người thân mày đâu? Tôi gồng hết sức lực để định dùng chân đạp mạnh vào nắp quan tài, trổ đất phía trên nắp thoát ra khỏi một mớ cảm xúc nhưng vô vọng. Tấm vải và băng keo đã dán chắc tôi lại rồi. Người tôi lúc đó ướt hết vì mồ hôi”, Trâm kể tiếp.

Trâm nghĩ nhiều tới những người thân yêu nhất trong gia đình. “Ai sẽ chăm sóc con tôi đây? Ai sẽ thay tôi làm những điều này tốt hơn tôi? Còn ba má, nếu tôi chết đi, họ sẽ đau đến mức nào? Ai sẽ phụng dưỡng ba má tôi đây? Sao tôi có thể ra đi khi còn chưa báo hiếu được ngày nào? Người thân của tôi - sự nghiệp của tôi - sứ mệnh của tôi - tình yêu của tôi... sẽ sao đây?”, Trâm nhớ lại tâm trạng như điên cuồng lúc đó.

Hình ảnh chuẩn bị đem chôn người còn sống trong khóa huấn luyện.

“Sau khi đưa vào quan tài, người ta khiêng mình ra lỗ huyệt”, Trâm nhớ rất kỹ. “Sao lại chết lãng xẹt như thế. Nhưng giờ tôi phải làm gì để mà được tiếp tục sống đây? Làm sao đứng dậy, làm sao đánh động trần thế? Đấy là việc khó trăm vạn lần so với áp lực kiếm tiền mưu sinh. Hay với lũ chuột ướt mèm kia, hay cái nghèo đeo đẳng, có gì mà phải sợ. Tất cả đều quá nhỏ nhoi khi cảm giác mất mát sắp diễn ra”, Trâm kể lại.

“Sẽ chẳng có gì đáng để lưu lại nếu cuộc đời bạn kết thúc bằng một điếu văn tẻ nhạt. Và giờ tôi vẫn nhớ lời của một người trong ban huấn luyện khi tôi bước ra khỏi quan tài: Lần chết này, em còn được sống lại. Ở lần sau, em sẽ không còn cơ hội như thế đâu. Vậy hãy sống và cố làm người có ích em nhé!”, Trâm trả lời tôi thế khi được đề nghị cho các bạn trẻ khác một lời khuyên.

“Hãy lột xác để đột phá thay vì gìn giữ mãi con người nhỏ bé mà bao nhiêu lâu nay bạn vẫn cố giữ. Đến lúc rồi, đừng đợi phải đến ngày mai. Bạn hãy đặt mình vào tình huống nếu phải đối diện với cái chết, chắc chắn, bạn phải làm tất cả mọi điều có thể để... không chết. Khi đó, bạn chắc chắc sẽ sở hữu được thứ mà trước kia bạn nghĩ rằng bạn không thể. Đừng mong mọi thứ dễ dàng hơn mà hãy mong bản thân mạnh mẽ hơn”, Bảo Trâm chia sẻ.

Trải qua những tình huống nghẹt thở, cảm xúc được đẩy lên tột cùng - tột cùng vui sướng, tột cùng thất vọng, tột cùng chán nản, tột cùng hạnh phúc, tột cùng phấn khích, tột cùng sợ hãi, tột cùng hy vọng...

Một người tham gia trong ban cố vấn khóa huấn luyện chia sẻ thêm, một khi cảm xúc lên cao như vậy thì những trải nghiệm đi qua sẽ hằn vào trong ký ức/tiềm thức của họ rất lâu, chuyển hóa thành những kinh nghiệm về kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng quản trị thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết khủng hoảng, kỹ năng sinh tồn... từ đó áp dụng trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống thường ngày. “Phiên bản khác” của bạn sau đó là biết hạ thấp cái tôi xuống, bỏ ngay ý nghĩ muốn làm gì là làm. Quan trọng nhất là tự cảm thấy tình yêu thương có thể hóa giải nhiều thứ...

Thái Bình
.
.