Khi người Tây ăn Tết với dân tộc Thái

Thứ Sáu, 28/02/2020, 14:48
Tôi ở Việt Nam hơn 5 năm, và có lẽ do định mệnh mà tôi yêu một cô gái dân tộc Thái. Sau hai năm yêu nhau, đã đến lúc tôi thăm quê và gặp gia đình cô ấy. Năm nay tôi quyết định đón Tết với gia đình người yêu ở một bản làng nho nhỏ của vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An. Và không chỉ vậy, tôi quyết định đến đó bằng xe máy, vừa để thỏa mãn khao khát phiêu lưu, vừa để tránh tình trạng nhồi nhét của xe khách dịp ngày Tết.


Đi phượt là một đam mê lớn của tôi ở Việt Nam và tôi thích nhất khám phá những vùng cao hoang sơ, xa xôi ít du khách đi qua, vậy tôi quyết định đến Nghệ An bằng đường Hồ Chí Minh. Chạy dài qua vùng núi phía Tây, con đường này thoáng, vắng xe và đẹp nao lòng.

Việc phóng xe vun vút trên đường Hồ Chí Minh giữa những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ mang lại cho tôi một cái thú khó tả. Sau ba trăm ki lô mét, tôi rẽ phải trên ngã tư Khai Sơn sang quốc lộ hướng tới biên giới Lào. Trước khi đến quê cô ấy, tôi quyết định dừng chân qua đêm ở Vườn quốc gia Pù Mát.

Thiên nhiên bản Thái qua ống kính Marko.

Là một khu vực rộng lớn với thiên nhiên xanh tươi và nhiều bản làng yên bình, Pù Mát có nghĩa là đỉnh núi theo tiếng Thái và là một địa điểm mà tôi chưa... nghe tên bao giờ. Cận ngày Tết, có lẽ tôi là khách du lịch duy nhất tại đây. Tôi tìm đến một homestay nhà sàn và làm quen với chủ nhà.

Dân bản địa ở Pù Mát là dân tộc Thái Trắng. Chủ nhà, với gương mặt tươi cười, đôi mắt to tròn và dáng người hơi lùn, là một người rất hiếu khách. Tôi ăn uống cùng gia đình như một người trong nhà, thậm chí sang nhà họ hàng để ăn cơm tất niên. Khi ấy, tôi phát hiện ra một phong tục của người dân tộc Thái: họ hay ngồi trên sàn.

Ngôi nhà sàn của họ rất thoáng đãng nhưng có ít nội thất và không có bàn ăn. Mỗi lần ăn cơm, tôi vừa phải nâng chén, uống rượu nếp vừa phải ngồi bệt trên tấm chiếu trải dưới sàn nhà, đau chân mỏi lưng. Ẩm thực của dân tộc Thái khá giản dị, chủ yếu là xôi, thịt gà, thịt lợn và một hai loại rau (rau bắp cải chẳng hạn). Sửng sốt vì số lượng thịt tại mỗi bữa ăn, tôi tự hỏi mình có chết ở xứ này không nếu là người ăn chay.

''Ăn đi'', chủ nhà giục tôi. Đêm xuống, tôi thất vọng một chút vì không khí ở bản làng không trong lành, yên tĩnh như tôi đã mong đợi: nó đậm đặc mùi khói vì người dân đốt rác thải, rơm rạ gây cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, không ít người nổi hứng hát karaoke ở ngoài trời lúc giờ khuya (''Tết mà''), tiếc thật là nhà sàn có cách âm kém.

Buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng heo kêu eng éc: chủ nhà chuẩn bị mổ lợn. Là ngày 30 Tết. Tôi lên đường rời khỏi Pù Mát đi theo đường về phía Tây. Một trăm ki lô mét cuối cùng. Hai bàn tay của tôi cầm lái và run rẩy vừa vì ớn lạnh vừa do cảm giác hồi hộp vì mình sắp gặp lần đầu tiên bố mẹ của người yêu. Đoạn đường dẫn đến Bản Vẽ tách khỏi Quốc lộ và đi sâu vào núi, trở nên dốc và ngoằn ngoèo.

Tôi không khỏi cảm giác mình đang đến một mảnh đất hết sức hẻo lánh và xa xôi, một nơi hoang dã ít người dân ở. Tôi đến Bản Vẽ vào buổi trưa: một bản làng nhỏ bé chỉ có một cây xăng và một nhà nghỉ, thế thôi. ''Nếu anh cần phải rút tiền hay mua thuốc thì phải xuống núi'', người yêu cảnh báo tôi, ''Ở đây có tiền thì cũng chẳng có chỗ để tiêu''.

Nhà cô ấy nằm tại làng văn hóa, tức là một dãy ngôi nhà sàn dọc một con đường không đèn, không tên. Lúc tôi đi xe máy qua con đường này, sự xuất hiện của khách Tây khiến các cư dân giật mình: người thì vẫy tay đầy nhiệt tình, người thì mời tôi dừng chân ở nhà họ uống trà.

Tôi tìm đến nhà cô ấy, thấy gương mặt của mọi người sáng ngời vì niềm vui: họ đang có một khách từ Hà Nội ra, mà không chỉ vậy, một khách nước ngoài biết tiếng phổ thông (cách họ gọi tiếng Việt)!

Tôi làm quen với ông Chành và bà Mai, bố mẹ của người yêu. Hai ông bà có vẻ hiền lành, giản dị, chất phác, không to tiếng hay biểu cảm, không hỏi han tôi. ''Cháu cứ thoải mái'', ông Chành dặn tôi. Tôi xoay đầu nhìn xung quanh: ngôi nhà sàn rất rộng và thoáng đãng, ít nội thất, tâm điểm là chiếc ti vi với bốn chiếc ghế bành bằng gỗ để tiếp khách. Tôi giật mình khi nhìn thấy nhà bếp: là bếp lửa! ''Nhà em cũng có bếp ga, nhưng bố mẹ thích dùng bếp lửa hơn'', người yêu lý giải cho tôi.

''Bếp lửa vừa nấu ngon vừa gìn giữ nét truyền thống của người Thái''. Nếu bếp lửa gợi lên cảm giác hoài cổ trong tôi, thì nhà vệ sinh làm tôi khiếp sợ: xí xổm! Tôi thực sự không nhớ bao nhiêu năm rồi mình đã không sử dụng nhà vệ sinh ngồi xổm đâu. Tuy vậy, sau dăm ba ngày ở đây, tôi phải công nhận: tôi không chỉ quen với cách sống giản dị và đạm bạc ở đây mà thậm chí thấy nó chút dễ chịu, thoải mái.

Tôi thuộc tuýp người năng động thích sống ở thành thị, tuy nhiên tôi cũng khâm phục sự thỏa lòng của dân nông thôn, người hòa đồng với thiên nhiên và không bị ràng buộc bởi nhiều tham vọng ở môi trường đầy cạnh tranh.

Tôi đã từng viết: ''Nếu không tìm được cái vui trong sự giản dị và mộc mạc thì cũng không thể tìm được hạnh phúc bền vững trong ánh hào quang của vật chất.'' Và trong thời gian tôi ở Bản Vẽ, tôi đã không nhớ nhung Hà Nội và sự xô bồ, tấp nập, ồn ào của nó.

Ở Bản Vẽ người ta không có cuộc sống sung túc, hào nhoáng như nhiều dân thủ đô nhưng họ có những mối quan hệ xã hội lành mạnh và sự thanh thản của tâm trí.

Nói về cuộc sống xã hội phong phú của người dân tộc Thái, thì bản thân tôi đã chứng kiến điều đó ngay từ đầu. Tôi đã gặp bao nhiêu cô, dì, cậu, dượng, chú, bác của người yêu trong bốn ngày tôi ở đó! Tại mọi bữa ăn, có khoảng một chục người của gia đình quây quần trên sàn ăn cùng nhau. Người yêu dặn tôi: ''Marko, chào bác đi.'' Và tôi dồn sức để nhớ mặt của từng người và cái vai vế phức tạp của gia đình Việt Nam.

Chúng tôi ăn ở nhà ông Chành hay được mời sang nhà họ hàng chơi. Bữa ăn là dịp lý tưởng để tôi quan sát và giao tiếp với người dân tộc này. Theo những gì tôi nhận thấy, người dân tộc Thái ít nói kiệm lời, ăn mặc một cách giản dị và nói năng một cách điều độ.

Thú vị thay, họ không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và họ nói tiếng Việt bằng giọng miền Bắc rất chuẩn. Họ chỉ nói tiếng ''phổ thông'' với tôi còn giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái. Lâu lâu có người kêu ''boo'' để biểu lộ sự ngạc nhiên cho nên tôi đoán ''boo'' đồng nghĩa với ''trời ơi'' trong tiếng Việt.

''Trăm phần trăm'', một anh họ hàng nâng chen rượu nếp, mời tôi uống. ''Boo'', tôi kêu và mọi người bật cười lên. Người dân tộc Thái tỏ ra khá kín đáo đối với tôi, không tọc mạch hỏi nhiều về những chuyện riêng tư giống như nhiều người thành thị. Họ đối xử với tôi một cách tôn trọng và không tỏ ra quá ngạc nhiên vì tôi biết tiếng Việt. Họ không đánh giá tôi qua khóe mắt và thật khó tin, họ không chạm lần nào đến chủ đề là nỗi ám ảnh của bao người trẻ ở Việt Nam dịp Tết: chuyện kết hôn!

Ăn xong, tôi ngồi trên ghế uống trà với ông Chành. Tôi hỏi về các khác biệt giữa Thái Đen và Thái Trắng, và ông Chành miệt mài giải thích, vẻ tự hào như đó là chủ đề mà ông thích bàn nhất. Người dân tộc Thái có hai ngôn ngữ và hai bản sắc: bản sắc Việt và bản sắc Thái. Họ vẫn ý thức và hãnh diện về gốc Thái của mình, và ông Chành hay bật nhạc Lào hay nhạc Thái Lan mặc dù chỉ có thể hiểu lời bài ở mức 40% mà thôi.

''Thật kinh ngạc'', tôi tự nhủ, ''ai đã biết được rằng ngày nào đó tôi sẽ sống ở Việt Nam và yêu một cô gái dân tộc thiểu số!'' Trong mắt tôi, con gái dân tộc Thái xinh đẹp, có lẽ không nhu mì dịu dàng như con gái dân tộc Kinh nhưng rất vững vàng, rất bản lĩnh, coi trọng sự tự do và bình đẳng nam nữ.

Sáng mùng 4, tôi lên đường về Hà Nội. Những hình ảnh của các dân làng và những bữa ăn vui nhộn trôi trước mắt tôi lúc tôi rời khỏi Bản Vẽ. Một nơi khỉ ho cò gáy của vùng sâu, vùng xa nhưng người ở đó rất gần gũi, rất đáng quý. Chuyến trở về Hà Nội hóa ra cực kỳ khó khăn vì trời rét lạnh buốt xương: 13 độ và mưa phùn liên tục. Nhưng tôi đã đủ sức chạy gần năm trăm ki lô mét trong hai ngày vì thời gian ở Bản Vẽ đã giúp tôi nạp năng lượng và bơm vào trái tim tôi một niềm lạc quan về cuộc sống.

Sau Tết, tôi gặp bạn gái tôi ở Hà Nội và ướm hỏi: ''Bố mẹ có nói gì về anh không?'' ''Không'', cô ấy mỉm cười, ''Bố mẹ không nói điều gì có nghĩa là khen rồi''.

Marko Nikolic là người Serbia, sống ở Việt Nam từ năm 2014 đến nay. Anh là thầy giáo dạy tiếng Anh, và còn là một nhà văn. Năm 2019, Marko Nikolic cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Việt: "Phố nhà thờ", và có lẽ là một trong những người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt. Tết Canh Tý này, anh ăn Tết với gia đình người yêu là một cô gái dân tộc Thái ở Nghệ An. Anh chia sẻ với ANTG GT - CT những trải nghiệm Tết có một không hai của đời mình.
Marko Nikolic
.
.