Khi cứu hộ “chưa” sẵn sàng

Thứ Bảy, 02/07/2016, 10:01
Khi chúng tôi mải mê với những miền đất mới mẻ, đội cứu hộ luôn sẵn sàng cho những bất trắc, và chính sự có mặt của họ ở đó, đã giúp cho chuyến khám phá của chúng tôi có được sự thú vị, thoải mái từ sự an tâm…


Trong suốt chuyến hải hành của tôi và con trai đến những miền đất băng giá ở Nam Cực năm đó, những ấn tượng không phai mờ trong ký ức của tôi, cùng với tiếng phát thanh mỗi sáng của Annita, cô trưởng nhóm thám hiểm xinh đẹp, chính là đội cứu hộ của tàu. 

Mỗi khi chúng tôi chuẩn bị rời tàu để lên bờ, họ sẽ là nhóm đầu tiên rời tàu, mang theo tất cả những gì cần thiết, bao gồm lều trại, thực phẩm, công cụ,... đủ cho chúng tôi tồn tại trong mười ngày. 

Mỗi lần lên bờ như vậy của chúng tôi chỉ kéo dài mấy giờ, nhưng mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi bất trắc có thể xảy ra, ví dụ một núi băng có thể trôi ngang ngăn cản chúng tôi trở về tàu, hay ngàn vạn bất trắc khác, khi không ai có thể dám chắc thời tiết ở đó sẽ thế nào trong vài ba giờ sắp đến, chưa nói là ngày hôm sau.

Khi chúng tôi mải mê với những miền đất mới mẻ, đội cứu hộ luôn sẵn sàng cho những bất trắc, và chính sự có mặt của họ ở đó, đã giúp cho chuyến khám phá của chúng tôi có được sự thú vị, thoải mái từ sự an tâm…

Vài tuần trước, vào rạng sáng ngày Thứ bảy, 4/6/2016, chàng thanh niên người Anh Aiden Webb đã kịp gửi cho bạn gái vị trí chính xác của anh ấy trên bản đồ trực tuyến, kèm theo thông số về tọa độ nơi anh ta bị chấn thương và không thể đi tiếp. 

Ngay trong buổi sáng hôm ấy, bạn gái của Aiden đã trình báo với công an Sapa, nơi vốn nhận được khá nhiều những vụ trình báo mất tích của người nước ngoài. Có khá nhiều du khách thỉnh thoảng vẫn đi lạc ở rừng Hoàng Liên Sơn, rồi tìm được đường về các bản H'mong dưới thung lũng, và trở lại khách sạn sau khi đã được bạn cùng đi báo cáo mất tích, có người thậm chí "mất tích" tới vài ngày mới trở lại, sau khi đã say khướt với những vò rượu của người H'mong trong bản.

Tàu Thảo Vân 2 được kéo lên.

Chính những trường hợp như vậy đã khiến việc xử lý sự vụ không được thúc đẩy nhanh chóng, khẩn trương, mặc dù thật may mắn là có đồng chí công an Sapa có thể giao tiếp tiếng Anh khá tốt để tiếp nhận sự việc.

Những gì diễn ra sau đó đã được nhắc đến khá nhiều trên báo chí. Những nhóm tìm kiếm đầu tiên bắt đầu công việc vào chiều Thứ bảy, có lẽ trong tâm thế là vụ này có thể không khác lắm với những vụ trình báo khác, chàng thanh niên sẽ trở về khách sạn sau vài ngày lang thang trong rừng và trong bản. Nhưng Aiden Webb là một trường hợp khác, anh ấy là người ưa thám hiểm, leo núi và muốn làm việc ấy một mình.  

Và cuối cùng, khi những người cứu hộ tìm được Aiden Webb, thì anh đã chết vì kiệt sức vào ngày 9/4, ở vị trí gần nơi anh đã gửi qua tin nhắn cho bạn gái trước khi điện thoại ngừng hoạt động, và có lẽ, chấn thương đã làm anh ấy gặp khó khăn để tìm đường về bản Sín-chải ở gần đó.

Nếu những người cứu hộ đến được nơi anh ấy nằm sớm hơn, hẳn là anh đã có thể được cứu sống, nhưng thật tiếc, điều đó đã không diễn ra.

Những người cứu hộ đã đến nơi quá muộn.

Cùng thời gian ấy, ngày 5/6/2016 ở Thanh Hóa, 3 người đào vàng bị ngạt đã không được cứu, bởi vì lực lượng cứu hộ mặc dù đến miệng hang nhưng lại không thể xuống vì không có mặt nạ chống độc, việc triển khai phương án và lực lượng cứu hộ cũng khó khăn vì trong vùng không có trạm phát sóng di động, không thể liên lạc. Thi thể của người đầu tiên trong số họ chỉ được tìm thấy sau 3 ngày.

Hiện trường vụ sập hầm đào vàng ở Thanh Hóa.

Cũng trong tối 4/6/2016, tàu Thảo Vân 2 bị chìm ở Đà Nẵng, những người cứu nạn cứu hộ đã hỗ trợ tốt nhất, hiệu quả nhất chính là những người làm việc trên những con tàu/thuyền chạy gần đó, vì vậy có rất nhiều người được cứu sống.

Ở một vụ cháy tàu du lịch khác ngay trong bến tàu ở Tuần Châu, Quảng Ninh, sự hoảng loạn của du khách khi cố gắng thoát khói tàu đã khiến nhiều người bị thương tích, trong đó có người bị gãy chân. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy sự tự phát, hỗn loạn của các nạn nhân, và không thấy sự có mặt của những người cứu hộ, lẽ ra cần phải có ở một cảng du lịch, nơi không ít vụ cháy trên tàu du lịch xảy ra trong những năm vừa qua.

Trong vụ cứu hộ Aiden Webb ở Sapa, khi tôi nói chuyện với một người khá hiểu về công việc cứu hộ ở đây, và chúng tôi đã cùng chia sẻ một thực tế đáng ngại, là một lực lượng, một nhóm cứu hộ chuyên nghiệp đã không hề tồn tại ở Sapa, nơi có rất nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm, từ đơn giản như leo bộ lên Fansipan hay những cung đường vượt rừng.

Các chiến sĩ cảnh sát không được đào tạo để có thể thực hiện hoạt động cứu hộ ở rừng, một công việc đòi hỏi những hiểu biết và kỹ năng khác biệt với những gì họ được đào tạo. 

Vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi tổ chức các chuyến leo Fansipan cũng không có đội cứu hộ chuyên nghiệp nào. Cán bộ kiểm lâm và những người H'mong, những người có hiểu biết tốt nhất về rừng núi, địa bàn thì cũng không được đào tạo, huấn luỵện về cứu hộ, và hơn cả, họ không có những trang bị cần thiết. 

Những người tham gia cứu hộ trong vụ Aiden Webb đều thiếu vài thứ, thiếu sự hiểu biết về chuyến đi của Aiden, nên đã bám theo đường mòn để tìm (trong khi một người leo núi mạo hiểm như Aiden chắc chắn sẽ tìm một lối đi khác, hoàn toàn mới), thiếu những trang bị cần thiết, thiếu kỹ năng và hơn cả, thiếu một kế hoạch cứu hộ hoàn hảo để có thể triển khai nhanh và hiệu quả từ đầu. 

Những nhóm cứu hộ khác sau đó cũng không đủ kỹ năng và thiết bị để có thể tiếp cận tọa độ của Aiden mà họ nhận được trong bản trình báo. Họ đi tìm mà không được hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, và nhiều người trong số họ cũng rất thiếu kinh nghiệm ở rừng. Thi thể của Aiden được tìm thấy trong vòng mấy chục mét từ vị trí tọa độ mà anh báo cho nhà chức trách qua tin nhắn với bạn gái 6 ngày trước đó...

Aiden Webb cũng không phải là trường hợp duy nhất, đã có những trường hợp du khách mất tích trước đây ở Sapa, và tôi không hề ngạc nhiên, khi trực tiếp trải nghiệm một chuyến leo Fansipan vài năm trước. 

Những người dẫn đường và hỗ trợ chúng tôi, một nhóm nhỏ được tổ chức tốt hơn các nhóm khác rất nhiều, mặc dù đã được chọn lựa, cũng không có kinh nghiệm nào về cứu hộ, cứu nạn. Nếu có bất trắc xảy ra, việc của họ có lẽ chỉ đơn giản là chạy thật nhanh ra cửa rừng báo với vườn quốc gia...

Đội cứu hộ tiếp cận vị trí tìm thấy thi thể Aiden Webb. Ảnh: L.G.

Nhưng bức tranh cũng không sáng sủa hơn là mấy trong những trường hợp có vẻ ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn, như có lần nhà tôi bị một đàn ong mật tấn công và cố thủ trong tủ áo. Tôi hoàn toàn lúng túng và không biết ai có thể trợ giúp mình. Một trường hợp tương tự như thế ở nước khác, người ta có thể nhấc điện thoại gọi đến số khẩn cấp và tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng ở Việt Nam, tôi không thể gọi đến số cảnh sát, vì lực lượng 113 không có chức năng đi hỗ trợ việc ấy, cứu hỏa cũng không nốt.

Những câu chuỵện kể trên cho thấy một thực tế rõ ràng, là công tác cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của cuộc sống, và cần có những cách tiếp cận khác để việc cứu hộ có hiệu quả hơn.

Hãy hình dung những trường hợp như vụ tai nạn của Aiden Webb hay tai nạn của những người phu đào vàng ở Thanh Hóa, những việc rõ ràng là đòi hỏi sự có mặt của người cứu hộ chuyên nghiệp. Nếu chúng ta có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, ví dụ ở Hà Nội, họ chỉ cần 4-5 giờ để tiếp cận hiện trường và triển khai ngay việc cứu hộ hiệu quả. Tôi cho rằng, việc tổ chức một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, có khả năng triển khai nhanh, hiệu quả, cần được sớm triển khai tại các vùng dân cư lớn, tạo thành mạng lưới có thể cùng phối hợp là cần thiết.

Nhưng ngay tại các địa phương, cũng cần có những cách tiếp cận phù hợp, ví dụ triển khai những nhóm cứu hộ tình nguyện tại chỗ, bằng việc tập hợp những người sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ và cung cấp cho họ những điều kiện làm việc cần thiết. 

Ví dụ ở những trung tâm du lịch mạo hiểm như Sapa, có thể bắt đầu từ việc tập hợp, cung cấp những phương tiện, trang bị làm việc cần thiết, hỗ trợ để các nhóm cứu hộ có thể tập luyện, sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp cần đến họ. 

Tôi tin là du khách sẵn sàng trả thêm một khoản tiền phù hợp để biết chắc rằng, nếu có bất trắc xảy ra, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ hiệu quả và chuyên nghiệp, tôi cũng tin là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ để có được một nhóm cứu hộ chuyên nghiệp trên địa bàn hoạt động của mình, việc của chính quyền, thực tế có lẽ chỉ là đứng ra thực hiện, huy động những nguồn lực xã hội đó và kết nối với nhau.

Tất nhiên, dù sao thì một lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khẩn nguy tập trung, chuyên nghiệp, sẵn sàng vẫn luôn quan trọng, việc triển khai những trung tâm này và một số điện thoại thống nhất cho mọi trường hợp người dân cần là hết sức cần thiết, đặc biệt ở các đô thị lớn, thay vì đặt gánh nặng lên vai chỉ của lực lượng cảnh sát qua số điện thoại 113 và lực lượng chữa cháy.

Và mọi thứ như vậy, luôn cần một sự khởi đầu, ở đâu đó...

Phạm Quang Vinh
.
.