Khi “anh hùng” được định nghĩa bởi những bước đi
- Nữ nghị sĩ da màu trở thành bạn đồng hành với ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà trắng
- Người da màu đầu tiên đứng đầu BGK Festival Film Cannes
- Bà Obama đáp trả phát ngôn của ông Trump về nữ nghị sĩ da màu
- Người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành thị trưởng Chicago
Những năm 1950, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra nặng nề ở Mỹ. Các tiểu bang miền Nam nước Mỹ thời kỳ này áp dụng các đạo luật phân biệt chủng tộc, gọi chung là luật Jim Crow. Đến thập niên 60, nhiều vụ việc với mức độ nghiêm trọng đã xảy ra, thực sự gióng lên hồi chuông báo động về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Điển hình như vụ đụng độ sắc tộc năm 1965 tại khu phố Watts, thành phố Los Angeles khiến 34 người thiệt mạng.
Về giáo dục, nhiều bang tại Mỹ vẫn áp dụng chế độ nhà trường dành riêng cho trẻ em da trắng và da màu. Cho đến năm 1954, chỉ 4 tháng trước khi Ruby được sinh ra, Tòa án Tối cao Mỹ mới đưa ra quyết định rằng sự phân biệt các trường công lập phân biệt da màu và da trắng là vi hiến, sau vụ kiện lịch sử của Oliver Brown, theo Landmark U.S. Supreme Court Cases. Đây được xem là điểm khởi đầu cho phong trào dân quyền Mỹ để phá bỏ rào cản chính thống đối với bình đẳng sắc tộc.
Mặc dù vậy, các trường học ở miền Nam nước Mỹ, trong đó có New Orleans, lại không hề thoải mái với quyết định này. Trong bối cảnh đó, cô bé Ruby đã trở thành một trong những học sinh Mỹ da màu đầu tiên dũng cảm theo học tại một trường toàn học sinh da trắng, sau cuộc đấu tranh bền bỉ kéo dài hơn 4 năm của các gia đình da màu sinh sống tại New Orleans nhằm vào Hội đồng Giáo dục thành phố này. Ở thời điểm đó, bố của Ruby đã từng lo ngại việc cho con gái tiên phong theo học trường toàn người da trắng nhưng mẹ bà lại tin rằng chỉ bằng cách này, Ruby mới có thể có môi trường giáo dục tốt hơn, và những đứa trẻ người Mỹ da màu khác cũng vậy.
Ruby Bridges được coi là biểu tượng, nguồn cảm hứng vô tận của nhiều thế hệ Mỹ, với “tinh thần Bridges” tồn tại suốt nhiều thập niên qua. Ảnh: New York Times |
Buổi sáng đầu tiên đến trường, Ruby được hộ tống bởi mẹ và 4 cảnh sát liên bang cao lớn, trong khi xung quanh cô, thay vì những tiếng chào mừng của những người bạn cùng trường, lại là lời thóa mạ. “Nếu như những bức tường của ngôi trường biết nói, chúng chắc chắn sẽ kể cho lịch sử nghe khung cảnh khi ấy đáng sợ đến nhường nào. Nhưng, bản thân những bức tường cũng đã kể câu chuyện của mình: câu chuyện phân cách giữa da đen và da trắng”, nhà báo Valerie Strauss miêu tả trong một bài viết trên Washington Post về sự kiện này. Cà chua thối, trứng sống, những lời lăng mạ, sự chế giễu - đám học sinh da trắng ném vào người Ruby tất cả những gì họ có thể, chỉ để phản đối sự xuất hiện của cô bé trong ngôi trường.
Thật kỳ lạ là đứa trẻ 6 tuổi năm đó không hề nao núng. “Đối với tôi, khi mới 6 tuổi, tôi thực sự không nhận thức được điều gì đang xảy ra”, Ruby chia sẻ trong một bài phỏng vấn với NPR vào năm 2010. “Điều duy nhất tôi từng được cha mẹ dặn dò, đó là tôi sẽ học tại một ngôi trường mới và tôi nên cư xử đúng mực”, bà kể lại.
Trong một bài phỏng vấn, bà Lucille Bridges, mẹ Ruby, đã tiết lộ rằng, hai vợ chồng không hề nói cho Ruby biết điều gì sẽ xảy ra trước ngày cô bé nhập học, vì điều đó sẽ khiến con gái họ sợ hãi. “Bạn sẽ nói gì với một đứa trẻ 6 tuổi khi cô bé chuẩn bị nhập học, các học sinh không hề muốn cô bé ở đó và sẽ có rất nhiều người bên ngoài ném đồ, la hét vào cô bé? Chẳng có cách nào để bạn giải thích điều đó cả”, bà Lucille chia sẻ. Và có lẽ, là học sinh da màu đầu tiên theo học tại trường William Frantz, cô bé Ruby khi ấy chưa thể hình dung được sứ mệnh nặng nề phải gánh vác trên đôi vai bé nhỏ của mình.
Hơn cả những bức tường
Ngày thứ hai Ruby đến lớp, các phụ huynh da trắng đã nộp đơn xin cho con thôi học. Những ngày tiếp theo, Ruby đến lớp trong sự đe dọa của đám đông học sinh da trắng. Gia đình của Ruby cũng liên tục bị “trả thù”. Các cửa hàng tạp hóa từ chối bán hàng cho mẹ bà. Và cha bà, ông Abon, đã mất việc chỉ vì cho con mình đi học trường da trắng. Nhóm phụ huynh và học sinh rời trường William Frantz thậm chí còn đe dọa cả những học sinh da trắng vẫn tiếp tục theo học ngôi trường này cùng Ruby. Các giáo viên trong trường cũng từ chối dạy Ruby học, chỉ trừ một người, đó là Barbara Henry.
“Tôi còn nhớ rõ, ngày đầu tiên, khi tôi bước lên những bậc cầu thang và tiến vào lớp, bà đã ở đó. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã hơi e ngại vì trông bà giống hệt đám đông ngoài kia. Bà cũng là người da trắng, đám đông la hét và ném đồ đạc cũng là người da trắng”, Ruby miêu tả khoảnh khắc đầu tiên gặp người giáo viên của đời mình.
“Nhưng, bằng một giọng nói nhẹ nhàng, bà nói: đến đây và ngồi xuống nào”, Ruby kể lại. Kể từ đó cho đến 1 năm sau, chỉ có Ruby và cô giáo Henry cùng nhau đến lớp, mỗi bước Ruby đi đều có sự bảo vệ của các cảnh sát da trắng. Thậm chí, Ruby chỉ được dùng thức ăn chuẩn bị từ nhà do lo sợ cô bị đầu độc. Nhưng, bằng cách kỳ diệu nào đó, Ruby vẫn bền bỉ tới trường. Những hành vi thóa mạ ít dần rồi chấm dứt trong năm học thứ hai của cô tại William Frantz, mở đường cho những trẻ em da đen khác cũng đăng ký và học tập tại ngôi trường này.
Hình ảnh Ruby bé nhỏ bước đi với nhóm cảnh sát hộ tống xung quanh, bên cạnh bức tường với đầy lời lẽ căm thù, thô tục bôi vẽ nguệch ngoạc đã được tái hiện và trở thành biểu tượng cho phong trào dân quyền tại Mỹ thông qua bức tranh của Norman Rockwell có tựa đề “Vấn đề tất cả chúng ta đang chung sống”.
Trong một bài phỏng vấn với USA Today, Ruby tiết lộ, mãi về sau này, khi nhìn thấy bức tranh của Norman Rockwell, bà mới hiểu rằng bước đi đến trường của mình có ý nghĩa lịch sử lớn đến thế nào và rằng chính sự ngây thơ đã bảo vệ bà, biến bà trở thành một trong những nhà hoạt động vì nhân quyền trẻ tuổi nhất lịch sử.
60 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc mang tính lịch sử ấy. Trên website của mình giờ đây, Ruby Bridges để lời đề tựa về bản thân thật ngắn gọn, với 4 cụm từ: Biểu tượng quyền công dân, nhà hoạt động, nhà văn, diễn giả. Nhưng, có lẽ với rất nhiều người dân Mỹ, Ruby Bridges còn là biểu tượng, nguồn cảm hứng vô tận, với “tinh thần Bridges” tồn tại suốt nhiều thập niên qua.
“Đừng đi theo lối mòn. Hãy xuất phát từ nơi chưa có lối đi và bắt đầu con đường của chính mình. Khi bạn bắt đầu một con đường mới được trang bị bởi lòng can đảm, sức mạnh và niềm tin, điều duy nhất có thể ngăn cản bạn là chính bạn!”, thông điệp được in đậm trên website của Ruby Bridges cũng chính là điều mà bà muốn chia sẻ với thế hệ trẻ Mỹ.
Tháng 11 năm nay là một tháng nhiều kỷ niệm nhưng cũng nhiều vui buồn với Ruby Bridges. Ngày 10-11, 4 ngày trước lễ kỷ niệm 60 năm ngày đầu tiên bà theo học Trường Tiểu học William Frantz, mẹ của bà qua đời ở tuổi 86. Trong một bài đăng trên Instagram, Ruby đã gọi mẹ mình là “Người đấu tranh cho sự thay đổi”, bởi quyết định cho con gái đi học trường của người da trắng mà bà đưa ra cách đây 6 thập niên đã giúp thay đổi cuộc đời của Ruby và của biết bao người da màu khác.
Ngày 10-11 cũng tình cờ là ngày xuất bản cuốn sách “Đây là khoảnh khắc của bạn” của Ruby Bridges dành cho “những người trẻ tuổi kiến tạo hòa bình của Mỹ”, trong bối cảnh vấn đề phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ lại nóng lên một lần nữa sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.
“Tôi muốn đảm bảo rằng, không một đứa trẻ nào trải qua những gì tôi đã trải qua chỉ để đến trường. Khi tôi đến những ngôi trường và nói chuyện với bọn trẻ, tôi nhìn thấy trái tim của chúng, tôi cũng nhìn thấy nỗi đau và thấy cả tình yêu. Điều đó đưa tôi trở lại năm mình mới 6 tuổi. Và, điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi”, Ruby bày tỏ, trong cuộc trò chuyện với các bạn học sinh Mỹ vào ngày 14-11 vừa qua.
“Tôi có một giấc mơ” - câu nói nổi tiếng của Martin Luther King đang trở nên quen thuộc hơn những ngày này tại Mỹ, với giấc mơ về tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể cùng chung sống hòa thuận, bình đẳng dưới một vòm trời. Những người phụ nữ như Ruby Bridges, với trái tim nhân ái của mình, đã và đang hiện thực hóa một giấc mơ như thế, với những bước đi vượt thời đại.
“Chúng ta hãy đón nhận nhau bằng trái tim mình, điều đó sẽ mang chúng ta đến với nhau và đoàn kết tất cả. Chỉ điều đó thôi sẽ đủ để đánh bại cái xấu trên toàn thế giới”, nhà hoạt động Ruby Bridges chia sẻ. Những người anh hùng bấy lâu nay đâu cần khoe mình ngạo nghễ, khi kỳ tích của họ được ghi nhận bởi cả cộng đồng. Và, có lẽ, người anh hùng nào cũng vậy, để đạt được kỳ tích, việc đầu tiên họ làm là phải bước đi.