Chuyên gia tạo khủng hoảng - tài phiệt George Soros

“Kền kền” tái xuất

Thứ Ba, 05/07/2016, 10:08
Nhà tài phiệt 86 tuổi người Mỹ George Soros được giới đầu tư xem là “chuyên gia tạo khủng hoảng”, có vai trò trong nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính gần đây. 

Vừa qua, tỷ phú này đã chính thức tái xuất trong bối cảnh giới đầu tư đang ngày càng lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện khủng hoảng. Nhiều ý kiến cho rằng, “nhà đầu tư đại tài” Soros quay trở lại công việc kinh doanh đồng nghĩa với việc thúc đẩy hoạt động đầu cơ chứng khoán và chắc chắn sẽ gây khó chịu cho nhiều thực thể kinh tế - chính trị toàn cầu.

Mặc dù George Soros nghỉ hưu kể từ năm 2011, nhưng giới truyền thông Mỹ đã thông báo rằng doanh nhân này hiện đang chỉ đạo giao dịch tại Soros Fund Management khi ông cho rằng khủng hoảng kinh tế đã có thể nhận diện được. 

Soros từng đưa ra nhiều ý kiến bi quan về nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay, trong đó không thể tránh khỏi một cuộc “hạ cánh cứng”, kéo theo nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát toàn cầu, hạ thấp giá cổ phiếu và làm tăng giá trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Nhận định nguy hiểm

George Soros sinh năm 1930, là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. 

George Soros được đặt biệt danh “kền kền” do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang trong trạng thái lao đao. Là nhà tiên phong của ngành công nghiệp quỹ đầu cơ, cùng những ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, Soros không xa lạ gì với giới doanh nghiệp Trung Quốc. 
Soros cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với những nguy cơ “bong bóng”, tạo nên một trạng thái phức tạp khó có thể xử lý gọn gàng nếu các vấn đề tài chính xảy ra.

Soros được mời tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) năm 2013. Tuy nhiên, sau khi đưa ra nhận định về một cuộc “hạ cánh cứng” (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó suy thoái) là không thể tránh khỏi cho những khó khăn của kinh tế Trung Quốc, ông bắt đầu gây ra một cuộc chiến.

George Soros cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực của Trung Quốc chỉ là 3,5%, chứ không phải 6,8% trong quý cuối năm 2015 như công bố. Khối nợ không bền vững và dòng vốn đang ào ạt chảy khỏi đây cũng là dấu hiệu của “hạ cánh cứng”. 

Trong năm 2015, khoảng 843 tỷ USD đã rời khỏi nền kinh tế lớn nhì thế giới này. Trung Quốc tăng trưởng chậm, lại xảy đến cùng lúc với giá dầu giảm mạnh và cuộc đua hạ giá nội tệ. Những việc này càng làm tăng rủi ro suy giảm trên toàn thế giới, khiến 2016 trở thành một năm khó khăn với thị trường do đây là kịch bản không hề quen thuộc với nhà đầu tư.

Vị tỷ phú nhận định, chỉ số S&P 500 của Mỹ (chỉ số bao gồm 500 loại cổ phiếu được lựa chọn từ 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ) sẽ đi xuống, các nước sản xuất hàng hóa sẽ chịu tác động tiêu cực và tiền tệ châu Á cũng chung số phận. 

Đà suy giảm của Trung Quốc sẽ lan ra toàn cầu, dù giới chức nước này có nguồn lực để kiểm soát tình hình trong nước. Lo ngại về tình hình Trung Quốc đã gây náo loạn nền tài chính toàn cầu năm nay, trong bối cảnh niềm tin nhà đầu tư vào khả năng cải tổ của chính phủ suy giảm nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Bắc Kinh từng lên án George Soros, coi nhà tài phiệt Mỹ này là “kẻ thù”. Trên thực tế, George Soros có thể tấn công vào sự bất ổn của thị trường tài chính, làm cho đồng nhân dân tệ mất giá, khiến kinh tế Trung Quốc co lại, dẫn đến nguy cơ sụp đổ. 

Trong bối cảnh các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình phát huy hiệu quả, quy mô nền kinh tế Trung Quốc lại cho thấy dấu hiệu “co lại” khi các chỉ số kinh tế hầu hết suy giảm, cùng tốc độ tăng trưởng chững dần. Đây được xem như hệ quả của việc chuyển nền kinh tế từ lớn sang mạnh, với tham vọng sự phát triển bùng nổ sẽ chuyển sang phát triển bền vững trong thời gian ngắn.

Nhà tài phiệt 86 tuổi người Mỹ George Soros được giới đầu tư xem là “chuyên gia tạo khủng hoảng”, có vai trò trong nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính gần đây.

Một số chuyên gia giải thích rằng, việc “co lại” của quy mô kinh tế Trung Quốc được thể hiện ở việc giảm mức tăng trưởng, nhưng vẫn đủ mạnh bên trong qua tỷ trọng cân đối của các thành phần kinh tế trong GDP. 

Cùng lúc đó, tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh với biên độ có kiểm soát nhằm mang lại lợi ích cho kinh tế Trung Quốc. Nếu Soros có ý định khiến cho kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng bắt đầu từ tiền tệ thì quy mô kinh tế Trung Quốc không còn “co lại” có điều tiết theo ý đồ của Bắc Kinh. Viễn cảnh khi ấy là, nó sẽ nhanh chóng suy giảm, thể hiện hình ảnh một nền kinh tế nhỏ đi ở quy mô GDP, thâm hụt trong tất cả các chỉ tiêu kinh tế và sức mạnh nền kinh tế có thể tụt lại hàng chục năm.

Tấn công “gót chân Asin”

George Soros có thể “một tay che cả bầu trời” và khiến cho thị trường nhiều phen chao đảo. Ông kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá, bắt đầu từ những động thái được xem là mượn tạm tài sản và sau đó bán đi, với nghiệp vụ “mua rẻ bán đắt” rồi trả nợ và hưởng lợi qua chênh lệch giá. 

Vì vậy, nhiều người coi ông là kẻ dã tâm khi khiến nhiều nền kinh tế rối loạn. Có lẽ George Soros sẽ ra đòn với Bắc Kinh trong lần tái xuất này, bởi khi nhà tài phiệt này xuất hiện nghĩa là ông đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền dựa vào chính những khó khăn của kinh tế Trung Quốc. 

Quả là ác mộng với Bắc Kinh nếu “chuyên gia tạo khủng hoảng” Soros thực sự tấn công vào thị trường tiền tệ nước này. Màn dạo đầu chỉ là một bức tranh do chính Soros vẽ ra bằng nhiều tuyên bố về tương lai ảm đạm của kinh tế Trung Quốc năm nay.

Việc tỷ phú George Soros tái xuất lần này có thể khiến kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại rất lớn nếu ông thể hiện “đúng bài và vị thế” của một “kẻ thù” nguy hiểm. Soros cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với những nguy cơ “bong bóng”, tạo nên một trạng thái phức tạp khó có thể xử lý gọn gàng nếu các vấn đề tài chính xảy ra. Đó là tỷ lệ nợ công quá cao và lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt.

Trên thực tế, các khoản nợ đã tăng lên một cách nhanh chóng và nguy hiểm, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động đang chậm lại, làm suy giảm chất lượng lao động.

Sau khi đưa ra nhận định một cuộc “hạ cánh cứng” không thể tránh khỏi cho những khó khăn của kinh tế Trung Quốc, Soros đã “chọc giận” Bắc Kinh.

Với tình hình hiện tại, kinh nghiệm thoát hiểm qua cuộc khủng hoảng năm 2008 không có nhiều tác dụng với Bắc Kinh vì kinh tế - xã hội Trung Quốc phát sinh nhiều vấn đề bất thường, đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải có những biện pháp đa dạng và kĩ lưỡng thì mới hy vọng phát triển bền vững. 

Trong khi đó, hậu quả của chính sách dân số “gia đình chỉ có một con” trong một thời gian dài tạo nên rào cản rất lớn cho kinh tế Trung Quốc do thiếu hụt lao động. Điều nguy hại hơn là ngay lúc này thì lao động lại dôi dư bởi kinh tế co lại do chính sách tái cơ cấu, khiến Bắc Kinh phải rất tốn kém và đau đầu trong việc giải quyết lực lượng “nhàn rỗi” này.

Do đó, nguy cơ khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc là rất lớn, tạo ra “gót chân Asin” để George Soros lợi dụng nhằm tấn công tổng lực. Từ những biểu hiện khác thường đến những đổi thay bất thường của kinh tế Trung Quốc, George Soros thêm một lần nữa “dọa” Bắc Kinh về khả năng sụp đổ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Từng có thời điểm, nhà tài phiệt này lên án Trung Quốc là kẻ ăn cướp vì Bắc Kinh thao túng tiền tệ của mình, gây bất bình đẳng, qua đó tạo lợi thế cho việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Soros cho rằng dù Trung Quốc có làm gì, và thậm chí gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế Mỹ, thì người Mỹ vẫn không cảm thấy lo lắng bằng việc kinh tế Trung Quốc không vượt qua được khó khăn mà có thể rơi vào khủng hoảng khiến cả thế giới phải “đứng ngồi không yên”. 

Cũng trong bối cảnh này, Soros Fund Management đã tăng đầu tư vào vàng, xem như một tài sản khá an toàn khi khủng hoảng tài chính. Vậy là, George Soros đã bắt đầu có những động thái rất nguy hiểm với Bắc Kinh, hứa hẹn một kế hoạch “nào đó” gây ít nhiều ảnh hưởng trong lần trở lại thương trường này sau nhiều năm “quy ẩn chờ thời”...

Đàm Huyền
.
.