Kế tục nhiệm kỳ

Thứ Ba, 26/07/2016, 05:22
Quốc hội khoá XIV đã “khởi động” kỳ họp đầu tiên - một nhiệm kỳ được dự báo “nặng nề nhưng cao cả”. Gần 500 vị đại biểu dân cử sẽ đảm trách nhiệm vụ của cơ quan quyền lực dân cử cao nhất, vừa có tính kế thừa, tính đổi mới, lại vừa đòi hỏi sự đột phá trên cả 3 chức năng của mình.


So với sự hình thành,  phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội ra đời muộn hơn 16 năm, tuy nhiên số nhiệm kỳ lại nhiều hơn (14 so với 12 nhiệm kỳ của Đảng). Đó là do trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, các kỳ đại hội Đảng cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội bị gián đoạn. Năm nay, khởi đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV cũng đánh dấu tròn 70 năm cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên. 

Quốc hội đã có nhà mới khang trang hơn, hiện đại hơn như mong muốn lúc sinh thời của Bác Hồ. Nằm tại tầng 1 của Nhà Quốc hội, phòng truyền thống trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh theo 4 chủ đề: Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Tổng tuyển cử và sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Các hiện vật, tư liệu, hình ảnh đều được sắp xếp theo trình tự thời gian.

7 thập kỷ qua, từ Quốc hội khóa đầu tiên với 333 đại biểu, tính đến nay Quốc hội Việt Nam đã có gần 6.500 đại biểu qua 14 khoá. Trong số các tư liệu, hình ảnh tại đây có phần trưng bày hình ảnh chân dung các vị Chủ tịch Quốc hội qua các thời kỳ nhằm khẳng định sự kế thừa lịch sử và phát triển liên tục của Quốc hội Việt Nam, đồng thời là sự tri ân đối với những vị lãnh đạo Quốc hội. Không chỉ thế, mỗi hiện vật ở đây đều gắn với một giai đoạn, một nhân vật cụ thể, gợi cảm xúc đối với người xem.

Từ con dấu của các vị Chủ tịch Quốc hội qua các khóa đến các bài báo đăng tải thông tin về các cuộc tổng tuyển cử rồi các vật dụng hàng ngày của các đại biểu Quốc hội thời chiến tranh hay kinh tế bao cấp như máy casset, chiếc cặp tài liệu, bút mực và cả đến bộ trang phục của đại biểu là người dân tộc thiểu số…

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội (ngày 1-6-1946) mặc dù bị nhiều thế lực phản động và đế quốc phá hoại nhưng đã diễn ra thắng lợi. Người dân Việt Nam từ thân nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khoá XIV.

Đã 70 năm trôi qua, những đại biểu ngày ấy hầu hết đã “về trời”, chỉ còn lại hiếm hoi một vài người. Thời gian và tuổi tác đã làm họ quên rất nhiều việc nhưng cảm xúc khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân năm nay đã bước sang tuổi 100, lúc trúng cử ông đang là Phó Chủ tịch phụ trách quân sự của Ủy ban Cách mạng Bắc Bộ và được phân công ứng cử tại Nam Định. Là người tham gia tổ chức Tổng tuyển cử tại Hà Nội trong không khí sục sôi lúc đó, ông hiểu rất rõ trách nhiệm và vinh dự của người đại biểu nhân dân, trách nhiệm của một người dân từ thân phận nô lệ được làm chủ vận mệnh của mình.

Cán bộ lão thành cách mạng Ngô Thị Huệ là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV, nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban cán bộ Trung ương và là vợ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà năm nay cũng đã 98 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng. Bà vẫn nhớ như in những hình ảnh của ngày Tổng tuyển cử cách đây 70 năm.

Năm 1940, khi mới 22 tuổi, Ngô Thị Huệ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ và nhiều lần bị bắt. Sau đó được tổ chức phá khám vượt ngục trở về tham gia Tỉnh ủy lâm thời tổ chức cách mạng tháng 8 và cướp chính quyền ở Bạc Liêu.

Năm 1946 bà là 1 trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam trong số 10 đại biểu nữ khóa I. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người anh cả của Binh đoàn Trường Sơn, sau này đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và nhiều chức vụ quan trọng khác. Lúc tham gia ứng cử vào Quốc hội mới 24 tuổi. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm xưa, ông lại bồi hồi xúc động, tất cả ùa về vẹn nguyên, sống động...

Giờ đây, các đại biểu ngồi ở Hội trường Diên Hồng với những thiết bị điện tử hiện đại, rất thuận tiện cho nghe, nhìn, phát biểu, biểu quyết và tìm kiếm, lưu giữ tài liệu. Những ký ức hoạt động, những vật dụng của các vị đại biểu tiền bối trong bối cảnh đất nước chiến tranh, rồi kinh tế bao cấp với muôn vàn khó khăn... càng nhắc nhở các đại biểu hôm nay biết trân trọng quá khứ để phát huy truyền thống vươn lên.

Những năm gần đây, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Một trong các đặc tính của Quốc hội Việt Nam, đó là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ngay từ khoá I, trong cơ cấu và cách thức tổ chức của Quốc hội đã thể hiện tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Quốc hội các khoá tiếp theo luôn bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất - QH khoá XIV.

Quốc hội khóa XIV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội những nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả. Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu của những khóa trước, tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình.

“Bối cảnh quốc tế và đất nước đặt ra cho Quốc hội khóa XIV những nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu bức thiết, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội nhận thức rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước để học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh để tích cực, chủ động và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, đồng thời cũng là sự tin tưởng, kỳ vọng đối với các hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá XIV. Tổng Bí thư lưu ý 5 định hướng lớn.

Trong đó, về lập pháp, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020 nước ta có đủ những đạo luật cơ bản cần thiết điều chỉnh các quan hệ xã hội; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư lưu ý: Trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

An Nhi
.
.