Hóc búa chuyện kế vị của Hoàng gia Nhật Bản

Thứ Hai, 07/11/2016, 16:25
Vừa qua, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ mong muốn thoái vị trong thời gian tới. Dù không trực tiếp đề cập đến vấn đề này nhưng ông nói rằng tình trạng sức khỏe suy yếu khiến bản thân không hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng trên cương vị của người đứng đầu Hoàng gia.

Việc Nhật hoàng thoái vị là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhật Bản thời kỳ hiện đại. Vì luật Hoàng gia Nhật Bản không quy định về tình trạng sau khi thoái vị đối với một Nhật hoàng nếu người đó còn sống, nên nếu Nhật hoàng Akihito muốn thoái vị thì trước hết luật phải được sửa đổi, và quá trình này ít nhất cũng mất vài năm.

Bên cạnh đó, Nhật hoàng cũng bày tỏ lo lắng về sự tồn vong của Hoàng gia vì luật hiện hành chỉ cho phép nam giới được kế vị. Điều này tạo nên những luồng ý kiến trái chiều, cùng yêu cầu phải có sửa đổi phù hợp với bối cảnh Hoàng gia hiện nay.

Mong muốn thoái vị

Nhật hoàng Akihito năm nay 82 tuổi, bắt đầu kế vị sau khi cha ông là Nhật hoàng Hirohito qua đời vào năm 1989. Truyền thông Nhật Bản khi đưa tin về Nhật hoàng đều khẳng định ông là người đã cống hiến không mệt mỏi cho đất nước.

Ông là Nhật hoàng đầu tiên kết hôn với một người dân bình thường, và Hoàng hậu Michiko cũng là người đầu tiên không phải nhờ tới vú nuôi khi hạ sinh 3 người con. 

Nhật hoàng Akihito, sẽ bước sang tuổi 83 vào tháng 12, đã bị chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2003 và trải qua cuộc phẫu thuật ghép bắc cầu mạch vành (tim) vào năm 2012. Các hoạt động phục hồi sau trị liệu và việc tập thể dục thường xuyên giúp ông giữ được sức khỏe, nhưng sau hai cuộc phẫu thuật lớn, Nhật hoàng cảm thấy sức khỏe kém đi do tuổi già.

Chia sẻ với người dân, Nhật hoàng cho biết suốt 28 năm tại vị, ông đã cùng người dân Nhật Bản chia sẻ nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn. Ông cho rằng nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Nhật hoàng là cầu mong hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Nhật hoàng Akihito bày tỏ mong muốn thoái vị do tình trạng sức khỏe suy yếu khiến bản thân không thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị của người đứng đầu Hoàng gia.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, Nhật hoàng cần phải đến bên người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Với suy nghĩ đó, Nhật hoàng Akihito đã đi tới nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản, kể cả vùng đảo hay những nơi xa xôi. Ông cho rằng đó là những hành động rất quan trọng của Nhật hoàng với vai trò biểu tượng của đất nước.

Theo Nhật hoàng, ông không được phép đưa ra bình luận cụ thể nào về hệ thống Hoàng gia hiện tại, vì vậy Nhật hoàng muốn chia sẻ với người dân với tư cách cá nhân. Ông nói xã hội đang ở trong giai đoạn già hóa rất nhanh và Nhật hoàng cũng đang ngày càng lớn tuổi.

Theo Hiến pháp, Nhật hoàng là biểu tượng quốc gia, là người kế thừa truyền thống lâu dài nên ông luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm phải bảo vệ truyền thống đó. Thế nhưng, ông bắt đầu cảm thấy yếu đi do tuổi cao, và khẳng định sẽ rất khó khăn để hoàn thành trách nhiệm một cách chu toàn như ông đã và đang làm. Ông luôn trăn trở về nhiều điều tốt đẹp cho đất nước, cho người dân và cho thành viên Hoàng gia.

Đề cập gián tiếp đến câu chuyện kế vị trước đây của bản thân, Nhật hoàng Akihito nói rằng việc vừa than khóc một Nhật hoàng băng hà, vừa chào đón người mới lên ngôi trong cùng lúc đã tạo nên sức ép lớn lao cho những người liên quan, đặc biệt là gia đình. Do vậy, ông thừa nhận đã đôi lần suy nghĩ rằng liệu có cách tốt hơn để giảm bớt những nỗi đau khổ đó.

Rõ ràng, giải pháp vẹn toàn nhất chính là câu trả không được nói ra: cho phép Nhật hoàng thoái vị. Dù không trực tiếp nhắc tới việc thoái vị, nhưng rõ ràng Nhật hoàng Akihito đã chia sẻ với người dân những lo lắng, tâm tư cá nhân, và mong được toàn thể người dân Nhật Bản thấu hiểu.

Theo quy định khi Nhật hoàng không thể hoàn thành đầy đủ những nhiệm vụ do vấn đề sức khỏe hay tuổi tác thì một cơ quan nhiếp chính sẽ được thiết lập để thay mặt Nhật hoàng. Mặc dù vậy, có một thực tế là Nhật hoàng vẫn sẽ tiếp tục là Nhật hoàng cho tới hết đời dù không còn thực hiện vai trò của mình nữa.

Bên cạnh đó, Nhật hoàng Akihito lo lắng rằng, khi ông yếu đi, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Hoàng gia sẽ phải lo cho sự kiện Nhật hoàng ra đi trong một khoảng thời gian dài tới một năm và ông băn khoăn không biết liệu có thể ngăn tình trạng đó lại xảy ra dưới thời của mình.

Ông bày tỏ mong muốn rằng Hoàng gia nên tiếp tục sát cánh cùng người dân trong mọi thời điểm để xây dựng đất nước, và Nhật hoàng sẽ luôn đáp ứng những nhiệm vụ của một biểu tượng quốc gia một cách không ngừng nghỉ.

Yêu cầu sửa đổi

Những chia sẻ của Nhật hoàng sẽ mở đường cho chính phủ xúc tiến thiết lập cơ chế pháp lý cho việc thoái vị, vốn chưa được quy định trong Hiến pháp. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, chính phủ sẽ xem xét nghiêm túc tâm tư của Nhật hoàng.

Ông Abe cho rằng, với tình hình tuổi tác của Nhật hoàng cũng như những nhiệm vụ chính thức của Nhật hoàng, chính phủ và người dân phải suy nghĩ tới tâm tư của Nhật hoàng và phải xem xét toàn diện trước khi đưa ra giải pháp. Trong khi đó, kết quả khảo sát của hãng thông tấn Kyodo cho thấy hơn 85% số người được hỏi đồng ý để Nhật hoàng thoái vị theo tâm nguyện.

Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Nhật Bản đồng ý để phụ nữ lên ngôi và truyền ngôi cho con cái.

Truyền thông Nhật Bản và giới quan sát cho hay Nhật hoàng Akihito từ lâu đã trăn trở về vấn đề thừa kế ngai vàng. Là người đứng đầu Hoàng gia, Nhật hoàng cực kỳ lo lắng về nguy cơ Hoàng gia sẽ biến mất.

Các chuyên gia nhận định, Nhật hoàng muốn thoái vị có thể là muốn xoa dịu quá trình chuyển đổi ngai vàng, để người dân làm quen dần với tình hình thay vì để đến phút cuối mới đặt gánh nặng lên con trai với một trách nhiệm nặng nề đến như vậy.

Tuy nhiên, ý tưởng thoái vị lập tức thổi bùng làn sóng phản đối trong số các chính khách bảo thủ của "xứ sở mặt trời mọc", những người lo ngại rằng cuộc tranh luận về tương lai của Hoàng gia có thể mở rộng sang đề tài cho phép nữ giới kế vị ngai vàng. Mặc dù Nhật Bản từng có Nữ hoàng, nhưng Hoàng gia hiện nay, theo chủ nghĩa bảo thủ, khẳng định chỉ có nam giới mới có thể kế thừa ngôi báu.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin Nhật hoàng muốn thoái vị trong vài năm tới và chuyển giao ngôi vị cho Thái tử Naruhito (56 tuổi). Giống như cha mình, ông Naruhito là người ăn nói nhỏ nhẹ và hay cười. Ông kết hôn với bà Masako - một nhà ngoại giao từng tốt nghiệp đại học Harvard.

Hôn nhân của họ được kỳ vọng sẽ đem đến một làn sóng hiện đại mới cho hoàng tộc, tuy nhiên bà Masako lại luôn u sầu và đang sống ẩn dật trong nỗi thất vọng và bị ám ảnh bởi mong muốn có con trai kế vị ngai vàng của nhiều người trong Hoàng gia. Bởi lẽ, hai người chỉ sinh hạ được Công chúa Aiko, nên sẽ không có người kế vị một khi Thái tử Naruhito, nếu lên kế vị Nhật hoàng Akihito, qua đời.

Vào năm 2005, một nhóm các chuyên gia đề xuất rằng con trưởng của Nhật hoàng có thể kế thừa ngôi vị bất kể giới tính trong bối cảnh cả hai người con trai của Nhật hoàng Akihito là Thái tử Naruhito và Hoàng tử Akishino đều không có con trai.

Sau khi hoàng tử Hisahito (con trai của Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko) ra đời năm 2006, chấm dứt 41 năm hoàng gia Nhật không có thêm nam giới kế vị, chính phủ liền gạt bỏ đề xuất về việc để nữ giới thay thế.

Sau khi Nhật hoàng Akihito nói "bóng gió" về ý định thoái vị, cháu trai duy nhất Hisahito trở thành hi vọng cuối cùng. Tuy vậy, nếu Hisahito lên kế vị thì rất có thể Hoàng tử bé không chỉ là người kế vị ngai vàng cuối cùng mà còn là thành viên cuối cùng của Hoàng gia vì theo luật pháp hiện hành, các công chúa sau khi kết hôn sẽ trở thành thường dân.

Thực tế nêu trên đã đặt ra yêu cầu có những thay đổi về luật kế vị. Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Nhật Bản đồng ý để phụ nữ lên ngôi và truyền ngôi cho con cái. Ông Toshihiro Nikai, nhân vật số hai trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, cho rằng quy tắc kế vị của hoàng gia có phần lạc hậu. "Trong thời đại phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng, thật lạ khi hoàng gia lại trở thành một ngoại lệ", ông Nikai nhận định.

Tuy nhiên, phe bảo thủ - nguồn ủng hộ chính trị quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe - sẽ không để chính quyền đề cập đến vấn đề người kế vị có thể là nữ giới, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ luật Hoàng gia tới cùng. Lập trường của họ là chính phủ cần tránh những chủ đề như để nữ giới kế vị, vốn có thể gây chia rẽ dư luận…

Lê Nam
.
.