“Hồ sơ Panama”: Khởi nguồn một cuộc chiến thông tin

Thứ Hai, 16/05/2016, 14:44
Những ngày cuối tháng 4, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ), cơ quan đang nắm giữ hàng triệu tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca sau bê bối "Hồ sơ Panama", bất ngờ thông báo sẽ công bố một phần nội dung tiếp theo của số tài liệu này.


Theo ICIJ, số tài liệu được phép tiếp cận sắp tới gồm thông tin cơ bản liên quan đến hơn 200.000 công ty, quỹ tín thác và quỹ đầu tư bí mật hải ngoại có trụ sở tại 21 "thiên đường trốn thuế", từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến bang Nevada (Mỹ). Tuy nhiên, phần hai này không phải là dữ liệu về các tư liệu gốc của phần một hay dữ liệu cá nhân quy mô lớn, mà có thể là vụ tiết lộ bí mật các công ty hải ngoại, và cách những người giàu có và quyền lực nhất thế giới che giấu tài sản từ trước đến nay. 

ICIJ nhận định, việc công bố nội dung "Hồ sơ Panama" là bước tiếp theo trong tiến trình điều tra, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tiết lộ thêm nhiều chi tiết hấp dẫn khác liên quan tới bê bối này trong thời gian sắp tới.

Những góc tối nguy hiểm

Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế có trụ sở tại Washington, tập hợp trên 190 nhà báo từ hơn 65 quốc gia. ICIJ thường xuyên tiến hành điều tra các vụ tham nhũng xuyên biên giới, phạm tội có tổ chức và trốn thuế. 

Theo các tài liệu được tiết lộ vào đầu tháng 4/2016, công ty luật Mossack Fonseca đã tạo nên một "thiên đường trốn thuế" qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm nhiều nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao hay trùm ma túy, "thoát" thuế. Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama", ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975).

Ngoài ra, ICIJ cũng công khai các thỏa thuận của Luxembourg giúp các công ty đa quốc gia trốn thuế và kế hoạch giúp các khách hàng của chi nhánh ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ trốn thuế với tổng số tiền trong tài khoản lên tới 119 tỷ USD. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay, hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới với những khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. 

Kỷ nguyên của những vụ siêu rò rỉ đang bắt đầu khi các công cụ mã hóa và ẩn danh ngày càng phổ biến và dễ sử dụng, cho phép dữ liệu được truyền tải dễ dàng và bảo mật hơn.

Tác động của "Hồ sơ Panama" dẫn tới sự ra đi của hàng loạt nhân vật cấp cao, đặt ra nghi vấn trong nhiều công ty, và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới, cũng như các chính khách trong việc giải thích rõ ràng mối quan hệ với các công ty nước ngoài. Bê bối này đánh thức các nhà làm luật và điều hòa chính sách về tính khẩn cấp của việc lấp các lỗ hổng chính sách cố hữu, công khai thông tin chủ nhân của các công ty vỏ bọc. 

"Hồ sơ Panama" còn là một tiếng chuông cảnh báo về những hậu quả chết người khi mà các lực lượng tài trợ cho khủng bố, các cường quốc hạt nhân và nhiều nhóm buôn lậu vũ khí cũng có thể đã là khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca.

Theo giới điều tra, những cuộc oanh tạc trên không gây thương vong tại Syria không bao giờ có thể thực hiện được nếu không có mạng lưới các doanh nghiệp "phớt lờ" các lệnh cấm vận quốc tế. Ba công ty, theo tiết lộ, đã cung cấp nhiên liệu cho chính quyền Syria đều là khách hàng của Mossack Fonseca. 

Văn phòng luật có trụ sở ở Panama này đã giúp đỡ các công ty bí ẩn trên thành lập các chi nhánh "ma" ở Seychellen - một "thiên đường thuế" ở Ấn Độ Dương. Ngay sau khi chính quyền Mỹ đưa ba doanh nghiệp này vào danh sách đen những công ty đã hỗ trợ bộ máy chiến tranh ở Syria, Mossack Fonseca chắc chắn vẫn tiếp tục âm thầm làm việc cho một trong ba công ty này.

Cái tên bị tình nghi đó là Pangates, chuyên về các sản phẩm dầu có trụ sở chính ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Năm 2014, Mỹ đã đưa Pangates vào danh sách đen, buộc tội công ty này đã cung cấp nhiên liệu cho các máy bay quân sự của chính quyền Syria. 

Theo các tài liệu rò rỉ mà ICIJ có thể tiếp cận, Pangates trở thành khách hàng của Mossack Fonseca từ năm 1991. Khi đó, Mossack Fonseca đã mở một công ty cho Pangates ở Niue - một hòn đảo ở Polynesie. Sau khi các nhà chức trách thuộc quần đảo này buộc tội Mossack Fonseca rửa tiền, công ty của Pangates đã được chuyển đến Samoa, và năm 2012 được chuyển đến Seychellen. 

Vào tháng 8/2015, hơn một năm sau khi Washington công bố lệnh trừng phạt Pangates, Mossack Fonseca thừa nhận rằng Pangates nằm trong danh sách đen.

"Hồ sơ Panama" là một câu chuyện chưa từng có tiền lệ về một người tiết lộ khối lượng tài liệu mật khổng lồ, sau đó được hơn 400 phóng viên phân tích và đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn không dừng lại ở đó. Mossack Fonseca không ngừng tiếp tay cho hàng chục các doanh nghiệp và cá nhân khác mà Mỹ đã tuyên bố lệnh trừng phạt. 

Theo ICIJ, vụ rò rỉ hồ sơ Panama bắt đầu từ cuối năm 2014, khi một nguồn tin bí mật được gửi đến tòa soạn báo Suddeutche Zeitung của Đức, nơi trước đó đã đưa tin về một vụ rò rỉ tài liệu nhỏ của Mossack Fonseca có liên quan tới một số quan chức chính phủ Đức. 

Các tài liệu được tiết lộ cho thấy, Mossack Fonseca đã nhiều năm trời kiếm tiền thông qua việc thành lập các công ty "ma" được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động khủng bố và chiến tranh ở Trung Đông, hoặc phục vụ cho các trùm ma tuý ở Mexico, Guatemala và Đông Âu, cũng như các đế chế hạt nhân (như Iran và Bắc Triều Tiên) và bọn buôn bán vũ khí ở Nam Phi.

Kỷ nguyên… siêu rò rỉ

"Hồ sơ Panama", vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước tới nay, là một câu chuyện chưa từng có tiền lệ về một người tố giác gửi cho các nhà báo một khối lượng tài liệu khổng lồ, sau đó được hơn 400 phóng viên trên khắp thế giới phân tích trong vòng bí mật suốt hơn một năm, trước khi hợp tác cùng đưa vụ việc ra ánh sáng. 

Hồ sơ gần như là tất cả các tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca suốt 40 năm qua (lớn hơn số tài liệu rò rỉ của WikiLeaks khoảng 2.000 lần), bóc trần những mánh khóe lừa đảo thông qua các công ty vỏ bọc để giúp khách hàng che giấu tài sản và trốn thuế. 

Chưa hết, bê bối này có tác động rất lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nền chính trị (như buộc Thủ tướng Iceland từ chức hay khiến Thủ tướng Anh mất uy tín). Nhiều quốc gia đã lên tiếng về vụ rò rỉ tài liệu mật chấn động này, cũng như mở những cuộc điều tra các nhân vật được đề cập trong "Hồ sơ Panama".

Bê bối dẫn tới sự ra đi của hàng loạt nhân vật cấp cao, gây áp lực lên các nhà lãnh đạo trong việc giải thích rõ ràng mối quan hệ với các công ty nước ngoài.

Mossack Fonseca từng thanh minh rằng, nhiều trường hợp nêu ra không phải, và chưa bao giờ, là khách hàng của Mossack Fonseca. Bởi vì, công ty luật này luôn tuân thủ các quy tắc quốc tế nhằm bảo đảm các đối tác không được dùng làm bình phong trốn thuế, rửa tiền, khủng bố tài chính hay các mục đích trái pháp luật khác. Liệu ai sẽ được lợi trong việc công bố "Hồ sơ Panama"? 

Đại diện Mossack Fonseca thẳng thừng tuyên bố cái tên… Mỹ, bởi vụ này không chỉ là để nhắm vào những đối thủ của Washington như Moscow hay Bắc Kinh. Trên thực tế, không khó để nhận ra sự liên quan giữa vụ "Hồ sơ Panama" với những tiết lộ của Edward Snowden về hoạt động do thám của Mỹ đối với các đồng minh. 

Bản thân Snowden hiện đang sống ở Moscow, và ngay cả khi anh ta công khai ca ngợi vụ "Hồ sơ Panama" cũng như luôn phủ nhận mọi sự dính líu tới tình báo Nga, thì những người theo thuyết âm mưu vẫn tin rằng, Mỹ hẳn phải có chút liên quan đến hàng loạt tài liệu bị tiết lộ từ Mossack Fonseca.

Bê bối Panama gây xôn xao dư luận xuất hiện vào thời điểm áp lực trấn áp nạn trốn thuế và rửa tiền đang gia tăng. Các tổ chức quốc tế vừa nhất trí về bộ quy tắc minh bạch mới, trong khi kêu gọi những người giàu đóng thuế công bằng. Ảnh hưởng của bê bối này không chỉ giới hạn ở công ty Mossack Fonseca, mà còn phản ánh những âm mưu về chiến tranh kinh tế. 

Hai năm trước, nền kinh tế mở của Panama cùng sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ tài chính nước ngoài khiến Panama trở thành một "thiên đường rửa tiền". Quốc gia Trung Mỹ luôn nằm trong danh sách đen bị theo dõi vì luật chống rửa tiền lỏng lẻo. Và giờ đây, khi bí mật đã bị phanh phui, Panama không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những ai muốn giấu giếm tài sản. Nhiều người tin rằng, chỗ giấu tiền tốt nhất sắp tới sẽ là Mỹ, tới các bang Delaware hay Florida.

Cũng cần phải nói thêm, "Hồ sơ Panama" đánh dấu kỷ nguyên mới của những vụ siêu rò rỉ. Các công cụ mã hóa và ẩn danh đang ngày càng phổ biến và dễ sử dụng, giúp các nguồn cung cấp thông tin tìm đến với các nhà báo trên khắp thế giới một cách an toàn hơn.

Dữ liệu ngày càng được truyền tải dễ dàng và bảo mật hơn bao giờ hết, có thể sẽ được đưa ra ngoài và đến tay những nhà báo có trách nhiệm để phơi bày những góc khuất. Khi đó, Mossack Fonseca và các khách hàng không phải là những người duy nhất đứng trước nguy cơ đối mặt với những vụ siêu rò rỉ thông tin…

Việt Dũng
.
.