Giáo dục Đại học: Chất lượng thôi, không đủ!

Thứ Sáu, 28/12/2018, 11:09
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật giáo dục đại học sửa đổi đã được thông qua. Quan sát những thảo luận trong quá trình sửa đổi luật này, tôi có chút thất vọng vì dường như chúng ta đang mất quá nhiều thời gian vào những vấn đề đã được thế giới giải quyết từ lâu như tự chủ, hội đồng trường hay có hay không có hệ tại chức. 

Ba câu chuyện về chất lượng

Câu chuyện thứ 1: Khi đọc kết quả sinh viên đánh giá giảng viên hàng năm, chủ nhiệm khoa ở một trường đại học công nhận thấy có một trường hợp khá đặc biệt là giảng viên A. Người này nhận phản hồi khá kém từ sinh viên tại hầu hết các lớp: hay đi muộn, thiếu nhiệt tình, bài giảng chuẩn bị không chu đáo, nhiều chỗ thể hiện là giảng viên cũng không hiểu bài giảng của mình...

Trong cuộc họp tổng kết, vị chủ nhiệm khoa có đưa ra yêu cầu giảng viên A., trong học kỳ tới cần chuẩn bị slides bài giảng và tổ chức giảng thử trước đại diện của hội đồng khoa học đào tạo để nhận góp ý. 

Giảng viên A. kịch liệt phản đối và cho rằng, bao năm nay cô vẫn dạy như vậy, không có vấn đề gì và phản hồi của sinh viên là không đáng tin.

Bức xúc với giảng viên A., vị trưởng khoa trên báo cáo cho hiệu trưởng. Sau khi cân nhắc, hiệu trưởng ra quyết định thôi không xử lý vì “nhà trường chưa có chế tài cụ thể và phản hồi của sinh viên không đủ làm căn cứ”.

Câu chuyện thứ 2: Ở một đại học khác, nhà trường sắp xếp lịch dạy và học 1 kỳ là 17 tuần trong đó tuần 17 là dành cho thi cuối kỳ; tuần 16 là tuần bỏ trống. Giảng viên có thể tổ chức dạy bù vào tuần 16 này nếu trong 15 tuần trước đó có buổi phải nghỉ.

Giảng viên B. có lịch dạy vào sáng thứ 4 hàng tuần và cô này đã cho sinh viên nghỉ 1 buổi trong vòng 15 tuần đầu tiên. Đến buổi thứ 15, giảng viên này thông báo với sinh viên sẽ học bù vào thứ 4 tuần sau (tức là tuần 16). Sinh viên thông báo lại là giảng viên C. (có lịch dạy thông thường vào sáng thứ 3) đã xếp lịch học bù vào sáng thứ 4, tuần 16 từ hôm qua rồi.

Giảng viên B. sau đó tranh luận với giảng viên C., cho rằng lịch dạy của mình vào sáng thứ 4 thì đương nhiên mình phải được tiếp tục chọn sáng thứ 4, không ai được tự tiện chen vào. 

Giảng viên C. thì lại nghĩ rằng tuần 16 là tuần mở, ai đăng ký với sinh viên trước thì sẽ được xếp lịch dạy bù trước, không liên quan đến lịch thông thường. Tranh luận mãi không có hồi kết.

Nhiều doanh nghiệp đã lập những trường đào tạo nội bộ nhân viên, được dự báo có thể cạnh tranh trực tiếp với các đại học truyền thống trong việc thu hút người học.

Câu chuyện thứ 3: Doanh nhân D. có mối quan hệ thân thiết với hiệu trưởng một trường đại học. Theo định hướng gắn chặt với thị trường lao động, một số giờ giảng của đại học này sẽ do đại diện khu vực tư nhân giảng dạy. Và vì vậy, doanh nhân D. đã được người bạn hiệu trưởng của mình mời đứng lớp cho học kỳ tiếp theo.

Vài tuần sau, doanh nhân D. nhận được email từ phía lãnh đạo khoa của trường bạn mình, gửi kèm theo một mẫu sơ yếu lý lịch, yêu cầu điền để lưu hồ sơ. 

Mặc dù vậy, khi mở file, vị doanh nhân phát hiện ra đó là file pdf, không thể điền thông tin vào được. Doanh nhân D. viết thư hỏi lại vị lãnh đạo khoa và đề nghị gửi lại mẫu ở dạng file word. Câu trả lời của vị lãnh đạo khoa là “anh thông cảm, nhờ anh gõ lại vì tôi cũng chỉ có mẫu đó thôi”.

Trên đây là ba câu chuyện về chất lượng đại học mà tôi nghe kể hoặc trực tiếp quan sát trong thời gian gần đây. Điều rút ra từ 3 câu chuyện này là việc các đại học ở Việt Nam đang có những chuyển dịch, bằng nhiều cách, hướng tới mục tiêu chất lượng hơn, tương tự như trong các quy trình của khu vực công nghiệp và tư nhân. 

Cụ thể, ở câu chuyện thứ nhất, đó là hoạt động lấy phản hồi góp ý từ sinh viên – tương đương với hoạt động lấy phản hồi từ khách hàng trong quản trị doanh nghiệp.

Ở câu chuyện thứ 2, đó là hoạt động sắp xếp lịch giảng dạy trong đó có bố trí thời gian dự phòng – tương đương với hoạt động sắp xếp lịch sản xuất ở các nhà máy sản xuất. 

Ở câu chuyện thứ 3, đó là hoạt động mời đại diện doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo – tương đương với hoạt động tăng cường trải nghiệm cho người dùng/khách hàng bằng các hoạt động cung cấp dịch vụ mới.

Nhưng đoạn kết của cả 3 câu chuyện chất lượng kể trên rõ ràng đều không trọn vẹn, 3 hoạt động mới trong vận hành một trường đại học đều không giúp thực sự nâng cao chất lượng. Ở câu chuyện thứ nhất, hoạt động cải tiến khi phát hiện ra vấn đề trong quá trình vận hành đã không được thực thi.

Ở câu chuyện thứ hai, hoạt động sắp xếp lịch dự phòng rốt cục lại tạo mâu thuẫn cho giảng viên vì quy định không rõ tại tuần 16, yếu tố nào sẽ được ưu tiên: người đăng ký trước hay người có lịch dạy. Ở câu chuyện thứ 3, đó là việc thiếu quan tâm đến tiện ích của người dùng, nhất là khi người dùng lại là đối tác của nhà trường.  

Cần những định nghĩa mới

Mặc dù 3 câu chuyện trên đều không kết thúc trọn vẹn, nhưng đó là những tín hiệu rất tốt và khiến cho chúng ta có quyền hy vọng về xu hướng mới trong đó các yếu tố chất lượng, dù là lớn hay nhỏ, sẽ được các trường đại học quan tâm hơn, giải quyết rốt ráo hơn. 

Mặc dù lạc quan như vậy, nhưng cá nhân tôi nghĩ, các trường đại học Việt Nam hiện nay cũng không có quá nhiều thời gian để “thử và sai” nữa.

Những điều không trọn vẹn như ở trên (hay tương tự) cần được sớm giải quyết và đưa vào các quy trình chất lượng giúp quản trị nhà trường càng nhanh càng tốt. Tôi nói càng nhanh là bởi, bản thân thị trường, nơi sử dụng trực tiếp sản phẩm đầu ra của trường đại học cũng đang rất sốt ruột, họ không chờ đợi lâu hơn được nữa. Một số đại diện thị trường thậm chí còn đã bắt đầu hành động.

Thực vậy, quan sát cá nhân của tôi là ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề đào tạo và đào tạo lại nhân viên của mình. Corporate University (tạm dịch là đại học trong nội bộ doanh nghiệp) là một khái niệm bắt đầu được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam. 

Đó là sự phát triển ở tầm mức cao hơn của bộ phận đào tạo nhân viên trong nội bộ tổ chức, được thể hiện ở những điểm như: chương trình đào tạo được thiết kế bài bản hơn, có nhiều nhân sự cơ hữu, ví dụ quản lý cấp trung và cao quay sang chỉ làm việc đào tạo hơn, đào tạo những thứ thiết thực hơn đối với bản thân doanh nghiệp.

Một lớp học trên Zoom tại trung tâm Tiếng Anh.

Hãy thử tưởng tượng, một ngân hàng lớn ở Việt Nam, như Vietcombank chả hạn, một ngày nào đó mở ra một corporate university của mình, tổ chức đào tạo trong 2 năm đối với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT, khi tốt nghiệp sẽ được vào làm việc luôn cho Vietcombank. Các bạn có tin là corporate university này sẽ có khả năng cạnh tranh với Học viện Ngân hàng trong việc thu hút sinh viên hay không? Tôi tin.

Dương Trọng Tấn, một người làm giáo dục mà tôi rất ngưỡng mộ, thậm chí còn đưa ra một nhận xét rất táo bạo và tinh tế. “Định nghĩa về chất lượng đại học theo kiểu truyền thống ở nước ta là sai rồi”. 

Trong một hội thảo giáo dục mới tổ chức tháng trước ở một đại học nọ, anh Tấn đã làm cả hội trường “náo động” với một bài trình bày có tiêu đề rất khiêu khích “Trường đại học đang chết dần”. 

Trong bài trình bày này, anh Tấn cho rằng, việc tiếp cận và định nghĩa chất lượng theo kiểu truyền thống hiện nay như dựa vào điểm số, xếp loại bằng cấp hay các giải thưởng, bằng khen chẳng qua chỉ là một cách né tránh của các đại học hiện nay. 

Chất lượng của đại học, theo anh Tấn phải là các con số khác như tỷ lệ phần trăm sinh viên có việc đúng nghề ngay sau khi tốt nghiệp, là mức lương đạt được so với số học phí và thời gian học tập đã bỏ ra.

Một mô hình khác trước

Tại quán nước đầu phố nhà tôi luôn có 2 bạn là kỹ thuật viên của 1 hãng cung cấp Internet. Trong vòng bán kính 2-3 km trong khu vực, mỗi khi nhà ai có vấn đề về đường truyền, bạn này sẽ xuất hiện trong vòng vài giờ trở lại. Có lần tôi hỏi 1 bạn, văn phòng của em có xa đây không? 

Sao cứ ngồi quán nước thế này? Bạn đó trả lời, cũng không xa, nhưng em ngồi đây cho tiện, chỗ này là chỗ trung tâm nên em hay ngồi, với cả, em chạy vòng quanh suốt anh ạ.

Câu trả lời của bạn làm tôi liên tưởng đến một mô hình nhà trường, mà giảng viên, trợ giảng cũng sẽ ngồi ở khắp nơi như 2 anh bạn kỹ thuật viên kia. Người học cũng có thể học bài lý thuyết online, và khi có khó khăn thì ngay lập tức, các trợ giảng sẽ xuất hiện để trả lời câu hỏi hoặc giúp giải bài tập.

Khi gặp TS. Vũ Thị Lan, chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh và thiết kế các chương trình học tiếng Anh, đồng thời cũng là người thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới trong giáo dục, thì tôi mới biết ý tưởng kể trên của tôi thực ra là đã… lỗi thời. 

Tại trung tâm đào tạo tiếng Anh online mà TS. Lan đang phụ trách, tất cả các lớp học được thiết kế với sự kết hợp song song của hai hình thức học: “asynchronous learning” (học không đồng thời) và “synchronous learning” (học đồng thời). 

Với hình thức “asynchronous learning”, toàn bộ nội dung chương trình học, tài liệu học, các bài giảng thu sẵn, thảo luận sau giờ học, nộp bài, chấm bài, nhận xét đánh giá,  v.v. được đưa lên hệ thống quản lý lớp học Moodle hoặc Canvas. 

Người học có thể vào Moodle/Canvas bất kỳ lúc nào để học và tham gia các hoạt động theo yêu cầu của lớp học, và khi có khó khăn thì ngay lập tức, các trợ giảng hoặc giáo viên sẽ xuất hiện để trả lời câu hỏi hoặc giúp giải thích bài tập (các trợ giúp được thực hiện theo khung thời gian “virtual office hours” đã được thông báo trước.)

Với hình thức “synchronous learning”, người học và người dạy gặp nhau trực tiếp trong một phòng học ảo với đầy đủ “tiện nghi” thông qua ứng dụng chuyên biệt Zoom. 

Việc dạy học thông qua Zoom được xem là rất giống so với dạy học truyền thống (có tương tác trực tiếp giữa học viên và giáo viên, học viên và học viên, có hoạt động cặp, nhóm, v.v.), chưa kể đến việc bài dạy “live” qua Zoom được ghi lại (recorded) và sau đó được chuyển qua hệ thống Moodle/Canvas để người học có thể xem lại bài giảng bất kỳ lúc nào.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật giáo dục đại học sửa đổi đã được thông qua. Quan sát những thảo luận trong quá trình sửa đổi luật này, tôi có chút thất vọng vì dường như chúng ta đang mất quá nhiều thời gian vào những vấn đề đã được thế giới giải quyết từ lâu như tự chủ, hội đồng trường hay có hay không có hệ tại chức. 

Ngược lại, không có quá nhiều thảo luận về những khía cạnh cốt lõi mà tôi vừa nêu ra trong bài, đó là: chất lượng đại học nên được định nghĩa như thế nào? Và hơn thế nữa: rút ngắn khoảng cách và tăng năng suất đại học nên được xử lý ra sao?

Tiến sĩ Phạm Hiệp
.
.