“Giải ảo” Đinh Bộ Lĩnh

Thứ Ba, 16/04/2019, 16:17
Giải ảo lịch sử nghe qua tưởng chỉ là cách nói của khẩu ngữ dân gian, nhưng thực tế nó phản ánh một công việc bếp núc của nghiên cứu sử học. 


Cái lịch sử chân thực tuyệt đối là cái mà ai cũng muốn hướng tới, nhưng thực tế nhận thức lịch sử chỉ là những tiệm cận được góp nhặt từ các mảnh vụn, mảnh vỡ khác nhau may mắn còn sót lại qua bao biến cố của thời gian. Vì chỉ là tiệm cận đến sự thật lịch sử, nên các tri thức sử học có tính tương đối hay nói cách khác nó có "độ ảo" nhất định.

Một sự thực này được kiến tạo nên trong đời nay, sẽ có nguy cơ trở thành một kiến thức sai lầm trong tương lai. Quá trình tái nhận thức lại lịch sử, hay xích dần đến các sự thực mới là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu lịch sử, quá trình ấy, như cách nói của Giáo sư Trần Quốc Vượng là "giải ảo lịch sử" hay "giải ảo hiện thực lịch sử".

Trong cuốn "Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử" (Nxb Đại học Sư phạm, 2019, 439 trang), trên tinh thần "giải ảo lịch sử" của các học giả tiền bối, tôi đã đề xuất được một số nhận thức mới về giai đoạn này, đặc biệt là đã giải ảo về một số huyền thoại về nguồn gốc xuất thân và sự trỗi dậy của Đinh Bộ Lĩnh.

Tranh "Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận". (Nguồn Durand 2018)

Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979, thọ 56 tuổi) có cha là Đinh Công Trứ (chứ không phải là ông rái cá như truyền thuyết), mẹ là bà họ Hoàng ở vũng Đàm Gia. Đinh Công Trứ là một trong ba nghìn nghĩa tử của Dương Đình Nghệ.

Sau khi Dương Đình Nghệ bị ám sát, Ngô Quyền đem quân ra Giao Châu trừ khử Kiều Công Tiễn, xây dựng triều đại mới, thì Đinh Công Trứ tiếp tục ở lại miền căn cứ địa Hoan Châu (Nghệ An nay) làm Hoan Châu Thứ sử. Tuổi thơ Bộ Lĩnh có lẽ ban đầu ở Đàm Gia, nhưng khi đến tuổi đi học (từ 6 tuổi) ông có thể đã theo chân cha vào Hoan Châu.

Năm 930, Khúc Thừa Mĩ bại trận bị bắt và đưa về Nam Hán, khi ấy Đinh Bộ Lĩnh 7 tuổi. Năm 938, Ngô Quyền  đem quân ra Giao Châu tiêu diệt họ Kiều, lúc này Đinh Bộ Lĩnh 14 tuổi. Như vậy, cả tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh lớn lên trong bối cảnh động loạn giữa các thế lực nội bộ và chiến tranh chống nhà Nam Hán. Quãng thời gian này, Đinh Công Trứ giữ chức Hoan Châu Thứ sử.

Đến khoảng năm 16-18 tuổi (khoảng 940-942), Đinh Bộ Lĩnh được cho giữ chức Ngự phiên Đô đốc. Không lâu sau, Đinh Công Trứ mất, Đinh Bộ Lĩnh "nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu" (Lý Đảo, 1117, Tục tư trị thông giám trường biên).

Năm 944, Ngô Quyền mất, thì Đinh Bộ Lĩnh đã 20 tuổi. Năm 945, Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) nhận cháu ruột Ngô Xương Văn làm con nuôi, truy sát Ngô Xương Ngập - con cả của Ngô Quyền. 

Năm 950, Ngô Xương Văn cùng các tướng đánh úp Dương Tam Kha, phế làm Chương Dương Công ban cho thực ấp ở Chương Dương Độ. Năm 951, Ngô Xương Văn lên ngôi, xưng là Nam Tấn Vương, mời anh trai Ngô Xương Ngập về làm Thiên Sách Vương.

Lúc này, Đinh Bộ Lĩnh đã 27 tuổi. Cả quãng thời gian xảy ra nhiều chính biến trên, sử liệu Việt Nam đều không có ghi chép nào về Đinh Bộ Lĩnh. Những sử thực trên đây đã góp phần "giải ảo" huyền thoại "đứa trẻ mồ côi/ chăn trâu tập trận cờ lau" trong nhiều bộ chính sử.

Nhưng Đại Việt sử ký toàn thư ghi, Đinh Bộ Lĩnh đã "không chịu giữ chức phận làm tôi" nổi dậy ở Hoa Lư vào năm 951 ngay sau khi hai vua họ Ngô nắm quyền (Toàn thư 1998: 207). 

Có lẽ, Đinh Bộ Lĩnh là người theo nhóm Dương Tam Kha, nên sau khi Tam Kha bị phế truất, ông mất chức Hoan Châu Thứ sử, bèn kéo quân về quê Hoa Lư để mưu tính chuyện lâu dài. Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương biết rõ hành động xây dựng quân đội của Đinh Bộ Lĩnh, bèn cất quân đi đánh.

Đinh Bộ Lĩnh sợ sức mình còn yếu bèn đưa Đinh Liễn về Cổ Loa làm con tin. Khi Liễn vào chầu, nhà Ngô trách tội Đinh Bộ Lĩnh không đích thân vào chầu như yêu cầu, bèn bắt Đinh Liễn và xuất quân đi đánh Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh cố thủ hơn một tháng, nhà Ngô cũng không hạ được thành, bèn đem Liễn treo lên cây dọa giết.

Bộ Lĩnh sai cung thủ cứ nhằm Đinh Liễn mà bắn, và nói bất hủ rằng: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Hai vua Ngô sợ chết mất con tin bèn lui quân (Toàn thư, 1998, trang 207).

Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh là người nổi lên sớm nhất trong triều đại Hậu Ngô Vương. Từ năm 951 trở đi, ông tiếp tục xây dựng quân đội ở Hoa Lư, ngầm liên lạc với các lực lượng khác. Năm 954, khi Đinh Bộ Lĩnh 30 tuổi, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập mất, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tiếp tục nắm quyền.

Năm 965, Ngô Xương Văn chết trận tại hai thôn Đường - Nguyễn ở Thái Bình. Lợi dụng tình hình chính sự xáo trộn, Đinh Liễn trốn thoát về Hoa Lư sau 15 năm làm con tin / tù binh ở kinh đô Cổ Loa (Toàn thư, tr.208). Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã là một lực lượng chính trị- quân sự chống đối triều nhà Ngô ít nhất là 15 năm (từ 951-965).

Đến năm 965, khi Ngô Xương Văn chết trận tại Thái Bình (dọc bờ sông Thao), Đinh Bộ Lĩnh 41 tuổi. Phụ tướng Lã Xử Bình khi thấy Nam Sách Vương Ngô Xương Văn chết, đã cầm quân đội từ Thái Bình quay trở lại đảo chính ở Cổ Loa ngay trong năm 965 (Âu Dương Tu, 1054, Ngũ Đại sử, Nam Hán thế gia, quyển 65). Toàn thư ghi, 500 con cháu họ Ngô buộc phải tháo chạy về Đỗ Động Giang của Đỗ Cảnh Thạc.

Nhân cơ hội này, Đinh Liễn cũng đã trốn về Hoa Lư. Việc Lã Xử Bình chiếm được kinh đô Cổ Loa chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên tình trạng "rắn mất đầu" của nhà Ngô. Các Thứ sử vừa tiếp tục quản lý lãnh thổ của mình, vừa có thể đem quân đi bình định các điểm nóng.

Theo Tục tư trị thông giám trường biên, thì các Thứ sử đã giao tranh với Ngô Xử Bình, có Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu, Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy, Nha tướng Đỗ Cảnh Thạc (Lý Đảo, 1117, Tục tư trị thông giám trường biên). Nhưng có lẽ, các trận đánh này không thể hạ được thành Cổ Loa. Mặt khác, Ngô Nhật Khánh (nghe tin khi cha Ngô Xương Văn mất) đã xưng An Vương ở đất Đường Lâm ở Hoan Châu.

Tranh vẽ lại Huyền thoại Đinh Bộ Lĩnh là con trai của rái cá. Nguồn: "Thuở thiếu thời hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh" (Nxb Giáo dục, 2008).

Nhưng Trường châu Thứ sử Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình nay) và Đằng châu Thứ sử Phạm Phòng Át đã ra mặt liên minh với Đinh Bộ Lĩnh. Liên minh Trần - Đinh - Phạm đã cắt đôi lãnh thổ của nhà Ngô, lực lượng ở phía đồng bằng sông Hồng và trung du do các Thứ sử trấn giữ, còn Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh thì lại bị cô lập ở Bình Kiều (Thanh Hóa) và Đường Lâm (Nghệ An).

Năm 967, khi nghe tin Trần Minh Công chết, 500 con cháu nhà Ngô cùng Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến đánh Bố Hải Khẩu, nhưng bị Ngô phó sứ (tướng của Trần Minh Công) đánh bại ở đất Ô Man (Toàn thư, tr.209). Đây là trận đánh quan trọng đầu tiên, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các Thứ sử nhà Ngô với liên minh Đinh - Trần - Phạm. Khi nghe tin thắng trận ở Ô Man, Đinh Bộ Lĩnh liền đem quân đi đánh Đỗ Động Giang.

Trận chiến này, Đinh Bộ Lĩnh đã giành chiến thắng (tr.209). Đỗ Cảnh Thạc và nhiều tướng lĩnh, cũng như con cháu họ Ngô đã bị tiêu diệt. Đây là trận thắng quan trọng thứ hai của liên minh Đinh - Trần - Phạm.

Từ đây lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đã lớn mạnh rất nhanh, đánh đâu thắng đó. Toàn thư ghi ngắn gọn "từ đó không bộ lạc nào không hàng phục, lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về". Cách ghi này là tóm lược đại khái.

Các sách Tục tư trị thông giám trường biên, Cửu triều biên niên bị yếu, Văn hiến thông khảo chép, Đinh Bộ Lĩnh còn có chiến thắng quan trọng thứ ba ở Cổ Loa tiêu diệt lực lượng của Lã Xử Bình: "Xử Bình tranh ngôi với thứ sử Phong Châu là Kiều Tri Hựu. Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đánh phá được. 

Liễn thừa thắng bức hàng Phạm Phòng Át, phá Đỗ Động (Đỗ Cảnh Thạc), đi tới đâu thắng tới đó, hiệu là Vạn Thắng Vương." (Đặng Xuân Bảng, 1905, Việt sử cương mục tiết yếu, 2000, tr.62)

Từ sử liệu trên, chúng tôi đã nhận định rằng, việc Ngô Xử Bình đem quân đánh Cổ Loa cướp ngôi nhà Ngô gây nên tình trạng hỗn loạn từ năm 965-967, mà đời sau (qua lăng kính của phe chiến thắng) gọi một cách ôm đồm "loạn 12 sứ quân".

Đến năm 967, khi Đinh Bộ Lĩnh đánh thắng được Đỗ Cảnh Thạc cùng 500 con cháu họ Ngô, và tiêu diệt lực lượng Ngô Xử Bình ở Cổ Loa, thì nhóm Đinh Bộ Lĩnh (gồm cả Phạm Phòng Át - Trần Thăng - Ngô Phó sứ) đã trở thành lực lượng mạnh nhất. Kể từ đây, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đi đánh dẹp các Thứ sử/ Sứ quân khác. Các thế lực chính trị này, hoặc là đã chịu thất bại, hoặc là chịu đầu hàng.

An Vương Ngô Nhật Khánh, trước tình thế đại bại của các lực lượng thứ sử, nên có lẽ sau đó buộc phải đầu hàng. An Nam chí lược ghi "Đinh Bộ Lĩnh cướp ngôi họ Ngô" (Lê Trắc, 1335, 2002, tr.224.), cũng không phải là không có lí do riêng.

Nếu như những nghiên cứu trên đây có thể chấp nhận được, thì chúng ta đang tiến tới những nhận thức mới về triều đại nhà Ngô và nhà Đinh, hay nói cách khác những sử thực mới đang được tái lập sẽ góp phần khiến cho nhận thức của cả tác giả lẫn người đọc tiệm cận gần hơn đến CÁI LỊCH SỬ như nó có thể đã từng xảy ra. Và những sử thực này sẽ được phủ định nếu chúng ta có thêm những sử liệu mới, góc nhìn mới, lý thuyết mới. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.

Trần Trọng Dương
.
.