Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Thách thức liên minh

Thứ Bảy, 25/02/2017, 11:47
Vừa qua, Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử tên lửa Pukguksong-2 trong ngày 12-2 - một loại vũ khí chiến lược mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi vụ thử tên lửa là “hành động không thể chấp nhận” và nhấn mạnh Triều Tiên phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã phải họp khẩn để đánh giá về vụ thử tên lửa lần này của Triều Tiên. 

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn, lên án vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng thêm “những biện pháp trừng phạt mạnh” đối với Bình Nhưỡng.

Thế giới dậy sóng

Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành trên 20 vụ thử tên lửa và 2 vụ thử hạt nhân, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc; thậm chí, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này đang trong giai đoạn cuối cùng của việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ. 

Trong diễn biến mới nhất, Triều Tiên đã xác nhận vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 từ căn cứ không quân Banghyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên, đạt độ cao 550km và đã bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. 

Tên lửa Pukguksong-2 được cho là đã sử dụng một động cơ đẩy nhiên liệu rắn giúp việc phóng nhanh hơn và làm tăng tính cơ động của quá trình phóng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tin rằng Triều Tiên đã sử dụng một hệ thống phóng lạnh, theo đó tên lửa được nhấc khỏi mặt đất bằng áp lực rồi kích hoạt giữa đường bay, ngược với phương pháp thông thường là kích hoạt ngay trên mặt đất.

Truyền thông nhận định, vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là nhằm thu hút sự chú ý của thế giới về năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Đây được cho là hành động gây hấn để kiểm tra phản ứng từ tân Tổng thống Donald Trump, đồng thời phô trương sức mạnh của Bình Nhưỡng trước lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Triều Tiên. 

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng vụ phóng tên lửa này chỉ nhằm kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un) và thể hiện đặc trưng của một “hệ thống vũ khí chiến lược kiểu mới mang đậm phong cách Triều Tiên”. 

Ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự hài lòng về việc sở hữu một phương tiện tấn công hạt nhân mạnh mẽ nữa, góp phần củng cố thêm sức mạnh khổng lồ của quốc gia.

Dù lý do thực sự của động thái này là gì đi chăng nữa thì nó đã gây ra những phản ứng rất mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn, và các quốc gia thành viên nhất trí lên án vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng thêm “những biện pháp trừng phạt mạnh” đối với Bình Nhưỡng. 

Các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có cả Trung Quốc, đã nhất trí với tuyên bố do Mỹ soạn thảo, trong đó mô tả vụ thử tên lửa này là sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. 

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hiệåp Quốc Antonio Guterres đã kịch liệt phản đối vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng cần phải quay trở lại tuân thủ đầy đủ những nghĩa vụ quốc tế của họ cũng như con đường giải giáp vũ khí hạt nhân.

Hiện Triều Tiên đang phải đối mặt với sáu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ khi nước này lần đầu tiên thử hạt nhân năm 2006. Trong năm 2016, Triều Tiên đã hai lần thử hạt nhân và liên tiếp thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng đã và đang đều đặn cải thiện năng lực tên lửa và vũ khí của mình. 

Vào tháng 1-2017, nhiều nguồn tin cho rằng Triều Tiên có thể chuẩn bị sẵn sàng hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa nữa để phóng thử trong tương lai gần. Trên thực tế, Triều Tiên bị cấm tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo theo tinh thần các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, từ đó hạn chế việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên với thông cáo mới nhất, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Hội đồng Bảo an, khẳng định vụ thử tên lửa là một “biện pháp phòng vệ” và không ai có quyền chỉ trích quyền hợp pháp này của một nước có chủ quyền.

Thắt chặt liên minh

Việc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 khiến nhiều quốc gia châu Á thực sự lo ngại. Thủ tướng Nhật Bản Abe lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa là “không thể chấp nhận được” trong khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ trích Bình Nhưỡng có hành động gây hấn với Nhật Bản và khu vực. 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng kịch liệt phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, và quyền Tổng thống Hwang Gyo-ahn tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc cùng cộng đồng quốc tế đang hợp tác để có những hành động trừng phạt thích hợp.

Tuy nhiên, quả tên lửa đạn đạo tầm trung lần này “nguy hiểm hơn” khi có tầm xa thay đổi so với những lần thử trước, tạo nên mối quan ngại rất lớn với Mỹ. Chính quyền Donald Trump, vốn đã dự đoán Triều Tiên sẽ sớm có hành động khiêu khích sau khi ông Trump nhậm chức, sẽ xem xét một loạt phương án để phản ứng với vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng và cố gắng tránh làm leo thang căng thẳng trong phản ứng của mình. Washington nhấn mạnh, “các chương trình vũ khí trái phép” của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng và rõ ràng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Với ông Trump, Triều Tiên là một “vấn đề lớn” đối với Mỹ, và Washington sẽ đối phó một cách mạnh mẽ. Thế nên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm siết chặt kiểm soát tài chính, tăng cường khí tài trên biển và trên không của Mỹ và xung quanh bán đảo Triều Tiên, cũng như đẩy mạnh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc. 

Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới Pukguksong-2.

Thêm vào đó, Washington có thể sẽ tăng cường sức ép lên Trung Quốc để nước này kiềm chế Triều Tiên, phản ánh quan điểm mà ông Trump từng tuyên bố trước đó là Bắc Kinh vẫn “chưa đủ nỗ lực” về phương diện này.

Ngay sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đang được tăng cường và củng cố mạnh mẽ khi ba bên đã nhóm họp trao đổi nhằm cảnh báo áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. 

Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định các cam kết “bảo đảm an ninh một cách quyết liệt” cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản; nêu rõ, Mỹ và các đồng minh trong khu vực có đủ khả năng phòng vệ trước các vụ tiến công bằng tên lửa của Triều Tiên. Mỹ yêu cầu gia tăng sự đoàn kết với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có an ninh bị đe dọa bởi chương trình đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.

Với Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: “Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng Mỹ đứng đằng sau Nhật Bản 100%”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong chuyến thăm Nhật Bản, tái khẳng định Mỹ duy trì cam kết bảo vệ “đất nước mặt trời mọc” dưới thời chính quyền mới. 

Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tin tưởng rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ chứng minh với thế giới về liên minh vững chắc giữa hai nước và đây là nguyên tắc không thể thay đổi. 

Trong khi đó, Hàn Quốc đã thảo luận với Mỹ về việc mở rộng quy mô triển khai các vũ khí chiến lược của Washington trong cuộc tập trận quân sự chung hằng năm Giải pháp then chốt (KR) và Đại bàng non (FE), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 tới. Washington sẽ thúc đẩy kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Hàn Quốc trong năm nay theo đúng kế hoạch.

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân, Mỹ cam kết sử dụng sức mạnh răn đe mở rộng, trong bối cảnh mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Hai trụ cột chính để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà chính quyền Donald Trump cần tăng cường là sức ép ngoại giao và sức mạnh răn đe quân sự. 

Và tân Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ với hai đồng minh chủ chốt ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo ra liên minh quan trọng trong chính sách ngoại giao – an ninh của Washington ở châu Á…

Nam Hồng
.
.