Giá kể mà không có ruồi…
Lũ ruồi thật đáng ghét, chúng bay xung quanh ta và tạo ra cảm giác rất khó chịu, nhất là những loài ruồi lớn như nhặng còn tạo ra tiếng vo ve. Làm sao người ta có thể yên tâm làm việc khi có một vài con ruồi bay qua bay lại trước mặt hoặc khi đang ngủ, bị ruồi đậu vào mặt. Những tình huống khủng khiếp nhất là đang há miệng ngáp thì bị một con ruồi bay tọt vào họng hoặc một bát canh ngon lành bỗng có một xác ruồi nổi lềnh bềnh.
Ruồi cơ bản là loài côn trùng có hại, chúng cũng có vài ích lợi nhỏ nhưng không đáng kể, cơ bản là con người khó chịu về ruồi và tập tính của chúng. Loài ruồi đậu vào bất cứ loại thức ăn nào dù trước đó chúng đã đậu vào những thứ rác rưởi, đờm, rớt rãi, phân… nên mang rất nhiều mầm bệnh cùng các loại vi khuẩn có hại. Một con ruồi đậu trên đĩa thức ăn khiến món đó mất ngon hoặc không dám ăn nữa. Một con ruồi cứ lượn lờ trước mặt khiến người ta mất tập trung, khó chịu, thậm chí là lí do xác quyết để ngăn cản nhân vật trong truyện ngắn của Azit Nexin không trở thành nhà văn được!
Tất nhiên câu chuyện của Azit Nexin là một thứ bông đùa những kiểu người luôn viện dẫn những lí do để không hoàn thành công việc hoặc bao biện cho thất bại của mình, nhưng câu chuyện về ruồi không phải không có những ý đúng nhất định. Liệu chúng ta có thể hoàn toàn thoát khỏi loài ruồi hoặc chung sống với ruồi hoặc những vật, những người có tập tính giống như ruồi? Để giải quyết vấn đề ruồi, trước hết hãy xem về mặt sinh học, ruồi có những đặc tính gì nổi bật.
Trong rất nhiều đặc tính của ruồi, tôi chú ý tới hai đặc điểm chủ chốt, tính phàm ăn, thích ăn bẩn và thị lực rất tốt của chúng!
Đặc điểm phàm ăn của ruồi là thứ rất đáng sợ và khó chịu. Loài ruồi tham lam và háu ăn, vừa đậu vào bãi rác xong lại sà ngay vào một đĩa thức ăn để tiếp tục thói quen đáng sợ là tiết dịch trên thức ăn mới, dùng vòi liếm hút. Ruồi ăn uống vô tội vạ, hầu như không bao giờ cảm thấy đủ và luôn luôn tìm mọi cơ hội chén tất cả các loại thức ăn để thoả mãn sự tham lam của mình. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy những người tham lam, lì lợm giống loài ruồi.
Họ ăn uống, vơ vét, hạch sách không từ một thứ gì, từ cái to đến cái nhỏ nhất. Một xuất mua nhà giá rẻ tất nhiên phải tìm mọi cách đoạt cho bằng được, một phần thưởng nhỏ là cái bút bi, cái áo mưa cũng cương quyết không nhường cho ai. Bất cứ khi nào có chút quyền lợi đều thấy mặt người ấy, lì lợm và cương quyết, họ không bỏ sót bất cứ một ích lợi vật chất nào. Đó là đặc tính tham lam, muốn giành lấy hết phần thiên hạ mà không quan tâm tới lợi quyền của đồng nghiệp, bạn bè, thậm chí người thân.
Chính sự tham lam, lì lợm của ruồi khiến chúng trở thành một trong những loài côn trùng khiến người ta ghê sợ và khinh bỉ nhất. Ruồi ăn uống mọi chỗ, mọi nơi, không phân biệt bẩn sạch và đặc biệt ưa thích những chỗ bẩn thỉu, nặng mùi. Nhìn thấy một con ruồi là người ta đã muốn cầm vợt, bật quạt hoặc các biện pháp cơ học, sinh hoá để xua đuổi, tiêu diệt chúng. Nguyễn Du đã từng viết những câu thơ rất xác đáng trong Truyện Kiều như thế này:
“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham…”.
Tất nhiên ai cũng hiểu “ruồi xanh” trong thơ của Nguyễn Du là một biểu tượng, ở đây không nhất thiết là ruồi nhưng là tập tính của ruồi và những kẻ giống ruồi! Nguyễn Du đã “tặng” cho lũ quan tham lam và bè lũ của chúng một sự so sánh khinh bỉ và coi thường. Dân gian Việt Nam còn có vài câu xác đáng về loài ruồi, liên quan tới ruồi:
“Ơn bằng cái đĩa. Nghĩa bằng con ruồi.”
“Mật ít ruồi nhiều.”
Một câu chuyện nữa về ruồi nhưng mang một ý hướng khác. Đó là trong một bữa ăn có đầy đủ mọi người, một cậu bé cứ mỗi lần mở miệng định nói thì người ông lại gạt đi và bảo, trẻ con không được nói chuyện trong bữa ăn. Mấy lần đều thất bại, cậu bé đành im miệng và ăn tiếp. Xong bữa ăn, người ông khi ấy mới bảo cậu bé rằng, nào bây giờ có chuyện gì thì cháu hãy nói đi. Cậu bé mặt buồn rầu và bảo ông nội của mình. Lúc này thì quá muộn rồi ông ơi, vừa nãy cháu thấy một con ruồi trong bát súp của ông nhưng ông đã ăn con ruồi rồi ạ!
Đặc tính nổi bật nữa của loài ruồi là có đôi mắt rất tinh nhạy, chúng có mắt kép bao gồm hàng nghìn thấu kính rất nhạy cảm với chuyển động, nhờ thế loài ruồi phát hiện ra thức ăn rất nhạy và trốn tránh cũng rất nhanh. Bởi sở hữu đôi mắt tinh nhạy mà chúng ta khó đập chết một con ruồi hơn đập chết một con muỗi. Khi bàn tay hay chiếc roi vút tới, ruồi đã nhận ra và trốn đi rất nhanh.
Thủ đoạn của ruồi cũng rất linh hoạt, chúng không từ một cách thức nào để ăn uống hoặc sống sót. Người ta đã từng thí nghiệm một con ong và một con ruồi khi cùng cho chúng vào hộp kín, phần có ánh sáng làm bằng kính trắng và chỗ tối tăm thì đục một lỗ nhỏ để thoát.
Ta sẽ quan sát xem con ong và con ruồi sẽ xử lí tình huống thế nào. Loài ong khôn ngoan và thông minh nhưng chúng quá trong sạch và ngây thơ. Ong tin rằng chỗ nào có ánh sáng tức là chỗ đó là lối thoát và kiên trì tìm đường ra trên mặt kính và rồi chết khô vì thất bại. Ruồi thì không thế, nó tìm kiếm mọi khả năng để thoát, chỗ sáng không có đường thì đâm vào chỗ tối.
Có thể mắt ruồi tinh nhanh đặc biệt hoặc thủ đoạn của ruồi cao hơn nên nó đã tìm được lối thoát trong bóng tối. Ruồi không phân biệt tối hay sáng, nó chỉ muốn tìm nơi có thức ăn hoặc chỗ thoát thân, tính thực dụng và lì lợm của ruồi cao hơn hẳn so với loài ong.
Vì tham ăn, tinh nhạy, thủ đoạn, ruồi đến mọi chỗ và tìm kiếm cơ hội. Thỉnh thoảng ta lại thấy những người làm việc kém hoặc lười biếng nhưng lại thích soi mói, cản trở, nói xấu để gây cản trở công việc hoặc sự bình yên của người khác. Loài ruồi không thích bay liên tục, chúng thích đậu vào đâu đó để kiếm mồi và quấy rối, bất cứ chỗ nào có thể đậu là đều sà xuống, nếu có mật ngọt, xác chết hoặc rác rưởi là bu thành đám đen kịt.
Con ruồi không làm người ta chết ngay vì những bệnh truyền nhiễm chúng mang theo nhưng sẽ làm ốm yếu, khó chịu, quấy rối. Azit Nexin mỉa mai về con người lười biếng nhưng có thể ông cũng không thấy hết sự nguy hiểm và khó chịu của những con ruồi. Nếu chúng ta đang làm việc say mê hăng hái, có một kẻ cứ chọc phá, ngăn cản, dò xét, mỉa mai, lượn lờ xung quanh như những con ruồi thì ta cũng khó có thể làm cho tốt được.
Từ ngàn năm nay, người ta căm ghét những con ruồi nhưng cũng không có cách nào trừ khử và tiêu diệt chúng triệt để. Ruồi vẫn tồn tại cùng loài kiến, loài ong và các sinh vật khác. Cũng không có một môi trường hoàn toàn lí tưởng không có bất cứ con ruồi nào quấy nhiễu và mang mầm bệnh. Chúng ta chống lại ruồi nhưng chúng vẫn tồn tại và phát triển ở một mức độ nào đấy. Nếu cứ đợi đến lúc tiêu diệt được hết loài ruồi mới viết văn hoặc làm một việc gì đó thì sẽ không làm nổi bất cứ thứ gì.
Chấp nhận sự có mặt của những con ruồi cũng giống chấp nhận như sự đa dạng của đời sống thiên nhiên và xã hội. Chúng ta buộc phải quen với tập tính ruồi của một số người để bình thản làm việc và sẵn sàng đối đầu với những khó khăn cản trở.
Và có lẽ tôi đã kể được một câu chuyện về ruồi hơn nếu không có một con ruồi đang bay lăng xăng trên bàn làm việc và vài thứ khó chịu cứ cắt ngang.
Nhưng biết làm sao được, không ai có thể tiêu diệt cho hết loài ruồi và những thứ giống ruồi. Đành phải làm việc và sống trong môi trường có ruồi thôi.
Nhưng tôi vẫn ước ao như nhân vật trong truyện ngắn của Azit Nexin.
Giá kể mà không có ruồi!