EU: Mở cửa sổ nhưng lại đóng cửa chính

Thứ Năm, 18/07/2019, 13:07
Củng cố và bảo vệ vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của một trung tâm quyền lực trong tiến trình tái sắp xếp trật tự thế giới, thậm chí trở thành một “cực” quan trọng trên bản đồ địa chính trị đa cực của tương lai, kể cả khi nước Anh đã “dứt áo ra đi” - chắc chắn Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn hướng đến mục tiêu đó. 


Nhưng, vào thời điểm hiện tại, có vẻ như những phương hướng cụ thể vẫn chưa được thống nhất, ngay trong nội bộ thượng tầng kiến trúc của khối này.

Những mệnh đề sinh tử

Từ đầu thập niên 2010 này, các nhà lãnh đạo EU đã thực sự nhận ra rằng mình phải đối diện với không chỉ 1 mà là 4 cuộc khủng hoảng lớn. Đó đều là những vấn đề đòi hỏi các thay đổi mang tính gốc rễ, nhằm tạo nên động lực mới cho thiết chế cộng đồng được xem là hình mẫu của thế giới kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thứ nhất, EU phải hợp sức với nhau để xử lý các dư chấn nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế - đại suy thoái toàn cầu cuối thập kỷ trước. Chìm xuống đáy sâu nhất dưới sức nặng của những gánh nợ công khổng lồ cùng nền quản trị yếu kém, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và đặc biệt là Hy Lạp khi ấy đối diện với quá nhiều thách thức, những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua.

Những vết rạn giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Song, các gói cứu trợ tài chính theo quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, dựa trên tinh thần “thắt lưng buộc bụng” dần dần cũng phát huy hiệu quả. Ngay cả với Hy Lạp, ánh sáng cuối đường hầm đã bắt đầu le lói.

Thứ hai, EU phải đối diện với cuộc khủng hoảng người nhập cư trái phép, cùng các hệ lụy đi kèm (quốc phòng, an ninh, nhân đạo, kinh phí, sự chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên, xáo trộn xã hội, xung đột và kỳ thị chủng tộc -tín ngưỡng... và cả nguy cơ khủng bố).

Bằng việc siết chặt các hàng rào kiểm soát - tuần tra, bằng việc đạt được thỏa thuận biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một “phòng chờ” khổng lồ, bằng việc thiết lập các trung tâm cứu trợ vòng ngoài, bằng cả việc thuyết phục người tị nạn hồi hương thông qua các nỗ lực hỗ trợ tái thiết..., theo thời gian, vấn đề này cũng dần được hạ nhiệt.

Cuộc khủng hoảng thứ ba mà EU phải đối diện là khủng hoảng về cân bằng chiến lược. Là vùng trọng địa chiến lược, cũng là đồng minh thân cận truyền thống của Mỹ, song kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, hiện tượng “cơm không lành, canh chằng ngọt” liên tục xảy đến.

Đỉnh điểm, có thể kể tới sự “bất hợp tác” từ phía Mỹ đối với những dự án bảo vệ môi trường - chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà nước Pháp dẫn đầu ở Hội nghị Paris năm 2015; có thể kể tới việc châu Âu thường xuyên bị “kẹt giữa hai làn đạn” trong những “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Nga, Mỹ - Trung hay Mỹ - Iran...; có thể kể tới những đòi hỏi của Washington về việc EU phải tăng thêm phần đóng góp trong công tác bảo đảm an ninh quốc phòng chung...

Và dĩ nhiên, phải kể tới chuyện Pháp và Đức đã đề cập rất nghiêm túc đến chuyện thành lập một “Quân đội châu Âu” riêng, độc lập với khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu, bởi “khi có chuyện không may xảy đến, người bạn duy nhất chúng ta có thể tuyệt đối tin cậy chính là đôi tay mình” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. 

Có thể nói, ở nhiều khía cạnh, đến đầu năm 2019 này, giới chức cao cấp của EU đã gần như “vỡ mộng” với việc tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống theo cách truyền thống, với một ông chủ Nhà Trắng đặt “Nước Mỹ trên hết” như Donald Trump.

Và cuối cùng, thứ tư, thách thức quan trọng nhất đối với EU chính là cải tổ cơ chế vận hành của chính mình - một cơ chế đã bộc lộ quá nhiều dấu hiệu lỗi thời, với quá nhiều mầm phân ly, chia rẽ. Brexit, không gì khác, là một tiếng chuông cảnh báo chói gắt.

Thân xa, lánh gần

Yêu cầu cải tổ tự thân ấy vừa được nhắc lại một lần nữa, ngày 5-7, tại Hội nghị Tây Balkan tổ chức ở Poznan (Ba Lan). Nhưng cũng chính là bởi yêu cầu này, giữa Pháp và Đức - hai quốc gia đầu tàu của cựu lục địa - dường như lại đang có những “độ vênh” về quan điểm chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết.

Quân đội châu Âu là một ý tưởng nghiêm túc đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định EU sẽ khó có thể kết nạp thêm thành viên, cho đến khi cơ chế quản lý của khối này được kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Ý kiến này hiển nhiên có những cơ sở lập luận vững chắc. Việc kết nạp thêm những thành viên “cần được hỗ trợ” thay vì “có thể đóng góp” chẳng khác nào tự tạo thêm những Hy Lạp mới, nghĩa là kéo tụt vận tốc của cả guồng máy (vốn đã nặng nề) chậm lại thêm chút nữa.

Song, với đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, mặc dù chính xác, điều đó lại “không đồng nghĩa với việc trì hoãn tiến trình gia nhập EU của các quốc gia Balkan như Albania, Serbia, Montenegro và Bắc Macedonia. Theo bà, bởi vì tiến trình xin gia nhập của họ đã diễn ra từ quá lâu, nên hai mục tiêu này không nên xung đột với nhau.

Trong khi đó, song song với những lợi ích kinh tế của việc kết nạp thêm các thành viên mới (như mở rộng thị trường, có được nguồn lao động bổ sung và cả các lợi ích vô hình không cần phải nêu rõ như gia tăng tầm ảnh hưởng, tăng cường vị thế chiến lược...), Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cũng nhấn mạnh: Tiền đề để các quốc gia Balkan đó có thể gia nhập EU chính là khả năng giải quyết triệt để nạn tham nhũng.

Đây có thể xem là một động thái hoãn binh mang tính xoa dịu nhiều bên từ phía Đức, bởi Đức chính là nước khởi xướng tiến trình thảo luận nhằm mở cửa cho các nước Balkan gia nhập EU, vào năm 2014. Theo lộ trình, những thành viên mới đầu tiên sẽ được kết nạp vào năm 2025.

Brexit - hồi chuông cảnh báo về nhu cầu cải tổ EU.

Bên cạnh đó, có thể hiểu vì sao người đứng đầu nước Đức khó mở lời hoàn toàn tán đồng với Tổng thống Pháp. Không phải các quốc gia Balkan ấy mà Thổ Nhĩ Kỳ mới là nước đang bày tỏ những phản ứng gay gắt nhất về việc tiến trình xin gia nhập EU của họ bị “nhấc lên đặt xuống” suốt bao lâu nay.

Thổ Nhĩ Kỳ là một “tấm lưới” lọc dòng người nhập cư. Thổ Nhĩ Kỳ lại là một thành viên chủ chốt của NATO, với vị trí địa lý thông ra 3 châu lục. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một “thành viên dự bị” rất dễ mếch lòng.

Song, cho dù vẫn còn đang tái cơ cấu hệ thống của mình, cho dù vẫn còn đang cân nhắc xét duyệt từng lá đơn xin gia nhập và cho dù đang cố đẩy nhanh tiến trình “ly hôn” với nước Anh, EU vẫn kịp chuẩn bị cho mình khả năng nắm bắt các cơ hội mới.

Việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) vừa qua mới chỉ là điểm khởi đầu của cả một chiến dịch. Nếu được quốc hội của cả hai bên thông qua và chính thức có hiệu lực, EVFTA sẽ là cánh cửa mở cho EU tiến vào một hành lang tiếp nối: Hiệp định thương mại tự do với ASEAN, một khối mà Việt Nam là thành viên chủ chốt.

Song song với EVFTA, EU cũng đang tập trung ủng hộ Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), thỏa thuận đầy tiềm năng tại lục địa mà các cường quốc châu Âu vẫn còn duy trì được tầm ảnh hưởng khá lớn. EC xem xét hỗ trợ AfCFTA 40 tỷ euro và không có gì bất ngờ khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu thẳng thắn ngỏ lời: EU mong muốn thiết lập thỏa thuận thương mại tự do liên lục địa giữa châu Âu và châu Phi.

Các thỏa thuận thương mại tự do theo xu hướng toàn cầu hóa ấy, ở một khía cạnh nào đó, chính là “cái gai trong mắt” nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa bảo hộ của nước Mỹ. Nhưng, khi giữa hai bờ Đại Tây Dương đã hằn lên những vết rạn, EU cần tìm kiếm thêm những người bạn mới. Trong khi đó, họ vẫn phải cân nhắc kỹ càng để cải tổ cơ cấu vận hành của chính mình.

Không hề dễ dàng và cũng chưa thể có gì rõ ràng. Ngoại trừ một điều: châu Âu phải làm tất cả để bảo vệ được các giá trị cổ điển của mình, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình, lợi ích chiến lược của mình. Về điều này, không có mâu thuẫn nào giữa ngài Tổng thống Macron và bà Thủ tướng Merkel. 

Đông Phong
.
.