Dưới chân một chiếc ghế trống

Thứ Năm, 29/11/2018, 23:52
Có lẽ đây là lần đầu tiên, câu chuyện về vị trí Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) trở nên nóng bỏng đến như vậy. Và khi cả hai siêu cường Nga - Mỹ bộc lộ những phản ứng gay gắt hiếm thấy, bất cứ ai cũng lờ mờ cảm nhận được rằng vấn đề đích thực không nằm ở trụ sở của Interpol.

Ngã rẽ bất ngờ

Interpol đang thực sự sa lầy trong một tình huống bất khả kháng, mà Hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứu 87 diễn ra ở Dubai (từ 18 đến 21-11) là cơ hội để xử lý một vấn đề thoạt nhìn có vẻ như không quá nghiêm trọng.

Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Interpol, vừa phải từ nhiệm, bởi bị bắt giữ do những “vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước Trung Quốc”. Interpol cần một nhà lãnh đạo mới thay thế. Đầu tiên, câu chuyện chỉ đơn giản là như vậy.

Song, sóng gió đã ngay lập tức nổi lên tại những phiên thảo luận đầu tiên. Gương mặt được nước Nga lựa chọn là Alexander Prokopchuk, đương kim Phó Chủ tịch Interpol, một ứng cử viên sáng giá, theo cách đánh giá của Moskva. Không ai ngờ, ông vấp phải sự phản đối dữ dội đến vậy từ phía Mỹ. 

4 thượng nghị sĩ Mỹ ra tuyên bố kêu gọi Đại hội đồng Interpol phản đối tư cách ứng cử viên của ông Prokopchuk. Họ cho rằng ông là người “không thích hợp nhất” trong số những cái tên có thể xét tới, để lãnh đạo tổ chức này.

Họ ủng hộ một Phó Chủ tịch khác, ông Kim Jong Yang (người Hàn Quốc), người đã nắm chức danh Quyền Chủ tịch Interpol kể từ khi Mạnh Hoành Vĩ từ chức và cũng chính là người điều phối Hội nghị tại Dubai.

Không khó để đoán phản ứng của Moskva. Nhưng, cũng không dễ hình dung câu chuyện lại có thể bị đẩy đi xa và nhanh đến thế.

Ngày 20-11, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Petskov, bình luận về tuyên ngôn của các nghị sĩ Mỹ: “Đây chắc chắn là sự can thiệp vào tiến trình bỏ phiếu của một tổ chức quốc tế!”.

Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga, bà Irina Volk, khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến một chiến dịch truyền thông nước ngoài nhằm làm mất uy tín của ứng cử viên Nga cho vị trí Chủ tịch Interpol. Chúng tôi xem việc chính trị hóa Interpol là điều không thể chấp nhận được!".

Như đổ thêm dầu vào lửa, tờ The Guardian đưa một bình luận của phe chỉ trích Prokopchuk: “Đây thực sự là một tình huống kỳ lạ, để chúng ta khám phá khả năng của chính mình trong việc thả một con cáo vào đàn gà. Hay nói cách khác, đặt một kẻ sát nhân vào vị trí lãnh đạo các cuộc điều tra án mạng”. 

Tân Chủ tịch Interpol Kim Jong Yang.

Những ngôn từ không hề “dễ chịu”, để thể hiện rằng nước Anh phản đối ứng cử viên người Nga, đồng thời ủng hộ ứng cử viên Hàn Quốc.

Một chuyên gia tài chính mang quốc tịch kép Anh - Mỹ, William “Bill” Browder, người từng bị phía Nga và Prokopchuk phát lệnh bắt giữ, thẳng thừng: “Cũng chẳng có quốc gia nào thiếu thích hợp để nhận lãnh vai trò lãnh đạo Interpol hơn nước Nga!”.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh là theo quan điểm của Đại diện Cảnh sát Nga, việc phát lệnh bắt giữ William Browder là “nhằm điều tra về việc các cổ đông trong quỹ của ông đã sử dụng các nguồn thu bất hợp pháp (trốn thuế) từ nước Nga để tài trợ cho các hoạt động của đảng Dân chủ ở Mỹ”.

Hoặc nói cách khác, như người phát ngôn Văn phòng Công tố Nga Alexander Kurennoi: “Chúng tôi đang điều tra về các hành động phạm tội của Browder cùng các cộng sự của ông ta gây ra không chỉ ở Nga, mà cả ở Mỹ, làm thiệt hại cho cả nhà nước Nga và nhà nước Mỹ”.

Mức độ căng thẳng đến tột cùng này là điều thật khó dự đoán trước, dù là với bất cứ nhà quan sát nào. Nó âm thầm thể hiện rằng, những mâu thuẫn trong lòng một thế giới bị chia rẽ, đang phân cực, đang trong tiến trình tái sắp xếp trật tự và đang bị bao phủ bởi bóng ma Chiến tranh Lạnh hiện tại đã trở nên sâu sắc đến mức độ nào.

Gam màu xám trên bức tranh toàn cảnh

Có một diễn biến tương đối đáng chú ý, nhất khi đặt cạnh những gì diễn ra với tâm điểm là Dubai: Ngày 21-11, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rằng ông đã trả lời bằng văn bản những câu hỏi của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người vẫn đang giữ trách nhiệm duy trì cuộc điều tra về nghi vấn nước Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thời điểm mà Tổng thống Donald Trump đắc cử.

Câu chuyện ấy đã bị xới lên lấp xuống không biết bao nhiêu lần kể từ ngày Nhà Trắng đổi chủ, bất chấp những nỗ lực phủ nhận của cả đương kim Tổng thống Mỹ lẫn điện Kremlin. Không chỉ là một nghi vấn chưa có lời giải đáp cuối cùng, cáo buộc này còn mang dáng dấp của một công cụ chính trị. 

Các đối thủ của ông Donald Trump sử dụng nó, để xóa nhòa sức hấp dẫn của ông. Và giới tinh hoa Mỹ sử dụng nó, để nước Nga vẫn phải nhận vai trò phản diện trên sân khấu toàn cầu.

Ở một khía cạnh khác, quả thực, tình trạng đối đầu giữa Nga và Mỹ trên nhiều phương diện, kéo theo hàng loạt quốc gia vệ tinh bị cuốn vào vòng xoáy trong thời điểm hiện tại, là không thể phủ nhận. 

Sự căng thẳng ấy phủ cái bóng của mình lên cả những lĩnh vực và những tổ chức tưởng như chỉ được lập ra và vận hành nhằm mục đích hợp tác vì lợi ích chung của thế giới, như Interpol. Khi không có lòng tin chiến lược dành cho nhau, bất cứ điều gì cũng có thể gây nên những mối nghi ngại, bất cứ điều gì cũng phải được “cài cắm” các nỗ lực “ngừa hậu họa”.

Nước Mỹ năm 2016, ngay trong kỳ bầu cử tổng thống của mình, còn chao đảo vì nỗi lo tiến trình ấy bị nước Nga thao túng. Nước Mỹ, suốt hai năm sau, vẫn luôn đề phòng những cuộc tấn công mạng, từ Nga, Trung Quốc, Iran hoặc CHDCND Triều Tiên. 

Người thua cuộc Alexander Prokopchuk.

Nhưng thực ra, năm 2012, chính Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xác định “chiến tranh mạng” là “chiến trường thứ năm” (sau đại dương, lục địa, không trung và vũ trụ), để thành lập hẳn một bộ chỉ huy quân sự chuyên biệt dành cho nó.

Có vẻ như lúc này, Interpol không còn được phép tách biệt hẳn khỏi chính trị nữa. Trong một hình dung đơn giản, Mỹ và các đồng minh thân cận sợ Interpol - dưới quyền một lãnh đạo Nga - sẽ “làm ngơ” trước những hành động của Nga mà họ cáo buộc là tội phạm. 

Hoặc đúng như cách họ diễn giải trước giới quan sát: Prokopchuk là người sẵn sàng tiếp tay cho các hành động vi phạm nhân quyền. Nhưng, ngược lại, phía Nga cũng có thể đặt vấn đề: Khi lo sợ một lãnh đạo Interpol người Nga như vậy, phải chăng những phía phản đối cũng chính là muốn bảo đảm cho những hành động không chính đáng của mình?

Đó là hệ quả tất yếu của những thù địch, nghi ngờ và bất hợp tác, kể cả ở Interpol, kể cả trong Hiệp ước Kiểm soát tên lửa tầm ngắn và trung (INF), kể cả trong rất nhiều lĩnh vực khác. Các cơ chế hợp tác quốc tế hiện tại đều đã trở thành những công cụ cạnh tranh, phục vụ cho những tính toán sâu xa hơn nữa.

Và trở lại với Dubai. Cả buổi chiều 21/11, các hãng thông tấn lớn phương Tây liên tục sôi động với những “breaking news”, hầu hết là những lời chỉ trích dành cho Prokopchuk. Càng gần đến thời điểm bỏ phiếu, sự thù địch càng trở nên gay gắt. Cái tên của ứng cử viên người Nga được nhắc đến như một nỗi ám ảnh, một hồi chuông báo động, một hiểm họa.

Cuối cùng, 14h30 (giờ Việt Nam), kết quả được công bố: Tân Chủ tịch Interpol được bầu chọn là Kim Jong Yang.

Nhưng, việc có người chính thức ngồi lên chiếc ghế trống ấy đâu phải là điểm cốt lõi của câu chuyện này?

Nước Nga sẽ cảm thấy thế nào, khi ứng cử viên của mình phải hứng chịu bão tố từ bên ngoài phòng họp như vậy? Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao? Moskva có thể bất hợp tác với phương Tây, trong nỗi uất ức, đến mức độ nào? Interpol liệu còn có thể là một thiết chế hợp tác hữu hiệu bảo đảm cho an ninh toàn cầu như trước đây hay không?

Vấn đề cũng không còn gói gọn ở bản thân Interpol nữa. Vấn đề đặt ra là: "Giọt nước" Interpol  rồi sẽ khiến  thế giới phải đối diện với những hậu quả nào nữa của sự chia rẽ và kình địch?

Phi Hồ
.
.