Đối thoại Shangri-La 2016: Biển đông vẫn là vấn đề cấp bách nhất
- Đối đầu từ Diễn đàn Shangri-la đến đối thoại kinh tế và chiến lược
- Đoàn Việt Nam góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La lần thứ 15
- Biển Đông nóng từ Shangri-La tới S&ED
Đối thoại Shangri-La, được tổ chức bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, năm nay có sự tham dự của hơn 20 vị bộ trưởng quốc phòng các nước và dẫn đầu là người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter - Giám đốc IISS khu vực châu Á.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận, và Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở Hague đang xử lý vụ kiện mà Philippines đệ trình nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông.
Theo giới phân tích, Shangri-La 2016 được xem là “cơ hội cuối cùng” để Mỹ - đồng minh thân cận của Philippines - và Trung Quốc thể hiện rõ lập trường, quan điểm, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước trước khi PCA ra phán quyết.
Trung Quốc đối mặt sức ép
Sức nóng của vấn đề biển Đông tại Shangri-La lần này xuất phát từ việc Trung Quốc cải tạo các đảo nhân tạo từ các đá hay đảo chiếm trái phép tại biển Đông và các động thái quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp này.
Trung Quốc đang âm mưu biến thêm nhiều rạn đá ngầm thành đảo, đưa cư dân ra đó sinh sống rồi tuyên bố vùng lãnh hải và thậm chí là vùng đặc quyền kinh tế quanh các đảo. Tốc độ xây đảo của Trung Quốc đã đặt ra tình thế hoàn toàn mới cho các luật về biển và lãnh thổ.
Chưa hết, Trung Quốc liên tục đưa các máy bay chiến đấu ra các đảo nhân tạo trên biển Đông. Trước tình hình này, Mỹ rất tích cực thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải, thách thức các “yêu sách quá đáng” của Bắc Kinh, đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm cứ và xây dựng trái phép.
Shangri-La 2016 càng trở nên quyết liệt khi trước thềm Đối thoại, Trung Quốc cho biết đã sẵn sàng công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Dự kiến, ADIZ sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố đối với đảo Phú Lâm và 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa hoặc phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của những đảo này.
Như vậy, ADIZ trên biển Đông của Trung Quốc sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc “tung tin” về việc thiết lập ADIZ. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc chưa có đủ năng lực để thực thi kiểm soát đối với ADIZ ở biển Đông. Lâu nay, Bắc Kinh vốn tức giận trước việc Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra quân sự gần các đảo tranh chấp.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng đề cập tới thời điểm công bố lập ADIZ tùy vào mức độ các mối đe dọa trên không mà Bắc Kinh đối mặt. Đáp trả, Mỹ cương quyết khẳng định sẽ không bao giờ công nhận một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.
Trên thực tế, Trung Quốc nêu lại vấn đề ADIZ trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với một cuộc vận động quy mô quốc tế về phán quyết của Toà án PCA sắp đưa ra đối với vụ kiện của Philippines.
Các chuyên gia nhận định, Đối thoại Shangri-La năm nay là cơ hội tuyệt vời để Mỹ thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, cùng với các nước lớn khác như Nhật Bản và Ấn Độ, công khai ủng hộ bất kỳ quyết định nào có lợi cho Philippines.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước từng lên tiếng bác bỏ thẩm quyền xét xử của PCA, buộc phải ngăn chặn các nước công khai bày tỏ quan điểm về phán quyết của tòa nhằm tránh phải chịu sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây.
Các trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nêu những ý chất vấn, phản biện và chỉ trích lẫn nhau. Cả hai bên đều cáo buộc phía còn lại là “mối quan ngại lớn nhất” với tình hình khu vực. Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA và không tiếp tục quân sự hoá ở biển Đông.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng phản pháo rằng chính Mỹ mới đang tiến hành quân sự hóa, phủ nhận vai trò của toà án quốc tế và tiếp tục bao biện cho những sai phạm nghiêm trọng trên các vùng biển tranh chấp. Bất đồng giữa hai cường quốc có thể khiến dư luận tin rằng, “một cuộc đấu đá giữa hai người khổng lồ” là điều không thể tránh khỏi.
Tiếng nói của ASEAN
Đối thoại Shangri-La tạo cơ hội cho Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Á – Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác có lợi ích trong khu vực nhóm họp với những viện chính sách phi chính phủ hàng đầu nhằm làm rõ những chính sách khu vực, tìm kiếm lĩnh vực có thể cùng nhất trí và có tiềm năng hợp tác.
Đối thoại an ninh Shangri-La 2016 diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có những căng thẳng liên quốc gia ngày càng rõ rệt. Các cuộc thảo luận đã chỉ rõ vai trò không thể tách rời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc “kiềm chế” các hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Ngay trước Shangri-La 2016, các quan chức ASEAN đã có cơ hội chia sẻ những đánh giá về tình hình an ninh khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) ở Vientiane (Lào).
Các diễn biến trên biển Đông thời gian qua cho thấy, ASEAN cần phải xử lý hết sức thận trọng, nhanh chóng kết thúc đàm phán và ký thông qua COC với Trung Quốc. |
Tuyên bố chung tại ADMM 10 khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận như Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cho rằng, những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và những cam kết khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đang tạo ra nguy cơ dẫn đến xung đột. Nếu các nước không hợp tác và cùng nhau xử lý mọi nguy cơ xung đột bằng các biện pháp hòa bình dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế cũng như các cam kết khu vực thì hòa bình và ổn định khu vực sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
ASEAN cần có sự tham gia của Trung Quốc để đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, và thúc đẩy đàm phán về các điều khoản mang tính ràng buộc pháp lý trong Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc chia sẻ những nguyên tắc chung, bao gồm tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không có những hoạt động phá vỡ nguyên trạng.
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách lớn giữa những cam kết và tình hình thực tế trên biển Đông. Việc không thể thực hiện DOC đã khiến những nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên biển Đông trở nên khó khăn hơn.
Vậy nên, ASEAN cần COC bởi DOC đã không được thực thi một cách hiệu quả và đầy đủ. Ngoài ra, cần phải có thêm những cam kết ngoại giao và chính trị để thực hiện Tuyên bố DOC và đạt được những tiến bộ rõ rệt trong đàm phán COC.
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, dư luận và giới quan sát đặc biệt hướng sự chú ý tới bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, nhất là sự thể hiện vai trò của đất nước xứ Chùa Vàng trong vấn đề biển Đông.
Xét về chính sách đối ngoại của Thái Lan hiện nay, quan hệ giữa Băng Cốc và Bắc Kinh tiến triển khá tích cực cả về phương diện thương mại và quốc phòng. Tuy nhiên, Băng Cốc lại có nhiều chính sách phù hợp với phương Tây. Do đó, họ có lý do để tỏ ra thận trọng về các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
Khi đề cập tới vấn đề biển Đông, ông Prayut kêu gọi các nước liên quan trong căng thẳng về chủ quyền như Philippines, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc lựa chọn hợp tác để vượt qua xung đột. Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng thế cân bằng mới trong khu vực.
Trên thực tế, ASEAN là một cộng đồng có tầm nhìn, hành động và lập trường tương đối đồng thuận. Xu thế hợp tác của ASEAN với các đối tác (trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc), và hướng tới COC, là mong muốn của tất cả các bên liên quan.
Dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức, ASEAN đang dần tăng cường sự thống nhất và tính gắn kết để đảm bảo tiếp tục có được sự tín nhiệm và phù hợp với vai trò trung tâm của khu vực trong bối cảnh địa chính trị khu vực có những thay đổi cả về không gian mạng, trên đất liền, trên biển và trên không. Các diễn biến trên biển Đông thời gian qua cho thấy, ASEAN cần phải xử lý hết sức thận trọng, nhanh chóng kết thúc đàm phán và ký thông qua COC với Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Shangri-La 2016, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có cơ hội để trao đổi trực tiếp, và chỉ khi đối mặt trong các thảo luận, mọi vấn đề mới có thể được thấu hiểu và giải quyết trọn vẹn…