Đi tìm nguyên mẫu 242 bức tranh của Bùi Xuân Phái
Ở vào tuổi 95, cụ giáo Nguyễn Bá Đạm có trí nhớ minh mẫn đến lạ kỳ, dường như, cụ chưa quên điều gì trong suốt cuộc đời ngót bách niên thiên đức.
Ngày ngày, trong ngôi nhà quen thuộc đã gắn bó cả cuộc đời mình ở làng Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội, cụ vẫn bền bỉ với thú chơi tranh và cổ vật, những lúc rảnh cụ ra làm vườn, chăm bón, tỉa cành cho những cây bưởi trĩu quả.
Cụ Nguyễn Bá Đạm là một người bạn của những danh họa, những nhà văn nổi tiếng vào bậc nhất của thế kỷ XX như "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái", nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà văn Nguyễn Tuân... Hỏi cụ về những ký ức thuở xưa bên những người bạn đã trở về thiên cổ, cụ trầm ngâm: "Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về bè bạn cũ, nhớ lắm, thương lắm... Chính họ đã giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim mình...".
Ngôi nhà ghi dấu ấn thời gian những niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm bè bạn, là nơi cụ Nguyễn Bá Đạm vẫn ngày ngày sinh sống thanh đạm tuổi già. Cụ không chuyển đi đâu, trong suốt gần một thế kỷ đã sống và lập nghiệp ở mảnh đất Hà thành.
Trong căn nhà của cụ, không còn nhiều cổ vật như thời xưa, bởi ở tuổi 95, cụ đã không còn nhiều thời gian, tâm sức để sống với niềm đam mê của một nhà sưu tập, cụ chỉ giữ lại những thứ cụ yêu thích, để thỉnh thoảng ngắm nhìn, như là một dấu tích của thời gian.
Ngay trong căn phòng, trước tầm nhìn của bất cứ ai ngồi vào phòng khách nhà cụ Đạm, là một bức bình phong cổ bằng gỗ cụ sưu tầm được của gia đình Hoàng Cao Khải (một quan dưới thời vua Khải Định). Cụ Đạm kể: Thời đó, Hoàng Cao Khải giữ chức quận công, chức này tương đương với nhất phẩm triều đình.
Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho Vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Ông chính là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn. Hai con trai của ông là Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu đều từng giữ chức Tổng đốc tỉnh Hà Đông (Hà Nội). Tư gia Hoàng Cao Khải xưa vốn là một dinh cơ đồ sộ xây kiên cố, xung quanh là hàng rào, bên trong được xây hình lăng mộ giống như triều đình Huế.
Bên bộ sưu tập tiền cổ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Năm 1954, nhà cửa bị lấn dần, gia đình Hoàng Cao Khải phải sơ tán, bình phong của gia đình cũng bị thất lạc từ đó. Vốn dĩ biết cụ Đạm thích sưu tầm đồ cổ, vào khoảng những năm 1980, nhân một dịp tình cờ, người bạn tên Quế của cụ Đạm (lúc đó là giám đốc nhà máy may ở Thanh Xuân, Hà Nội) có mách: "Ông chơi đồ cổ như vậy thì có thích đồ gỗ không? Hiện ông Vũ Đình Huỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang giữ một bức bình phong cổ rất đẹp".
Trước đó, ông Vũ Đình Huỳnh có đi cắt tóc trên phố Hàng Khay (Hà Nội), tại đây, vô tình ông nhìn thấy một bức bình phong bị mạng nhện chằng chịt, chỉ cần quệt nhẹ tay cũng làm bong cả lớp bụi dày đặc, đen đúa. Thấy vậy, dù chưa biết đây là bức bình phong cổ, ông Huỳnh vẫn ngỏ lời mua, gia đình chủ hiệu cắt tóc đồng ý bán.
Biết được thông tin về đồ cổ, cụ Đạm lập tức tìm đến tận nơi mục sở thị và rất kinh ngạc khi biết rằng đây chính là bức bình phong của gia đình Hoàng Cao Khải. Tuy nhiên, phải mất chừng 5 năm sau, sau nhiều hồi thuyết phục, săn đón, cụ giáo Đạm mới mua lại được chiếc bình phong này với giá 280 nghìn đồng.
"Lương công nhân ngày đó chỉ được 50-60 nghìn đồng/tháng, để mua được chiếc bình phong này phải mất gần 5 tháng lương. Chơi đồ cổ phần nhiều là do cơ may của mỗi người. Có nhiều người săn tìm hàng mấy chục năm, chờ đợi mãi mà không mua được món đồ yêu thích.
Quanh quẩn một hồi, món đồ cổ ấy bỗng dưng lại vào tay mình. Ngoài ra, cũng một phần là do sự kiên trì, nhẫn nại để có được món đồ như mong muốn, người sưu tầm có khi phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tâm trí và tiền bạc để săn tìm, tôi mua được là một sự may mắn lớn".
Sau hàng chục năm chơi đồ cổ, có nhiều thứ cụ bán đi, hoặc trao đổi với bạn bè, nhưng cụ chưa bao giờ có ý định bán bức bình phong cổ ấy. Nó được đặt tại vị trí trang trọng trong phòng khách, là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử gắn liền với một nhân vật cụ thể cùng với niềm đam mê bất tận cổ vật của cụ.
Vừa thuyết trình về bức bình phong cổ, cụ Đạm chỉ vào một chiếc ghế salon trong phòng khách: "Còn chỗ đó là nơi Bùi Xuân Phái vẫn thường ngồi vẽ tôi".
Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một người vẽ, ký họa nhiều chân dung bạn bè, người thân, đồng nghiệp, và người mến mộ tranh của ông như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà văn - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, họa sỹ Nguyễn Sáng, nhà giáo Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Một bức chân dung ông Nguyễn Bá Đạm do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ. |
Trong số đó, nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm có lẽ là kỷ lục bởi cụ đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ, ký họa tới 242 bức chân dung với đủ các chất liệu. Cụ ấn tượng nhất là bộ tranh chân dung cụ được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên vỏ... bao diêm. Những bức chân dung nhỏ xíu, có thể nói đó là bộ tranh chân dung nhỏ nhất Việt Nam, gồm 12 bức, được vẽ trên 12 bao diêm.
Lục lại ký ức, nhà sưu tầm tranh và cổ vật Nguyễn Bá Đạm kể: "Tôi quen biết Phái vào một buổi tối mùa đông năm 1962 trên căn gác nhà họa sĩ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh. Nghe tiếng ông từ lâu, nay tôi mới được gặp.
Qua sự giới thiệu của ông Dung, tôi và ông trở thành quen biết. Ông rút trong túi áo ra một chiếc bút máy, vạch vài ba nét đã thấy hình tôi hiện lên trên trang giấy. Vẽ xong, ông tặng ngay tôi, mặc dầu mới quen biết buổi đầu. Thầm ơn ông, tôi có hỏi thăm địa chỉ.
Cách vài ngày sau, tôi có tới thăm ông ở bên trong số 87 phố Thuốc Bắc, một gian nhà không được rộng, tiếp tôi ở trên gác xép, nếu đứng thẳng người thì dễ chạm đầu nên phải cúi lom khom. Diện tích vừa đủ trải một chiếc chiếu rộng, gần chỗ nằm kê một chiếc tủ con đựng đồ lặt vặt. Mấy chồng báo cũ sắp xếp xung quanh. Trên tường treo vài bức tranh sơn dầu không khung. Một chiếc bóng đèn 75W xoay ngang mọi chiều để chiếu sáng. Hộp rửa bút là chiếc hộp sắt, ngổn ngang mấy tuýp sơn dầu đang dùng dở dang. Trong hộp thuốc vẽ bê bết màu sơn.
Gần ông tôi thấy dễ mến vì ông ăn nói có duyên, là con người lịch thiệp, những câu chuyện ông thường nói đùa mang chất châm biếm, hài hước rất tế nhị. Vui câu chuyện, ông cười một cách sảng khoái, tiếng cười giòn giã rất khó quên.
Nhiều lần qua lại, tôi với ông trở nên thân thiết và tôi cũng học hỏi ở ông được nhiều điều hay. Tôi thường đến thăm ông vào buổi tối thì chuyện trò mới được lâu hơn, có khi ông vừa vẽ, vừa tiếp chuyện. Cuộc sống của ông thời kỳ ấy rất chật vật, cũng may được người vợ đảm. Sự nghiệp của ông cũng do người vợ đóng góp đôi phần.
Làm việc mệt nhọc hoặc thức khuya, ông thường dùng đến cà phê, đôi lúc cũng uống rượu nhưng là lúc gặp bạn vui chơi hoặc thù tạc chạm chén như với Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên. Rượu ông quen dùng là rượu quốc lủi. Quán rượu ông thường lui tới ở phố Hàng Mành.
Tại đây ông thường gặp Văn Cao và một số bè bạn. Rượu ngà ngà, ông lững thững đến chơi với Trần Văn Lưu là nhà nhiếp ảnh ở phố Hàng Bông. Ở đấy lại chạm trán với Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Trần Lê Văn... Đôi lúc rủng rỉnh, ông la cà đi ăn quà sáng ở phố Hàng Giầy và chợ Hàng Da ăn bún thang hoặc rẽ ra phố Lương Văn Can ăn sủi cảo.
Ông ham vẽ lắm, ngồi đâu vẽ đấy bất kể ở đâu, một mảnh giấy con con, một tờ báo cũ, thậm chí có khi là vỏ bao diêm, vỏ bao thuốc lá, nắp hộp mứt, nắp hộp kẹo, chỉ cần quệt vài ba nét đã thành tranh. Rất nhiều bức tranh ông vẽ tôi ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Cũng có nhiều bức, ông vẽ tỉ mẩn lắm, nét ra nét, màu ra màu, dù không quá cầu kỳ, nhưng nhìn là ra tôi. Bộ sưu tập của tôi đã tản mát, nhiều nhà sưu tầm mua lại, nhưng những bức yêu thích nhất của Phái vẽ, tôi vẫn còn lưu giữ như một cách giữ lại những ký ức đẹp đẽ một thời của mình".
Trong hơn mấy chục năm trời thâm giao, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ tặng cụ Đạm 242 bức chân dung, thường là vẽ trên những giấy nhỏ hoặc bao thuốc lá. Năm 1967, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ một bức chân dung cụ Đạm bằng bút chì theo trí nhớ. Đây là bức chân dung được vẽ rất đặc biệt, làm đậm một số chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi... Bức tranh này cụ Đạm rất yêu thích, đã tồn tại hơn 50 năm và không bán dù đã được giới sưu tầm tranh hỏi mua nhiều lần.
Ngoài những người bạn là các họa sĩ, cụ Nguyễn Bá Đạm chơi nhiều với các nhà văn, nhà thơ. Trong đó, nhà văn Nguyễn Tuân là một người thân thiết. Nhà văn Nguyễn Tuân, một người yêu cái đẹp và đi theo chủ nghĩa "xê dịch", ông có tài nên cái tôi cũng rất lớn.
Chính vì thế, không phải ai cũng là người có thể làm bạn tâm giao với ông. Thế nhưng không hiểu sao khi gặp thầy giáo Đạm, lần đầu tiên, Nguyễn Tuân đã yêu mến và quan tâm đặc biệt. Họ thân thiết tới mức nhà văn Nguyễn Tuân chẳng ngại ngần, nề hà, thỉnh thoảng lại xách đến nhà thầy giáo Đạm khi thì chai nước mắm, chai mật ong, lúc chai rượu hay cuốn sách, cuốn tạp chí mới...
Mỗi lần cụ Đạm ghé qua nhà chơi, dù đang tiếp khách quý, Nguyễn Tuân cũng đứng dậy kéo ghế mời ngồi rồi ân cần hỏi han tình hình sức khỏe... Cụ Đạm kể: "Biết tôi thích sách, khi xuất bản tập Vang bóng một thời ở NXB Thảo Thơm trong miền Nam, Nguyễn Tuân đã đem sách mới xuất bản đến tặng tôi. Điều đặc biệt là những cuốn sách Nguyễn Tuân tặng tôi đều được đánh số thứ tự từ 1 đến 20, được dành tặng riêng tôi.
Lâu lâu không thấy tôi đến nhà, Nguyễn Tuân lại viết thư mời đến chơi: "Bác Đạm. Cứ định lên chơi bác nhiều lần nhưng chân đau, đi bộ xa cũng có điều ngại lười. Nhiều lần nổi hứng muốn lên trao đổi văn hóa với bác mà cũng đành chịu. Tin nhắn cứ cho anh bạn Bùi Xuân Phái của chúng ta".
Hay: "Bác xuống phố thì mời tạt tới tôi. Có cái này đẹp đẹp sẽ đưa cho bác xem". Mỗi lần đi đâu xa lâu ngày, không gặp được nhau, chúng tôi đều thư qua thư lại cho nhau".
Nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm là một kho kiến thức về cổ vật. Ông cũng là một nguyên mẫu hiếm hoi còn khỏe mạnh, minh mẫn để kể về một thời vang bóng của những người nghệ sĩ đã hóa thân vào lịch sử văn học nghệ thuật của dân tộc...