Đế chế yểu mệnh, hào quang trường tồn

Thứ Hai, 19/08/2019, 09:57
Người Pháp gọi ông là Charlemagne. Người Đức gọi ông là Karl der Gross. Người Ý gọi ông là Karolus (hoặc Carolus) Magnus.

Tất cả, như Charles the Great trong tiếng Anh, đều có nghĩa là Charle Đại đế. Và giới nghiên cứu lịch sử quốc tế còn dành cho ông một biệt danh khác: Pater Europae - Người cha của châu Âu. Cho dẫu, đế chế mênh mông mà ông dựng nên cũng chẳng tồn tại được bao lâu.

Dòng dõi Franc và dấu ấn Thiên Chúa giáo

Nhưng dù sao, thể chế chính trị mà người Franc (Frank) của Charlemagne thiết lập cũng là thể chế chính trị lâu bền nhất trong tất cả các nhóm quyền lực thuộc các sắc dân Germanic.

Người Franc là nhóm Germanic đầu tiên di chuyển đến định cư tại hạ lưu sông Rhine. Họ không tung vó chinh phạt bạo liệt như người Visigoth hay người Vandal, mà bành trướng từ từ dọc theo các châu thổ, tiến đến các vùng duyên hải. Trong quá trình đó, họ hấp thụ rất nhanh những tinh hoa của văn minh La Mã.

Clovis là nhà vua khai quốc của người Franc. Đế quốc của ông được gọi là đế quốc Merovingen (bởi ông thuộc dòng họ Merwig, hay Merovech). 

Lần lượt, sau những chiến thắng trước quân đội La Mã (năm 486), người Alamani (năm 496), đến lượt người Visigoth phải quy hàng tại trận Vouile năm 567. Lãnh thổ Merovingen khi đó bao gồm phần lớn lãnh thổ nước Pháp, vùng Tây Bắc nước Đức, Hà Lan và Bỉ ngày nay.

Một điểm mấu chốt khiến tiến trình thâu tóm quyền lực của Clovis hanh thông đến như vậy, bên cạnh tài thao lược mà ông thể hiện, là việc ông lựa chọn trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành. Dĩ nhiên, lựa chọn này mang đầy những toan tính chính trị, chứ có lẽ cũng chẳng dính dáng quá nhiều đến vấn đề đức tin. 

Người cha của châu Âu.

Cũng như Constantinus Augustus đại đế của La Mã ngày trước, Clovis cần những công cụ thần quyền bổ trợ cho thế quyền mà mình sở hữu.

Và đó là một lựa chọn sáng suốt. Ngay sau khi cải đạo, Clovis được Nhà Chung trên toàn xứ Gaule (nước Pháp hiện đại) ủng hộ. Ông mang quân đến đâu, các giám mục cũng dẫn giáo dân tới đón chào. Họ nhìn nhận rằng đạo quân của ông là "người phe mình", không như các thế lực Visigoth ngoại đạo.

Chính người Franc đóng vai trò "cứu tinh" đối với thế giới Thiên Chúa giáo, trước sức tấn công ào ạt của thiết kỵ Hồi giáo. Năm 732, kỵ binh của một vương công Franc - Charles Martel - giành được chiến thắng quan trọng ở trận Tour, ngăn cản dân Hồi từ Tây Ban Nha vượt qua rặng Pyrenee.

Thời động loạn Carolingen

Charles Martel chính là ông nội của Charlemagne. Dòng họ ấy không thuộc hoàng tộc Merovingen của Clovis, nhưng kể từ giữa thế kỷ thứ VII, khi vương vị Merovingen suy đồi trong trụy lạc và chia rẽ, quyền lực đã thực sự lọt vào tay những vị "chúa" thuộc dòng họ Carolingen (tương tự như chế độ vua Lê - chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam). 

Sau trận Tours, con trai của Charles Martel (và cũng chính là cha của Charlemagne) - Vua Lùn Pepin - truất phế dòng Merovingen, tự xưng là nhà vua của người Franc, tái thống nhất vương quốc, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử  châu Âu.

Song song với tiến trình bành trướng thế lực của người Franc ở phía tây, thì tại phía đông, châu Âu cũng liên tiếp trải qua những biến động. Từ kinh đô Constantinople, sau cái chết của Theodoric - thủ lĩnh người Ostrogoth, hoàng đế Byzance (Đông La Mã) Justinian tung ra những nỗ lực thu hồi lãnh thổ từ tay các giống dân Germanic. 

Hoàng quân đánh bại người Vandal, rồi tiến xuống đất Ý, giao tranh với người Ostrogoth trong gần 20 năm (535-554). Cùng lúc, quân đội Byzance vượt biển đánh sang bán đảo Iberia, giành lại một phần lãnh thổ phía nam Tây Ban Nha từ tay người Visigoth. Song, năm 565, Justinian mất. Những ước vọng phục hưng trở thành dang dở.

Ba năm sau, năm 568, một bộ lạc Germanic mới - người Lombard - tiến vào đồng bằng Bắc Ý (và để lại địa danh Lombardia tồn tại đến bây giờ). Rất nhanh chóng, họ tràn ngập bán đảo Ý. Triều đình Byzance chỉ còn quản lý được phần phía Nam, cùng đảo Sicile. 

Năm 751, người Lombard chiếm Ravenna, chấm dứt định chế "tổng đốc phía đông" mà Byzance thiết lập ở đây. Bị người Lombard đe dọa, và không thể dựa vào Constantinople được nữa (khi Byzance cách quá xa, mà cũng còn quá nhiều việc phải lo ở phía đông), Giáo hoàng Stephen II đến cầu viện Pepin cùng người Franc.

Trả ơn Giáo hoàng đã thừa nhận mình là vua Franc, Pepin xua quân tập kích người Lombard. Vượt trội về kỹ năng tác chiến cũng như tiềm lực, ông đánh đuổi họ ra khỏi những vùng đất mới chiếm, rồi trả lại cho Giáo hoàng (chứ không phải cho triều đình Constantinople). 

Pepin và con ông - Charlemagne - vì thế, còn là vua xứ Lombardia. Giữa vương thất Carolingen và Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, một mối dây liên hệ khăng khít đã được thiết lập, trở thành nền tảng vững chắc để Charlemagne sẵn sàng "vượt ngưỡng".

Giáo hội La Mã đã tìm thấy một đồng minh - một điểm tựa, là sức mạnh quân sự của người Franc.

Thời phong kiến bắt đầu

Charlemagne (771-814), theo những ghi chép của các sử gia châu Âu, là một người "thông minh, cương nghị, ưa nữ sắc, săn bắn và chinh chiến".

Ông suốt đời ăn mặc và hành xử như một tộc trưởng Franc, nói được một chút tiếng Latin, hiểu được một chút tiếng Hy Lạp, song không hề biết đọc và biết viết. Điều đó không ngăn cản ông bày nhiều bút mực quanh mình, như những món đồ trang sức.

Là một nhà vua đầy tham vọng, Charlemagne không ngần ngại tung quân vượt sông Rhine sang Đông. 30 năm liền thảo phạt, ông khuất phục được những người Saxon ở miền nam Đan Mạch ngày nay, rồi dùng vũ lực ép họ cải đạo sang Thiên Chúa giáo La Mã. 

Trong những đoàn quân chinh phạt của ông, luôn có sự góp mặt của các nhà truyền giáo. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất về mặt quân sự và chính trị của Charlemgane là ở phần lãnh thổ cũ của đế quốc Tây La Mã. 

Đến năm 800, Charlemagne áp đặt quyền cai trị của mình trên tất cả các tỉnh cũ của Tây La Mã, bao gồm cả nước Anh, miền Tây Tây Ban Nha, miền Nam Ý, đảo Sicile và Bắc Phi. 

Hơn thế, ông sáp nhập thêm được cả đất đai chưa khai phá ở Trung và Đông Âu - những nơi nằm ngoài biên trấn La Mã cũ. Ông định đô ở Aix la Chapelle, nay là Aachen (Đức).

Đế quốc của Charlemagne.

Năm 800 ấy, tròn 300 sau khi Romulus Augustulus - vị hoàng đế Tây La Mã cuối cùng - mất ngôi, Giáo hoàng tấn phong Charlemagne là hoàng đế của một đế chế mới: Đế chế La Mã thần thánh của người Germanic (Germany's Holy Roman Empire), nhưng lúc đó được gọi đơn giản là đế quốc Carolingen. 

Trước đó, đám văn nhân bồi bút đã bắt đầu gọi ông là Augustus (Đại đế, theo tôn hiệu La Mã cổ). Điều này khiến hậu duệ chính thức của các hoàng đế Đông La Mã ở Constatinople phát khùng.

Đó là điểm khởi đầu sơ khai, nhưng mang tính chất nền tảng của chế độ phong kiến ở châu Âu, với sự gắn kết chặt chẽ và mang tính tương hỗ mạnh mẽ nhất giữa thế quyền với thần quyền. Lãnh thổ của Charlemagne được chia thành khoảng 300 quận, mỗi quận do một bá tước cai quản. 

Vị bá tước ấy có trách nhiệm duy trì trật tự, thi hành pháp luật, thu thuế, tuyển mộ và chỉ huy quân lính để sẵn sàng phục vụ triều đình trung ương. Hỗ trợ các bá tước là các giám mục giáo khu, có quyền lực rất lớn. Giám sát các bá tước là những đoàn thanh tra đại diện hoàng gia (missi dominici), thường gồm một chức sắc tôn giáo và một mệnh quan triều đình về tra xét.

Charlemagne vĩ đại, đầu tiên là bởi các cuộc chinh phạt, nhưng hơn cả là bởi việc thiết lập được định chế phong kiến khá chặt chẽ ấy. Tuy vậy, điều gì cũng có khiếm khuyết. Cả cỗ máy Carolingen vận hành phụ thuộc quá nhiều vào ông, nên khi ông qua đời, tình trạng hỗn loạn nhanh chóng ập tới. Đế quốc tan thành từng mảnh, và những mảnh lớn nhất hiện tại được gọi là nước Pháp, nước Đức cùng nước Ý.

Nhưng, đó lại là một câu chuyện khác. Không còn bóng dáng của "Người cha châu Âu"... 

* Thói quen chia nhỏ các phần lãnh thổ cho các vương tử là một điểm yếu chí mạng trong tập tục của người Franc. Vì thói quen ấy mà vương triều Merovingen của Clovis nhanh chóng tan rã. Charlemagne cố gắng xóa bỏ thói quen này, nhưng sau khi ông mất, mọi chuyện nhanh chóng trở lại như cũ.

* Charlemagne là vị vua đầu tiên xâm chiếm và áp đặt được ách thống trị lên toàn bộ lãnh thổ Đức hiện đại, đến sát khu vực Bắc Âu. Ngoài đất đai của người Saxon, ông còn tiến sang tận xứ Bohemia (Czech hiện tại), phần lớn đất Áo, một phần lãnh thổ Hungary. Quân đội của Charlemagne đè bẹp người Avar gốc du mục châu Á. 

Ở phía Đông, biên thùy của đế quốc Carolingen có các tỉnh địa đầu nằm tại bán đảo Balkan. Ở phía Tây, quân Franc cản bước quân Hồi. Năm 778, trận đánh ở đèo Ronceveau trở thành nguồn cảm hứng cho thiên anh hùng ca "Chanson de Roland" (Bài ca Roland) nổi tiếng ra đời khoảng 500 năm sau.

Đông Quân
.
.