Đâu chỉ là chuyện bức tường!

Thứ Hai, 25/03/2019, 15:19
Sóng gió đã sẵn sàng ập xuống mỗi bước tiến trên chặng đường hoàn tất nửa nhiệm kỳ còn lại của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Song, sẽ là đơn giản hóa mọi việc quá mức nếu xem cuộc giao tranh đang diễn ra trên vũ đài chính trị nước Mỹ chỉ đơn thuần là về kinh phí dành cho bức tường ngăn cách biên giới phía Nam với Mexico.

Hay thậm chí hơn nữa, là xung đột về tư tưởng của ông chủ Nhà Trắng với các chính trị gia “dòng dõi” mang phong cách truyền thống.

Thách thức và bị thách thức

Quyền phủ quyết tối cao của Tổng thống Mỹ đã được sử dụng nhưng không phải là để kết thúc một câu chuyện. Ngược lại, nó đang mở ra những ngã rẽ mới. Hay đúng hơn, những câu chuyện mới.

Một cách ngắn gọn, những diễn biến đang làm dậy sóng chính trường Mỹ có thể được tóm tắt trong vài dòng ngắn ngủi: Cuối tháng trước, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng mọi khả năng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - điều cho phép ông, trên cương vị người lãnh đạo đất nước, có thể có được ngân sách xây dựng bức “trường thành ngăn người nhập cư bất hợp pháp” dọc biên giới với Mexico từ những nguồn tài chính khác nhau mà không cần được Quốc hội Mỹ chấp thuận.

Chặng về đích sẽ rất khó khăn cho ông chủ hiện tại của Nhà Trắng.

Tháng 3-2019, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống (bao gồm cả các phiếu thuận của không ít Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa), Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - điều sẽ bác bỏ tình trạng khẩn cấp vừa được ông Donald Trump tuyên bố.

Ngày 15-3, ông chủ Nhà Trắng phản pháo, với việc sử dụng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ dự luật ấy. “Quốc hội có quyền tự do thông qua dự luật này, còn tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó!” - ông khẳng định.

Đáp lại, ngay lập tức, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo: “Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 26-3, nhằm đảo ngược quyết định phủ quyết dự luật trên của tổng thống.

Nghĩa là, vừa tạm lắng xuống sau “cuộc chiến tài chính” khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một thời gian những ngày đầu năm, mâu thuẫn này lại đang bùng lên, khi các bên bắt đầu sử dụng mọi công cụ pháp lý có thể, để áp đặt ý chí của mình lên đối phương. Liên tục, Nhà Trắng thách thức Đồi Capitol (Capitol Hill - nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) và ngược lại, bị Capitol Hill thách thức). 

Câu chuyện không hồi kết…

Bức tường ấy (và kinh phí để xây dựng nó) đã, đang và sẽ còn là một câu chuyện dài, bắt nguồn từ những lời hứa trong cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump năm 2016. Ông xem nạn nhập cư bất hợp pháp từ biên giới phía Nam là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của các công dân Mỹ và ông hứa sẽ thay đổi điều đó. Bằng một rào chắn hữu hình.

Phải thừa nhận rằng, không ít người dân Mỹ, nhất là tầng lớp trung lưu, ủng hộ quyết định này của ông (kể cả trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt). 

Sẽ rất khó tìm được điểm thỏa hiệp giữa đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng và họ đòi hỏi tiền thuế từ thu nhập của họ, đầu tiên, phải phục vụ cho việc nâng cao chất lượng sống của chính họ, chứ không phải cho những kẻ xa lạ nào đó. Chưa kể, những khu của người nhập cư bất hợp pháp từ Trung - Nam Mỹ thường là dân trí thấp và là mối hiểm họa tội phạm tiềm tàng.

Vấn đề là, cần phải có kinh phí để xây dựng bức rào chắn hữu hình kia. Ngay từ đầu, Mexico đã tuyên bố rằng họ sẽ “không trả một xu” và dù có “hùng hồn”, “đanh thép” đến đâu, cộng thêm sức ép vô hình từ việc ký kết lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), những phát biểu của đương kim Tổng thống Mỹ cũng chẳng thể ép người láng giềng Trung Mỹ móc hầu bao. 

Trong khi đó, chẳng có gì bất ngờ, mọi khoản chi mà Nhà Trắng dự trù đều bị đem ra mổ xẻ, cũng như phải nhận những lời chỉ trích từ phe Dân chủ đối lập tại nghị trường.

Nếu không phải là không còn lựa chọn nào khác nhằm đạt được mục đích, hẳn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không sử dụng tới quyền phủ quyết - thứ công cụ quyền lực vô cùng nguy hiểm, bởi nó có thể khiến ông bị mô tả bởi truyền thông như một kẻ độc tài. Tình trạng khẩn cấp quốc gia, xưa nay, chỉ mới được ban bố trong thời chiến. Còn ở thời bình, đó là điều chưa từng có tiền lệ.

Thực tế chứng minh, đầu tháng 3, kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Đại học Monmouth tiến hành cho thấy: 64% người được hỏi phản đối việc tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đã có 51% số người được hỏi cảm thấy rằng việc “xây thành đắp lũy” ở biên giới phía Nam là không cần thiết. 

Dù chỉ để tham khảo và không thể quy nạp thành tỷ lệ ủng hộ - phản đối chung của toàn bộ người dân Mỹ, những con số ấy vẫn rất đáng lưu tâm. 

Từ cương lĩnh tranh cử đến quyết sách quốc gia, đương kim Tổng thống Mỹ chưa từng giải quyết được “rốt ráo” vấn đề kinh phí này. Song, trong tay ông vẫn còn một số quân bài, đủ để Lầu Năm Góc gấp rút đệ trình kế hoạch chi tiết các dự án xây dựng, bao gồm cả bức tường phía Nam.

Kể cả khi Hạ viện thông qua việc đảo ngược quyết định phủ quyết của tổng thống, theo luật pháp Mỹ, Thượng viện vẫn phải bỏ phiếu lại. 

Quyết định phủ quyết chỉ có thể bị vô hiệu hóa, nếu 2/3 số lượng thành viên Quốc hội chấp nhận việc vô hiệu hóa đó. Và ở vòng bỏ phiếu lại tại Thượng viện, cần có nhiều hơn 12 nghị sĩ đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối chủ nhân Nhà Trắng. Đó là điều ít có khả năng trở thành hiện thực.

…và ánh khúc xạ từ quá khứ gần

Cho dù không tán đồng quan điểm xem các vấn đề ở biên giới với Mexico là “cuộc khủng hoảng đích thực có thể tạo nên hiểm họa cho quốc gia cũng như người dân Mỹ” - như cách mô tả của Tổng thống Donald Trump, hay cho dù cũng không muốn tổng thống có thể “tự do thoải mái” sử dụng quá nhiều công cụ áp chế quyền lực như quyền phủ quyết (điều mà một tổng thống đảng Dân chủ nào đó cũng có thể sẽ tái hiện trong tương lai), các chính trị gia đảng Cộng hòa có rất ít lý do để tiến xa thêm nữa trong cuộc xung đột quan điểm này.

Có những vấn đề không nhất thiết phải xử lý dứt điểm ngay, đặc biệt là khi một cuộc đua mới vào Nhà Trắng xem như đã chuẩn bị bắt đầu (dù cuối năm 2020 mới chính thức diễn ra). Những ứng viên đầu tiên, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã lộ diện. Những vận động quảng bá và tìm kiếm đồng minh cũng đã lục tục được triển khai.

Bức tường biên giới ngăn cách Mexico, xét cho cùng, cũng chỉ là một công cụ trong cuộc tranh chấp quyền lực trên chính trường Mỹ.

Trong bối cảnh ấy, việc “bắn gục” tổng thống “phe mình” sẽ chẳng có lợi gì cho uy tín của đảng Cộng hòa. Nếu không muốn nhìn thấy một tổng thống đảng Dân chủ tiếp nhiệm quá sớm, họ cần giữ mọi chuyện ở tình trạng trong tầm kiểm soát. 

Ngược lại, các nghị sĩ phe Dân chủ sẽ tìm mọi cách để ngáng trở từng bước chân của đương kim tổng thống. Cường độ sức ép đã được gia tăng rõ rệt, kể từ sau cuộc bầu cử giữa kỳ mà đảng Dân chủ chiếm lĩnh được quyền kiểm soát Hạ viện.

Thực ra, đây chính là điều đảng Cộng hòa từng hủy hoại mọi nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama, trong hai năm 2015-2016. Kết quả là có những ý tưởng tâm huyết của vị tổng thống ấy đã bị gác lại, để rồi bị xóa sổ sau khi Nhà Trắng thay chủ, như gói hỗ trợ xã hội Obamacares. Obama, thậm chí, còn chưa từng mạo hiểm sử dụng quyền phủ quyết, kể cả khi bị Capitol Hill do đảng Cộng hòa dẫn dắt dồn vào chân các “vách đá tài chính”. 

Cũng cần nhắc lại, ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử năm 2016, giới phân tích quốc tế đã chỉ ra rằng đảng Dân chủ sẽ không cam lòng, sẽ tìm mọi cách để trở lại và ngăn cản tân tổng thống bằng mọi công cụ trong khả năng.

Lúc này, ông Donald Trump đang đối diện với nguy cơ đổ vỡ đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên, trong khi một nghiên cứu được Chính phủ Mỹ tiến hành (Phòng Thương mại phối hợp với hãng nghiên cứu Rhodium Group) cho thấy sự leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến thiệt hại trong 1 thập niên tới là vào khoảng 1.000 tỷ USD.

Quá nhiều chướng ngại vật nhưng với cơ chế chính trị lưỡng đảng ở Mỹ, khó khăn của người này lại là cơ hội tiếp cận quyền lực của người kia...

Đông Phong
.
.