Cuộc phỏng vấn nhân chứng sống ở Trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã: Tội ác không thể biện minh

Chủ Nhật, 11/01/2015, 13:34
Tạp chí Der Spiegel Magazine mới đây thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhân vật đặc biệt có tên Jakob W., năm nay 91 tuổi và đang sống ở thành phố phía Nam nước Đức. Người này đã từng là lính SS tại trại tập trung Auschwitz – và đang đối mặt với những cáo buộc về tội đồng lõa trong những vụ sát hại dã man. Cùng với những hình xăm số trong hệ thống quản lý tù nhân mới gần đây đã được tìm thấy và được trưng bày tại Bảo tàng Auschwitz, miền Nam Ba Lan, thì cuộc trả lời phỏng vấn của Jakob W. một lần nữa tái hiện sự thật tàn khốc và ghê rợn của một trong những trại tập trung man rợ nhất của loài người.

Spiegel: Ông nghe về những buồng hơi ngạt khi nào?

Jacob W: Tôi thấy nhiều đoàn tàu chở rất nhiều tù nhân đến, sau đó thì không ai có thể nói bất cứ điều gì nữa. Mọi người đều biết về nó.

- Ông đã vào trong buồng hơi ngạt bao giờ chưa?

- Có một lần. Khi cùng với một đội điều tra viên. Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ họ. Đó là vào năm 1943 hoặc 1944.

- Buồng đó lớn như thế nào?

- Có lẽ là lớn như toàn bộ ngôi nhà của tôi, khoảng 90m2 (970 m2?). Một đoàn tàu chừng 200 đến 300 người và nhiều người trong số họ phải đứng đợi bên ngoài.

- Ông có thể thấy điều này từ trên cao?

- Họ đã phải chờ đợi ở phía trước của buồng hơi ngạt chừng một giờ. Sau đó được dẫn vào bên trong. Họ cũng nghe thấy tiếng la hét… Đó là cách mà nó xảy ra…

Ông thấy lính SS đứng ngoài và ném Zyklon B (Hydrogen cyanide) vào trong phòng?

- Có, tất nhiên. Đứng trên tháp, bạn có thể nhìn thấy chúng tới. Luôn là một chiếc xe với hai người bên trong. Đó là những sát thủ.

- Ông đã bao giờ bắn một tù nhân trong trại tập trung Auschwitz?

- Tôi không bao giờ bắn bất cứ ai.

- Ông đã bao giờ nhìn thấy một tù nhân cố gắng để trốn thoát?

- Không, nhưng nó đã xảy ra. Họ cố gắng trốn thoát trong sự tuyệt vọng. Họ nhảy vào các hàng rào và bị bắn chết.

Ông có liên hệ với các tù nhân?

- Một lần chúng tôi trông một đội nữ lao động, một vài người còn rất trẻ. Tôi đã hỏi một người: “Tại sao cô lại ở đây?”. Sau đó, cô ấy trả lời: “Bởi vì tôi là người Do Thái”.

Trại tập trung Auschwitz là nơi giam giữ và hành quyết hàng triệu người Do Thái.

- Các lò thiêu hoạt động thế nào?

- Từ năm 1944, các lò hỏa táng đã không thể đáp ứng kịp, bên cạnh đó có một con mương rộng chừng 3, 4 mét. Một ngọn lửa cháy trong rãnh suốt ngày. Hai người đàn ông luôn luôn mang dây đai mà họ đã sử dụng để kéo các xác chết ra khỏi buồng khí và ném vào lửa. Thật khủng khiếp.

- Nhiệm vụ của ông là gì khi các chuyến tàu chở tù nhân đến?

-  Có một hồi còi báo hiệu. Sau đó chúng tôi phải vây phía ngoài đoàn tàu, cách chừng 20 mét cho tới khi toàn bộ tù nhân được đưa xuống.

- Ông có thấy cảm giác tội lỗi?

- Không, tôi đã nói chuyện với họ một cách thân thiện. Tôi không bao giờ đánh hoặc giết bất kỳ ai. Đức đã xâm chiếm Nam Tư và đó là một tội ác chống lại loài người và luật pháp quốc tế. Sau đó, tôi bị buộc nhập ngũ và đưa tới Auschwitz. Tôi không thể rời khỏi đó, nếu tôi bỏ đi, tôi sẽ bị bắn.

- Điều gì xảy ra với ông khi chiến tranh kết thúc?

-  Là một thành viên SS, tôi đã được chuyển đến một trại dành cho các tù nhân chiến tranh do Mỹ quản lý. Vào cuối năm 1946, tôi đã ở Dachau cùng với khoảng 6.000 tù nhân. Chúng tôi ở trong doanh trại ba tầng và mặc đồng phục cũ của chúng tôi.

- Họ đã phải xác định ông?

- Khoảng 20 người đàn ông, tất cả họ đều rất trẻ. Họ đến từ một đơn vị đặc biệt làm nhiệm vụ dẫn tù nhân vào phòng hơi ngạt và hỏa táng các xác chết…

- Cuộc gặp gỡ diễn ra như thế nào?

- Tất cả họ đều có quyền phỉ nhổ và tố cáo chúng tôi. 

Holocaust (tiếng Hy Lạp: holokáutoma: holos - “hoàn toàn” - và kausis - “thiêu, đốt”) là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với sáu triệu người Do Thái và nhiều dân tộc khác ở châu  Âu và Bắc Phi trong thời gian Thế chiến thứ hai do phát xít Đức gây ra. Đến với Bảo tàng Auschwitz ngày nay, chúng ta thấy một khẩu hiệu lớn ngay lối vào “Lao động là tự do”, thật trớ trêu vì chỉ có khổ sai và cái chết đón chờ những nạn nhân ở nơi đây.

Hình xăm số Auschwitz - hệ thống quản lý tù nhân

Những mảnh kim loại hình con số dùng để xăm lên cơ thể tù nhân tại trại tập trung Auschwitz mới gần đây đã được tìm thấy và được trưng bày tại Bảo tàng Auschwitz, miền Nam Ba Lan.

Khi những tù nhân đầu tiên đến trại tập trung Auschwitz, họ được cấp một mã số. Ban đầu số này được đóng lên miếng vải và may vào quần áo tù. Tuy nhiên, các tù nhân đôi khi thay quần áo của họ với những người đã chết, gây ra sự nhầm lẫn cho lính Đức canh trại.

Mùa thu 1941, phát xít Đức quyết định sử dụng hình xăm để phân loại tù nhân. Những mũi kim xăm được ghép thành một con số riêng biệt và được sắp lên thành một khung số. Những tên lính phát xít sẽ dập mạnh khung số này lên ngực trái của tù nhân, sau đó chà xát mực xăm lên. Những tù nhân không được đăng ký và xăm số sẽ được gửi trực tiếp đến phòng hơi ngạt.

Dụng cụ dùng để xăm số lên cơ thể tù nhân.

Tới năm 1943, gần như mọi tù nhân kể cả nữ khi tới trại tập trung Auschwitz đều phải xăm mình, trường hợp ngoại lệ chỉ dành cho tù nhân có quốc tịch Đức và “tù cải tạo” là người phi Do Thái của hầu như tất cả các quốc gia châu Âu (ở Auschwitz chủ yếu là người Đức, Séc, Ba Lan và thường dân Liên Xô).

Những serie đầu tiên của chuỗi số được xăm lên mình các tù nhân nam từ tháng 5/1940 và kết thúc với số 202.499. Serie thứ hai từ tháng 5/1941, đã có khoảng 12.000 tù binh Liên Xô bị xăm lên mình chuỗi số này. Serie thứ ba được phát xít Đức đưa ra vào tháng 3/1942 và bắt đầu xuất hiện cả các nữ tù nhân. Có khoảng 90.000 tù nhân nữ được xác định trong serie này.

Do bị quá tải bởi số lượng lớn người Do Thái Hungary được đưa đến vào năm 1944, phát xít Đức lập ra một serie số mới bắt đầu bằng chữ A sau đó là số 1 và chuỗi số. Một số tù nhân Do Thái, có một tam giác có hình xăm bên dưới số serie của họ. Tới tháng 2/1943, phát xít Đức phát hành hai bộ số dành riêng cho người Gypsies bị giam giữ tại trại Auschwitz, một cho đàn ông và một cho phụ nữ. Chuỗi số dành cho họ được bắt đầu bởi chữ Z.

Buồng hơi ngạt và lò thiêu: Cỗ máy giết người hàng loạt

Việc sử dụng hoạt động của các phòng hơi ngạt ở Auschwitz được nghiên cứu trước bởi các thí nghiệm nhằm tìm ra tác nhân hóa học hiệu quả nhất và đề ra các phương pháp thích hợp cho việc sử dụng nó. Kể từ cuối tháng 8/1941, sau khi Lagerfuhrer Karl Fritzsch sử dụng khí Zyklon B (Hydrogen cyanide) để sát hại tù binh Liên Xô trong hầm rượu Block 11, phát xít Đức đã dùng nó như một công cụ phục vụ cho tội ác của mình.

Các tàu vận tải đầu tiên của người Do Thái đến trại từ Silesia vào đầu năm 1942. Việc vận chuyển đến bằng đường sắt, lính SS hộ tống những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong danh sách “bị loại bỏ” đến các buồng hơi ngạt và lò thiêu số I, bunker 1 và 2; cho tới đầu năm 1943, các lò thiêu số II, III, IV và V được xây dựng. Nạn nhân phải cởi bỏ quần áo trong sân trước khi bị đưa vào tắm rửa, khử trùng rồi đưa vào buồng hơi ngạt và bị giết bởi khí Zyklon B. Ban đầu quá trình giết hại và thông gió của buồng hơi ngạt kéo dài nhiều giờ. Sau đó được lắp đặt máy lọc thì khoảng thời gian này đã được rút ngắn xuống còn khoảng một giờ. Thời điểm khí độc phát tác, để át đi những tiếng la hét và rên rỉ của người chết, các động cơ của một chiếc xe tải đậu ở đó đã được bật lên.

Bên trong lò thiêu Auschwitz I.

Cái chết của những người bên trong buồng khí xảy ra sau một vài phút là kết quả của ngạt thở nội bộ gây ra bởi các axit prussic ngăn chặn việc trao đổi oxy giữa máu và các mô. Những người đứng gần các lon Zyklon B đã chết ngay lập tức. Buồng hơi ngạt vẫn đóng kín thêm nửa giờ nữa để đảm bảo rằng không có một người sống sót. Thông qua một lỗ đặc biệt trong cửa, bác sĩ SS giám sát việc thoát khí có thể quan sát tình hình bên trong căn phòng.

Khi những nạn nhân đã chết, Sonderkommando (tù nhân phục vụ trong lò thiêu) kéo xác chết ra khỏi phòng hơi ngạt. Họ cắt tóc của phụ nữ và nhổ lấy răng vàng, đồ trang sức của các xác chết. Sau đó, xác chết bị đốt trong hầm lò, hoặc trên các giàn thiêu của lò hoả táng. Xương khô cháy hết được nghiền thành bột, đổ cùng tro ra các con sông và ao gần đó, phần còn lại được dùng làm phân bón.

Việc xây dựng 4 phòng hơi ngạt và lò hỏa táng lớn bắt đầu ở Birkenau trong năm 1942. Các phòng hơi ngạt ở lò hỏa thiêu II và III, được xây dựng dưới lòng đất, trong khi lò hoả thiêu IV và V ở trên mặt đất. Theo những tù nhân đã từng làm việc ở đây, công suất hàng ngày trong bốn lò hỏa táng ở Birkenau là hơn 8.000 xác chết. Trong lò thiêu II và III, các lon Zyklon B được lính SS đổ xuyên qua trần nhà, và trong Crematorium IV, V thì qua các lỗ bên cạnh. Với năm hoặc sáu hộp khí họ có thể giết chết khoảng hai nghìn người. Những tên lính SS này đến trong một chiếc xe tải được đánh dấu với một chữ thập đỏ, nhưng chữ thập đỏ chỉ là để che giấu các thùng chứa đầy Zyklon B.

Filip Muller một thành viên của Sonderkommando kể lại: “Khi mọi người đến lò thiêu họ nhìn thấy tất cả mọi thứ - cảnh khủng khiếp bạo lực này. Toàn bộ khu vực được bao quanh với lính SS. Chó sủa - Súng máy. Tất cả bọn họ, chủ yếu là người Do Thái đều tỏ ra lo lắng. Có điều gì đó không ổn, nhưng không ai trong số họ đã có thể tưởng tượng rằng trong ba hoặc bốn giờ nữa, họ sẽ thành tro bụi”. Rudolf Hoss, một thành viên khác mô tả: “Thông qua các lỗ trong cửa ta có thể thấy gần một phần ba các nạn nhân, những người đứng gần các lon Zyklon B chết ngay lập tức. Số còn lại đã bắt đầu la hét và thở hổn hển tìm kiếm chút không khí. Vài phút sau đó tất cả đều nằm bất động…”. Ngoài những người Do Thái, một số lượng nhất định các tù binh Liên Xô, theo ước tính của các nhân chứng là khoảng vài ngàn người. Vài ngàn người Gypsies và Ba Lan cũng đã bị sát hại trong các phòng hơi ngạt.

Vào những ngày cuối cuộc chiến, với mục đích loại bỏ các bằng chứng về tội ác, những tên đầu sỏ phát xít đã ra lệnh phá hủy các lò hỏa thiêu. Nhưng những gì chúng bỏ lại vẫn khiến người chứng kiến rùng mình khi đối diện với cỗ máy giết người khủng khiếp của chế độ phát xít.

Nguyễn Lâm
.
.