Con ve sầu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Thứ Ba, 26/05/2020, 07:45
Khi nghĩ đến loài vật đầu tiên tôi muốn viết trong loạt bài về thiên nhiên, trí óc tôi bỗng bật lên hai tiếng: ve sầu. Cái chữ "sầu" nó gieo cho tôi một thắc mắc ghê gớm, tại sao lại phải sầu khi tiếng ve mùa hạ không phải là sự hân hoan chào đón con người vào mùa hạ.

Tôi nghĩ người Việt đầu tiên đồng cảm và thương cảm với loài ve là Nguyễn Văn Vĩnh. Ông đã dịch bài thơ "Con ve và con kiến" của La Phôngten (La Fontainne) như sau:

"Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn

Ruồi bọ không một con

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị kiến hàng xóm

Xin cùng chị cho vay

Dăm ba hạt qua ngày

Từ nay sang tháng hạ

Em lại xin đem trả

Trước thu, thề đất giời!

Xin đủ cả vốn lời.

Tính kiến ghét vay cậy

Thói ấy chẳng hề chi

Nắng ráo chú làm gì?

Kiến hỏi ve như vậy

Ve rằng: luôn đêm ngày

Tôi hát thiệt gì bác 

Kiến rằng: xưa chú hát

Nay thử múa coi đây."

Đọc bài thơ này chắc ai cũng trách cứ chú ve và thông cảm cho tính tình chặt chẽ của kiến. Ve lười nhác và vô dụng, chỉ có kiến là chăm chỉ và cần cù. Chỉ có một người nghĩ khác, đó là Nguyễn Văn Vĩnh. Vũ Bằng kể lại rằng, khi đến nhà Nguyễn Văn Vĩnh ở Bưởi chơi, Vũ Bằng đã thấy bộ salon gụ nhà Nguyễn Văn Vĩnh, cả bàn lớn, đôn, ghế, cái nào cũng khảm xà cừ một dòng chữ "Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè" và ở dưới ghi ba chữ cái: NVV.

Vậy là ông Nguyễn Văn Vĩnh yêu những con ve và tiếng ve mùa hè lắm. Lúc ấy Vũ Bằng còn trẻ và chưa hiểu được hết ý nghĩa của dòng chữ ấy. Ông nghĩ đơn thuần đó là câu thơ Nguyễn Văn Vĩnh dịch và thấy thích. Sau này ông bôn ba với đời, đủ đắng cay, vinh nhục, ông mới thấy rằng Nguyễn Văn Vĩnh có lý lắm. Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ mình là con ve, cả đời ca hát dâng đời.

Ông là một học giả lớn, đã viết hàng vạn bài diễn thuyết, xã luận, dịch hàng trăm tác phẩm, suốt kiếp ca hát mà biết đâu thiên hạ có người tri ngộ. Có lẽ tiếng ve sầu, kiếp ve sầu khiến Nguyễn Văn Vĩnh thấm thía lắm khi khảm lên bộ ghế nhà mình dòng thơ ấy, cũng như báo trước số phận cay đắng của đời ông. Vật vã trong nợ nần, bế tắc, Nguyễn Văn Vĩnh đã bỏ mạng trên một dòng sông bên nước Lào khi đi tìm một nguồn sinh nhai khác… Con ve ca hát suốt mùa hè cho thiên hạ rồi chết như một kiếp ve bạc bẽo…

Tất nhiên về mặt sinh học, ve không phải ca hát vì loài người. Ve ca hát vì tình yêu của nó, bởi vì chỉ có ve đực mới phát ra được tiếng kêu ấy. Nó đã hát cho gầy mòn đi để quyến rũ bạn tình, là người nghệ sĩ biểu diễn không biết mệt mỏi để hòng tìm ra tri âm, tri kỉ. Tôi cũng không chắc rằng, mỗi con ve đực gảy khúc ca suốt mùa hè như thế, liệu có tìm được một tình yêu riêng cho mình.

Hay là người nghệ sĩ hát tuyệt vọng, khản cổ, khô mình mà không tìm được một hồng âm tri kỉ nào. Ve hát giọng kim, có khi bạn tình của nó thích giọng trầm hoặc giả nó hát giọng trầm, nàng ve kia lại thích giọng kim thì sao. Không chắc  những gì mình tâm huyết phô bày ra đã được người ta đón nhận.

Nghệ thuật luôn khắc nghiệt và lạnh lùng. Có phải công chúng nào cũng biết thưởng thức nghệ thuật đâu, mà biết rồi chắc gì người ta đã biết thương xót người nghệ sĩ. Rồi có người sẽ trách, ấy là kẻ rong chơi, kẻ si tình, hát suốt một đời để làm gì, rồi cuối cùng đói khát đi vay một chút thức ăn thiên hạ cũng không cho. Thì chính kiến đã nói với ve rằng, cậu hát suốt cả mùa hè rồi, bây giờ là mùa đông, giờ múa lên nữa xem nào!

Tất nhiên ve không hát nổi nữa, múa càng không được. Bây giờ ve phải chết và thành cái xác ve. Sầu chính là ở chỗ này, bạc chính là ở đây. Không ai biết cái tiếng ve ấy mang lại ý nghĩa gì cho đời sống, chỉ khi thấy nó khô rạc đi, buông mình rơi xuống đất, người ta mới thả lời trách mắng. Đừng có như con ve, cả đời làm những việc viển vông rồi cũng chết sầu chết tủi!

Nghĩ thế là oan cho con ve lắm, ve là trong số ít côn trùng dám cống hiến hết đời mình, nằm im chờ thời, anh hùng trả thù mười năm chưa muộn. Ve là loài côn trùng "ngâm mình" làm ấu trùng rất lâu.

Trứng ve được mẹ đẻ trên cây, nở ra rồi rơi xuống đất, ấu trùng ve mò mẫm ở trong lòng đất tối tăm thời gian rất dài, hai đến năm năm, thậm chí có loài đến mười năm, trải qua nhiều lần lột xác đau đớn rồi mới thành kiếp ve thực thụ. Năm mười năm chờ đợi trong tối tăm, ve thoát kiếp chỉ được thấy ánh mặt trời rất ít, dăm ba tháng mùa hè rồi lại thành cái xác khô không ai thấy...

Có những người nghệ sĩ, kiên trì luyện tập ngón nghề nhiều năm có khi chỉ được biểu diễn trên sân khấu vài phút và khán giả cũng chẳng kịp lưu mặt, nhớ tên. Tôi đã từng biết có những diễn viên, say mê với nghề nhưng duyên rủi, suốt đời chỉ đóng vài vai phụ, chỉ được lướt ra sân khấu, lên màn ảnh mấy phút, thậm chí mấy giây rồi lại lui vào cánh gà.

Những người ấy có khác gì kiếp ve sầu, bao nhiêu năm chờ đợi, bao khó nhọc rèn luyện mà có khi chỉ được trưng tài nghệ với đời có chút xíu. Có ai đếm được bao nhiêu con ve sầu đã rơi xuống mặt đất suốt mùa hè, ai thống kê được bao nhiêu người nghệ sĩ suốt đời đóng vai phụ, hào quang ánh sáng có rọi đến chỗ ấy không?

Nhưng rèn luyện miệt mài thế thì chết không vô ích, cái xác ve khô rạc ấy là bài thuốc quý trong dân gian chữa được nhiều bệnh. Cả cái khoảnh khắc xuất thần, khi con ve lột xác thành một sinh thể mới, tôi tin rằng đó là một biến chuyển đau đớn và nguy hiểm. Ai tóm được con ve lúc ấy sẽ thấy nó rất yếu mềm, hầu như không có khả năng tự vệ, làm một món mồi ngon hoặc bị gió mưa vùi dập.

Cái hình ảnh phi thường thay đổi thân xác ấy, từ một ấu trùng ve thành con ve trưởng thành được người xưa gọi là "kim thiền thoát xác", được áp dụng như một chiến thuật hiệu quả để che giấu thân xác trước kẻ thù và trở nên mạnh mẽ hơn.

Con ve cũng là kiểu giống loài mà con đực luôn phải chứng minh sự quyến rũ của mình. Chỉ có ve đực biết ca hát, dùng nghệ thuật để quyến rũ những nàng ve cái để có cơ hội ái tình và sản sinh ra con cháu mới. Giống đực trong thiên nhiên, dù là những con côn trùng nhỏ nhất cũng luôn phải nỗ lực thể hiện sự ưu việt của mình.

Nhưng loài ve còn bớt bi kịch hơn loài nhện, khi những chàng nhện đực hầu như chắc chắn sẽ trở thành món mồi giàu dinh dưỡng cho bạn tình sau cuộc ái ân mệt lử. Nhưng có phải con ve đực nào cũng thành công? Có tiếng ve rền rĩ âm vang, có tiếng ve kém cỏi yếu ớt, không biết âm thanh nào sẽ được đón nhận, bài ca nào đủ làm say lòng, có thể ve đực hát như một kẻ phát cuồng mà vẫn không có một tri ngộ nào cả.

Tôi đã từng đi bắt ve trong vườn nhà khi còn nhỏ. Loài ve cũng biết giai đoạn lột xác là vô cùng nguy hiểm, nó chọn những tối đầu hè để làm điều ấy. Độ khoảng bảy tám giờ tối tháng năm, tháng sáu ấu trùng ve bắt đầu bò lên khỏi mặt đất, bám vào thân cây và bắt đầu cựa mình.

Những đứa trẻ sẽ chọn thời điểm nhạy cảm nhất để bắt ve. Ve vừa lột xác, cánh yếu, thân mềm, bò chậm chạp, đứa trẻ bắt cho vào giỏ mang về ngay chần nước sôi hoặc ngâm trong nước muối, nước vôi trong. Những con ve ấy rồi sẽ được rang lên, cùng với một ít mỡ lợn, lá chanh và nước mắm. Ve là một món ăn ngon lành nhiều đạm dành cho những đứa trẻ suy dinh dưỡng và cả những người đàn ông cần mồi nhậu…

Có một thời người ta nghe thấy tiếng ve nhiều lắm, mùa hè đâu đâu cũng  thấy tiếng ve. Ve kêu nhiều quá đến mức người ta đau đầu, nhức óc không làm việc nổi. Ve kêu gì mà lắm quá, có phải chúng đang tuyệt vọng, kêu gọi để người ta chú ý đến mình, hát khát cổ, hết hơi để mong tìm được một bạn tình.

Cái nhu cầu tình yêu của loài vật khiến loài người phát ghét, nhưng nhu cầu yêu đương của loài người thì không bị loài vật nào căm ghét cả. Hình như chỉ có tình yêu của loài người mới đáng kể, của loài vật chỉ là bản năng giống nòi, sinh sản?

Rồi có rất nhiều người đi bắt ve lột xác như bọn tôi làm hồi bé. Buối tối ở các phố có nhiều cây, thấy những ánh đèn pin loang loáng soi bắt những con ve non run rẩy vừa rời khỏi xác. Một người, nhiều người, nông thôn, thành thị người ta đều đi bắt ve, cái món ăn chỉ dành cho con nhà nghèo thuở trước giờ thành đặc sản.

Mà có một nghịch lý, món cho người nghèo ngày trước nay thành thứ quý và món cho người giàu lại ê hề. Vùng biển quê tôi, ngày trước con tôm tít người ta thường cho lợn ăn, đĩa châu chấu rang cho ngày thiếu đói thì giờ thành món khoái khẩu đắt tiền. Còn giò chả sang trọng nhà giàu, giờ ê hề trong các mâm cỗ, ít người muốn gắp… Sự đổi chiều ấy báo hiệu điều gì?

Rồi mấy năm nay, tôi ít nghe thấy tiếng ve nữa. Mùa hè đến, chú ý mãi mới thấy một vài tiếng ve thưa thớt. Ve đi đâu, cả một dàn tiếng ve đã mất rồi hay chúng đang vào con đường tuyệt diệt không ai thấy?

Có thể đến một lúc nào đấy, bọn trẻ con sẽ rất ngạc nhiên, không biết con ve là con gì và tiếng kêu của chúng ra sao khi gặp phải bài thơ của La Phôngten mà Nguyễn Văn Vĩnh đã tâm đắc dịch đến hai lần và khắc vào bộ bàn ghế quý nhà mình.

Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè…

Uông Triều
.
.