Cơn sóng ngầm “chống” toàn cầu hóa
- Cần giải pháp toàn cầu hóa trong chiến lược ứng phó kịp thời
- Để "chung sống" với toàn cầu hoá
- Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá"
Sự kết hợp giữa lợi thế chi phí lao động, hệ thống giao thông vận tải hiệu quả và các hiệp định thương mại đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Trong sáu thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã giúp biến nhiều nước nông nghiệp thành các cường quốc công nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay, sự kết hợp của công nghệ, tình hình chính trị và áp lực xã hội có vẻ đang làm đảo ngược quá trình này. Sự phát triển của công nghệ mới sẽ tiếp tục tạo ra sự giàu có và có lợi cho các nước phát triển.
Tiến trình khu vực hóa ngày càng cao của các nền kinh tế cũng như những khác biệt về tăng trưởng sẽ tạo ra bất ổn và thách thức các thỏa thuận an ninh toàn cầu. Dường như, đã qua rồi cái thời cánh tả "đấu đá" với cánh hữu, mà giờ đây là cuộc chiến giữa phe ủng hộ và phe phản đối toàn cầu hóa.
Đảo ngược toàn cầu hóa
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình toàn cầu hóa. Trước hết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã làm suy giảm hoạt động thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu đã hồi phục tương đối nhanh chóng, và năm 2011 đã gần đạt mức trước khủng hoảng. Khi đó, những suy đoán về sự kết thúc của toàn cầu hóa tưởng chừng đã không còn.
Thật không may, giao dịch thương mại cũng như tăng trưởng GDP toàn cầu không những không tăng, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2011 - 2014. Những người lạc quan tin rằng, đây chỉ là những tác động ngắn hạn và hoạt động thương mại sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí tăng tốc.
Tiếp đó, sự phát triển của công nghệ kết hợp với các xu hướng trong sản xuất năng lượng, nông nghiệp, chính trị và quản trị mạng sẽ dẫn đến tình trạng nội địa hóa các hoạt động sản xuất, dịch vụ, năng lượng và sản xuất lương thực. Điều này sẽ tác động đáng kể tới môi trường an ninh quốc tế.
Sự kết hợp của công nghệ, tình hình chính trị và áp lực xã hội có vẻ đang làm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa. |
Trong bối cảnh này, sự ra đời của robot, trí tuệ nhân tạo và công nghệ in 3D khiến mọi hoạt động dần chuyển sang tự động hóa. Một số chuyên gia nhận định, khi tất cả đều áp dụng tự động hóa, xu hướng sản xuất cho thị trường nội địa sẽ gia tăng nhanh chóng, với quy mô ngày càng lớn. Ngày càng có nhiều sản phẩm sẽ được sản xuất tại địa phương, dẫn tới nhu cầu thương mại quốc tế trong sản xuất hàng hoá giảm dần.
Không thể phủ nhận, kỷ nguyên của tự động hóa đang bắt đầu. Từ năm 2010 đến 2013, tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất công nghiệp trên thế giới tăng trung bình 17%/năm. Theo dự đoán, tỷ lệ tự động hóa trong các hoạt động sản xuất sẽ tăng lên 25% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, công nghệ in 3D cũng tạo ra cách thức hoàn toàn mới để nhanh chóng mở rộng thị phần của sản phẩm, được sử dụng trong việc sản xuất từ các thiết bị y tế, các bộ phận máy bay cho đến các tòa nhà cao tầng. Công nghệ in 3D đã gây kinh ngạc khi tốc độ xử lý nhanh hơn tới 100 lần so với công nghệ cũ và cho ra 100% các sản phẩm giống nhau như đúc. Thế giới kỳ vọng công nghệ in 3D sẽ góp phần gia tăng sản xuất trong 3-5 năm tới.
Không dừng ở đó, nhiều yếu tố khác cũng đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa, đơn cử như sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Từ năm 2008, hơn 3.500 biện pháp bảo hộ và các yêu cầu hành chính đã được thiết lập trên toàn cầu, và đến nay nhiều biện pháp vẫn được duy trì. Nhiều chính phủ đã khuyến khích người dân mua các sản phẩm nội địa thay vì hàng nhập khẩu. Thậm chí, nhiều quốc gia còn tăng thuế nhập khẩu để ngăn chặn bán phá giá.
Trong khi đó, tâm lý hoài nghi và phản đối các hiệp định thương mại lớn đang gây thêm lo ngại. Chủ nghĩa bảo hộ đã và đang là một rào cản đối với nỗ lực thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế thế giới cũng như việc xây dựng trật tự thương mại quốc tế, gây sức ép lên các nền kinh tế lớn, nhất là các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trên chính trường, nhiều chiến dịch chính trị tại Mỹ và châu Âu cũng cho thấy mức độ mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Sau khi trở thành tân Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố sẽ theo đuổi chủ nghĩa vị nước Mỹ, chứ không phải chủ nghĩa toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này vẫn đang trong quá trình chờ các nước phê chuẩn. Nếu thất bại, đây sẽ là một đòn chí tử với toàn cầu hóa như sự kiện Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit.
Trên khắp châu Âu, nhiều chính trị gia cho rằng thế giới đang hỗn loạn và nguy hiểm, vì vậy các quốc gia nên xây những bức tường thành ngăn cách để tự bảo vệ mình. Các đảng phái dân túy ở châu Âu đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân chúng, tham gia sâu vào các chính phủ hay các liên minh cầm quyền.
Đặc biệt, việc Vương quốc Anh quyết định rời bỏ Liên minh châu Âu được đánh giá biểu hiện rõ nét nhất của xu hướng chống toàn cầu hóa. Những tin tức củng cố cho niềm tin về sự thoái trào của toàn cầu hóa xuất hiện hằng ngày trên báo chí. Hàng loạt vụ tấn công mang màu sắc cực đoan tạo nên nỗi lo sợ về an ninh, mở đường cho quan điểm đóng cửa với thế giới.
Tương lai chưa rõ ràng
Người dân giờ đây cũng bắt đầu quay lưng lại với toàn cầu hóa. Tỉ lệ ủng hộ thương mại toàn cầu của người dân Mỹ năm 2008 đã giảm còn 53% từ mức 78% năm 2002. Năm 2014, chỉ có 17% người Mỹ tin rằng thương mại toàn cầu sẽ mang đến một mức lương cao hơn và chỉ 20% tin rằng nó sẽ tạo thêm công ăn việc làm mới.
Trong khi đó, với những tác động tiêu cực mang tính hệ thống lên tự do tài chính, thương mại và sự dịch chuyển lao động, Brexit đánh dấu một bước thụt lùi lớn của toàn cầu hóa. Những tác hại của Brexit có thể sẽ không lan nhanh như trong những cuộc khủng hoảng tài chính trực tiếp, như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98. Tuy nhiên, các hệ quả cũng sẽ không lắng xuống ngay trong tương lai gần.
Việc Anh rời EU kích thích trào lưu ly khai đã tiềm ẩn từ lâu nay trên đất Anh và trên toàn châu Âu. |
Việc Anh rời EU kích thích trào lưu ly khai đã tiềm ẩn từ lâu nay trên đất Anh và trên toàn châu Âu, ví như việc Bắc Ireland muốn ly khai Anh, hay việc xứ Cataland đòi tách khỏi Tây Ban Nha. Các đường biên giới của các quốc gia - dân tộc hiện hữu có thể được vẽ lại hoặc ngăn tách hoàn toàn nếu các quốc gia thành viên bất mãn quy phục trước áp lực dân tộc chủ nghĩa trong nước và từ bỏ cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều thập niên nhằm thống nhất châu Âu.
Bên cạnh đó, Brexit đã khuyến khích làn sóng hoài nghi châu Âu tại các nước thành viên khác có xu hướng tổ chức trưng cầu dân ý do các đảng cực hữu khởi xướng như Pháp, Hà Lan và Slovakia.
Có một thực tế rằng, hệ thống thể chế, nguyên tắc và quan hệ đồng minh trên thế giới - được Mỹ xây dựng và dẫn đầu trong suốt nhiều thập niên qua - là nền tảng cho sự phát triển phồn vinh toàn cầu. Hệ thống đa phương đó đã giúp tái thiết một châu Âu đổ nát thời hậu Thế chiến II, chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô, kết nối nền kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới, cũng như cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, viễn cảnh về một thế giới bị chia rẽ được dự báo sẽ có tác động vô cùng lớn. Nếu EU tan rã thành các quốc gia riêng lẻ và Mỹ giảm bớt can thiệp vào các vấn đề quốc tế, các thế lực khác sẽ nhanh chóng lấp vào chỗ trống quyền lực.
Có thể nói, việc ngăn cản xu hướng chống toàn cầu hóa cần ba yếu tố chính: những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn, những chính sách quyết liệt hơn và những chiến lược thông minh hơn.
Những người ủng hộ toàn cầu hóa cần thuyết phục dư luận về việc tại sao Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại quan trọng đối với nước Mỹ, tại sao tự do thương mại và tự do đi lại có thể giúp xã hội phát triển, cũng như tại sao chống khủng bố cần sự phối hợp hiệu quả giữa các nước.
Tuy nhiên, cũng cần phải ý thức được những mặt trái của toàn cầu hóa. Tự do thương mại có thể khiến nhiều người thất nghiệp, trong khi việc nhập cư ồ ạt có thể khiến xã hội bất ổn. Các nước cần những chính sách hợp lý để vừa kết nối với thế giới, vừa giảm nhẹ những tác động xấu.
Các nước có thể để hàng hóa và dòng vốn đầu tư di chuyển tự do, song bên cạnh đó củng cố chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người bị mất việc làm. Để quản lý người nhập cư tốt hơn, các nước có thể cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng cũng như đảm bảo việc làm cho người tị nạn…