Con gái Nhà thơ Quang Dũng: Sao bố lại làm bài thơ như viết cho con vậy ?

Chủ Nhật, 08/11/2020, 21:59
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng tiếp tục gửi đến Tòa soạn ANTG GT – CT bài viết nói về một bài thơ đặc biệt của cha mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Suối Tóc” là một trong những bài thơ của cha tôi mà tôi đọc được lần đầu tiên cách đây 43 năm khi còn là một cô bé 14 tuổi. Bài thơ in trong một ấn phẩm văn chương của Sài Gòn thời chưa giải phóng.

Đến giờ, tôi vẫn vẹn nguyên sự yêu thích và cảm xúc trong trẻo dành cho bài thơ. Hình ảnh người con gái, người “Em” trong bài đẹp quá! Nó gần gũi với sự lãng mạn của mấy đứa con gái vừa chớm trăng tròn như tôi. Tôi chép cả bài thơ vào cuốn sổ nhật kí và tự hỏi: “Sao bố lại làm bài thơ cứ như là viết cho con vậy?”: Thuở ấy em ngồi trên cửa gác/ Tóc buông hong với gió đầu thu/ Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa/ Ghi vội vàng em mấy nét thơ/…

Nhà thơ Quang Dũng và cô con gái út Phương Thảo. Ảnh: L.G

Hơn bốn mươi năm qua, nhiều lần tôi tự hỏi: “Bài thơ này cha tôi có viết tặng riêng ai? Ai là nguyên mẫu, là nàng thơ để có hình ảnh Em…  được cha tôi khắc họa trong “Suối tóc”. Bài thơ được cha tôi viết năm 1945, sau hơn 70 năm “Suối tóc” ra đời, với tình cảm đặc biệt dành cho bài thơ, tôi có căn cứ và linh cảm nguyên mẫu người con gái hong tóc trong đó là mối tình đầu, là người vợ đồng hành cùng ông trải qua bao thăng trầm đến phút cuối cuộc đời: Mẹ tôi! Và hơn hết, ở một góc khuất sâu thẳm, bà là người có tâm hồn thi ca đồng điệu cùng ông.

Cuối xuân năm 1942, sau một vài biến cố, cha tôi phiêu dạt lên Yên Bái, ở trọ nhà một người quen, căn nhà sát bên là nhà mẹ tôi. Mỗi ngày, chàng khách trọ trẻ tuổi dáng cao lớn, phong trần với nét mặt nghiêm buồn lại lên cửa sổ căn gác nhỏ tầng hai (trông xuống sân nhà mẹ tôi) hướng tầm mắt về phía núi xa sẫm dáng chiều và cất lên tiếng sáo giai điệu bài “Biệt ly” (nhạc sĩ Doãn Mẫn sáng tác năm 1939). Đôi lúc cao hứng chàng tuổi trẻ lại cất giọng trầm ấm ngâm vài đoạn trong “Chinh Phụ ngâm”: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”. Người con gái nhà bên (tên Thạch) cùng trạc tuổi, da trắng dáng cao dong dỏng và đặc biệt mái tóc đen dài hết lưng, vốn mê đọc sách, thuộc lòng những “Nhị độ mai”, “Cung oán ngâm khúc”, “Chinh phụ ngâm, “Tự tình Cao Bá Nhạ”, “Truyện Kiều”… Cô còn đọc mê mải cả những truyện kiếm hiệp giang hồ mã thượng… tập theo sách cả một bài 50 đường quyền! Cũng nhiều đám mai mối tham phán, thừa phán, sĩ quan... nhưng cô chưa ưng ai.

Tuyển tập thơ, họa của nhà thơ Quang Dũng. Ảnh: L.G

Một buổi cô sang thăm hàng xóm, hai người trẻ gặp nhau với đôi câu chuyện hỏi han xã giao rồi chàng khách trọ xuôi về Hà Nội để lại chút bâng khuâng cho người ở lại. Vài hôm sau, cô Thạch nhận được một phong thư đầu tiên của Dũng (tên người khách trọ nhà bên) với những câu trao gửi bày tỏ tình cảm như đã quen biết từ muôn kiếp trước! Những bức thư Dũng viết bằng giấy Pơluya màu hồng, mỏng tang ở góc trên có in bông hoa hồng màu xanh cứ hai, ba ngày lại được gửi tới cô Thạch với dòng chữ đầu tiên: Gửi em, mối tình đầu tiên của anh! (thật đáng tiếc sau này sợ mật thám truy đuổi cha, mẹ tôi đã dùng số thư từ ấy đun được 6 lít nước sôi!). Rồi những hẹn ước được hai người trao gửi cho đến giữa năm 1943, cha tôi từ biệt mẹ để đi xa, họ giãi bày tình cảm dành cho nhau qua những câu thơ: “Anh đi em nát cõi lòng/ Tiễn đưa có chiếc khăn hồng trao tay/ Một mai sương gió dạn dày/ Khăn này với trái tim này bên anh/ Người đi muôn dặm biên đình/ Có khăn hồng nhớ tới tình cố nhân/ Tặng khăn cho khách phong trần / Lòng em gửi đấy được gần nhớ thương”. Chàng cũng quặn lòng mà đáp lại: “Thôi người ở lại nghiệp phong trần/ Tôi nguyện dâng rồi hết tuổi xuân/ Hình bạn nơi tim tôi kính giữ/ Mặc dầu trôi nổi áng phù vân/ (bài thơ rất dài nhưng mẹ tôi chỉ giữ được đoạn này), là hai người cùng lo lắng cho nhau nhỡ chẳng còn gặp lại vì thời buổi loạn ly. Rồi họ dặn dò nhau: “Xin em hãy giữ tình chung thủy/ Muôn dặm đường xa giữ trọn đời/ Mỉm cười tôi sẽ dâng ngang mặt/ Một trái tim vàng nở trước môi”. Người ở lại đáp lời: “Cúi xin thượng đế đỡ nâng người/ Chớ để cho ai vướng phụ lời/ Với người trai trẻ phong sương ấy/ Đồng tâm hòa điệu với hồn tôi/”. Họ cùng giãi bày và làm yên lòng nhau trước lúc biệt ly: “Người đừng mong mỏi một kho tàng/  Đừng ước lầu cao giấc mộng sang/ Tôi về chỉ một hồn đơn chiếc/ Ngọc vàng là những nét phong sương/”… Dặn nhau thế thôi chứ cô Thạch chỉ mong: “Tôi không mong mỏi một kho tàng/ Không ước lầu cao giấc mộng sang/ Người về xin một hồn đơn chiếc/ Ngọc vàng là những phút bên nhau…”.

Sau thời gian đó, gia đình mẹ tôi chuyển sang ở căn nhà bên, nơi có căn gác nhỏ tầng hai mà trước đó cha tôi thường lên thổi sáo ngâm thơ bài “Biệt ly”, khúc biệt ly như đã vận vào cuộc đời hai con người với đôi tâm hồn quấn quýt nhau đến thế. Để rồi sau gần 5 năm cách biệt, trải qua nhiều sóng gió ngáng trở, cha mẹ tôi đã về ở với nhau vào một ngày mùa thu! Giản dị như chính cuộc đời của cha mẹ tôi sau này, một đám cưới cũng chỉ là trong mơ.

Thời gian và tuổi tác sẽ làm phai mờ kí ức, nhạt nhòa những lời thề thốt, không thể phủ nhận cha tôi cũng có những bóng hồng thương cảm nhất là giai đoạn sau này khi ông gặp những phiền muộn trong nghiệp văn chương. Bài thơ “Suối tóc” viết đúng trong giai đoạn cha mẹ tôi xa cách nhau, tình đang đậm đà và nhớ nhung  ăm ắp. Khung cửa sổ quen thân, hoa cau thơm, tiếng sáo dặt dìu và hình bóng ấy, mái tóc ấy… đôi tâm hồn đã trao gửi biết bao lời nồng ấm, đã được chàng thi sĩ phác họa bằng bức tranh đầy cảm xúc:

Suối tóc

Thuở ấy em ngồi trên cửa gác

Tóc buông hong với gió đầu thu

Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa

Ghi vội vàng em mấy nét thơ

Em mải mơ gì dưới nắng êm

Tóc như suối mực chảy êm đềm

Hương nhẹ như là hương hoa cau

Tóc em buông suối chảy về đâu

Thiên thai em mở bừng trong gác

Đựng hết trời xanh chứa hết màu

Giờ hết em đi mùa cũng hết

Những thời hong tóc hiếm làm sao

Rộn ràng nắng mới tìm hương cũ

Ngơ ngẩn chiều đi trước gác cao

Em hãy về đây ngắm lại tranh

Sắc màu còn giữ bóng ngày xanh

Và đây suối tóc qua song cửa

Vẫn chảy êm đềm dưới nắng hanh…

Với người chỉ mong:“ Ngọc vàng là những phút bên nhau..” tôi tin rằng cô Thạch / Mẹ tôi, là nguồn cảm hứng để cha tôi viết bài thơ Suối tóc và dù có “ Em..” nào thêm nữa thì hình ảnh của mẹ vẫn sâu đậm nhất trong tác phẩm!

Những ngày thu tháng 10

Bùi Phương Thảo
.
.