Còn để lại đời sau

Thứ Hai, 16/03/2020, 10:25
Chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý “văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”. Việc tiếp thu các ý kiến đóng góp phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ, phương châm là bình tĩnh lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ rồi tiếp thu tối đa…

5 năm mỗi kỳ đại hội, cùng những vấn đề như nhân sự, hậu cần, an ninh thì việc chuẩn bị văn kiện đại hội là nội dung rường cột, trọng tâm. Các báo cáo, văn kiện vừa có ý nghĩa đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ, hoạch định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, vừa là dấu mốc đánh dấu chặng đường lịch sử phát triển của Đảng, của đất nước. Có những văn kiện đại hội vượt khỏi khuôn khổ thời gian 5 năm, 10 năm, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới, sự sang trang của tiến trình phát triển mà sau này lịch sử ghi nhận như mốc son đặc biệt như văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), mở ra thời kỳ đổi mới của đất nước.

Văn kiện Đại hội VII (năm 1991) với dấu mốc đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đến năm 1996, Đại hội VIII xác lập dấu mốc với các văn kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng... Bởi vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ, phương châm là bình tĩnh lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ rồi tiếp thu tối đa. Không được đơn giản, dễ dãi về cả hai phía, việc tiếp thu phải có lý lẽ, có thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm và phải bảo vệ cho được ý kiến đúng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, tất cả nhận định của các báo cáo khác phải khớp với Báo cáo chính trị, nhất là những nhận định tổng quát; các văn kiện phải có tầm và tổng kết cho đúng, có nhìn lại 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991...

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vào tháng 10-2018 đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Tới nay, Tiểu ban đã qua một năm rưỡi tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung các vấn đề lý luận trong dự thảo văn kiện.

Tại phiên họp đầu tháng 2-2020, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho ý kiến để hoàn thiện thêm một bước dự thảo Báo cáo chính trị để trình Bộ Chính trị xem xét. Tiếp đó, tại cuộc họp Bộ Chính trị mới đây đã cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để gửi đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến.

Bộ Chính trị cho biết, về cơ bản, các dự thảo báo cáo đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, các tiểu ban và tổ biên tập đã rà soát, chỉnh sửa nghiêm túc cả nội dung và hình thức, chuẩn xác hóa trong diễn đạt, làm rõ nội hàm các khái niệm, nội dung, vấn đề, bảo đảm sự nhất quán, tránh mâu thuẫn, trùng chéo, không sai sót về kỹ thuật văn bản, đủ điều kiện in ấn, gửi phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở sắp tới.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các dự thảo báo cáo về cơ bản đã thống nhất nhưng cần rà lại, câu chữ có thể đa dạng, phong phú song quan điểm, tư tưởng, ý tứ phải thống nhất với nhau. Chỗ nào còn ý kiến khác nhau mà có lý lẽ, lập luận tương đối chấp nhận được, chưa có kết luận thì đưa ra 2 hoặc 3 phương án để tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến đóng góp. Trong diễn đạt, văn phong cần rà soát lại cho chính xác, trong sáng, dễ hiểu, không để các câu văn nói vì đây là văn kiện đại hội, để lại cho muôn đời sau.

Tới đây, dự thảo văn kiện sẽ được lấy ý kiến tại đại hội đảng các cấp, sau đó lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đây là phương pháp, cách thức làm việc thể hiện rõ tính khoa học, dân chủ của Đảng ta, để có các báo cáo văn kiện hoàn chỉnh nhất, ưu việt nhất, vì sự phát triển của đất nước. Việc lấy ý kiến tất sẽ có những quan điểm, những vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, song nhất thiết phải bám trên nền tảng tư tưởng khoa học Mác - Lênin.

Một nguyên tắc nhất quán: Các báo cáo trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các báo cáo phải là kết quả của nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, quán triệt, vận dụng các phương pháp biện chứng duy vật trong đánh giá, phân tích, trình bày, nhất là các quan điểm khách quan, toàn diện, phát triển, thực tiễn và lịch sử, đồng thời tránh cực đoan, phiến diện. Phải biết kế thừa và đổi mới, cập nhật sự biến đổi của tình hình quốc tế và trong nước, nhất là những thành tựu của văn minh nhân loại, những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vận dụng có hiệu quả vào điều kiện nước ta.

Diện mạo đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ảnh: zing.vn.

Trong vấn đề đó, chúng ta cảnh giác với những tổ chức, cá nhân mượn cớ đóng góp ý kiến để tung hỏa mù, đánh lận bản chất, lấy cớ kích động chống phá. Thời gian qua, trên một số diễn đàn đã tán phát các “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “góp ý”, trong đó có những bản đề gửi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhân danh góp ý, kiến nghị, song nội dung trong đó rất sai lệch, thực chất là đòi phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với việc Đảng ta tiến hành tổng kết, xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII và tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011), nội dung những “thư ngỏ”, “kiến nghị” này cho rằng, cần xóa bỏ hến pháp hiện hành để xác định lại con đường đi cho dân tộc. Họ đưa ra yêu sách “trên trời” mang tư tưởng chống đối, đòi chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hủy bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải đặc xá, trả tự do cho những người mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”... Rõ ràng, bản chất của những nội dung đòi hỏi phi lý như vậy thực chất là lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Cũng như việc chuẩn bị các kỳ đại hội trước đây, tiến trình đổi mới là đánh giá, tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những vấn đề khiếm khuyết, những hạn chế để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp. Còn con đường đi lên của dân tộc đã được lịch sử lựa chọn từ năm 1930, được xác định rõ bằng các đặc trưng trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011. Tổng kết để kiên định con đường đi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nhấn mạnh hơn 30 năm qua Đảng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo, cụ thể là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đây là bài học lớn rất thành công của cách mạng Việt Nam, là sự vững vàng của Đảng ta.

Trong sự nghiệp phát triển, kẻ địch thường bới móc những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để miệt thị, đổ vấy “cho chế độ cộng sản”. Trong khi đó, sự phát triển, sự tiến bộ là khuynh hướng chung, là dòng chảy chủ đạo với những con số, dữ liệu thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội thì chúng cố tình lảng tránh, bỏ qua. Đây là tư duy, cách nhìn phiến diện kiểu “bới lông tìm vết”.

Chúng ta có thể chưa hài lòng với thu nhập, với mức sống hiện tại nhưng khi nhìn nhận dòng chảy với sự phát triển vượt bậc trong hơn 3 thập niên đất nước đổi mới bằng những ví dụ, minh chứng giản dị nhất trong đời sống gia đình mỗi người sẽ thấy rõ điều đó. Bà Trần Thị Hải Nhi, một cán bộ hưu trí Hà Nội từng đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tặng lại kỷ vật là chiếc phích đá của gia đình để trưng bày tại chuyên đề “Đổi mới - Hành trình của ước mơ”.

Chia sẻ ký ức về những năm tháng sống trong thời kỳ đất nước còn bao cấp, bà Nhi kể rằng, năm 1984, chồng bà sang Liên Xô công tác gửi về chiếc phích đá và dặn rằng, nếu khó khăn quá thì bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Thời đó, chiếc phích đá là một vật dụng có giá trị, bán đi cũng mua sắm được rất nhiều thứ khác. Nhưng, bà vẫn giữ gìn, thường dùng phích đá đựng cơm mang đi làm buổi sáng, chiều về lại dùng mua ít kem Tràng Tiền cho các con. “Nay, nhìn từ chiếc phích đá mà so với đời sống vật chất hiện tại, quả một trời một vực, cho thấy sự phát triển lớn lao của đất nước và trong mỗi gia đình” - bà chia sẻ.

Câu chuyện nhỏ của bà cũng là câu chuyện của một thế hệ, một góc nhìn cách nay hơn 3 thập niên để thấy cơ đồ đất nước ngày hôm nay đạt được là to lớn, ý nghĩa như thế nào.

An Nhi
.
.