Cõi điện ảnh của Hồ Quang Minh, một tương phản với Trần Anh Hùng
Không rõ ý họ không tin phim này làm ở Việt Nam là vì lí do gì, vì kỹ thuật làm phim, hay vì bầu không khí của bộ phim. Nhưng giả dụ như là vì lí do sau, thì cũng thật kỳ lạ bởi chỉ mấy năm sau đó, chính Cannes trao cho Trần Anh Hùng giải Camera d'Or (Máy Quay Vàng) cho bộ phim đầu tay “Mùi đu đủ xanh”.
Cùng là những đạo diễn Việt Kiều, cùng có một nàng thơ chính là vợ - người cũng chỉ đóng phim do chồng mình làm (Trần Anh Hùng có Trần Nữ Yên Khê và Hồ Quang Minh có Hồ Phương Dung), cùng có gì đó liên quan tới đạo diễn Lê Lâm (những năm lẫm chẫm vào nghề, Hồ Quang Minh từng làm trợ lý cho Lê Lâm khi Lê Lâm thực hiện bộ phim “Đế chế tàn vụn” (Poussière d'empire) còn Trần Anh Hùng thì nói nếu không có “Đế chế tàn vụn” thì không có “Mùi đu đủ xanh”) Tất nhiên họ cùng kể những câu chuyện về Việt Nam.
Nhưng trong khi Trần Anh Hùng duy mỹ một cách tuyệt đối, song chính vì thế mà có gì đó xa lạ, các nhân vật của Trần Anh Hùng dù rõ là người Việt nhưng lại như bước tới từ những giấc mơ của chính tác giả hơn, thì Hồ Quang Minh lại thâu nạp những triết lý rất bản địa, và những nhân vật của ông là kết quả của những va chạm giữa truyền thống và đổi mới, giữa vần xoay lịch sử và nội tâm con người.
Một cảnh ấn tượng trong phim “Con thú tật nguyền”. |
Không phải Hồ Quang Minh không duy mỹ. Nói riêng “Con thú tật nguyền”, có ít nhất hai cảnh phim vô cùng đẹp. Một cảnh đầu phim, có một người phụ nữ vận đồ trắng đi giữa sa mạc mênh mông, rồi một người đàn ông mặc đồ lính, mặt quấn kín băng trắng, ném cho cô những xấp tiền - một cảnh phim đầy chất siêu thực và biểu tượng.
Một cảnh khác, cảnh khiêu vũ trong hộp đêm, một vũ nữ khiêu vũ một mình dưới ánh sáng vàng vọt trong tiếng kèn hơi bài “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn - một cảnh phim đầy bóng tối và buồn mênh mông. Nhưng sự duy mỹ của Hồ Quang Minh không xoáy vào những chi tiết có vẻ Á Đông bí ẩn và xa lạ với người phương Tây như ở Trần Anh Hùng.
Có lẽ vì thế mà người ta nghĩ nó không giống một bộ phim làm tại Việt Nam chăng? Bao giờ cũng vậy, trong mắt người da trắng, dân da vàng có gì đó thật kỳ lạ, thật khác biệt, thật không giống họ, và một bộ phim cứ phải như vậy thì theo họ, mới đúng là châu Á.
“Con thú tật nguyền” do Hồ Quang Minh làm cùng Hãng phim Giải Phóng sau khi đoạt giải Bông sen Bạc với một bộ phim tài liệu ngắn. Sau này, các đạo diễn Việt kiều nhiều như sao trên trời, được đón nhận nhiệt liệt, những đạo diễn bảo chứng cho doanh thu phòng vé thì có Charlie Nguyễn, Victor Vũ, còn các phim nghệ thuật hơn thì có Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Lưu Huỳnh, Đoàn Minh Phượng, Leon Lê.
Nhưng thời Hồ Quang Minh mới làm phim, thậm chí còn chưa có cơ chế cho đạo diễn Việt kiều làm phim với các hãng phim Việt Nam, và muốn làm thì phải theo diện liên doanh.
“Con thú tật nguyền” kể về quân đội rệu rã của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, họ vừa đánh nhau, vừa vướng vào những cuộc yêu đương rắc rối với những cô gái điếm si tình. Đó là một bộ phim chiến tranh, nhưng lại không phải một bộ phim chính trị.
Thay vì co cứng hình ảnh những người lính miền Nam như quân cờ của một ý thức hệ nào đó hay nạn nhân của một chế độ đang suy đồi như sách sử vẫn thường mô tả, Hồ Quang Minh nhìn họ trên tư cách con người, chỉ là họ bị mắc kẹt trong một thời đại bất thường mà thôi.
Việt Nam hiện lên Việt Nam vô cùng, bất chấp vẻ ngoài không kín đáo của nó, bất chấp những cảnh khỏa thân, những câu thoại đầy tính "khiêu khích". Nga, nhân vật nữ chính, cô gái làng chơi yêu Bình, một người lính, một người lính với gương mặt bị hủy nhan, nhưng anh ta khinh rẻ cô.
Nga không phải một Thúy Kiều phiên bản hiện đại, chẳng gì bào chữa được cho việc nàng làm điếm, nhưng trong cái cách nàng lẽo đẽo theo người đàn ông ấy cả đến khi anh ta chết, sự cao quý trong tình yêu của nàng không thể không khiến người ta nghĩ tới nhân vật Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh - một tâm hồn đại diện cho tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Cảnh cuối của “Thời xa vắng”. |
Đời làm phim của Hồ Quang Minh không thực sự đồ sộ. Ngoài “Phường tôi” là một bộ phim tài liệu ngắn, chỉ có bốn tác phẩm điện ảnh, sau “Con thú tật nguyền” có “Nhân dân là trang giấy trắng”, “Bụi hồng”, và ‘Thời xa vắng”.
Và trong bốn phim này, nếu trừ đi “Nhân dân là trang giấy trắng” vì bộ phim kể về một phụ nữ Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ, thì ba bộ phim còn lại hãy cứ tạm coi là "Vietnam trilogy" (Việt Nam tam bộ khúc, như cách người ta hay gọi về “Mùi đu đủ xanh” - “Xích lô” - “Mùa hè chiều thẳng đứng” của Trần Anh Hùng).
Ba phim - ba bối cảnh địa lý - ba câu chuyện không có gì liên hệ trừ cái nền chung là những thăng trầm khói lửa, “Con thú tật nguyền”, như đã nói, là câu chuyện một người lính Việt Nam Cộng hòa và mối tình oan trái với cô gái làng chơi, “Bụi hồng” lại là câu chuyện về một ngôi chùa ở Huế, với một vị cung phi cắt tóc đi tu sau khi vua Bảo Đại thoái vị, còn “Thời xa vắng”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu, là câu chuyện của một anh nông dân miền Bắc phải ôm khư khư những đòi hỏi của gia đình, của thời đại mà anh sống, nhưng sâu trong anh, hình như có điều gì khác. Vậy nhưng, chúng gặp nhau ở những tâm hồn mà ta chỉ có thể ở một đất nước với những biến cố đó, những ẩn ức đó và những mơ ước đó.
Sống trong một thời đại rút cạn kiệt năng lượng của một đời người, bởi chiến tranh, bởi xây dựng đất nước mới, bởi những chế độ sụp đổ, con người không bao giờ được yên ổn trong tâm hồn, họ cứ âm thầm đau đáu đi tìm một cái gì đó cắt nghĩa được chính mình, cho mình và cho riêng mình.
Sài của “Thời xa vắng” vọng tưởng về một tình yêu tự do, một tình yêu cao khiết, văn minh, thoát tục, vượt ra khỏi cái lán nhà u tối với người vợ không biết chữ mà anh buộc phải cưới về để đẹp mặt dòng họ. Người cung phi lên chùa, những tưởng từ đây cắt đứt với thế nhân, nhưng bủa vây ngôi chùa là giặc Tây rồi lại giặc ta, và sống trong cái thời mà một nhà sư phải xuống đường tự thiêu để tỏ rõ lòng mình, chốn Phật đài, nơi nhập thất cũng không còn là chỗ an ổn thanh tu nữa.
Cái khác biệt giữa Hồ Quang Minh và Trần Anh Hùng là sự hòa giải - và có lẽ đó là điều Á Đông nhất ở Hồ Quang Minh mà ta thấy hơi thiếu vắng ở Trần Anh Hùng. Trong bộ phim có tính xã hội nhất của mình là “Xích lô”, Trần Anh Hùng đã đẩy các nhân vật đến tận cùng của sự tự sát, của cơn phê ma túy, của cơn điên. Ngay cả khi cuộc sống của họ trở lại bình thường ở đoạn cuối cùng, thì đấy là bởi nó buộc phải thế chứ không hẳn là họ đã hòa giải được với nhau và với số phận của mình. Họ thiếu sự đối thoại và thấu hiểu đến cùng cực.
Còn với Hồ Quang Minh thì khác, những cảnh quan trọng nhất của Hồ Quang Minh - những cảnh cuối phim - luôn là sự đối thoại. Dù đó có thể là cuộc đối thoại giữa kẻ đang sống và người đã chết chỉ toàn tiếng nức nở trên chuyến đò chở thi hài (“Con thú tật nguyền”, khi Bình chết và Nga theo đưa xác Bình đi).
Dù đó có thể là một cuộc đối thoại hoàn toàn lặng im giữa ba chị em trong “Bụi hồng” - một người đã đi tu, hai người còn lại vốn trước kia ở hai chiến tuyến Nam - Bắc. Hoặc là một cuộc đối thoại cũng im lặng nữa, khi Sài, trong đám cưới đứa con, bảo nó hãy gọi cả mẹ nó - người vợ anh đã xa lánh bấy nhiêu năm - lên chụp một tấm ảnh gia đình. Người vợ cứ vừa khóc vừa mếu, đứng gượng gạo bên chồng, máy ảnh lóe sáng và phim kết thúc.
Cảnh cuối của “Thời xa vắng” chắc chắn là một trong những cảnh phim đáng nhớ nhất, xúc động nhất của điện ảnh Việt Nam. Nó làm người viết bài nhớ đến cảnh cuối trong “Bi tình thành thị” - bộ phim Đài Loan của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền từng được Liên hoan phim Busan xếp số một trong danh sách 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. “Bi tình thành thị” kể về lịch sử một gia đình gắn liền với lịch sử một giai đoạn u ám của Đài Loan. Vậy mà đến cảnh cuối cùng, gia đình họ Lâm vẫn ngồi bên nhau trong một mâm cơm, trong khi cả 4 người con trai, kẻ thì chết, kẻ thì hóa điên, kẻ thì mất tích.
Á Đông có lẽ chính là như vậy, sau tất cả, ta hòa giải, thậm chí thỏa hiệp với số phận của mình, để sống, để tiếp tục sống.