Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi: Người chèo lái quyền lực
- Bà San Suu Kyi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar
- Trái tim sắt đá của hoa hồng
- Vai trò và ảnh hưởng của Aung San Suu Kyi với chính trường Myanmar
Các chuyên gia nhận định, “Cố vấn quốc gia” là vị trí đứng giữa Tổng thống và Quốc hội, sẽ củng cố ảnh hưởng của bà Suu Kyi trong cả hai lĩnh vực hành pháp và lập pháp. Do đó, bà Suu Kyi có quyền chỉ đạo Quốc hội, yêu cầu Quốc hội nhóm họp khi cần thiết, xem xét tất cả các vấn đề then chốt của chính phủ và điều phối các vấn đề liên bộ.
Chức vụ này cũng giúp bà Aung San Suu Kyi có trách nhiệm lớn hơn với tiến trình dân chủ và trong các cuộc thương lượng về hòa bình quốc gia. Việc bà Suu Kyi xuất hiện trong danh sách nội các để thúc đẩy cải cách đất nước khẳng định tính chính đáng của bà trên cương vị “người chèo lái” con thuyền Myanmar. Bà Suu Kyi muốn trở thành trái tim của Chính phủ, và bà muốn làm điều đó một cách chính thức và hợp pháp.
Việc trở thành “cố vấn quốc gia” và nhậm chức ở bốn vị trí cấp bộ trưởng khiến bà Aung San Suu Kyi trở thành người quyền lực nhất trong Chính phủ.
Quyền lực của “siêu bộ trưởng”
Hiến pháp Myanmar, do quân đội dự thảo, cấm bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống, do bà có con và chồng là công dân ngoại quốc. Trong chiến dịch tranh cử, bà từng tuyên bố sẽ giữ vị thế “cao hơn” cả Tổng thống, ít nhất cho đến khi bà đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp Myanmar.
Và đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà đã cho thấy cách thức họ hiện thực hóa mục tiêu đó khi tiến hành những bước đi đầu tiên để chính thức hóa vị trí lãnh đạo đất nước của bà, đồng thời “lách” những quy định nghiêm ngặt của hiến pháp.
Đảng NLD, sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đã đệ trình lên Quốc hội Myanmar một đạo luật cho ra đời vị trí “Cố vấn nhà nước” và bổ nhiệm bà Suu Kyi vào cương vị này. Bất chấp việc quân đội phản đối, dự luật dễ dàng được thông qua khi đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo chiếm đa số ở lưỡng viện.
Dự luật bổ nhiệm cố vấn nhà nước gồm 5 chương và 8 điều, theo đó bà Aung San Suu Kyi được quyền tiếp xúc các bộ, ngành cũng như các tổ chức và cá nhân trong chính phủ để phục vụ công tác cố vấn. Vị trí này sẽ giúp bà San Suu Kyi củng cố ảnh hưởng với cả nhánh hành pháp và lập pháp của Myanmar, vốn đã do các đồng minh của bà nắm giữ.Việc trở thành “cố vấn quốc gia” và nhậm chức ở bốn vị trí cấp bộ trưởng khiến bà Aung San Suu Kyi trở thành người quyền lực nhất trong Chính phủ. |
Đồng thời cũng đánh dấu sự thăng tiến mạnh mẽ của người phụ nữ từng là tù nhân chính trị suốt 15 năm khi bà sẽ dẫn dắt cả chính phủ và Quốc hội. Dự luật mới cũng có thể coi là một nỗ lực nhằm bảo vệ thành viên nữ duy nhất của nội các mới khỏi cáo buộc rằng bà đang hành động trái với hiến pháp bằng việc nắm giữ quá nhiều quyền hành.
Cùng lúc đó, bà Suu Kyi cũng được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng, kiêm Bộ trưởng Văn phòng tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng. Việc giữ chức Ngoại trưởng sẽ giúp bà Suu Kyi dễ dàng có được ảnh hưởng quốc tế và có chân trong Hội đồng Quốc phòng và An ninh đầy thế lực - một nhóm cố vấn quan trọng của Tổng thống nhưng lại do quân đội chi phối.
Sự có mặt của bà tại cơ quan quyền lực này cũng là cách tốt nhất để kiềm chế quân đội, lực lượng vẫn giữ quyền lực chính trị mạnh mẽ khi Tư lệnh quân đội có quyền kiểm soát trực tiếp ba bộ quan trọng là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Các vấn đề biên giới. Việc nhậm chức bốn vị trí cấp bộ trưởng, đồng thời là lãnh đạo phe đa số của đảng NLD tại Quốc hội, khiến bà Suu Kyi trở thành người quyền lực nhất trong chính phủ.
Theo giới quan sát, việc đảm nhiệm nhiều trọng trách có thể khiến bà Suu Kyi gặp nhiều khó khăn để làm tròn mọi vai trò. Bởi lẽ, thay đổi quyền lực tại Myanmar không phải là thay đổi hoàn toàn khi quân đội vẫn có quyền lực mạnh nhất, đồng thời nắm các bộ quan trọng và nhạy cảm.
Hiến pháp nước này quy định, quân đội đương nhiên có 1/4 số ghế tại Quốc hội, mà bất cứ dự luật nào đều phải nhận được sự ủng hộ của 3/4 số phiếu của các đại biểu Quốc hội mới được thông qua.
Thách thức lớn nhất của bà Suu Kyi chính là “vòng kim cô” do quân đội niệm chú. |
Tham vọng đổi thay
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức. Ông Htin Kyaw là “chiến hữu” của bà Aung San Suu Kyi trong nhiều năm qua, sự phối hợp giữa hai người luôn “nhịp nhàng” không kẽ hở. Nhưng trong lần chuyển giao quyền lực thực chất nhất suốt hơn nửa thế kỷ qua của Myanmar này, vai chính vẫn là “nữ thần dân chủ” Aung San Suu Kyi.
Trong chính quyền mới của Myanmar, bà Suu Kyi vừa phối hợp với Tổng thống vừa chủ quản bốn cơ quan thiết yếu, gánh vác sứ mệnh thúc đẩy cải cách, dẫn dắt Myanmar xóa bỏ bộ mặt đói nghèo và đóng cửa, thay bằng diện mạo mới.
Kinh nghiệm của bà Suu Kyi trong việc đối phó với quân đội, xử lý quan hệ quốc tế và chủ nghĩa thực dụng cực đoan khiến bà trở thành người có nhiều kinh nghiệm nhất trong đảng. Nhờ vậy, quân đội Myanmar đã chấp thuận chính phủ mới với mong muốn xây dựng đất nước này trở thành một quốc gia có chủ quyền, độc lập, ổn định và đáng tin cậy ở châu Á, đồng thời bảo đảm Myanmar có một vị trí tương đương với các nước thành viên khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đối diện với một Myanmar “hoang tàn đổ nát”, đời sống nhân dân khó khăn, tham nhũng tràn lan và cơ sở hạ tầng thấp kém, cộng thêm xung đột sắc tộc và tôn giáo, bà Aung San Suu Kyi chắc chắn sẽ cùng nội các tiến hành nhiều chính sách quan trọng để vực dậy tinh thần dân tộc.
Nhiều chuyên gia dự báo, chính sách đối ngoại của Myanmar trong thời gian tới, dưới sự chèo lái của bà Aung San Suu Kyi, sẽ có nhiều bước đột phá. Theo đó, Myanmar sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài và quan trọng hơn, sẽ hướng về phương Tây, nơi có thể tìm kiếm các quan hệ đối tác song phương nhằm phục vụ xây dựng lại đất nước.
Trong tương lai, Myanmar có thể phải cân bằng mối quan hệ với các nước thông qua phát triển các khoản đầu tư vào nước này với phương Tây và các nước Đông Nam Á khác.
Myanmar sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài và tìm kiếm các quan hệ đối tác song phương nhằm phục vụ xây dựng lại đất nước. |
Đặc biệt, Myanmar dường như đang đẩy mạnh kết nối với Ấn Độ nhằm hình thành một hành lang trên bộ về phía Đông Bắc của Ấn Độ và xa hơn là khu trung tâm của Ấn Độ, nơi có thể đa dạng hóa các loại hình thương mại. Đây được coi là bước tạo đà để Myanmar tiến hành công cuộc cải cách đất nước dưới sự điều hành của một chính phủ dân cử đầu tiên ở đất nước này.
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Myanmar bắt đầu tỏ thái độ “cứng rắn”. Trước đây, các khoản đầu tư đơn phương của Trung Quốc tại Myanmar được khuyến khích hơn. Tuy nhiên, điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển quốc gia và nghiêm trọng hơn, làm bùng lên những căng thẳng sắc tộc ở các khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Vẫn biết, Bắc Kinh ngỏ ý sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế đáng kể cho Myanmar nhằm khôi phục quan hệ đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Thein Sein.
Thế nhưng, bà Aung San Suu Kyi lại tỏ ra khá điềm tĩnh, mặc dù về mặt ngoại giao bà khẳng định rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng là rất quan trọng. Thái độ của bà Suu Kyi cho thấy, Myanmar đang ý thức được vai trò và giá trị của mình trong chiến lược của các siêu cường.
Đáng chú ý là việc Myanmar quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện Mytisone và các dự án khai thác mỏ Letpadaung do không đem lại lợi ích cho nước này, đặc biệt về môi trường. Rõ ràng, Myanmar đã trở nên thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, bất chấp những lời hứa “hào phóng và ngon ngọt” của Bắc Kinh.
Chưa hết, căng thẳng leo thang trên Biển Đông gần đây vì các hành động phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc càng khiến Myanmar phải suy tính kỹ càng hơn. Tất nhiên, Chính phủ Myanmar do đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng muốn triển khai quan hệ hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng lâu năm.
Thế nên, nữ “cố vấn quốc gia” sẽ phải khéo léo áp dụng một cách tiếp cận thực dụng trong chính sách đối ngoại để thu hút tối đa các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời vẫn duy trì thái độ hết sức cảnh giác đối với Chính phủ Trung Quốc…