Có nên bỏ Tết Nguyên đán?
Trước hết chúng ta phải cùng nhau khẳng định rằng: Chính chúng ta đã làm cho Tết trở nên mệt mỏi và sợ hãi hoặc chúng ta bị xã hội cuốn vào sự mệt mỏi và sợ hãi ấy. Trước kia, khi đất nước còn nghèo đói, thì nỗi lo cho Tết cũng có. Nhưng đó là một nỗi lo đầy náo nức và hạnh phúc.
Những năm tháng đó, người ta chuẩn bị cho Tết từ nhiều tháng trước. Chuẩn bị gạo nếp để gói bánh chưng, chuẩn bị rượu mùi, chuẩn bị chè, thuốc, chuẩn bị lợn gà, chuẩn bị măng miến, chuẩn bị từng chai nước mắm đến một gói nhỏ hạt tiêu, chuẩn bị mua sắm quần áo Tết cho những đứa trẻ trong gia đình. Ngày nay, những thứ như vậy đã bày bán tràn ngập từ nông thôn đến thành thị.
Hơn thế nữa, hàng nhập ngoại cũng tràn ngập như thịt bò Nhật, Mỹ, Úc, ngập tràn rượu vang Chile, Pháp, Tây Ban Nha, ngập tràn cam Úc, nho Anh, ngập tràn cá hồi Na-uy hay cá hồi Alaska, rồi ngập tràn các loại hoa đẹp... Nhưng một nỗi lo lớn, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi là lo biếu xén.
Đối tượng biếu quà Tết trước kia là ông bà, cha mẹ, nhà nội, nhà ngoại, bạn bè thân thiết. Hồi đó quà biếu Tết rất nhẹ nhàng nhưng luôn mang cảm giác ấm áp như biếu một cặp gà nhà nuôi, con cá nhà thả, bánh chưng, bánh mật, bánh gai nhà gói, thêm nữa là lạng chè, bao thuốc, chai rượu mùi... Nhưng đối tượng biếu xén quà Tết ngày nay đáng lo nhất là các ông, bà... lãnh đạo.
Trong bản chất quà biếu Tết luôn chứa đựng những phong tục đẹp, những tình cảm trong sáng. Còn bây giờ, dù có thích hay không thích lãnh đạo của mình người ta vẫn phải có quà biếu. Bây giờ, chẳng ai lại đi biếu lãnh đạo cặp bánh chưng, đôi gà, con cá hay chè thuốc, mà quà biếu ngày nay thường là một túi quà với những chai rượu rất đắt hoặc một thứ đồ lạ và kèm thêm là một phong bì chúc mừng năm mới chủ yếu là để đựng tiền.
Có những người lấy Tết là cơ hội để “nịnh” lãnh đạo hoặc là để “chạy” một cái gì đấy như lên lương, đề bạt hay xin việc cho ai đó... Và như vậy, quà Tết không thể “trung bình” được. Sức ép này quả là quá lớn đối với những người có thu nhập thấp. Nhưng dù có thu nhập thấp thì quà biếu lãnh đạo cũng không thể thấp. Vì biếu quà ít quá sẽ có ông, bà lãnh đạo nghĩ nó coi thường mình đây. Biếu quà như vậy có khi còn mang vạ vào thân.
Cho nên dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng cũng phải nghiến răng mà lo quà Tết. Và trước Tết chừng nửa tháng, đường phố tắc nghẽn vì quá nhiều người lao ra đường đi thực thi sứ mệnh “biếu quà Tết”. Có người đi biếu quà cả mươi ngày trước Tết. Biếu xong là lăn ra ốm vì quá mệt. Mệt vì lo quà và mệt vì đi đưa quà.
Biếu quà cho ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, thầy thuốc, người thân, bạn bè và cả lãnh đạo là cử chỉ đẹp nhân một năm mới sắp đến. Nhưng biếu quà như ngày nay đã làm mất đi bản chất của cử chỉ đẹp và ấm áp đó. Hơn nữa, việc ăn Tết ngày nay của chúng ta quá là lãng phí. Có những người được nhận quá nhiều quà Tết đã phải tiêu hủy sau Tết vì không thể nào dùng hết.
Tết truyền thống của chúng ta không phải tự nó sinh ra những thứ làm chúng ta bây giờ thấy mệt mỏi và cả sợ hãi. Tết là khoảng thời gian chứa đựng bao điều tốt đẹp và thiêng liêng. Đó là những ngày mà mỗi con người đều hướng về tổ tiên, ông bà mình, là những ngày mà mỗi người đi xa đều tìm cách trở về ngôi nhà của mình để gặp những người thân yêu và bạn bè.
Tết là cơ hội mỗi người tự xem lại mình trong năm cũ đã làm những được những gì và chưa làm được những gì. Tết đã tạo ra niềm hứng khởi và niềm tin mãnh liệt hơn cho những ai đã gặt hái nhiều thành công trong năm cũ và làm cho những người không may mắn trong năm cũ hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn đối với cá nhân họ, gia đình họ và rộng lớn hơn là đất nước họ. Và điều quan trọng nhất là Tết luôn mang lại cho con người những khoảnh khắc thiêng liêng, xúc động và tràn ngập hy vọng.
Nếu bây giờ bỏ Tết Nguyên đán đi thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều điều tốt đẹp của khoảnh khắc thiêng liêng và xúc động nhất trong một năm. Không phải cái gì chúng ta không quản lý được thì chúng ta lại dẹp bỏ hoặc ra lệnh cấm. Chúng ta phải phân tích thật kỹ lưỡng ảnh hưởng của những phong tục truyền thống đối với sự hình thành và tạo dựng tâm hồn Việt trong những vẻ đẹp của văn hóa Việt.
Khi chúng ta không thay đổi được con người và tư duy của chúng ta thì cái áo chúng ta mặc, ngôi nhà chúng ta ở, thức ăn chúng ta ăn... có thay đổi thế nào chúng ta vẫn cứ không thay đổi.
Những phong tục, tập quán truyền thống đã được tạo dựng và sống qua hàng trăm, hàng ngàn năm đã làm nên những vẻ đẹp của văn hóa Việt. Chỉ có chúng ta mới biến những phong tục tập quán ấy thành những hành động phi văn hóa mà thôi. Những lễ hội dân gian thực sự là những vẻ đẹp văn hóa Việt nhưng ngày nay đã bị lợi dụng và biến tướng quá nhiều. Khi chúng ta đi chùa để cầu lợi, cầu danh thì chùa chiền đối với chúng ta đã trở thành một thứ khác.
Còn như tổ tiên, ông bà ta dựng chùa và đi chùa để hướng tâm mình về những điều thanh thản, tốt đẹp, nhân ái thì chùa chiền thực sự là một nơi chốn thiêng liêng. Tất cả là do ý thức và hành động của chúng ta. Với cá nhân tôi, Tết luôn mang lại cho tôi những gì ấm áp nhất, hy vọng nhất và thiêng liêng nhất.