Chuyện như đùa của những thân phận con lai lính thợ thế hệ đầu tiên
- Phận đời đáng thương của một người con lai
- Người con lai 20 năm viết đơn tìm cha
- Văn hào Pháp Alexandre Dumas: "Đứa con lai" vĩ đại
Mộ phu, thực chất là bắt phu. Mỗi gia đình phải có một đinh (trai tráng) tham gia. Nhà nào có tiền thì thuê người khác đi thế chân. 20 nghìn nông dân nghèo gốc Việt bị xuống tàu biển để sang cứu “mẫu quốc”.
Họ bị đối xử bất công và bóc lột thậm tệ. Chính quyền Pháp xếp họ là loại “lao động chân tay người bản địa” (Main dœuvres dIndigène, viết tắt là M.O.I”. MOI trở thành từ ngữ mà người Pháp dùng để chỉ người lao động không chuyên nghiệp gốc từ thuộc địa.
Dần dần, chữ “mọi” và “nhà quê” là cách gọi khinh miệt đối với dân thuộc địa Đông Dương (một sự trùng lặp phát âm, chữ “mọi” trong tiếng Việt để chỉ người dân tộc chưa văn minh, hoang dại; và người Pháp cũng dùng từ “mọi” để chỉ dân lao động xuất thân nông dân, bản xứ với sự khinh miệt người Việt).
Khi sang Pháp, lính thợ được đưa tạm sống trong nhà tù mới xây, để chờ phân đi các nơi. Họ bị đeo biển số, lăn tay như tội phạm. Họ không được hưởng lương lao động như người Pháp. Sự bình đẳng giữa người dân thuộc địa và người Pháp là ảo tưởng. Họ sinh ra trong thuộc địa Pháp, nhưng chính quyền Pháp không bao giờ coi họ là người Pháp.
Chính quyền thuộc địa luôn nói khẩu hiệu “Bình đẳng, tự do và bác ái”, và kêu gọi họ sang Pháp lao động với khẩu hiệu mị dân “Vì Tổ quốc Pháp, mẫu quốc đang gian nguy, đi cứu nước”. Giấy khai thông hành thời đó cấp cho họ cũng chứng minh sự phân biệt chủng tộc.
Trên tờ giấy bắt khai: “giống gì” (Race = từ chỉ giống súc vật, giống da trắng, da vàng, da đen…). Trên giấy ghi “giống: AnnamiteNam kỳ”. Annamite cũng là từ chỉ người Việt với ý coi thường. Họ bị đưa vào các nhà máy chế tạo thuốc súng, vũ khí, và hầm mỏ - những nơi làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt, nguy hiểm, độc hại.
Hậu duệ nông dân Việt ở Pháp (1939-1948) tại nhà Carasco Michèle Béti. |
Họ “được” trả lương rẻ mạt, chỗ ở tồi tàn không có trợ cấp theo quy định cho người lao động Pháp thời đó. Chủ còn cắt phần lương của họ với lý do nhân đạo giả hiệu “tiết kiệm cho họ, sau về quê sẽ có một khoản lớn”. Thực chất, số tiền lớn này họ không bao giờ nhận được. Trong số người lao động đó, 500 người nông dân Việt bị đến vùng Camargue trồng thử lúa, cải tạo đất. Họ phải ngủ trong lều tôn xây tạm giữa mùa đông băng giá.
Vốn không thạo ngôn ngữ, bản chất hiền lành, nhút nhát, nông dân Việt Nam không dám than phiền và không dám đấu tranh, nên càng bị chủ bóc lột. Một số người chịu không nổi cực khổ đã “đào ngũ” và bị bắt lại. Tần tảo chịu đựng gian khổ, có kinh nghiệm của cha ông lấn biển và trồng lúa nước, nông dân Việt đã biến vùng đất lợ hoang vu nơi đây thành vựa lúa trù phú, nổi tiếng nước Pháp ngày nay.
Khi tình hình Đông Dương xáo trộn lớn, lo sợ đội quân này sẽ là lực lượng ủng hộ Việt Minh, lôi kéo nhiều người Pháp tiến bộ yêu hòa bình, Chính phủ Pháp bèn đưa họ trở về Đông Dương. Hơn 17 nghìn người độc thân trở về không được lĩnh trợ cấp “cất hộ” như đã hứa.
Những người có gia đình, kết hôn với người Pháp nằm danh sách về sau. Chính quyền Pháp nghĩ rằng: những gia đình này không đáng lo ngại vì vợ người Pháp. Nhiều người xin ở lại vì không được phép đưa vợ con về theo. Nếu gia đình nào muốn về, phải tự túc vé. Bị bóc lột thậm tệ, vợ hầu như không nghề nghiệp chỉ ở nhà chăm lo con cái, họ không thể có tiền mua vé tàu cho chính họ, nói gì đến chuyện mua vé cho cả gia đình.
Chính quyền Pháp có lý khi đưa đại đa số lao động này trở về, nhưng đã nhầm tưởng người ở lại sẽ là những người đã quên Tổ quốc, vì kết hôn với người Pháp. Chính phủ Pháp lúc đó lo sợ người nông dân Việt nổi giận đứng lên biểu tình đòi giải phóng thuộc địa ngay trên đất Pháp. Pháp đã không nhầm.
Năm 1945, khi nghe tin Việt Nam giành độc lập, lính thợ ở lại đã khóc và tham gia biểu tình giương cao lá cờ đỏ sao vàng công khai ủng hộ Việt Minh và Hồ Chí Minh. Nhiều người bị bắt và nhà bị lục soát. Mật vụ Pháp luôn theo dõi hoạt động của những người lao động Việt yêu nước này.
Những người lao động Đông Dương tham gia biểu tình ở trại Mazargues, à Marseille, 1948. |
Sau Thế chiến hai, Chính phủ Pháp lại phải đương đầu với chiến tranh Đông Dương. Pháp tưởng dễ dàng lấy lại thuộc địa như từng lấy ba tỉnh Việt Nam, và bình định Việt Nam nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tình hình Đông Dương trở nên căng thẳng. Chuyện hồi hương của số người còn lại bị rơi vào lãng quên.
Những lao động Việt kết hôn với phụ nữ Pháp gặp nhiều trở ngại về giấy tờ hành chính. Những đứa con lai Việt (gần như là thế hệ lai Việt đầu tiên) đến trường gặp vấn đề, như trường hợp của anh Quách Dominique, bị từ chối vì bố mang quốc tịch Việt Nam dù anh đã thi đỗ.
Theo luật pháp, bố Việt thì nghiễm nhiên các con đều là người Việt. Hậu duệ người lao động này đều nói tiếng Pháp vì là tiếng mẹ đẻ, đồng thời họ sinh ra lớn lên trên đất Pháp.
Hầu như chẳng ai nói được tiếng Việt, ngay cả phát âm tên cha mẹ, tên của chính họ bằng tiếng Việt, tên làng quê tổ tiên ông cha cũng đọc ngọng nghịu do dấu tiếng Việt. Thật bất công, những người sinh vào năm 1945-1948, không được phép mang tên Việt. Tòa thị chính Pháp không cấp giấy khai sinh với tên Việt, cũng không thừa nhận họ là người Pháp.
Sau chiến tranh Đông Dương, Chính phủ Việt Nam non trẻ phải đương đầu với tình hình chia cắt đất nước. Vì tương lai con cái, nhiều người lao động ở lại phân vân đau khổ khi phải đổi quốc tịch, do sự hồi hương càng ngày càng vô vọng như cha của Ngô Thị Huệ, Michèle...
Tuy làm việc cho Pháp trung thành và đi “phụng sự cho Tổ quốc Pháp lâm nguy”, kết hôn với phụ nữ Pháp, song một số người bị từ chối nhập quốc tịch Pháp với lý do “thân Việt Minh và tàng trữ ảnh Hồ Chí Minh” như trường hợp ông Vũ Văn Đối, cha của chị Danielle.
Tôi nhớ trong sách giáo khoa được học lúc nhỏ có bài thơ với mấy câu sau: “...Trong buôn đồng bào Thượng/ Một sớm lũ Tây vào/ Ảnh cụ Hồ để đâu/ Đem nộp ngay ra hết/ Bà cụ vào trong bếp/ Lấy hũ muối đem ra/ Để ngay ngắn giữa nhà/ Ảnh cụ Hồ tôi đấy..." nói lên sự biết ơn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên với Hồ Chí Minh...
Lính thợ Việt đeo biển số và lăn tay như tội phạm in trên giấy thông hành. |
Thời đó, phong trào Việt Minh đang lan rộng, thực dân Pháp đến lục soát nhà người Thượng nghi che giấu Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chí Minh là tang chứng ủng hộ Việt Minh sẽ bị bắt. Bài thơ tưởng là bài tuyên truyền cho Việt Minh, chỉ xảy ra ở Việt Nam, hóa ra chuyện này là sự thật xảy ra ngay trên đất Pháp nổi tiếng “tự do”.
Sau khi Việt Nam thống nhất, Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao trên danh nghĩa hai quốc gia độc lập. Hậu duệ những nông dân Việt bị cưỡng bức đi lao động tự sự chuyện khám nhà và tang chứng tàng trữ ảnh Hồ Chí Minh cứ như chuyện đùa.
Vì 30 năm sau, ngay trên đất Pháp, có năm con đường vinh danh mang tên Hồ Chí Minh (ở Givors, Lanester, Vaulx-en-Velin, Vénissieux) và hai con đường ở đảo Réunion thuộc Pháp. Ngay thành phố vệ tinh Montreuil, ngoại ô Paris, trong công viên Montreau, có dựng tượng Hồ Chí Minh.
Tại Lyon, thành phố lớn thứ 2 nước Pháp có đường Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hơn 200 phố của Pháp mang tên các địa danh Việt Nam như: Hà Nội, Sài Gòn, Mê-kông, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Sơn Tây, Đống Đa, Bắc Kỳ… Vua Duy Tân (tức hoàng tử Vĩnh San) từng bị đi đày, vì không hợp tác với thực dân Pháp, nay cũng có hai phố và cầu ở đảo Réunion mang tên ông.
Độc lập và những tên phố liên quan đến Việt Nam trên đất Pháp ngày nay đã phải đổi bằng biết bao máu, nước mắt và sự hy sinh của người Việt. Sự ủng hộ Việt Minh lúc đó của lao động Việt ở Pháp là vô cùng quý giá.
Bất chấp thua thiệt, lực lượng lính thợ Việt đã góp phần thu hút người Pháp tiến bộ tham gia ủng hộ bài trừ thực dân, tham gia đấu tranh cho hòa bình ở Đông Dương và sự ủng hộ ấy là tình yêu mà tôi đã thấy qua những người con của lớp lính thợ (nay gần như đã chết hết). Thế hệ con lai đầu tiên đã làm ông bà, dù con cháu họ không biết tiếng Việt, nhưng họ không cho phép chúng quên: cơ thể chúng có mang dòng máu Việt Nam.