Chuyện bầu cử Mỹ và vàng

Thứ Năm, 10/11/2016, 16:50
Kênh thông tin Bloomberg nhận định, bối cảnh nước Mỹ sau bầu cử sẽ trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi giá vàng được dự báo có thể đạt đến mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2013.

Thế nên, Bloomberg cho rằng, những nhà đầu tư vàng tại thời điểm này sẽ được hưởng lợi rất lớn khi giá vàng sẽ tăng ít nhất 8%. Lý do cho dự đoán trên được đưa ra là Nhà Trắng có xu hướng đưa ra những chính sách thương mại được dự đoán là sẽ làm tăng nhu cầu về vàng, bởi vàng là một tài sản có thể bảo vệ nhà đầu tư trước chủ nghĩa bảo hộ. 

Điều này nhiều khả năng sẽ có thể kích cầu cho thị trường vàng. Bên cạnh đó, Mỹ đang thúc giục việc đàm phán lại các điều khoản trong những hiệp định tự do thương mại đã được duy trì nhiều năm qua - yếu tố chắc chắn sẽ có tác động tích cực đối với giá vàng.

Vẫn sẽ… lên đỉnh

Quan sát lịch sử 22 kỳ bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1928 cho thấy, sự thay đổi đảng phái chính trị có ảnh hưởng tích cực đến giá vàng. Kim loại quý thường có xu hướng thể hiện kém nếu không có sự thay đổi về đảng cầm quyền trong Nhà Trắng. Có một điều thú vị là vàng thường giảm trước bầu cử. 

Khoảng thời gian 12 tháng trước năm 2004, 2008 và 2012, sự kiện bầu cử thường dẫn đến sự sụt giảm của giá vàng trước khi bầu cử diễn ra. Cách thức thị trường chứng khoán phản ứng sau bầu cử thường phụ thuộc vào việc đảng nào giành chiến thắng - thị trường tăng nhiều hơn khi ứng viên đảng Cộng hòa được bầu chọn.

Bloomberg cho rằng, những nhà đầu tư vàng tại thời điểm này sẽ được hưởng lợi rất lớn khi giá vàng sẽ tăng ít nhất 8%.

Ở Mỹ bây giờ, truyền thông sáng tạo ra thuật ngữ thứ hai về việc lựa chọn tổng thống, đó là "tốt cho giá vàng". Trong khi đó, giá vàng có xu hướng tăng bất kể ai đang ngồi trong văn phòng tổng thống. Đơn cử như chuyện kim loại quý đi lên ngay sau khi George W. Bush (đảng Cộng hòa) đã tái đắc cử vào năm 2004. 

Một tháng sau cuộc bầu cử, thị trường đã tăng 8% trước khi giảm trở lại và chỉ để lại 3,5% vào cuối năm. Bên cạnh đó, giá vàng cũng tăng đầy kinh ngạc 21,5% trong khoảng thời gian hai tháng sau khi ông Barack Obama (đảng Dân chủ) chiến thắng hồi năm 2008.

So sánh diễn biến giá hiện tại của vàng và một số phân tích nêu trên, có thể thấy rằng kim loại này đã phần nào đi theo mô hình lịch sử. Vàng đã tăng mạnh từ mức thấp 1.046 USD/ounce hồi tháng 12-2015 để leo lên mức cao 1.376 USD/ounce vào tháng 7-2016.

Đà tăng xuất hiện sau khi thị trường thoái lui về ngưỡng 1.250 USD/ounce. Nhu cầu tìm kiếm lợi tức khi kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lu mờ và tỷ lệ lãi suất thấp trên khắp thế giới chính là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. 

Trong khi đó, bước thoái lui từ mức cao tháng 7 vừa qua là do triển vọng FED nâng lãi suất trong tháng 12 tới. Giờ đây, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá vàng lại bắt đầu có xu hướng giảm.

Lịch sử cho thấy tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là tốt cho cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều thời điểm ổng thống đảng Dân chủ thường khiến giá vàng đi lên và đồng USD giảm giá. 

Các chuyên gia cho rằng, điều này chỉ mang tính chất "may rủi", tức là dù Donald Trump hay Hillary Clinton chiến thắng thì quan điểm lạc quan "kiểu gì giá vàng cũng tăng" vẫn nguyên vẹn. Kết quả bầu cử sẽ không thành vấn đề, trừ khi tổng thống mới nói gì về tiêu chuẩn vàng. Hơn nữa, kịch bản toàn cầu cũng sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử.

Thời điểm hậu bầu cử, hai kịch bản được dự đoán sẽ diễn ra. Trước hết, chiến thắng của Trump và khả năng rung lắc trên các thị trường sẽ buộc FED trì hoãn tăng lãi suất. Lãi suất thấp tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới tất nhiên sẽ giúp nhu cầu vàng đi lên - không chỉ nhờ sức hấp dẫn trú ẩn an toàn mà còn do nhu cầu săn lợi nhuận. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán và thị trường nói chung không thích Donald Trump. Có vẻ họ đang trông chờ những quyết sách của bà Clinton bởi ý niệm đảng Dân chủ chiến thắng thường dẫn đến tăng giá vàng. 

Nhưng một lần nữa, mô hình này khó có thể xảy ra bởi vì bà Clinton chiến thắng có nghĩa là thị trường ít bất ổn hơn và tỷ lệ cược FED tăng lãi suất trong tháng 12 tới cao hơn.

Bầu cử không ảnh hưởng đến sự chuyển đổi sắp tới - từ kích thích tiền tệ đến kích thích tài chính. Các ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển có vẻ đang kiệt sức và buộc phải thả dốc đường cong lãi suất bất chấp tăng trưởng vẫn "thiếu máu". 

Dù tỷ phú Donald Trump hay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đắc cử thì thị trường vàng cũng được hưởng lợi theo.

Do đó, các chính quyền trung ương (kích thích tài chính) nhiều khả năng sẽ tiếm quyền các ngân hàng trung ương (nới lỏng tiền tệ). Điều này không có nghĩa là lãi suất sẽ tăng cao hơn. Hơn nữa, thế giới đang hướng tới một sự kết hợp của kích thích tài chính và lãi suất cực thấp - một phương trình trông có vẻ siêu lạc quan cho vàng. Donald Trump được cho là sẽ cắt giảm thuế và chi tiêu lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng. 

Còn bà Hillary Clinton lại tỏ ra thận trọng với nỗ lực cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, chi tiêu là việc không thể tránh khỏi; do đó triển vọng dài hạn của vàng vẫn là… đi lên.

Thực tế khó lường

Ngân hàng HSBC phân tích, vàng sẽ tăng ít nhất 8% thời hậu bầu cử. Bối cảnh hiện nay cho thấy Mỹ đều tán thành các chính sách thương mại có thể kích thích nhu cầu vàng như yếu tố "bảo vệ chống lại chủ nghĩa bảo hộ". 

Bên cạnh đó, Washington đã và đang nghiêng theo hướng thương lượng lại nhiều hiệp định tự do thương mại tồn tại từ lâu. Đây là tin tích cực cho vàng, ngay cả khi điều này không ở quy mô như chương trình nghị sự của Nhà Trắng.

HSBC đánh giá, khi bà Clinton thắng cuộc, chính sách lãi suất thấp và việc thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất sẽ hỗ trợ giá vàng. Bà Clinton có chủ trương tăng cường kích cầu kinh tế thông qua các kênh ngoài chính sách tiền tệ. 

Khi ấy, giá kim loại quý này có thể leo lên mức 1.400 USD/ounce vào cuối năm nay và 1.440 USD/ounce vào cuối năm 2017. Bình quân, giá vàng sẽ đạt 1.310 USD/ounce trong năm 2017. Nếu đảng Dân chủ giành đa số ghế ở Quốc hội, thì nhu cầu vàng còn có thể tăng cao hơn bởi chi tiêu công của Mỹ có thể sẽ tăng mạnh.

Trong khi đó, chiến thắng của ông Donald Trump sẽ đẩy giá vàng tăng cao hơn và nhanh hơn. Khi nhà tài phiệt này chiến thắng, HSBC dự báo trung bình cả năm 2017 giá vàng sẽ là 1.410 USD/ounce.

Cụ thể, giá vàng có thể tăng lên hơn 1.500 USD/ounce vào thời điểm cuối năm 2017 từ mức 1.289 USD/ounce lúc 10h55 ngày 2/11 tại New York - thời điểm giới đầu tư không ngừng mua vào để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra khi mà sự khó lường gia tăng tại Mỹ.

Diễn biến giá vàng từ năm 2012 đến nay.

Giá vàng sẽ được kích thích bởi sự bất ổn chính sách và triển vọng lạm phát gia tăng, bởi Trump phản đối sự độc lập của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Những bất ổn từ ảnh hưởng kinh tế xung quanh những chính sách của ông Trump sẽ khiến nhà đầu tư tìm đến kim loại quý. 

Donald Trump cũng từng thẳng thừng tuyên bố sẽ chi ít nhất nửa nghìn tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng. Vàng được coi là một kênh phòng vệ trước các sự kiện chính trị, và Donald Trump sẽ mang đến nhiều bất ổn hơn so với bất kỳ tổng thống nào, đặc biệt trong vấn đề phương hướng chính sách của Cục dự trữ liên bang. Giới phân tích cũng đưa ra dự báo tương tự vì lo sợ chính ông Trump sẽ châm ngòi cho những rủi ro kinh tế trên toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan về giá vàng sau bầu cử Mỹ. Hồi tháng 10, ngân hàng Wells Fargo dự báo thị trường vàng mới chỉ bắt đầu một giai đoạn bán ra mới, và chừng nào giá giảm về ngưỡng 1.050 USD/ounce thì các nhà dầu tư mới mua trở lại.

Cũng trong tháng 10, ngân hàng ABN Amro cắt giảm dự báo giá vàng trung bình cho năm 2016 còn 1.200 USD/ounce và cho năm 2017 còn 1.150 USD/ounce.

Theo các chiến lược gia của Citi, giá vàng năm nay có nhiều biến động do chính sách kinh tế giữa Donald Trump và Hillary Clinton thể hiện sự khác biệt chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Sự khác biệt trong chính sách cùng những ý kiến bảo hộ thương mại và di dân sẽ khiến nước Mỹ không sớm thì muộn sẽ rơi vào suy thoái.

Lý do vì cuộc chiến thương mại sẽ huỷ bỏ những thoả thuận hiện tại và hàng rào thuế sẽ giảm suất khẩu ròng cũng như đầu tư trong khi làm tăng giá nhập khẩu. Ngoài ra, tiêu dùng sẽ giảm thuế trong lúc lạm phát leo thang và hạ lòng tin, bất kể lời hứa giảm thuế. FED có thể cân nhắc những chính sách chưa từng có và sẽ cần có thêm chính sách kích thích…

Trang Anh
.
.