Chủ nghĩa tiêu dùng từ góc nhìn Epicurus

Thứ Hai, 19/08/2019, 10:16
Cuộc sống của Epicurus là bằng chứng rõ ràng cho sự thấu hiểu khoái lạc đầy lý trí. 

Ông tin rằng vật chất chỉ đổ đầy được một góc lạc thú của tâm hồn, và phần còn lại chỉ có thể được đáp ứng bởi những điều phi vật chất, như là bạn bè, và tự do trong suy nghĩ

Ngày nay, những thị dân có học một chút có thể gọi bạn là một người sành sỏi (epicure, lấy theo tên của chính Epicurus) nếu bạn vào ăn ở một nhà hàng, và sẵn sàng phàn nàn với phục vụ khi cảm thấy món canh quá mặn. Nếu bạn chỉ im lặng và không ăn, họ có thể dán nhãn bạn là một người theo chủ nghĩa khắc kỷ (stoic).

Bởi vì tư duy phổ biến thường gắn "epicure" với sự tinh tế và tiêu thụ nho nhã; trong khi khắc kỷ có nghĩa đề cao đức hạnh và sức mạnh nội tâm. Nhưng chỉ hiểu đơn giản như vậy thì thật không công bằng với Epicurus, nhà triết học cổ đại đã tiếp cận gần nhất để hiểu những thách thức lớn của cuộc sống thế tục hiện đại. Bơi trong những dung tục, nhưng không bị vẩn đục bởi nó.

Chủ nghĩa khoái lạc (Epicureanism) đã cạnh tranh với chủ nghĩa khắc kỷ để thay nhau thống trị văn hóa Hy Lạp và La Mã. Sinh năm 341 trước Công nguyên, chỉ 6 năm sau cái chết của Plato, Epicurus có một nền tảng suy tư hoàn hảo. Ông học triết từ lúc thiếu niên, 14 tuổi đã đi nghe những triết gia danh tiếng nhất thời kỳ đó là Pamphilus và Nausiphanes.

20 tuổi đã cảm thấy rằng những gì các tiền bối truyền đạt là không ổn, và bắt đầu tự đi tìm con đường cho riêng mình. Zeno, người sáng lập chủ nghĩa khắc kỷ ở Síp và sau đó truyền bá triết lý của mình tại Athens, sống trong cùng thời kỳ đó. Triết gia khắc kỷ vĩ đại của La Mã Seneca sau này đã làm một việc kỳ lạ: chỉ trích Epicurus, đồng thời thích thú trích dẫn những lời giảng của ông.

Có lẽ là bởi Epicurus đã nói ra một điều mà xã hội nói chung và các triết gia cổ đại nói riêng hầu như đã bỏ qua, nhưng lại đầy hấp dẫn: lạc thú. 

Trong cuốn "Sự an ủi của triết học", triết gia Alain de Botton đã ví Epicurus như "một người muốn thấu hiểu và giúp đỡ chúng ta, và đó là một nhân vật bất thường trong số những huynh đệ khắc kỷ và thường là căm ghét lạc thú".

Cách ông truyền bá nó cũng gây nhiều tranh cãi, và bị bao phủ bởi thị phi. Epicurus đã nhận "tài trợ" của một số triệu phú Hy Lạp để lập ngôi trường dạy khoái lạc, và bị tấn công bởi những lời đồn ác ý. Có người bảo ông nôn hai lần mỗi ngày vì ăn quá nhiều. Triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ Diotimus còn cho xuất bản 50 bức thư dâm dục mà ông này cho rằng do chính Epicurus viết ra.

Nhưng mọi ý định dung tục hóa suy tư của Epicurus đều thất bại. Đây vẫn là một trong những triết gia "ăn khách" bậc nhất tự cổ chí kim, người đã tiếp cận khoái lạc theo cách sẽ khiến chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại phải thất vọng: không phải là vật chất sẽ đem lại lạc thú cho tâm hồn. Ngược lại là đằng khác.

Lý trí hóa khoái lạc

Bạn đọc có thể tưởng tượng ra thủ lĩnh của triết học về lạc thú là một ông già béo phị, ăn thùng uống vại, suốt ngày mở tiệc tùng, giao thiệp bừa bãi và tròng mắt mờ đục vì dâm dục. Nhưng đấy không phải là Epicurus.

Bữa tối hàng ngày của ông chỉ có bánh mỳ, rau, ô liu, và nước lọc. Nhà ông ở cũng to thật, nhưng nằm ở ngoại ô Athens, và Epicurus phải chia sẻ nó với 7-8 người bạn khác, vì không… đủ tiền. 

Ông không hề giàu có, sống một cuộc đời đạm bạc, dù lúc nào cũng sẵn sàng để đón nhận lạc thú. Epicurus vẫn nói về những bữa ăn thật ngon, tiệc tùng, thậm chí tình dục, và những thứ sẽ khiến con người thỏa mãn, nhưng đồng thời cũng chỉ ra một con đường phổ quát có thể dẫn đến lạc thú, mà không bị nó chi phối, hay nô lệ hóa bởi nó.

Gần nhà, Epicurus và các bạn có trồng một vườn rau, để tự phục vụ cho khẩu phần ăn mỗi ngày. Không ăn uống xa hoa, nhưng đổi lại, họ tránh được những dung tục của đời sống buôn bán ở Athens, và tự mình tách khỏi những đánh giá nhân phẩm gắn liền với sự giàu có hay địa vị. 

Đấy là điều kiện để suy tư độc lập: trong căn nhà của mình, Epicurus và các bạn cùng ngồi suy ngẫm về mọi thứ, đặc biệt là những điều khiến con người bất hạnh, là nghèo đói, bệnh tật, cái chết, và tất nhiên, khoái lạc.

Và từ đó, Epicurus đã chỉ ra bản chất của khoái lạc: vật chất có thể đáp ứng niềm vui cơ bản, nhưng có một ngưỡng mà dù với số lượng bao nhiêu đi chăng nữa, nó không thể thỏa mãn hạnh phúc của chúng ta.

Cuộc đời của Epicurus là bằng chứng sống cho sự thấu hiểu khoái lạc đầy lý trí ấy. Ông tin rằng vật chất chỉ đổ đầy được một góc lạc thú của tâm hồn, và phần còn lại chỉ có thể được đáp ứng bởi những điều phi vật chất, như là bạn bè, và tự do trong suy nghĩ.

Vì thế, bằng cách tạo một cộng đồng tách khỏi đời sống tiêu dùng đang thịnh vượng ở Athens, Epicurus đã hưởng thụ khoái lạc theo một cách rất tỉnh táo. 

Ông cho rằng của cải tích lũy của một con người rồi cũng sẽ đạt đến một giới hạn mà ở đó, họ sẽ không cảm thấy vui hơn nữa. Ví dụ như khi anh có 5 đồng, anh sẽ rất vui khi anh có 10 đồng. Rồi việc sở hữu 20 đồng sẽ thỏa mãn đầy đủ nhu cầu và đi kèm niềm vui lớn hơn.

Nhưng nếu có 100 đồng, mọi chuyện sẽ khác: anh sẽ không thấy vui hơn so với khi có 20 đồng, nếu không có một người bạn đích thực, hay luôn phải lo lắng vì sợ đánh mất địa vị và cuộc sống đang có. Của cải khi ấy không tỉ lệ thuận với hạnh phúc nữa. Và tìm kiếm lạc thú cũng đồng nghĩa với việc đánh bại lần lượt những ảo ảnh chi phối tâm trí ta một cách sai lạc.

Một trong những bài thơ Latin hay nhất từng được viết ra có tên De Rerum Natura (tạm dịch: Bản chất sự vật) của Lucretius, hậu bối sinh ra sau Epicurus 250 năm, thấm đẫm tinh thần ấy của ông. 

Lucretius đã tóm lược ngắn gọn tư tưởng của Epicurus, rằng thế giới được tạo ra bởi những nguyên tử không thể nhìn bằng mắt thường, không gian lẫn thời gian là vĩnh viễn, thiên nhiên là một trải nghiệm vô tận, xã hội loài người khởi đầu từ những trận chiến sinh tồn, không có kiếp sau, tôn giáo là một ảo tưởng tàn khốc và vũ trụ này sinh ra chẳng có mục đích rõ ràng nào cả. Thế giới, vì thế, là một khối vật chất khổng lồ, với một mẩu nhỏ là ý chí tự do.

Vậy chúng ta nên sống như thế nào, với mẩu con con ấy, và sinh mệnh cũng nhỏ bé của mình? Epicurus, bằng cách vinh danh lạc thú thực sự, đã chỉ ra con đường tốt nhất: cố gắng sống một cách hợp lý, bằng cách loại bỏ các ảo ảnh. 

Những ý tưởng sai lầm phần lớn khiến chúng ta không vui, như là gắng sức chạy đua sở hữu của cải và địa vị. Nếu chúng ta có thể giảm thiểu nỗi đau do chúng gây ra, chúng ta có thể tối đa hóa niềm vui của mình.

Liều thuốc giải ảo trong xã hội tiêu dùng

Một nghiên cứu của Đại học Princeton dựa trên thăm dò 450.000 người về mối liên hệ giữa tiền bạc và niềm vui đã chỉ ra rằng "ngưỡng hạnh phúc" của chúng ta là 75.000USD/năm: sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ ở trạng thái tốt tối đa với thu nhập đó, và có kiếm được nhiều tiền hơn đi chăng nữa, thì bạn sẽ không vui hơn.

Điều này tương đồng với điều Epicurus đã thuyết giảng hơn 2000 năm trước, và cuộc sống của chính ông là một đáp án hợp lý: tự đáp ứng những nhu cầu vật chất để không rơi vào sự thiếu thốn, và chăm lo đến các nhu cầu phi vật chất quan trọng nhất (Epicurus cho rằng tình bạn và tự do ý chí là hai điều thỏa mãn tâm hồn chúng ta nhất) là phương thức để tối đa hóa lạc thú của cuộc sống.

Trong Thư gửi Menoeceus, Epicurus đã nói rất ngắn gọn về bản chất của sự hỗn loạn tiêu dùng: "Không phải những cuộc nhậu nhẹt, tiệc tùng liên miên hay thác loạn nam nữ, hoặc tiêu thụ cá mú và đồ thừa mứa của một bàn ăn xa hoa, thứ tạo ra một cuộc sống lạc thú là sự tính toán tỉnh táo để tìm ra lý do cho mọi lựa chọn và tránh né lẫn điều hướng bản thân khỏi những điều là nguồn gốc tạo ra hỗn loạn nhất trong tâm hồn con người".

Xã hội vật chất đem đến một ảo ảnh rất phổ biến: kích thích ham muốn. Chúng ta không thể buông bỏ, vì chủ nghĩa tiêu dùng sẽ mời gọi. 

Chúng ta không thể tự hiểu rõ bản thân mình và dễ dàng trao quyền đó vào tay người khác: những người kích thích tiêu dùng sẽ "tấn công" vào cõi vô thức và bán hàng dựa trên điều này. Họ không bán một chiếc xe Jeep bằng tính năng, mà quảng cáo nó như một thứ sẽ thỏa mãn khát vọng tự do trong ta. Cũng như không bán rượu vang bằng quảng cáo thành phần, mà bằng cách phác ra cho ta thấy hy vọng có một người bạn tâm tình trong đó.

Epicurus, bằng suy tưởng của mình, đã tự thỏa mãn các nhu cầu tinh thần cần thiết để đạt tới cuộc sống có niềm vui, thay vì bị các ảo ảnh đánh lừa. 

Lạc thú thực sự của chúng ta đến từ thế giới phi vật chất, là các mối quan hệ xã hội, sự tôn trọng vô điều kiện (từ những người bạn), các kết nối tinh thần, và suy tưởng tự do, chứ không phải một chiếc xe đắt tiền, hay tủ quần áo thời trang cao cấp.

Chủ nghĩa tiêu dùng đánh lạc hướng chúng ta khỏi điều hiển nhiên ấy, trong một cuộc cạnh tranh vô tận để thỏa mãn ham muốn ảo ảnh, khi đồ vật lên ngôi và nhân phẩm có thể bị hạ thấp ở những thứ không phải là hàng bán được.

"Mưu cầu hạnh phúc" là một cụm từ kinh điển trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776, nhưng ít ai biết rằng tác giả của nó đã được truyền cảm hứng từ Epicurus. 

Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ và cũng là tác giả của bản Tuyên ngôn nổi tiếng ấy, là một tông đồ của chủ nghĩa khoái lạc, nhưng không phải thứ khoái lạc bản năng bị những ảo ảnh đánh lừa, mà là niềm vui được tạo ra từ mưu cầu tỉnh táo, và tỉnh thức giữa đời sống đầy hỗn loạn và lo âu này.

Ban Cầm
.
.