Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền làm nhà lưu niệm cho cha, nhà văn Kim Lân:

Chốn cũ đi về

Thứ Tư, 30/03/2011, 16:06
Trong không khí bận rộn tết nhất, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đi về như con thoi giữa Sài Gòn và Hà Nội, không phải để lo chuyện tranh pháo, mà lo làm nhà lưu niệm cho cha mình, nhà văn Kim Lân.

Chị bảo, càng nghĩ về bố, chị càng thấy mình và các em không thể chần chừ công việc này hơn được nữa. Nhà văn Kim Lân mất đã được gần 4 năm, nếu không có một nơi để sắp đặt, gìn giữ những kỷ vật mà cả một đời ông để lại thì nguy cơ sẽ bị mai một, các con sẽ thấy mình có lỗi với bố.

Nói về cha, chị Hiền rưng rưng nước mắt. Đã gần 4 năm ông vắng bóng trên đời. Di sản ông để lại cho các con là "một chỗ đứng đặc biệt của mình".

Chị Hiền nói: "Cha tôi là một nhà văn nổi tiếng, viết hay, nhưng không viết nhiều vì với một nhân cách quyết liệt, không thỏa hiệp trong văn chương, không viết để kiếm tiền, khái tính không quỵ lụy để cầu danh lợi. Ông đã chấp nhận nhiều thiệt thòi, không viết nhiều, không viết tùy tiện để không giữ phẩm cách của mình, nhưng cũng quá giữ gìn, không viết nốt những tác phẩm quyết liệt trong thực chất tư tưởng của mình để giữ cho gia đình toàn vẹn trong những thời gian khổ về nhiều mặt. Lúc nào ông cũng nhận mình là nhà văn của những người nghèo khổ, của làng quê. Cha tôi mất đi không có tiền bạc, nhà cửa để lại cho các con, nhưng điều lớn nhất ông để lại là những thành quả làm việc của ông, nhân cách và lối sống của ông, những tài hoa mà ông có truyền trong máu tất cả anh chị em chúng tôi. Mỗi tác phẩm của ông chứa đựng đầy đủ phẩm cách để chúng tôi luôn tự hào về ông".

Sau khi nhà văn Kim Lân mất, theo sở nguyện của ông, các con đã mang ông về đặt mộ ông ở quê nhà, bên cạnh mộ của người vợ yêu quý. Việc các con ông làm nhà lưu niệm cũng là một trong những sở nguyện của nhà văn Kim Lân.

Nhà văn Kim Lân và các con cháu trong gia đình.

Có một điều hơi đáng tiếc là ngôi nhà của nhà văn Kim Lân ở phố Hạ Hồi, vốn được xem như một địa chỉ văn hóa, thì đã được bán đi vì không có người trông coi. Chị Hiền nói: "Ban đầu gia đình để ngôi nhà Hạ Hồi cho con trưởng là Chương (họa sĩ Thành Chương-PV) làm nhà lưu niệm cho bố, nhưng việc không thành". Trong số các anh chị em trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hiền là ở xa nhất. Chị sống ở Sài Gòn.

Nhớ về ngôi nhà tuổi ấu thơ, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm về cha mẹ, gia đình, chị ngậm ngùi: "Trước đây mỗi lần ra Hà Nộị, ngày nào tôi cũng chạy về Hạ Hồi gặp cha mẹ, các em, ăn chung với nhau bữa cơm, hàn huyên giãi bày đôi điều, khóc cười, hờn giận, yêu thương, trách móc, tự hào với những thành công của mình ở đấy. Và than thở những thất bại của mình cũng ở đấy. Nay nhà đã bán, cảm giác bơ vơ mỗi lần về Hà Nội là không tránh khỏi. Anh chị em thì ai nấy đều có cuộc sống riêng, bận bịu. Không còn nhà của cha mẹ, ngày giỗ cũng khác đi, không còn là ngày để anh chị em, con cháu trong gia đình sum họp, gặp gỡ, chia sẻ, hàn gắn".

Không còn cảm giác "về nhà" là nỗi sợ của chị Hiền, bởi vậy, chị đã mua một căn nhà nhỏ trên phố Trần Khát Chân, sửa sang làm nơi có thể gặp gỡ anh em, họ hàng, bạn bè mỗi lần về Hà Nội.

Trở lại việc làm nhà lưu niệm cho nhà văn Kim Lân, tôi hỏi chị, sao không để con trai trưởng trong gia đình là họa sĩ Thành Chương làm cho tiện, chị Hiền nói: "Việc lập ban thờ cho cha mẹ theo tục lệ là việc của con trai trưởng, còn việc làm nhà lưu niệm cho bố thì ai làm cũng được. Nhà lưu niệm họa sĩ Bùi Xuân Phái là do họa sĩ Trần Hậu Tuấn làm đấy thôi.  Sau khi bán nhà, toàn bộ kỷ vật của bố được chuyển lên phủ Thành Chương. Anh chị em chúng tôi đã quyết định làm nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân ở phủ Thành Chương, nhưng khi nghĩ lại thì thấy không ổn lắm vì mấy nhẽ.

Sinh thời, bố tôi dặn dò các con rằng: "Thầy là nhà văn của những người nghèo khổ, của làng quê. Thầy không muốn lúc chết lên phủ nghênh ngang ở trên đó làm gì.  Phủ là vinh dự của Chương chứ không phải của thầy. Thầy cám ơn ý định của Chương nhưng việc đưa thầy lên phủ là không hợp với tính cách của thầy". 

Bố tôi cũng có nguyện ước là, nhà lưu niệm của ông phải là nhà chung của tất cả các con cùng làm, giữ trọn vẹn những kỷ vật, tài liệu để cho con cháu sau này, không thể là của riêng bất kỳ ai.

Chị Nguyễn Thị Hiền nói, chị và các anh em trong gia đình rất muốn mua được một mảnh đất để làm nhà lưu niệm cho bố mình, nhà văn Kim Lân ở làng quê nơi ông sinh ra. Nhưng vì điều kiện chưa cho phép, chị và các em trong gia đình quyết định làm nhà lưu niệm cho bố ở ngay trong ngôi nhà ở Hà Nội của mình, số 35, ngõ 424, đường Trần Khát Chân.

Chị tính sẽ dựng một ngôi nhà sàn nhỏ ngay trên gác, đặt toàn bộ những kỷ vật của bố vào đấy, đồng thời kêu gọi bạn bè, những người yêu mến nhà văn Kim Lân, có bất cứ tài liệu gì về ông có thể cung cấp cho gia đình để những ký ức về ông ngày càng trọn vẹn.

Là con gái lớn trong gia đình, chị Hiền đứng ra gánh vác công việc này, bởi chị hiểu, nhà văn Kim Lân không chỉ là người cha trong gia đình mà còn là một nhà văn, một người của xã hội nữa, nên chị và các em phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn hình ảnh, lối sống, quan điểm, nhân cách con người thực của bố, không để bất kỳ điều gì làm sai lệch đi.

Mặc dù vậy, chị vẫn muốn được tham khảo ý kiến từ những những người bạn hay từ cơ quan nơi bố mình đã từng gắn bó. Chị đến gặp nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội; đạo diễn Vương Đức, Hãng phim truyện Việt Nam; NSND Đào Trọng Khánh; nhà văn Đỗ Chu; nhà văn Trung Trung Đỉnh…

Tất cả các ý kiến đều ủng hộ việc chị và các em trong gia đình làm nhà lưu niệm cho nhà văn Kim Lân ở một địa chỉ không phải là phủ Thành Chương. Việc làm nhà lưu niệm cho nhà văn Kim Lân ở phủ Thành Chương thì chắc chắn là khang trang đẹp đẽ, nhưng nếu liên quan đến việc bán vé thì không nên, và không đúng với phẩm cách của nhà văn lúc sinh thời, là luôn muốn gần gũi với mọi người xung quanh.

Nhìn ở một góc khác thì nhà tưởng niệm nhà văn Kim Lân phải ở một nơi riêng biệt, không nên đặt ông cùng với các đồ vật ở một không gian ít nhiều mang tính du lịch. Sự ủng hộ của mọi người khiến chị Hiền thêm tự tin để bắt tay vào công việc.

Chị Hiền nghĩ, có thể việc này họa sĩ Thành Chương, người em của chị, chưa cảm thấy hài lòng lắm, vì anh cũng có mong muốn là đưa kỷ vật của bố vào bày trong phủ của mình. Nhưng chị Hiền tin rằng, Thành Chương sẽ hiểu cho công việc chị làm là công việc chung của gia đình.

Chị nói: "Phủ Thành Chương là nơi bán vé, tốt cho Chương và gia đình Chương, nhưng lại không phù hợp với tinh thần và mong muốn của bố Kim Lân. Anh em chúng tôi cũng như các độc giả yêu mến ông chắc chắn hiểu một điều cốt lõi rằng, nhà văn Kim Lân là một  nhà văn chân chính không bán văn vì tiền, không bán bạn để cầu danh, sống thanh bạch, liêm khiết, không bon chen, ở ẩn ngay giữa đời thường, và chúng ta khi làm bất cứ điều gì cho ông phải giữ cho đúng nhân cách con người của ông.

Nếu mang ông lên phủ Thành Chương thì dù chỉ có một ý kiến thôi, rằng các con mang bố ra kinh doanh, rằng muốn vào thăm nhà văn Kim Lân phải mất tiền mua vé thì anh em chúng tôi là người có tội với bố, đi ngược với mong muốn của bố. Tự hào về bố, chúng tôi càng phải làm tốt điều này, rằng nhà lưu niệm của bố là nhà chung, tất cả các con cùng chung vai gánh gác vun đắp cho hoàn thiện và cho đúng với nhân cách của bố.

Tôi nói với Thành Chương và các em rằng, về điều này, cả gia đình mình phải đồng lòng không e ngại, không câu nệ. Dù làm nhà lưu niệm cho thầy ở đâu, ở nhà chị, nhà Đức, nhà Tuấn, hay nhà Ninh… thì đều là tất cả các con làm chung cho bố. Không ai có quyền vụ lợi riêng tư, không giành giật hay chia chác mà phải quyết tâm bảo tồn, gìn giữ toàn bộ kỷ vật của bố, sau đó cùng tìm tòi, bổ sung, duy trì và phát triển.

Là chị cả trong gia đình, tôi cũng nói với các em rằng, không một ai trong chúng ta cho phép mình phản đối lại ý thức đóng góp, giữ gìn những di sản mà bố để lại. Vì đó là tài sản chung của tất cả các con. Ở một nghĩa nào đó, những di sản ấy còn là tài sản của xã hội, của những người yêu mến nhà văn Kim Lân".

Nhà văn Kim Lân có lẽ đã hài lòng khi ông có được những người con mang trong mình dòng máu văn nghệ của ông, thấu hiểu những ước nguyện, mong muốn của ông, cũng như những đóng góp của ông cho đời sống văn học. Việc làm nhà lưu niệm cho ông chắc chắn là cần thiết, thậm chí là không còn sớm. Một không gian yên tĩnh, thanh bạch, nơi trưng bày những kỷ vật suốt cuộc đời cầm bút của nhà văn Kim Lân sẽ là một điểm đến, một địa chỉ cho bất kỳ ai muốn tưởng nhớ và tỏ lòng yêu mến ông.

Ở đó họ có thể đối thoại với nhà văn, đọc lại những trang viết của ông, xem lại những bộ phim mà ông đã đóng, cùng suy ngẫm về cuộc đời và thế sự. Đó cũng là mong muốn của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và các anh chị em trong gia đình

Vũ Quỳnh Trang
.
.