Chính trường Australia hậu bầu cử: Thách thức đón chờ

Thứ Bảy, 13/08/2016, 23:05
Vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã chính thức tuyên bố Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Chiến thắng của ông Turnbull được cho là tạm thời chấm dứt những bất ổn chính trị tại Australia, có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước cũng như đe dọa quốc gia này có thể mất xếp hạng tín nhiệm 3 chữ A.

Ông Turnbull bày tỏ hy vọng đây sẽ là nhiệm kỳ “thú vị và mang tính xây dựng” của Quốc hội mới, đồng thời đã thông báo thành phần Nội các mới với một số thay đổi quan trọng.

Dù có đủ số ghế để đứng ra lập chính phủ nhưng xem ra niềm vui chiến thắng của ông Turnbull không trọn vẹn. Giới quan sát nhận định, con đường phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nội bộ đảng có nhiều rạn nứt. Canh bạc kêu gọi bầu cử sớm mang lại kết quả tệ hơn mong đợi cho liên minh cầm quyền nhưng lại giúp Công đảng gia tăng số ghế trong Hạ viện, tạo điều kiện để các đảng nhỏ và nghị sĩ độc lập trỗi dậy.

Vì thế, chính phủ sắp tới của ông Turnbull đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm việc xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của mình trong nội bộ đảng, và có thể buộc phải dựa vào người ngoài để bảo đảm các dự luật được thông qua, dẫn đến nỗi lo về hiệu quả hoạt động lâu dài.

Liên minh trở lại

Liên minh Tự do - Quốc gia của Thủ tướng Turnbull đã đứng ra thành lập chính phủ mới khi giành được 74/150 ghế tại Hạ viện, đồng thời nhận được sự ủng hộ của 3 nghị sĩ độc lập và của các đảng nhỏ.

Phát biểu khi tuyên bố giành chiến thắng, Thủ tướng Turnbull bày tỏ hài lòng với kết quả cuộc bầu cử thành công với việc liên đảng của ông nhận được số lượng ghế lớn nhất trong Quốc hội.

Ông Turnbull cho biết: “Người quan trọng nhất mà chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đó là người dân Australia bởi vì họ đã tích cực tham gia vào cuộc bầu cử. Mặc dù đây là một cuộc bầu cử với nhiều tranh luận về hàng loạt các chính sách và nguyên tắc, nhưng chúng ta đã thực hiện xong một cách hòa bình và xây dựng”.

Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố Liên đảng cầm quyền đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, tạm thời chấm dứt những bất ổn chính trị tại Australia.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Turnbull. Chính khách này cũng khẳng định, Công đảng sẵn sàng làm việc với chính phủ của Thủ tướng Turnbull để tìm “tiếng nói chung” và thực hiện tốt chức năng quốc hội vì lợi ích quốc gia.

Ngay sau khi giành chiến thắng, Thủ tướng Malcolm Turnbull và Nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức. Trước đó, ông Turnbull đã công bố Nội các mới gồm 23 bộ trưởng, là một trong những nội các lớn nhất trong lịch sử Australia. Nội các mới về cơ bản không có thay đổi và thể hiện những ưu tiên trong chính sách của ông Turnbull.

Bà Julie Bishop tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, và bà Marise Payne tiếp tục là Bộ trưởng Quốc phòng. Sự điều chỉnh đáng chú ý là ông Christopher Pyne - nguyên Bộ trưởng Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học - giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng, và ông Greg Hunt - nguyên Bộ trưởng Môi trường - giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học.

Hai vị trí này được cho là sẽ thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, trong đó có chương trình đóng mới hạm đội tàu ngầm ở bang Nam Australia, và chương trình khoa học và đổi mới quốc gia. Đây là những nội dung trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của liên đảng Tự do - Quốc gia.

Thủ tướng Malcomlm Turnbull nhấn mạnh, ông muốn tập trung để giành chiến thắng chắc chắn cho số ghế mà Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền hiện đang giữ tại hai viện Quốc hội và có thể giành thêm. Những gì ông cần là đảm bảo tiếp tục duy trì một chính phủ đa số để thúc đẩy triển khai kế hoạch kinh tế, giúp Australia phát triển vững chắc trong tương lai.

Vì vậy trong suốt 8 tuần lễ vận động tranh cử, lâu nhất trong lịch sử Australia, ông Malcom Turnbull đã tập trung vào thế mạnh truyền thống của đảng Tự do là quản lý kinh tế với điểm mấu chốt nhất là đề xuất cắt giảm thuế trong vòng 10 năm tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Thủ tướng Malcomlm Turnbull cũng tuyên bố dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do, Chính phủ Australia sắp tới sẽ đủ sức đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế hậu Brexit.

Trong Nội các mới, ông Turnbull cũng tăng thêm một ghế cho đảng Quốc gia vốn liên minh lâu đời với đảng Tự do nhằm tạo thêm sự đoàn kết trong liên minh. Ngoài ra, nhằm thu hút sự ủng hộ và liên kết từ bên ngoài đảng, ông Turnbull đánh giá cao những đóng góp của các nghị sỹ, cho dù trong chiến dịch bầu cử trước đó ông từng cảnh báo rằng người dân Australia không nên bỏ phiếu cho các đảng nhỏ và các nghị sĩ độc lập.

Theo ông, mọi nghị sĩ thuộc Hạ viện và Thượng viện xứng đáng nhận được sự tôn trọng bởi họ đã được người dân Australia bầu chọn. Ông cho biết thêm, Australia đang phải đối mặt với vô số thách thức, trong đó có sự thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ, và kêu gọi sự đoàn kết từ mọi thành phần dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới.

Chủ tịch Công đảng đối lập Bill Shorten đã thúc đẩy một chiến dịch vận động quyết liệt, nhấn mạnh sự ủng hộ các chính sách y tế công và đầu tư vào giáo dục.

Nguy cơ bế tắc

Tháng 9-2015, Malcolm Turnbull, một nhân vật theo đường lối cấp tiến, đã lật đổ cựu Thủ tướng Tony Abbott khỏi cương vị lãnh đạo đảng Tự do, cam kết về một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác biệt. Ban đầu, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của chính phủ - vốn đã tụt dốc nghiêm trọng dưới thời ông Abbott - bắt đầu được cải thiện đáng kể.

Quan điểm tự do của ông về vấn đề hôn nhân đồng tính, những tuyên bố công khai về sự cần thiết của các biện pháp cụ thể chống biến đổi khí hậu, cùng các cam kết đưa Australia hướng đến nền cộng hòa đã giúp Thủ tướng Turnbull giành được sự tín nhiệm rộng rãi.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, ông đã làm thất vọng rất nhiều người ủng hộ khi không quyết tâm hiện thực hóa những gì đã cam kết. Nhiều người cho rằng đây là cái giá mà ông phải trả để làm yên lòng thế lực bảo thủ trong liên minh, lực lượng đã chấp nhận thỏa thuận để ông lên tới vị trí này.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Thủ tướng Australia đã tập trung vào thế mạnh truyền thống của đảng Tự do là quản lý kinh tế. Điểm mấu chốt nhất trong chính sách của ông Turnbull là đề xuất cắt giảm thuế trong 10 năm tới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Tuy nhiên, những điều này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục cử tri.

Những ngày mập mờ về người sẽ lãnh đạo Australia đã kết thúc với chiến thắng của Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền, tuy nhiên khó khăn vẫn còn đó. Ông Turnbull ngay lập tức phải đối mặt với những nghi ngờ về việc có thể điều hành chính phủ thành công khi mà số ghế của Công đảng ở Hạ viện đã tăng, trong khi các đảng nhỏ và các nghị sĩ độc lập giành được nhiều ghế hơn ở Thượng viện.

Chủ tịch Công đảng đối lập Bill Shorten đã thúc đẩy một chiến dịch vận động quyết liệt, nhấn mạnh những trọng tâm cơ bản và xuyên suốt của Công đảng là ủng hộ các chính sách y tế công và đầu tư vào giáo dục. Ông khiến người ta bất ngờ khi cáo buộc chính phủ cầm quyền muốn tư nhân hóa kế hoạch bảo hiểm y tế công cộng - điều đã vấp phải sự phản bác mạnh mẽ từ chính Thủ tướng Turnbull.

Bên cạnh đó, ông Turnbull còn đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là thúc ép Thượng viện thông qua hai dự luật về khôi phục một ủy ban giám sát xây dựng.

Ông Turnbull từng sử dụng việc Thượng viện cản trở các dự luật của ông để khởi động một cuộc bỏ phiếu trước thời hạn, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều đó có thể khiến ông phải đối mặt với sự thù ghét hơn ở Thượng viện.

Ngoài ra, vẫn còn những nghi ngờ về việc liệu kế hoạch hàng tỷ USD nhằm cắt giảm thuế doanh nghiệp được công bố trong bản ngân sách tháng 5-2016 có nhận được sự hỗ trợ của các đảng nhỏ hơn và các nghị sỹ độc lập hay không. Lực lượng đối lập cũng cảnh báo sẽ thực hiện chiến dịch phản đối bất cứ cắt giảm chi tiêu nào ảnh hưởng đến những người Australia có thu nhập thấp.

Những đấu đá nội bộ và việc nhiều chính đảng lớn thường xuyên thay đổi lãnh đạo trong suốt thời gian qua đã khiến các cử tri mệt mỏi. Trước tình hình này, nhiều khả năng các chính đảng nhỏ cũng có thể trở thành lực lượng nắm giữ cán cân quyền lực. Không đảng nào muốn bế tắc chính trị kéo dài vì sẽ ảnh hưởng đến các chương trình, kế hoạch của chính phủ cũng như Quốc hội, thậm chí làm suy giảm lòng tin của cử tri vào tính hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền mới trong tương lai.

Những tưởng bầu cử sớm tại Australia sẽ đem đến cho chính trường nước này một sự ổn định nhưng kết quả lại cho thấy sự phức tạp, rối rắm. Điều này cũng có nghĩa là mong muốn của người dân có một chính phủ đa số và ổn định không dễ dàng ở Australia. Và xem ra, mớ bòng bong trong nội bộ giới lãnh đạo chính trị tại Australia còn lâu mới chấm dứt…

Phương Thảo
.
.