Chính khách và cuộc chơi với mạng xã hội
- Cánh cửa lớn cho bà Clinton, cơ hội mới cho ông Trump
- Bê bối email cá nhân hạ uy tín bà Hillary Clinton?
- Ứng cử viên Donald Trump “thay ngựa”: Mất bò mới lo làm chuồng
- Ứng viên Donald Trump sẽ hầu tòa ngay sau kỳ bầu cử tổng thống
- Thư chứa bột “lạ” được gửi đến ông Donald Trump
Các chính trị gia đã nhạy bén hơn trong cách tiếp cận mạng xã hội. Người dân luôn mong đợi các chính khách thể hiện sự chân thành, trung thực và cởi mở, cũng như cá tính gần gũi đời thường trong nội dung họ đưa lên mạng. Tuy nhiên, mạng xã hội đôi khi cũng là con dao hai lưỡi. Việc bước vào sân chơi mới buộc người chơi phải nắm rõ luật, nếu không sẽ gặp phải những “tai nạn” ngoài mong đợi rất có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp.
Công cụ quyền lực
Các nhà lãnh đạo thế giới đang ngày càng có động thái giống người nổi tiếng thông qua các trang mạng xã hội nhằm thể hiện khía cạnh con người và tăng vị thế chính trị của họ. Trong xã hội truyền thống, các quan chức cấp trên và chính phủ thường nắm tình hình từ các cơ quan cấp dưới.
Kênh thông tin này thường một chiều, thường chỉ báo tin vui chứ chẳng bao giờ báo những điều đáng lo ngại. Vì thế, mạng xã hội có thể bù đắp được khuyết điểm này, tạo sự đa chiều trong giao tiếp giữa cấp trên và cấp dưới, từ đó người dân có thể trực tiếp bày tỏ ý kiến với cơ quan hoặc lãnh đạo nhà nước một cách nhanh nhất.
Vừa qua, một nghiên cứu có tên “Lãnh đạo thế giới trên facebook” cho thấy, Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện nay là nhân vật chiến thắng về chính trị trong cuộc đua truyền thông xã hội. Ông Obama nổi tiếng là người đi tiên phong và đã rất thành công trong việc tận dụng tối đa lợi ích từ các phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số.
Khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, ông đã tận dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ thông tin, cập nhật liên tục về chiến dịch tranh cử tới cử tri, tương tác với những người ủng hộ cũng như củng cố các cam kết cá nhân, và nhận phản hồi ngay lập tức từ dư luận về những quyết sách. Rõ ràng, các nền tảng truyền thông xã hội không chỉ cho phép ông trực tiếp đối thoại với người dân mà còn giúp ông truyền tải mọi thông điệp tới công chúng.
Nếu không rành về mạng máy tính thì có thể sẽ gặp phải những rắc rối như trường hợp của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton với bê bối e-mail cá nhân. |
Điều thực sự làm cho trang cá nhân của một chính khách thu hút độc giả là các thông điệp giản dị từ chính đời sống hàng ngày – yếu tố luôn kích thích sự tò mò và quan tâm của dư luận. Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được xem là đang sử dụng mạng xã hội nhiều hơn các ứng viên trước đó để tương tác với cử tri.
Tài khoản facebook chính thức của ứng viên số 1 hiện nay - cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ - đã có hơn 1 triệu lượt “like”. Trong khi đó, tài khoản twitter chính thức của bà có hơn 4 triệu người theo dõi.
Ngoài ra, bà Hillary cũng lập nhiều tài khoản trên các mạng xã hội khác như instagram hay snapchat. Các chuyên gia nhận định, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội là bước đi khôn ngoan để cựu Ngoại trưởng Mỹ tạo hình ảnh gần gũi với công chúng.
Tại châu Á, ngày càng nhiều chính khách thích ứng với sự phát triển của mạng xã hội. Họ thậm chí tận dụng kênh thông tin này để tuyên truyền chính sách của mình. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo nằm trong số nhiều chính khách có tài khoản facebook được “theo dõi” hàng đầu trên thế giới, một phần vì, giống như ông Obama, họ ở quốc gia đông dân, và cũng bởi họ sử dụng truyền thông xã hội rất tốt.
Đáng chú ý, ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sử dụng mạng xã hội. Ông Tập đã chính thức gia nhập vào cộng đồng facebook để quảng bá cho chuyến công du cấp nhà nước tới Mỹ bằng tài khoản “Xis US visit”. Kể từ khi được thành lập vào giữa tháng 9-2015, tài khoản này đã thu hút được trên 1 triệu lượt “like”.
Trên thực tế, mạng xã hội như facebook đã trở thành một công cụ phổ biến, ngay cả trong số những lãnh đạo chuyên quyền như Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, người ngồi ghế lãnh đạo trong hơn 30 năm.
Khi Hun Sen cai quản một quốc gia công khai đấu tranh với tham nhũng và nghèo đói, ông đang mất dần sự ủng hộ của các tầng lớp trung lưu thành thị mà tầng lớp này ngày càng tăng. Chính phủ của ông hy vọng facebook có thể tạo ra giải pháp thay đổi tình thế, đem lại cơ hội để thu hẹp khoảng cách giữa thủ tướng và người dân.
Cũng giống như các nhà lãnh đạo trong các nền dân chủ tự do, những lãnh đạo chuyên quyền quan tâm sâu sắc về hình ảnh của họ. Có thể nhận định, ông Hun Sen cần thu hút sự chấp nhận về tính chính danh nhiều hơn nữa từ giới trẻ - những người hay dùng mạng xã hội. Do đó, facebook trở thành công cụ tạo nên sự gắn kết và tái thiết kế hình ảnh cá nhân.
Đề phòng sự cố
Mặc dù mạng xã hội có hiệu quả đáng kể trong việc giúp các chính trị gia xây dựng hình ảnh và thu hút công chúng, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc lạm dụng mạng xã hội đôi khi khiến các chính trị gia “điêu đứng”, hoặc thậm chí tiêu tan cả sự nghiệp. Trong nhiều trường hợp, mạng xã hội là công cụ đắc lực “vạch trần” mặt tối của những nhân vật quyền lực.
Nhiều chính khách thích ứng với sự phát triển của mạng xã hội, tận dụng kênh thông tin này để tuyên truyền các chính sách. |
Một trong số những vụ bê bối đình đám trên chính trường Mỹ liên quan đến mạng xã hội là trường hợp của nghị sĩ Anthony Weiner - chính trị gia có 14 năm hoạt động trên chính trường Mỹ. Sự nghiệp của ông Weiner đã tan thành mây khói sau khi ông này dùng mạng xã hội twitter để gửi loạt ảnh nhạy cảm cho nhiều người phụ nữ và yêu cầu tham gia “chat sex”.
Chưa hết, nếu không rành về mạng máy tính thì có thể sẽ gặp phải những rắc rối như trường hợp của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tờ New York Times từng đưa tin, trong suốt 4 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao, bà Hillary chỉ sử dụng một địa chỉ e-mail cá nhân để trao đổi văn kiện. Phương pháp sử dụng e-mail cá nhân như trên là rất dễ bị hacker xâm nhập và hậu quả mà Chính phủ Mỹ có thể gặp phải là rất lớn.
“Những trợ lý của bà đã không tải thư từ mật của bà vào các kho lưu trữ dữ liệu của chính phủ để bảo mật chúng theo luật pháp liên bang đã yêu cầu”, tờ báo New York Times chia sẻ.
Dù là vô tình hay là chủ đích, vụ lùm xùm này cũng đã tạo cho bà Hillary Clinton không ít khó khăn trong chiến dịch tranh cử của mình khi mà các đối thủ cứng cựa như Donald Trump không ngừng dựa vào điều này để đả kích đối thủ của mình.
Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được xem là đang sử dụng mạng xã hội nhiều hơn các ứng viên trước đó để tương tác với cử tri. |
Một rắc rối hi hữu khác liên quan đến Thủ tướng Anh David Cameron. Ông dính phải một bê bối rất đáng xấu hổ vì trang Twitter cá nhân của ông bị phát hiện “theo dõi” trang Twitter của các cô gái Carltons – một trang gái gọi cao cấp. “Những cô gái xinh đẹp nhất cho những người đàn ông thành đạt” là khẩu hiệu của câu lạc bộ Carlton. Song có lẽ ông Cameron không nuốt nổi lời khen này.
Ngay lập tức, số 10 đường Downing đã lập tức thông báo rằng, đây chỉ là một sai sót của hệ thống Twitter từ hồi năm 2009. Khi đó, hệ thống của Twitter được mặc định là “theo dõi” lại tất cả các trang đã bấm “theo dõi” tài khoản Twitter của Thủ tướng Anh. Kết quả là hơn 370 nghìn người đã được đưa vào danh sách “theo dõi” của trang Twitter Cameron.
Hiện nay, mạng xã hội cũng đang là “nỗi khiếp sợ” đối với nhiều quan chức tham nhũng Trung Quốc khi nó trở thành công cụ độc đáo và hiệu quả để vạch trần bộ mặt của họ. Đơn cử như vụ ông Yang Dacai - Chủ tịch Cục An toàn lao động tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) - bị mất chức ngay sau khi loạt ảnh chụp cảnh ông đứng cười thoải mái tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lan truyền trên mạng, làm dậy sóng dư luận.
Hay Shan Zengde - Phó Chủ tịch Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn Đông - bị Ủy ban Thanh tra kỷ luật của tỉnh “sờ gáy” sau khi lá thư ông này viết cho “bồ nhí” với lời hứa sẽ ly dị vợ bị rò rỉ trên Internet hồi cuối năm 2012, khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Chưa hết, một số bồ nhí của quan tham Trung Quốc khi bị bỏ rơi thường trút nỗi hận tình lên mạng xã hội bằng cách công khai hình ảnh ân ái mặn nồng cũng như chuyện biển thủ của các quan tham. Đây chính là cách “trả thù”, khiến sự nghiệp của nhiều chính khách, từng có thời ở trên đỉnh cao huy hoàng, bị hủy hoại và tiêu tan hoàn toàn…