Chiến thắng trong sự trống rỗng

Chủ Nhật, 15/03/2020, 09:03
Cảm giác trống rỗng và thậm chí tuyệt vọng hầu như là một phần cơ yếu của đời sống chúng ta: nó thậm chí xuất hiện trong những cuộc vui rôm rả nhất và một thế giới mà sự giải trí được ưu tiên nhất.

Bỗng dưng vô nghĩa

Nhưng rốt cục thì, cảm giác trống rỗng và nhàm chán có nghĩa là gì? Đó là trạng thái khó chịu sâu sắc khi chúng ta bị thế giới bên ngoài kích thích, nhưng bởi lý do nào đó, không được đáp ứng hoặc định hướng. Những lý do có thể đến từ bên trong, thường là thiếu trí tưởng tượng, cảm hứng, nhiệt tình; hoặc từ bên ngoài, là thiếu động lực, hoặc không có môi trường thể hiện. Chúng ta muốn làm một điều ý đó hấp dẫn và có ý nghĩa, nhưng nhận ra rằng mình không thể, và ngày càng thất vọng, khi nhận thức về sự bất lực này ngày một gia tăng.

Ý thức có lẽ chìa khóa giải thích tại sao con người lại bị hành hạ bởi sự trống rỗng. Như nhà văn người Anh Colin Wilson nhận xét: "Hầu hết các loài động vật đều không thích sự nhàm chán, nhưng chỉ có con người bị dằn vặt bởi nó". Triết gia người Đức thế kỷ XIX Arthur Schopenhauer lập luận rằng nếu cuộc sống thực sự có một ý nghĩa nào đó hoặc viên mãn, con người đã không buồn chán đến thế. Cảm giác trống rỗng như là bằng chứng cho thấy sự vô nghĩa của cuộc sống này.

Cảm giác trống rỗng có thể nhấn chìm bất kỳ ai, nhưng con người có thể đánh bại tất cả chỉ bằng việc gieo cho cuộc đời mình một ý nghĩa đủ lớn. Ảnh: Psycom.net.

Trong tiểu thuyết Sa đọa (1956) của Albert Camus, nhân vật Clamence đã nói thế này với một người lạ: "Tôi biết một người đàn ông đã dành 20 năm đời mình cho một phụ nữ thờ ơ, hy sinh tất cả cho cô ta, từ tình bạn, công việc của anh ta, những điều đáng trọng nhất trong cuộc đời anh, và một buổi tối bỗng nhận ra rằng anh chưa bao giờ yêu cô ta.

Anh ta đã chán nản, thế đấy, như nỗi buồn chán của tất cả mọi người. Sau đây anh ta phải làm mình biến khỏi cõi đời đầy những rắc rối và bi kịch này. Phải có gì đó xảy ra - và nó giải thích được tuyệt đại đa số sứ mệnh của con người. Phải có gì đó xảy đến, thậm chí là sự nô dịch không tình yêu, thậm chí là chiến tranh hay cái chết".

Đấy là một cơn khủng hoảng "rất Camus": đa số chúng ta đều sẽ nỗ lực trong một guồng quay dường như đã được xã hội thiết lập một cách tinh vi từ rất lâu để ta sống và cố gắng quay theo nó. Cho đến một ngày, khoảnh khắc đốn ngộ không biết từ đâu ập đến, và khiến ta kinh ngạc: mọi thứ xung quanh mới vô nghĩa làm sao.

Và những người buồn chán và trống rỗng mãn tính sẽ nhanh chóng biểu hiện nội tâm của họ thông qua các vấn đề tâm lý, như là trầm cảm, ăn quá nhiều, hoặc lạm dụng rượu và ma túy.

Trong thế giới hiện đại, chúng ta dành rất nhiều nguồn lực để chống lại cảm giác nhàm chán. Giá trị của thị trường giải trí toàn cầu dự kiến sẽ cán mốc 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2023, và các ngôi sao thể thao hay giải trí có một địa vị siêu phàm và mức thu nhập khủng khiếp.

Nhưng chừng ấy vẫn là quá ít để con người có thể cảm thấy hạnh phúc. Nhà phân tâm học người Áo Viktor Frankl, người đã sống sót qua các trại tập trung diệt chủng của phát xít Đức, đã tiến xa hơn trong việc mô tả cảm giác trống rỗng của loài người, trong cuốn sách Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người (xuất bản năm 1946). Ông viết rằng "có quá nhiều bệnh nhân đã lên tiếng về hôm nay, cụ thể là, cảm giác về sự vô nghĩa toàn diện và tận cùng của cuộc sống họ đang sống".

Vốn là một chuyên gia trị liệu tâm lý có tiếng trước khi bị gửi đến các trại tập trung địa ngục trần gian Auschwitz và sau đó là Dachau, Frankl là một nhân vật tiêu biểu trong lực lượng có tên "làn sóng thứ ba" về lĩnh vực tâm lý của nước Áo.

Tại Vienna, ông là bác sỹ Frankl, trưởng khoa thần kinh của bệnh viện Rothschild. Tại Auschwitz, ông đơn giản là "Số 119,104". Trong các trại tập trung, ông làm việc như một bác sỹ không chính thức, và việc tiếp xúc với các tù nhân đã giúp ông nhìn xuống sâu hơn các tầng hầm của bản chất con người.

"Tù nhân là những người mất niềm tin vào tương lai - tương lai của anh ta - đã bị tiêu diệt" - Frankl kể lại rằng trong trại tập trung, nơi chuyện tự sát xảy ra như cơm bữa, dường như những người có cơ hội sống sót cao nhất không nhất thiết phải có thể chất khỏe mạnh nhất, mà là những người có khả năng hướng sự chú tâm của mình đến cảm giác "có ý nghĩa".

Một vài tù nhân "có thể tạm rời khỏi thực tại khủng khiếp xung quanh để an trú với cuộc sống giàu có trong nội tâm và tự do về tinh thần" - Frank viết. Tưởng tượng ra một không gian như thế tăng cơ hội sinh tồn.

Cá nhân Frankl đã tưởng tượng ra những cuộc trò chuyện khá phức tạp với người vợ Tilly (sau này ông mới biết vợ mình đã bị giết ở một trại tập trung khác) và nghĩ rằng mình đang giảng bài cho đám đông về tâm lý của tù nhân trong các trại tập trung. Bằng cách này, Frankl và rất nhiều tù nhân khác tự giải thoát mình khỏi trạng thái tuyệt vọng, không hẳn bằng ý chí kiên cường, mà bằng một phương pháp đúng đắn: duy trì cảm giác ý nghĩa liên tục để tiếp tục sống.

Đi tìm ý nghĩa

Đấy dường như là cách duy nhất để một con người có thể thoát khỏi cảm giác trống rỗng, và chúng ta tìm kiếm nó hàng ngày. Khi tôi ôm con trai tôi, nghĩa là tôi yêu nó. Khi thời tiết đẹp, có nghĩa rằng nó báo hiệu một ngày tốt. Khi ai đó khen tôi, nghĩa là tôi đang là một người tốt và có ích. Đằng sau một hành động hoặc một hiện tượng thậm chí có bản chất là ngẫu nhiên, chúng ta luôn kiếm tìm một ý nghĩa.

Đấy là công cụ để tạo động lực lớn nhất cho chúng ta. Khi con cái chúng ta bị đói hoặc gặp nguy hiểm, chúng ta sẵn sàng đi hàng trăm cây số để tìm kiếm thức ăn. Những cuộc chiến tranh trong lịch sử đều được thúc đẩy bởi cảm giác nó mang ý nghĩa to lớn, về tôn giáo, hoặc dân tộc.

Trong cuốn sách Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người, bác sỹ Frankl đưa ra một giải pháp: ý nghĩa của cuộc sống có thể được tìm thấy trong việc "trải nghiệm điều gì đó, như là lòng tốt, sự thật hay cái đẹp, bằng cách trải nghiệm tự nhiên và văn hóa, hoặc bằng cách trải nghiệm nhân tính trong một người trong cái độc nhất của anh ta, bằng cách yêu thương anh ta".

Các trải nghiệm này không phải tự nhiên mà có. Nó là một dạng "tài nguyên" cần phải được luyện tập và gom góp. Ý nghĩa giống như nước với sức khỏe tâm lý của chúng ta. Không có nó, trái tim và tâm trí của chúng ta sẽ co lại và "chết" đi. Nó "chảy" qua chúng ta, tức là ý nghĩa của ngày hôm qua chưa chắc đã là điều quan trọng ngày hôm nay. Nó cần được tìm ra và nuôi dưỡng và thậm chí thay thế thường xuyên.

Bằng cách nào? Mark Manson, một blogger kỹ năng mềm nổi tiếng người Mỹ, đã đúc rút trong hai việc:

Giải quyết vấn đề. Vấn đề càng lớn, người ta càng cảm thấy có ý nghĩa. Bạn càng cố gắng giải quyết nó, bạn càng cảm thấy ý nghĩa. Giải quyết vấn đề mang tính phổ quát rằng bạn đang tìm cách biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn một chút.

Có thể đơn giản như sửa lại mái nhà đang dột nát ở phòng mẹ đang ở, hoặc to lớn cỡ tìm ra một phát hiện đột phá trong khoa học chẳng hạn. Có hàng ngàn vấn đề lớn nhỏ hàng ngày xung quanh bạn, và việc giải quyết bất kỳ điều gì cũng sẽ gom góp cho bạn một mẩu nhỏ của ý nghĩa.

Giúp đỡ người khác. Là con người, chúng ta có các mối quan hệ. Các nghiên cứu cho thấy sức khỏe tổng thể của chúng ta gắn liền với chất lượng các mối quan hệ của chúng ta, và cách tốt nhất để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh là giúp đỡ người khác.

Trên thực tế, một số nghiên cứu khoa học cho thấy việc cho đi còn khiến chúng ta hạnh phúc hơn nhiều là giành giật điều gì đó cho bản thân mình. Hơn thế, điều này tạo ra một động lực mạnh mẽ trong não bộ. Nó cho bạn quyền được nghĩ: "Nếu tôi chết đi, thì đã có ai đó cảm thấy tốt hơn vì tôi đã sống".

Trong một đoạn đáng chú ý bậc nhất của cuốn sách Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người, Frankl kể lại rằng khi nhóm làm việc của tù nhân trong trại tập trung được tạm nghỉ vài giờ, một vài tù nhân đã nảy ra một ý tưởng: "Họ gọi chúng tôi ra sân chung để ngắm hoàng hôn.

Đứng bên ngoài, chúng tôi nhìn thấy những đám mây hung ác rực lên ở phía Tây, và cả bầu trời trở nên sống động với đủ những đám mây với hình dạng và màu sắc thay đổi liên tục, từ xanh ánh thép đến đỏ như máu. Từ nơi quan sát này, một chỗ mà chính định nghĩa của nó (nhà tù) đã vô hiệu hóa ý nghĩa, một tù nhân thốt lên: "Hóa ra thế giới có thể đẹp như thế".

Frankl cho rằng chính sự ngạc nhiên này là bí quyết để xác định xem tù nhân nào có thể sống: đó là một phản xạ tuyệt diệu cho thấy rằng ngay cả khi đó là lần cuối cùng hoàng hôn xảy ra trong đời chúng ta, ngay cả ở trong địa ngục, và ngày Tận thế đang đến, thì một tâm trí được luyện tập vẫn có thể tìm thấy sự kinh ngạc, vẻ đẹp và sự ân sủng. Đó là cách ý nghĩa vận hành: có một lý do sâu sắc trong việc phải tiếp tục sống, không chỉ là để... thở, tồn tại, mà là để được tận hưởng những điều tuyệt diệu của nó, như là trở về với gia đình, như là một ánh hoàng hôn.

Cảm giác trống rỗng và thậm chí tuyệt vọng hầu như là một phần cơ yếu của đời sống chúng ta: nó thậm chí xuất hiện trong những cuộc vui rôm rả nhất và một thế giới mà sự giải trí được ưu tiên nhất. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại của nó như một sự nhắc nhở về tính chất khắc nghiệt và bản chất khổ đau của đời sống, nhưng chế ngự và đánh bại nó là sứ mệnh của cuộc đời chúng ta, với tư cách một con người. Vì không đánh bại nó, chúng ta chẳng thể tìm thấy một ý nghĩa nào để gieo lên mảnh đất số phận của mình.

Ban Cầm
.
.