Brexit: Châu Âu đi trên dây
- Nước Anh phân cực vì “đi hay ở” EU
- Vì sao EU quyết tâm “giữ chân” Anh?
- Tương lai EU trong sức ép toàn diện
Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo, nếu Anh rời bỏ EU thì nền kinh tế của khối này sẽ phải hứng chịu những thảm họa khó lường. Đứng trước một canh bạc “Brexit” nguy hiểm (ghép từ 2 chữ “Britain - nước Anh” và “exit - ra khỏi”) có thể gây hậu quả tai hại cho toàn bộ châu lục, các lãnh đạo Liên minh châu Âu liên tục nhóm họp khẩn để thảo luận các biện pháp giữ chân Anh ở lại, trong bối cảnh một cuộc trưng cầu dân ý về rời khỏi EU ở “xứ sở sương mù” sắp diễn ra.
Nỗ lực ngăn chặn thảm kịch
Anh vốn có mối quan hệ không mấy hòa dịu với nhiều quốc gia trong EU khi sử dụng vị thế cường quốc kinh tế làm cái cớ để từ chối sử dụng đồng tiền chung Euro. Đây cũng là cái cớ để những cá nhân ủng hộ việc từ bỏ EU ngày càng trở nên lớn mạnh, đến độ trong cuộc tranh cử năm 2013, Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của Anh tại EU nếu đắc cử nhiệm kỳ hai.
Xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, rời EU đồng nghĩa với mức tiết kiệm hàng tỷ USD cái gọi là “phí thành viên”, tự do kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định của EU. Chính sự thiếu nhượng bộ và ngoan cố này đang đe dọa nền móng của EU nhiều hơn bao giờ hết.
Có vẻ như, ông Cameron sẽ phải thực hiện lời hứa khi đã cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Thủ tướng Anh khẳng định không muốn nước Anh “đóng sập cánh cửa và rút lui khỏi thế giới”. Ông sẽ “giữ Anh trong một EU đổi mới”, chỉ khi liên minh này sẵn lòng thực thi những cải cách then chốt mà London đề xuất. Phải kể tới cơ chế bảo vệ cho các nước thành viên EU không nằm trong Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), chuyện Anh sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết về liên minh chặt chẽ hơn theo hiệp ước của EU, và sự tăng quyền cho các nghị viện quốc gia trong việc ngăn chặn các đạo luật của EU. Một trong những điều khoản gây tranh cãi và khó đạt đồng thuận nhất đó là Anh muốn “đóng băng” chi trả phúc lợi cho những người di cư EU đang làm việc nếu họ có thâm niên làm việc dưới 4 năm tại Anh.
Châu Âu đang nóng lên khi liên tiếp các tai ương, thách thức xuất hiện. Sau nhiều thập niên mở rộng không ngừng và phát triển thịnh vượng, EU đang đối diện với thử thách lớn chưa từng có - đổ vỡ từ bên trong. Lòng kiên nhẫn của giới lãnh đạo EU bị thử thách, dồn đến chân tường của những bế tắc, khó khăn.
Trước tình hình này, Thủ tướng David Cameron và người đồng cấp Angela Merkel đã kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để đạt được thỏa thuận về cải cách EU, để thuyết phục cử tri tại Anh trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU, dự kiến diễn ra vào tháng 6 sắp tới.
Đức, với tư cách thành viên lớn nhất của EU, đang đi đầu trong nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn của khối. Nhấn mạnh sự tin tưởng và mong muốn của Đức rằng Anh vẫn ở lại EU, bà Merkel khẳng định “sẽ làm tất cả những gì cần thiết với ông Cameron để tìm ra một thỏa hiệp”.
Bà cho biết sẽ kêu gọi các nước khác ủng hộ kế hoạch hướng tới cải cách EU, giúp liên minh này nâng cao tính cạnh tranh, sự minh bạch cũng như giảm tệ nạn quan liêu. Nữ Thủ tướng bày tỏ mong muốn trong tương lai, Anh sẽ vẫn luôn là một thành viên tích cực trong một EU thành công, một mắt xích “không thể thay thế” trong chính sách an ninh và đối ngoại của châu Âu.
Trong khi đó, có nguồn tin cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có sự can thiệp mạnh mẽ và công khai nhằm thuyết phục cử tri Anh lựa chọn phương án ở lại.
Theo đó, kế hoạch can dự của Tổng thống Obama có thể sẽ tập trung nêu bật sự cần thiết phải đoàn kết của EU để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư và các hành động của Nga ở khu vực Baltic, Ukraine và Trung Đông. Ông Obama sẽ có chuyến thăm Đức vào cuối tháng 4 tới, và đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất để ông cùng bà Merkel ngăn chặn “Brexit”. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại ở cả Washington và London cho rằng, sự can thiệp của Tổng thống Mỹ sẽ phải hết sức khéo léo nhằm tránh mang lại những “tác dụng phụ”.
Viễn cảnh u ám
Chiến dịch vận động bỏ phiếu ủng hộ việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu mang tên “Vote leave” vừa được phát động. Trong vài năm gần đây, tại Anh đã xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ việc nước này ra khỏi EU. Nhiều công dân Anh cho rằng họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu.
Tự do giúp Anh tiết kiệm ngay khoảng 9 tỷ USD mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của liên minh, thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu.
Với “Brexit”, người Anh chắc chắn sẽ có cảm giác đã tạo nên sự khác biệt, giữ được chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, việc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu tạo nên tổn thất vô cùng nặng nề, mở đầu cho một làn sóng ly khai. Các nước khác trong liên minh như Hungary, Ba Lan hay Đan Mạch sẽ có ý định tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân tương tự, khiến EU đứng trước sự bất ổn lớn nhất trong lịch sử khối này kể từ Thế chiến II. Một hậu quả phức tạp và đáng quan ngại khác có thể là viễn cảnh Scotland tách khỏi Anh, tuyên bố độc lập.
Tính đến thái độ thân EU của người dân Scotland, người ta có thể nghĩ tới khả năng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai diễn ra. Khi ấy, không chỉ xuất hiện kịch bản “Brexit”, mà còn là kịch bản “Vương quốc bị tan rã”, hủy hoại sự thống nhất của chính Vương quốc Anh.
Trên phương diện chính trị, trong trường hợp phe phản đối Anh ở lại EU giành thắng lợi, tác động của kịch bản “Brexit” sẽ còn nghiêm trọng hơn. Ngay lập tức, nó sẽ cho thấy dấu hiệu thoái trào của châu Âu trên thế giới. Vị thế và vai trò của Anh trong EU có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ. Anh nên cân nhắc việc thay đổi cơ cấu quan hệ với EU có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa London và Washington, thậm chí Anh có nguy cơ bị gạt ra ngoài các vấn đề quốc tế.
Chưa hết, Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít về kinh tế. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh là EU sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ôtô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, kinh tế Anh thời kì “hậu Brexit” thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Các ngân hàng lớn đã lên sẵn kịch bản đáng sợ, với dự đoán đồng Bảng Anh - một trong những đơn vị tiền tệ mạnh nhất thế giới - có thể sẽ sụp đổ, mất đến 20% giá trị. Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cũng như của các cường quốc khác hết sức lo lắng về “Brexit”, vì lâu nay họ vẫn sử dụng Anh làm bàn đạp cho chuyện kinh doanh tại “lục địa già”.
Việc quốc gia này tách mình ra khỏi Liên minh châu Âu có thể sẽ phá bỏ mối liên kết quan trọng nói trên. Trong trường hợp tệ hại nhất, thậm chí có thể một số ngân hàng lớn phải đóng cửa, rời bỏ chi nhánh tại London. Vì thế, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đã bỏ ra hàng trăm nghìn USD để vận động cho chiến dịch giữ nước Anh ở lại với EU.
Những gì đang diễn ra có thể khiến EU và Anh đối mặt với vực thẳm. Làm sao để tránh khỏi sự hỗn loạn và biến thách thức thành cơ hội? Câu hỏi đang được đặt ra cho các thể chế châu Âu, đặc biệt là Hội đồng châu Âu quy tụ các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU.
Hiện nay, không một thể chế nào trong EU muốn thấy tác động tiêu cực có thể xảy ra của cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, và sẽ thực thi mọi biện pháp để “hồi sinh liên minh”. Một loạt những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra, đòi hỏi các chính phủ phải vượt qua bằng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết. Viễn cảnh tan rã sẽ thành hiện thực chừng nào sự im lặng vẫn được xem là giải pháp tạm thời…
Chiến dịch “Vote Leave” được phát động, cho rằng rời EU đồng nghĩa với thoát khỏi “phí thành viên” và tự do kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới.