Chất trẻ ở Diên Hồng

Thứ Sáu, 27/11/2020, 09:49
Làm nghị sĩ, kỹ năng nói (phát biểu, chất vấn) có ý nghĩa như nam châm hút sự chú ý của cử tri, của người đời. Giờ đây, có những người trẻ ở nghị trường đang tạo ra một dấu ấn khác, một định hình khác, rằng không chỉ dám nói và nói “có ngạnh” khi “tre đã già”!

Nhưng ở Quốc hội khóa XIV, cái lẽ ấy đang được định hình lại. Kỳ họp thứ 10, cái tên Ksor H'Bơ Khăp là minh chứng tiêu biểu cho sự định hình mới về “khí chất Diên Hồng”!

Chúng ta cùng điểm lại những dấu ấn chất vấn của chị tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói tại diễn đàn Quốc hội rằng, cho đến nay, ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%. Bộ trưởng quả quyết, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp tranh luận: “Đồng ý với Bộ trưởng những con số nêu trên là chính xác nhưng xin hỏi trong 14,6 triệu ha rừng này, có bao nhiêu ha là rừng tự nhiên thực sự có chất lượng, bao nhiêu là rừng trồng làm kinh tế với các loại cây cao su, bạch đàn, tràm... Độ che phủ 42% trong lúc thế giới bình quân chỉ 29%. Cũng đồng ý với Bộ trưởng là con số này đúng nhưng xin hỏi, phủ xanh bằng các loại cây khai thác kinh tế chỉ để làm mát mắt thì chẳng có tác dụng hạn chế thiên tai, bão lũ”.

Đại biểu cho rằng, con số Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự sai sai”. Chị nói: “Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao? Cũng xin nói thêm rằng, với hàng ngàn vụ lâm tặc phá rừng bị phát hiện, báo đăng cũng như không phát hiện qua mấy chục năm nay thì lấy đâu ra con số tăng rừng tự nhiên như Bộ trưởng nói.

Phải tính lại từng ha rừng, chắt chiu giữ lại từng mét vuông rừng tự nhiên. Đừng lấy những con số trên giấy làm thuốc an thần cho một quốc gia mà rừng tự nhiên đã và đang bị phá hoại một cách nghiêm trọng. Rừng tự nhiên bị phá nát, thay vào đó rừng trồng mới để phủ xanh, để làm kinh tế thì không thể ngăn được lũ lụt. Để phục hồi diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đương nhiên cần rất nhiều thời gian nhưng phải nhận thấy sự mất mát đó để quyết tâm làm thì mới có thành tựu”...

Trong phần tranh luận về pin mặt trời, sau những phát biểu của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, nữ đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cho rằng, hiện cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. “Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan pin năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào? Đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao?” - nữ đại biểu nêu vấn đề.

Một phiên chất vấn sống động với những câu hỏi sắc sảo của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp.

“Tôi rất mong đại biểu nghe lại băng tôi trả lời để có sự hiểu biết nhau hơn” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm sau phần trả lời chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp. Tranh luận ngay sau giờ giải lao, chị nói: “Tôi đã chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu nhưng Bộ trưởng thì có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì”. Đại biểu cho biết đã nêu câu hỏi về việc Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ không, Bộ trưởng chưa trả lời. Rừng có mối quan hệ thế nào đối với sạt lở, lũ lụt hiện nay, Bộ trưởng cũng chưa trả lời.

Từ việc giải thích rõ hơn sự tàn phá hệ sinh thái rừng, đại biểu chốt: “Tức là cây rừng ở đó đã mất đi rất lâu rồi, không cải tạo đất và điều này đã gây ra địa chấn về môi trường. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay... Cuối cùng với tư cách là đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm thế nào đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Bộ trưởng chỉ tập trung vào “rừng” vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi đã nghĩ đến rừng rồi”!

Nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp sinh năm 1982 (tên thường gọi Ksor Phước Hà) là con gái của ông Ksor Phước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Là người dân tộc Gia Rai, hiện chị là Trung tá, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Khi ra tranh cử đại biểu Quốc hội, Ksor H’Bơ Khăp từng hứa với cử tri: “Là ứng viên nữ, là người dân tộc thiểu số, tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Tôi tin tưởng mình sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt và lâu dài. Tôi sẽ cùng với các đại biểu khác tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em...”.

Và những gì diễn ra đúng như lời hứa ngày nào. Nữ đại biểu Tây Nguyên chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội rằng, vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm trinh sát, chồng cũng là trinh sát hình sự nên công việc bận rộn và thường xuyên trực bảo vệ an ninh trật tự.

Là người theo dõi sát sao các phiên chất vấn tại Quốc hội, cụ Ngô Thành (94 tuổi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai) tự hào về thế hệ con cháu đảm trách trên vai nhiệm vụ dân cử: “Tôi coi Ksor H’Bơ Khăp như cháu gái mình. Tôi cảm thấy rất tự hào khi H’Bơ Khăp trước Quốc hội thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình và cũng là những gì tôi đang trăn trở. Cô bé lớn lên trong gia đình có truyền thống lãnh đạo nên phong thái cũng rất chững chạc, rất đáng để những người trẻ ngày nay học hỏi”.

Lâu nay, nhiều người nghĩ việc chất vấn, nêu những vấn đề gai góc, đụng chạm ở nghị trường Quốc hội thường chỉ dành cho người có tuổi. Ở Quốc hội, vài nhiệm kỳ trước đã có câu nói quen thuộc “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (ý chỉ việc chất vấn, thứ nhất là đại biểu Nguyễn Quốc Thước, nhì - Nguyễn Lân Dũng, ba - Nguyễn Ngọc Trân, tư - Dương Trung Quốc). Sau này khi ông Thước nghỉ, người ta thay bằng “nhất Ngoạn”, tức đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn.

Những vị trên được xưng danh ở nghị trường là những cao niên, lại công tác ở các lĩnh vực về hội (như ông Dương Trung Quốc, Hội Khoa học lịch sử; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Hội Cựu chiến binh; ông Đỗ Trọng Ngoạn, Hội Người cao tuổi). Ở điểm này, có thể hiểu như sau: chất vấn vốn dễ đụng chạm, nhất là những vấn đề nóng, gai góc, liên quan đến các “tư lệnh” ngành. Điều này dẫn đến nhiều đại biểu đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương ngại “đối mặt” trong các phiên chất vấn, truy trách nhiệm tồn tại, bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực đó mà trực tiếp là các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Với đại biểu đến từ các hội, lại thuộc bậc cao niên, giàu kinh nghiệm sống và việc không lệ thuộc hay chi phối bởi tính hành chính nhà nước, họ có thể dễ dàng thể hiện dũng khí, bản lĩnh để chất vấn, truy nóng, kể cả vấn đề mà nhiều người cho là nhạy cảm không muốn nói trực diện. Theo nhịp sống nghị trường, cái lẽ ấy lâu dần cũng tạo nếp sống. Bởi thế, cái tên Diên Hồng, nơi gần 500 đại biểu dự họp thì bản chất “Diên Hồng”, nhiều người hiểu dành cho “bô lão” là chính.

Và lâu nay, cũng mấy khi thấy người trẻ, lại là nữ ở cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới mà “truy nóng” bộ trưởng, trưởng ngành tại Quốc hội sâu và sắc đến vậy. Với Ksor H’Bơ Khăp, chị đã xóa bỏ khái niệm đó.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng nói rằng, hỏi trong đời thường thì có 3 cách hỏi, đó là hỏi cho biết, hỏi để mà hỏi và hỏi để làm rõ trách nhiệm. Hỏi ở chất vấn cần phải là cách hỏi thứ ba. Xem như cách đặt vấn đề, truy vấn với những ý tứ “có ngạnh” cho thấy độ sắc sảo và dũng khí của người hỏi. Ở tuổi 38, công tác tại vùng sơn cước, khí chất của chị thực là ít thấy, thực là hiếm gặp. Chị đã hỏi, đã chất vấn theo đúng nghĩa nội hàm hỏi để làm rõ trách nhiệm như phân tích trên.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chất vấn đòi hỏi bản lĩnh và kỹ năng. Khi các vị đại biểu Quốc hội đến nghị trường, có 3 việc quan trọng là nghe, nói và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra bởi không thể biết ai nghe tốt, ai không. Việc biểu quyết cũng khó xác định (vì Quốc hội chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm khi biểu quyết chứ không nêu danh cụ thể). Như vậy, điều quan trọng với cử tri là nói, phát biểu. “Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của việc làm đại biểu” - ông nói.

Nhiều người cũng băn khoăn, mỗi năm xuân thu nhị kỳ, ấy vậy mà có người hiếm khi thấy mở lời tại nghị trường. Đại biểu dân cử, mang tâm tư nguyện vọng của dân mà không nói, không phát biểu gì thì giải thích sao với dân? Và, họ cảm thấy thế nào khi diện kiến không khí sống động mà những vị đại biểu như Ksor H’Bơ Khăp đã mang lại trong nhịp sống nghị trường?

An Nhi
.
.