Câu trả lời cho 50 năm

Thứ Hai, 16/09/2019, 10:29
Tháng 9, trong rất nhiều những nỗi nhớ vọng về từ lịch sử, mỗi người Việt Nam chúng ta hẳn đều nhớ đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm xuống. Tháng 9 năm 1969, Người nằm xuống, đến tháng 9 năm 2019 đã tròn 50 năm, nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử.

50 năm là một độ lùi lịch sử cần thiết để nhìn lại một cách thấu đáo và chính xác những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta đã ứng xử và những gì chúng ta sẽ tiếp tục phải ứng xử, để có thể là sau khoảng 50 năm nữa nhìn lại, chúng ta sẽ không phải hổ thẹn với những di nguyện của Người.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ, sau khi Người nằm xuống thì “Tro hỏa táng chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam” để Người được mãi mãi gần gũi với sông núi, đồng bào. Vậy thì việc chúng ta giữ gìn thi hài Người rõ ràng  là một quyết định lịch sử và vô cùng khó khăn. Quyết định ấy có phải là làm trái với Di chúc của Người hay không?

Và bây giờ nhìn lại, chúng ta còn thấy một khó khăn nan giải nữa, đó là đất nước lúc đó chiến tranh, vậy thì chúng ta sẽ lấy gì để xây lăng và để gìn giữ thi hài Người? Trên thế giới lúc đó chỉ có lăng lưu giữ thi hài lãnh tụ ở Liên Xô và Bungaria. Thế nên, lãnh đạo Liên Xô yêu cầu phải đưa thi hài Bác qua Liên Xô mới có đủ điều kiện thực hiện việc gìn giữ. Đấy là một bài toán không dễ tìm lời giải. Chúng ta có làm theo đề nghị của Liên Xô không?

Quang cảnh lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Sau rất nhiều trăn trở, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã khảng khái bộc bạch rằng: “Nếu Liên Xô nói phải đưa thi thể Bác sang Liên Xô mới giữ được thì chúng tôi đành phải chôn Bác...”; bởi “...theo phong tục Việt Nam, Người phải ở lại với đồng bào chúng tôi”. Nói lại những câu chuyện này để thấy rằng 50 năm trước, đã đành chúng ta quyết tâm giữ lại thi hài Người nhưng nếu giữ lại mà  không thành công hoặc không bảo đảm an toàn, lâu dài thì lại  mắc tội lớn với nhân dân, với đất nước.

Có một sự thật của 50 năm trước: Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) diễn ra vào buổi chiều 3-9-1969 mới chỉ quyết định giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ chưa quyết định gì đến việc có giữ lại thi hài Bác hay không.

Phải sau rất nhiều trăn trở, đến phiên họp ngày 29-11-1969, nghĩa là hơn 2 tháng sau, Bộ Chính trị, đứng đầu là Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn mới hạ quyết tâm xây dựng lăng, gìn giữ lâu dài thi hài Bác cho muôn đời con cháu mai sau.

Lý do thực sự nằm ở đâu?

Lý do là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị lúc đó hiểu rõ ý nguyện của đồng bào, chiến sĩ về việc được nhìn thấy Bác, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền Nam “đi trước về sau”. Dù chưa một lần gặp Bác nhưng rất nhiều đồng bào, chiến sĩ đã sống, chiến đấu theo lí tưởng của Người.

Nhiều cuốn hồi ký thời chiến nói với chúng ta rằng, trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, những lúc bị kìm kẹp, tra tấn trong nhà tù đế quốc thì rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã tưởng tượng hình đám mây, vệt nước ngấm trên tường nhà giam là hình ảnh Bác, dùng máu của mình tự vẽ ảnh Bác..., hướng về Bác, về miền Bắc để mà nuôi chí bền. Có thể nói lúc đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đứng đầu là Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã quyết định thể theo ý nguyện của dân tộc, của nhân dân. Và như vậy, không thể nói là chúng ta đã làm sai Di chúc.

Thời điểm đó, chúng ta đã nhờ chuyên gia Liên Xô thực hiện các công đoạn kỹ thuật tại Việt Nam, bảo đảm cơ sở để giữ gìn thi hài Bác lâu dài. Chuyên gia Liên Xô và kỹ sư, công nhân Việt Nam đã chế tạo lồng kính đặt thi hài Bác an toàn tại hội trường Ba Đình trong thời gian diễn ra lễ viếng, truy điệu. Sau thời gian ngắn, Bộ Chính trị thông qua Dự thảo nhiệm vụ thiết kế lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đưa ra. Và sau đó, thể theo nguyện vọng của đồng chí, đồng bào trên cả hai miền và ở ngoài nước, Bộ Chính trị quyết định trưng bày, lấy ý kiến nhân dân.

Trong suốt 3 tháng, từ tháng 5-1970 đến tháng 8-1970, trong điều kiện chiến tranh, liên lạc, đi lại vô cùng khó khăn, vậy mà đã có tới 200 phương án thiết kế gửi đến trưng bày, gần 750.000 lượt người tới thăm và hơn 34.000 người tham gia ý kiến, trong đó có nhiều thư góp ý là của Việt kiều. Phương án cuối cùng, tổng hợp tất cả các ý kiến tham gia được chấp thuận, lăng Bác chính thức khởi công xây dựng ngày 2-9-1973.

Điều đáng nói tiếp theo là sau đó, tất cả các tỉnh, từ miền ngược đến miền xuôi đều đóng góp sản phẩm tiêu biểu của quê hương mình để xây lăng như đá, gỗ, cây quý và những bàn tay thợ tài hoa. Đá ngọc Cao Bằng, cẩm thạch Hà Tây, hồng ngọc Thanh Hóa..., nhiều cây gỗ quý, có cây còn mang trên mình mảnh bom đạn, do nhân dân Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và bộ đội Trường Sơn gửi ra để đóng 200 bộ cửa bằng bàn tay của các nghệ nhân mộc ở Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An...

Có một câu chuyện trong quá trình xây lăng ít người biết đó là khi cờ Đảng và cờ Tổ quốc ghép chưa xong thì hết đá đỏ. Vấn đề được đem ra bàn bạc, nhiều người nói: non sông đất nước ta đã sinh ra Người, chắc chắn sẽ có đủ vật liệu để xây lăng của Người. Thế là nghe tin ở đâu có mỏ đá đỏ, bất kể là vùng rừng núi hẻo lánh, xa xôi thì lập tức các kỹ sư, công nhân đều lên đường khảo sát.

Cuối cùng, chúng ta đã tìm đủ số đá đỏ cần thiết. Hàng vạn kỹ sư, công nhân làm việc không mệt mỏi, cả 3 ca, để rồi đến ngày 29-8-1975, sau gần 2 năm xây dựng, lăng Bác được khánh thành. 

Nhưng có một bước ngoặt lớn đã xảy ra vào năm 1991, khi Liên Xô tan vỡ. Hoàn cảnh mới buộc chúng ta phải đổi mới quan hệ, phương thức hợp tác và phải nhanh chóng làm chủ các công nghệ cốt lõi để tự lực thực hiện thường xuyên công việc giữ gìn an toàn thi hài Bác. Trong đó có những khâu, những công nghệ then chốt như: Công nghệ bảo đảm môi trường (điện, nước, không khí, nhiệt độ, độ ẩm, vi khuẩn...); công nghệ hóa chất bảo quản, giữ gìn thi hài (thuộc loại bí mật nhà nước); công nghệ vật liệu, thiết bị phục vụ giữ gìn thi hài. Hàng trăm chỉ số phải tuân thủ nghiêm ngặt, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, không được để bất cứ chỉ số nào vượt quá giới hạn, không được để xảy ra bất cứ sai sót nào, bởi sai rồi thì không còn cơ hội làm lại nữa.

Công trình xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết quả là chúng ta đã vượt lên khó khăn để hoàn toàn làm chủ công nghệ, kỹ thuật, tự lực đảm nhiệm toàn bộ quy trình giữ gìn thi hài Bác. Nhiều công trình, sáng kiến có giá trị khoa học cao được các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu thực hiện, đáp ứng tốt tất cả các yêu cầu; nâng cấp, thay thế hệ thống trang thiết bị kỹ thuật theo công nghệ trước đây của Liên Xô (khá cồng kềnh) bằng hệ thống trang thiết bị công nghệ mới, gọn nhẹ, tin cậy, tự động kiểm tra và điều chỉnh khi cần thiết.

Thủ đô Hà Nội có 3 địa điểm lịch sử liên quan đến việc gìn giữ thi hài Bác. Một là căn hầm ở Bệnh viện Quân y 108, nơi ướp thi hài Bác những ngày đầu. Hai là dưới tầng ngầm của lăng có “buồng đặc biệt” làm nơi giữ thi hài tại chỗ và ba là khu vực sơ tán thi hài Bác ở Đá Chông (công trình K9), trong trường hợp Hà Nội xảy ra chiến sự. Các căn hầm, công trình ngầm có thể chịu được bom cỡ lớn. Riêng việc lựa chọn, xây dựng công trình K9 cũng là một kỳ công. Đá Chông chính là nơi Bác đã lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng.

Các kỹ sư, cán bộ, chiến sĩ đã tự mình thiết kế, thi công các hạng mục của công trình K9, trong điều kiện chiến tranh, không những bảo đảm đầy đủ yêu cầu giữ gìn thi hài Bác một cách bí mật, an toàn mà còn phải hết sức tôn nghiêm. Từ Hà Nội có thể di chuyển thi hài lên Đá Chông theo đường bộ, đường thủy và đường không, bằng các phương tiện do ta tự thiết kế.

Và thực tế là chúng ta đã 2 lần sử dụng đường bộ, đường thủy để di chuyển thi hài Bác lên K9, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngày nay, K9 trở thành “ngôi nhà thứ hai” của Bác, một di tích lịch sử được nhiều người Việt Nam và khách quốc tế lên thăm.

50 năm đã qua, nhìn lại cả một quá trình dài, từ việc quyết định phải để đồng bào miền Nam được nhìn thấy Bác đến việc xây dựng lăng Bắc, từ việc phải dựa vào các chuyên gia Liên Xô gìn giữ thi hài Bác đến việc làm chủ công nghệ, có thể tự mình gìn giữ, bảo vệ Bác với những đòi hỏi tối cao, có một bài học rất lớn mà chúng ta càng nghĩ càng thấm thía: đó là bài học về việc phát cao độ sức mạnh toàn dân, theo đúng chân lí mà khi còn sống Bác luôn khẳng định: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chúng ta giữ lại thi hài Bác theo ý nguyện toàn dân. Chúng ta xây dựng lăng Bác bằng sức mạnh toàn dân. Và nhờ thế, chúng ta đã vượt lên rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những khúc rẽ bất ngờ, đột ngột của tình hình chính trị thế giới để đạt được mục tiêu của mình. 50 năm đã trôi qua, trong những ngày tháng 9 đầy kỷ niệm, thêm một lần nhớ lại bài học xương cốt đó là thêm một lần chúng ta hiểu mình sẽ tiếp tục phải làm gì trong một đời sống chính trị với đầy những biến động phức tạp quanh mình.

Hy vọng “câu trả lời sau 50 năm” cũng chính là những chỉ dẫn quan trọng cho hôm nay, để rồi 50 năm nữa, có đủ một độ dài lịch sử để nhìn lại hôm nay, chúng ta sẽ không hổ thẹn với những gì mà Bác luôn đau đáu khi còn sống.

Sơn Bách
.
.